Pages

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Việt kiều ở Pháp về nước làm ăn


Tại Pháp, thất nghiệp leo thang : Việt Kiều tìm cơ hội đầu tư
làm ăn ở Việt Nam (REUTERS /E. Gibbs)
Lê Phước
Hiện có khoảng 4 triệu người Việt hải ngoại, trong đó tại Pháp có khoảng 300 000 người. Nước Pháp đang trong vòng xoáy khủng hoảng của Châu Âu với tình trạng thất nghiệp leo thang. Do vậy, nhiều Việt Kiều Pháp đã tìm cơ hội đầu tư làm ăn ở Việt Nam. Đây là nội dung bài viết đăng trên báo La Croix với hàng tựa : "Việt Kiều trở lại Sài Gòn".

Tờ báo cho biết, lịch sử của những gia đình người Việt gốc Pháp này khá đa dạng. Họ tìm đến Pháp hoặc là sau khi Pháp thất bại trận Điện Biên Phủ hồi năm 1954, hoặc là sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ hồi năm 1975. Tờ báo dùng từ « trở lại » để chỉ trường hợp những người Pháp gốc Việt quyết định tìm đến đầu tư làm ăn và sinh sống tại đất nước Việt Nam.
Họ là những người sinh ra và lớn lên trên đất Pháp, hoàn toàn là người Pháp từ quốc tịch đến văn hóa. Thế nhưng, hoặc là cha mẹ, hoặc là ông bà họ là người Việt Nam, nên họ được xem là người Pháp gốc Việt, và khi đến Việt Nam thì rõ ràng đó là một cuộc « trở về ».
La Croix dẫn ra một số trường hợp cụ thể để minh chứng cho việc Việt Kiều Pháp trở lại Việt Nam. Nguyên nhân của những cuộc « trở về » này thì có nhiều, thế nhưng cái chính, theo tờ báo, đó là nền kinh tế đang phát triển năng động của Việt Nam. Tờ báo nhận định : « Hoạt động kinh tế ở Việt Nam rất sôi nổi, cơ hội việc làm vì thế rất nhiều ». Tờ báo còn đăng một bức ảnh chụp cảnh nhộn nhịp trong một siêu thị ở Hà Nội với dòng chú thích : «Nền kinh tế phát triển của đất nước đang thu hút người Pháp gốc Việt ».
La Croix dẫn lời một « Việt Kiều hồi hương » cho biết : «Người dân tại Việt Nam hồ hởi hướng về tương lai, bởi họ thấy thu nhập ngày càng tăng lên, bởi họ cảm nhận được họ sẽ khá giả hơn thế hệ bố mẹ của họ. Trong khi ở Pháp thì hoàn toàn ngược lại ». Một người Pháp gốc Việt khác đang làm ăn sinh sống tại Sài Gòn nói thêm : «Pháp là một nước nhìn về quá khứ. Chúng tôi chưa bao giờ hối hận cho quyết định đến đầu tư tại Việt Nam ». Có người còn coi Việt Nam là quê hương thứ hai khi nói : «Trong tim tôi, tôi có hai tổ quốc ».
Tuy vậy, bức tranh không chỉ có gam màu sáng. Tại Việt Nam, như ở Sài Gòn chẳng hạn, kinh tế phát triển năng động, nhưng kèm theo đó là sự ồn ào và ô nhiễm. Các Việt Kiều vì thế tranh thủ thời gian nghĩ để trở về tìm lại không khí trong lành ở Pháp. Một Việt Kiều tâm sự rằng anh tranh thủ kỳ nghĩ để về Pháp nhằm tìm lại « một chút tĩnh lặng, một ngôi làng Pháp hay một khu rừng ». Một Việt Kiều khác cho biết giao thông lộn xộn bằng xe gắn máy hai bánh ở sài Gòn rất nguy hiểm.
Thêm vào gam màu tối đó, La Croix đề cập đến tình trạng Việt Kiều về đầu tư tại Việt Nam phải chịu nạn tham nhũng trong quan hệ với chính quyền. Họ cũng cảm thấy một sự khác biệt trong cách làm việc ở Việt Nam so với Pháp, một sự khác biệt đáng suy ngẫm : Ở Việt Nam, khi thấy một cái gì đó không tốt trong công việc thì người ta ngại nói ra, « Người ta luôn để sự việc đổ bể ra rồi mới giải quyết, chứ không lo cảnh báo để phòng ngừa ».
Nhật Bản : Khủng hoảng điện?
Cũng tại Châu Á nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài viết : «Các nhà sản xuất điện tại Nhật Bản trong khủng hoảng ». Từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima, các lò phản ứng hạt nhân phải đóng cửa, các công ty điện lực tại xứ sở hoa anh đào gặp khó khăn chồng chất. Chỉ tính trong năm tài khóa 2012-2013, 10 công ty điện lực của nước này đã phải lỗ đến 1600 tỷ yên (13 tỷ euro).
Chỉ tính riêng tập đoàn điện lực lớn nhất Nhật Bản là Tepco thì thua lỗ trong giai đoạn này là 685 tỷ yên (5,4 tỷ euro). Trong năm 2011-2012, tập đoàn này cũng đã thiệt hại đến 781 tỷ yên. Cũng như các nhà sản xuất điện khác ở Nhật Bản, Tepco đã phải chi thêm nhiều tiền do giá cả năng lượng hóa thạch và gaz tự nhiên không ngừng tăng.
Hiện tại, chỉ có 2 trong số 50 lò phản ứng hạt nhân ở Nhật hoạt động. Các nhà sản xuất điện phải làm hết sức mình để bù khoản điện không được sản xuất bởi các lò chưa hoạt động trở lại. Trong khi đó, chi phí nhập khẩu nhiên liệu lại tăng, bởi từ giữa năm ngoái, nhà cầm quyền Nhật Bản đã cho hạ giá đồng yên đến 21%.
Tờ báo cho biết, chi phí nhập khẩu nhiên liệu của các nhà máy sản xuất điện tại Nhật đã tăng gấp 2 lần so với năm trước khi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima. Trong bối cảnh khó khăn đó, để bù lỗ, chắc chắn các tập đoàn điện lực phải tiếp tục tăng giá điện. Mà nếu tiếp tục tăng giá điện bán ra cho người tiêu dùng thì sẽ gây cản trở cho chính sách thúc đẩy tiêu dùng của chính phủ Shinzo Abe.
Ai Cập : Chìm trong bạo lực
Ai Cập thời hậu Mubarak bị tội ác gặm nhấm ». Tờ báo cho biết, sự thay đổi chế độ đã kèm theo sự bùng nổ các hành vi bạo lực vượt tầm kiểm soát của cảnh sát.
Tình trạng tội phạm giết người cướp của, bắt cóc tống tiền hiện đã lan rộng khắp nước Ai Cập. Tờ báo nêu ra những số liệu thống kê đáng báo động. Năm 2010, cả nước xảy ra 107 vụ bắt cóc tống tiền, đến năm 2012 con số này đã tăng lên đến 412 vụ. Chỉ trong vòng hai năm từ khi lật đổ Mubarak hồi tháng 02/2010, số vụ cướp xe hơi đã tăng 400%, số vụ cướp tại các hộ gia đình tăng từ 7368 vụ lên 11699 vụ, số vụ mà tội phạm sử dụng vũ khí nóng tăng đến 250%.
Bàn về nguyên nhân, một quan chức an ninh của Ai Cập nhấn mạnh đến việc sau khi lật đổ chính quyền Mubarak, đã có đến hàng chục ngàn tù nhân được phóng thích, trong đó có đến 5000 đối tượng bị xem là tội phạm nguy hiểm. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân vũ khí lan tràn do tình trạng mua bán vũ khí dễ dàng ở Libya thời hậu Kadhafi. Thêm vào đó là sự thiếu năng lực của các lực lượng an ninh và tình trạng thiếu minh bạch của hệ thống tư pháp.
Tất cả đã khiến cho đất nước Ai Cập đang đối mặt với tình trạng bạo lực hết sức nghiêm trọng. Một nhà tội phạm học tại Ai Cập nhận định tổng quát như sau : Thời Mubarak thì tham nhũng lan tràn, đàn áp dâng cao, còn thời hậu Mubarak hiện tại thì đó là tình trạng tội phạm cướp bóc hoành hành.
Syria : Hoa K ỳ sẽ cung cấp vũ khí cho phe nỗi dậy ?
Tiếp tục thông tin về tình hình chiến sự tại Syria nhật báo cánh tả Pháp Libération đăng bài : «Obama cẩn trọng về vũ khí hóa học ». Nhiều quan chức Hoa K ỳ đã tuyên bố, Mỹ sẽ trang bị vũ khí cho phe nổi dậy tại Syria, đó là thông tin được đăng tải trên các tờ Washington Post và New York Times vào hôm qua. Các tờ báo này cũng cho biết, quyết định nói trên sẽ được tiến hành trong những tuần lễ sắp tới.
Thế nhưng, đối với người quyết định là tổng thống Obama thì Libération cho biết, lời nói của ông có vẻ dè dặt hơn. Trong buổi họp báo hôm thứ ba này tổng thống Obama không nói rõ Mỹ sẽ làm gì cụ thể trong thời gian tới.
Libération cũng cho hay, tình báo Mỹ khẳng định quân đội Assad tại Syria đã sử dụng vũ khí hóa học ở quy mô nhỏ ít nhất là 2 lần. Thế nhưng, trong buổi họp báo, tổng thống Obama chỉ nói : «Hiện tại chúng ta chỉ có trong tay những bằng chứng cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria, nhưng chưa biết được cụ thể bên nào sử dụng ».
Hồi tháng 8 năm ngoái, tổng thống Obama tuyên bố, việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria sẽ là một « làn ranh đỏ », và nếu vạch đỏ này bị vượt qua thì nó có thể « làm thay đổi đáng kể những tính toán của Mỹ ». Thế rồi hôm thứ ba rồi, trong khi nhắc lại việc sử dụng vũ khí hóa học « sẽ làm thay đổi cuộc chơi », thì ông Obama lại nói thêm « không chỉ đối với nước Mỹ mà còn với cộng đồng quốc tế ».
Một chuyên gia về Syria tại Mỹ nhận định, quan điểm của Mỹ đã có thay đổi hướng về giải pháp đàm phán. Chuyên gia này nói rõ : « Từ khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, ông John Kerry đã thuyết phục Nhà Trắng hiểu rằng chính sách trước đây đối với Syria là không hiệu quả, nên phải thay đổi. Ông John Kerry và Nhà Trắng hiện muốn tạo ra những điều kiện cho quá trình đàm phán. Thế là, ông Obama đang tạo ra tình cảnh để chính quyền Assad cảm thấy là đang rất mỏng manh ».
Châu Âu : Thất nghiệp luôn đe dọa
Đến với tình hình khủng hoảng tại Châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài : «Kỷ lục thất nghiệp mới tại Châu Âu ».
Tờ báo nhắc lại, số liệu thống kê hồi cuối tháng cho thấy, trong 27 nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp bình quân là 10,9% dân số lao động, tức có khoảng 26,5 triệu người không việc làm. Con số này của 17 nước sử dụng đồng euro là 12,1%, tức khoảng 19,2 triệu người. Từ Madrid đến Athènes, người người lũ lượt xuống đường biểu tình chống các biện pháp khắc khổ, theo đó chi tiêu công và việc làm bị cắt giảm. Giáo hoàng Phanxicô cũng đã lên tiếng kêu gọi lãnh đạo các nước tìm mọi giải pháp để hạn chế thất nghiệp.
Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng đó thì thị trường lao động của Đức lại có vẽ khỏe khoắn, cho thấy sự chênh lệch trong phát triển giữa các nước EU. Theo số liệu vừa được công bố cách đây hai ngày, hồi năm ngoái đã có đến 34000 người lao động thuộc các nước khó khăn như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý và Bồ Đào Nha, đã tìm được việc làm tại nước Đức.
Pháp : Ngày quốc tế lao động đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống François Hollande
Hôm qua, ngày quốc tế lao động 01/5, như thường lệ hàng năm, các tổ chức công đoàn tại Pháp huy động người xuống đường biểu tình. Báo chí Pháp hôm nay tập trung cho chủ đề này với nhận định chung là : Các công đoàn chia rẽ sâu sắc.
Nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng bài : «Các công đoàn huy động yếu do chia rẽ », nhật báo cánh tả Libération chạy tựa : « Hollande, một đất nước của sự thất nghiệp », nhật báo Công Giáo La Croix có bài : « Một ngày 01 tháng 5 của các tổ chức công đoàn trong hỗn loạn », nhật báo kinh tế Les Echos thì chạy tít : « Các công đoàn biểu tình trong chia rẽ, nhưng có chung quan điểm chống khắc khổ ».
Theo số liệu của cảnh sát, thì trong ngày 01 tháng 5 hôm qua, trên toàn đất Pháp đã diễn ra khoảng 324 cuộc biểu tình với 97 300 người tham gia. Còn theo các công đoàn thì số người tham gia lên đến 160 000 người. Thế nhưng, dù số liệu nào thì cũng vẫn thấp hơn nhiều so với các cuộc tuần hành năm ngoái, diễn ra vài ngày trước vòng hai bầu cử tổng thống với số người xuống đường từ 350 000 đến 700 000 người.
Trên thực tế đó, tất cả các tờ báo nêu trên đều cho rằng, trong ngày quốc tế lao động đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống cánh tả François Hollande, các tổ chức công đoàn đã huy động quá ít người xuống đường. Bên cạnh đó, các công đoàn không đứng được cùng một hàng ngũ thống nhất mà lại còn chia rẽ về một số vấn đề nhạy cảm trong đó nổi lên là hồ sơ thất nghiệp tại Pháp.
Tuy vậy, các công đoàn và cả các chính đảng hầu như có tiếng nói chung trong việc phản đối chính sách khắc khổ tại Pháp nói riêng và trên toàn cõi Châu Âu nói chung. Le Figaro cho biết, không khí này không chỉ có riêng tại Pháp mà là ở nhiều nước Châu Âu khác như Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha và ngay cả ở Đức.
Các tờ báo cũng cho biết, bên cạnh hồ sơ khắc khổ, các đảng cánh tả trong đó có người thuộc đảng xã hội cầm quyền, đã lên tiếng phê phán tổng thống Hollande và cho rằng ông không cải thiện được gì đời sống của người lao động, một giai cấp ưu tiên của cánh tả. Thậm chí có người còn cho rằng, tổng thống Hollande ngày càng xa rời người lao động và gần gũi với giới chủ.

Không có nhận xét nào: