Vẫn còn “tài nguyên nhân quyền” đặt lên bàn đàm phán quốc tế, chủ đề hòa hợp và có thể cả hòa giải dân tộc lại đang được Hà Nội nhắc đến. Chỉ có điều, bối cảnh hiện thời khác xa so với gần một thập niên trước.
Biến đổi quan niệm
Dường như đã thấm thía ý nghĩa của mối quan hệ “song phương” và có thể cả đa phương hóa, gần mười năm sau nghị quyết số 36 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, giới chức lãnh đạo của quốc gia này mới hé cửa về triển vọng “hòa hợp dân tộc”.
Cũng tràn ngập ý nghĩa và không kém ấn tượng, bài phỏng vấn Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn do báo Thanh niên thực hiện với tiêu đề “Hòa hợp tạo ra sức mạnh cho dân tộc” đúng vào ngày 30/4 - kỷ niệm năm thứ 38 của “Bên thắng cuộc”, đã phác họa những nội dung chưa từng có tiền lệ kể từ năm 2004.
2004 - thời điểm mà nghị quyết 36 của Bộ chính trị ra đời, cũng là một “thời kỳ quá độ” mà Việt Nam tích cực vận động để “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được tô điểm thêm một sắc thái mới: thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Vào thời kỳ quá độ trên, chủ đề hòa hợp hòa giải dân tộc cũng đã được nêu ra, nhưng thể hiện một cách đầy chắt lọc chứ không phổ cập đại chúng trên báo chí trong nước như những ngày qua.
Độ lượng hơn trong ít nhất việc chọn lọc “đối tượng”, hòa hợp dân tộc đang biến diễn trong bối cảnh Việt Nam nhiệt thành xúc tiến cho một cuộc thương thuyết mới sau “phong trào” WTO: gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tất nhiên, kinh tế có thể đóng vai vế làm biến đổi cả quan niệm chính trị.
Những công nhân kết hoa trang trí xcho nàgy 30 tháng 4 năm 2013 tại Hà Nội. AFP photo |
“Cái nhìn hết sức tích cực”
Sau gần mười năm từ năm 2004, một quan chức có trọng trách về ngoại giao và cũng là chủ nhiệm của Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - ông Nguyễn Thanh Sơn, đã lần đầu tiên dẫn ra một quan niệm mới “Do hoàn cảnh lịch sử mà kiều bào ta vẫn còn một bộ phận mà ngày xưa chúng ta vẫn gọi là “phản động”. Quan điểm của tôi là không nên gọi như thế”.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Thanh niên, nhân vật số hai của Bộ ngoại giao Việt Nam đã “giải mật” một nội dung mà vẫn thường mang nặng dấu ấn cơ mật vào “ngày xưa”, khi ông tiết lộ việc thông qua Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Mỹ, vào tháng 10/2012 ông đã có những cuộc tiếp xúc tại Washington, Houston, California, quận Cam với “các cá nhân, tổ chức còn chống đối, có tư tưởng hận thù với đất nước”, trong đó có những thủ lĩnh, nhân vật “chống cộng khét tiếng’” như Nguyễn Ngọc Lập, Nguyễn Phương Hùng, Nguyễn Thành Quang, Võ Đức Quang, Đức Nguyễn, Thôn Thất Chiếu, Đông Duy, Nguyễn Á Độc Lập, Hoàng Duy Hùng…
Riêng đối với nhân vật Hoàng Duy Hùng, ông Sơn khen ngợi: “Vấn đề mà chúng ta từng lo ngại là các thành phần chống cộng cực đoan đã ngày càng giảm đi. Một trong những người cực đoan nhất như ông Al Hoàng (Hoàng Duy Hùng) vừa qua cũng đã được về nước và ông ấy đã có những cái nhìn hết sức tích cực như các anh (phóng viên) đã biết”.
Người được khen tặng - Hoàng Duy Hùng, một nghị viên của Thành phố Houston đặc trách về châu Á - đã có chuyến về thăm Việt Nam vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2013 qua lời mời của Bộ ngoại giao Việt Nam và của thành phố Đà Nẵng - đô thị được xem là “nơi đáng sống nhất Việt Nam” và đang có mối quan hệ kết nghĩa với Houston.
“Tôi e ngại rằng nhiều đảng phái quá sẽ không xây dựng được đất nước, nên tôi cho rằng hệ thống lưỡng đảng ở Hoa Kỳ đem áp dụng cho Việt Nam là tốt nhất, và đó cũng là sự “hợp nguyên”. Suy cho cùng, hệ thống lưỡng đảng là tương đối ổn thỏa nhất để xây dựng và phát triển Việt Nam” - ông Hoàng Duy Hùng đã nêu ra “cái nhìn hết sức tích cực” khi trả lời BBC tiếng Việt cũng vào ngày 30/4/2013 - thời điểm mà Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn hé cửa “hòa hợp dân tộc” trong trả lời phỏng vấn báo Thanh niên.
Nghị viên Houston Hoàng Duy Hùng còn đề nghị một phương án hết sức táo bạo: nếu Đảng cộng sản Việt Nam thuận theo sự tiến bộ và tách thành hai đảng, thí dụ Đảng cộng hòa (bảo thủ) và Đảng xã hội hay Đảng dân chủ (cấp tiến), thì đó chính là đột phá của lịch sử để giải quyết nhiều bế tắc trong nhiều năm qua ở ngay trong nội bộ Đảng cộng sản cũng như của chính những người bất đồng chính kiến và ở hải ngoại. Lúc đó, những người bất đồng chính kiến có thể tham gia một trong hai đảng mà không cảm thấy khó khăn.
Khá bất ngờ là chính trường Việt Nam, với những ẩn dụ chưa định hình, đang lần đầu tiên tạm chấp nhận sự hiện diện và cả phát ngôn của một nhân vật “khét tiếng chống cộng”.
Việt Nam dân chủ cộng hòa?
Cũng khá bất ngờ đối với người dân trong nước và còn đột ngột hơn với giới trí thức hải ngoại, tháng 4/2013 lại khởi đầu cho một “đột phá lịch sử” nào đó giữa Nhà nước với thành phần trí thức “bất đồng” ở Việt Nam, nhưng không được kích hoạt một cách trực tiếp, mà bằng vào sự hồi tưởng lịch sử năm 1946: Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Quay về tên nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa” cũng là một trong những nội dung cải cách chính trị của nhóm “Kiến nghị 72”.
Điều đáng ngạc nhiên là trong bối cảnh chỉ mới từ tháng 3/2013 trở về trước, khi việc sửa đổi Hiến pháp vẫn không chấp nhận các ý kiến trái chiều, thì trong một buổi tọa đàm lấy ý kiến Hiến pháp tại TP.HCM diễn ra sau đó không lâu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cho rằng “cần phải tiếp thu ý kiến nhiều chiều”.
Ý kiến đề xuất của một số nhân sĩ và cả giới chức mặt trận về việc đổi tên nước cũng vì thế được lưu tâm hơn. Trong số nhân sĩ này, có cả những người bất đồng chính kiến và những người mà “ngày xưa” còn bị cơ quan an ninh xem là “đối tượng chống đối”.
Nhưng chỉ mới đây thôi, có vẻ cách nhìn và thái độ của các cơ quan “đặc vụ” đã trở nên dịu dàng hơn nhiều. “Tôi cũng có quan hệ rất tốt với các cơ quan quốc phòng, công an và các anh ấy cũng rất ủng hộ tôi khi có đột phá vào những chuyện vẫn bị coi là nhạy cảm” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn trần tình trong trả lời báo Thanh niên.
Ông Sơn cũng gián tiếp khơi gợi về một sự kiện không kém ẩn ý trong thời gian qua: “Tại sao năm 1946 khi Bác (ông Hồ Chí Minh) đi thăm Pháp trong bối cảnh đất nước thù trong, giặc ngoài mà Bác không chọn bác Phạm Văn Đồng hay bác Võ Nguyên Giáp là quyền chủ tịch nước, mà lại ủy nhiệm cho cụ Huỳnh Thúc Kháng vị trí đó? Trong những lúc đất nước lâm nguy, khó khăn thì hơn bao giờ hết tinh thần đại đoàn kết dân tộc được thể hiện qua sức mạnh dân tộc trong các thành phần dân tộc, các tầng lớp trong xã hội. Người được lựa chọn không phải là người ở trong chính đảng mà Bác thành lập, mà là một chí sĩ yêu nước có uy tín lớn, đủ khả năng lãnh đạo đất nước”.
Vào trung tuần tháng 4/2013, sau khi đề xuất đổi tên nước được bất thường khởi xướng và có dấu hiệu lan rộng, một buổi lễ truy tặng huân chương Sao vàng cho chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã được tổ chức tại huyện ủy Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, với sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Thực ra, tình cảm tri ân lịch sử của ông Sang đã được thể hiện qua bài viết “Phải biết hổ thẹn với tiền nhân” của ông vào tháng 8/2012, trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 6 đầy sôi động.
Hòa giải?
Hướng về lịch sử chiến tranh Nam - Bắc cũng đang là tinh thần nổi trội sau gần mười năm mà nghị quyết 36 của Bộ chính trị vẫn bị nhiều nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước xem là “chưa đi vào thực tiễn”. Một trong những chủ trương có tính lịch sử như thế liên quan đến nghĩa trang quân đội Việt Nam cộng hòa ở tỉnh Bình Dương.
“Hai quân đội từng đối địch nhau, để như vậy càng tạo thêm sự xung đột sau này, cho nên chuyển thành nghĩa trang dân sự là rất đúng” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn giải đáp một cách không quá thiên về thói quen ngoại giao.
“Lần đầu tiên một quan chức Việt Nam bày tỏ nghĩa cử tưởng nhớ đối với tử sĩ Việt Nam cộng hòa, những chiến binh của phía thua cuộc” - báo chí phương Tây bình luận về sự hiện diện “đến thăm và thắp hương” của Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn tại đài tưởng niệm bằng đá đen mới được dựng lên trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ ở tỉnh Bình Dương, nơi chôn cất 16.000 binh lính Việt Nam cộng hòa đã tử trận.
Sự kiện đáng nhớ trên lại diễn ra vào tháng 3/2013, ngay trước khi xuất hiện một sự kiện khó quên khác: giáo sư Michael Dukakis - cựu ứng viên tổng thống Mỹ năm 1988, hiện là Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston - đã phát biểu đầy sôi nổi tại Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: “Các bạn là một dân tộc điển hình về hòa giải, hòa hợp sau chiến tranh, nỗ lực xây dựng một thế giới tránh xung đột”.
Dù vẫn thận trọng và chỉ dùng từ “hòa hợp” mà không có phụ ngữ “hòa giải”, nhưng lời lẽ trong nội dung trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn lại như toát lên một hàm ý nào đó về cả sự hòa giải dân tộc - điều chưa từng hiện diện một cách thực tâm và thực chất trong gần bốn chục năm qua giữa Nhà nước Việt Nam với “các thế lực thù địch”.
Cho tới giờ, người ta đã có thể giải thích vì sao trong không khí nhang khói tại nghĩa trang quân đội Việt Nam cộng hòa vào tháng 3/2013, lại có mặt một trong những đại diện của “thế lực thù địch ấy” - ông Nguyễn Đạc Thành, nguyên thiếu tá quân lực Việt Nam cộng hòa, cựu tù cải tạo và hiện là Chủ tịch Hội Vietnamese American Foundation, bên cạnh “Người thắng cuộc” Nguyễn Thanh Sơn.
Nếu kinh tế có thể làm biến đổi quan niệm chính trị, thì quan niệm ấy cũng có thể khiến đổi khác những hành động về ý thức hệ.
Đó cũng là lý do giải thích cho một hành động rất mới mẻ là chính vào bối cảnh “rất nhạy cảm” như hiện nay, tờ báo Thanh niên của Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lại có đủ can đảm để nêu ra một câu hỏi đặc biệt đối với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: “Bài học lịch sử ấy (thời kỳ đầu xây dựng nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), theo ông, có thể áp dụng thế này vào hiện tại để tập hợp những con người có thể có quan điểm, chính kiến khác nhau vì mục tiêu phát triển của đất nước?”.
Rất có thể đây là lần đầu tiên từ rất nhiều năm qua, một tờ báo “quốc doanh” lộ ra mối quan tâm với những người bất đồng chính kiến mà không bị Ban tuyên giáo trung ương “tuýt còi”.
Tài nguyên nhân quyền!
Trong Việt Nam đương đại, chủ đề “Phát triển đất nước” là một bài toán quá nhiều ẩn số với xuất phát điểm của quá nhiều nguyên nhân, mâu thuẫn và xung đột thuộc về nội tại.
Chìm trong suy thoái và gần như cạn kiệt về sức hồi sinh, nền kinh tế Việt Nam và những người điều hành nó đang phải bằng nhiều cách tìm ra lối thoát.
Nếu Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn dường như đang cố gắng thể hiện “gương mặt ôn hòa” với kỳ vọng có thể thu hút từ 10 đến 20 tỷ USD kiều hối từ 4,5 triệu “kiều bào ta”, thì sau gần mười năm, nghị quyết số 36 của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn rất xa mới đạt được ý nghĩa trọn vẹn về hình thể và nhân cách của nó.
Cũng gần như cạn kiệt tài nguyên, ngoài dầu khí ở khu vực biển Đông, Việt Nam đang tụt hậu quá xa so với Myanmar trong nhãn quan lợi nhuận của giới tư bản quốc tế.
Trong bối cảnh đầy ám ảnh như thế, hiển nhiên lời đánh đố về tính hấp dẫn mang tính cứu cánh của TPP như “Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất”, cũng như kết quả đàm phán gia nhập tổ chức này của Việt Nam, vẫn là một cái gì đó không thể không liên đới với khuyến cáo mới đây của tiến sỹ Jonathan London của Trường đại học tổng hợp Hồng Kông, trong một cuộc hội thảo tại Trường đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi): “Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để chọn con đường cải cách, đẩy mạnh cải cách chính trị để thu hút hậu thuẫn cho chủ quyền của mình ở biển Đông”.
Ứng với những động thái khá cấp tập “vừa tranh thủ vừa đấu tranh” nảy ra trong các mối quan hệ Việt - Mỹ và Việt Nam - Liên minh châu Âu, vào lần này hình như chủ quyền lại đồng nghĩa với quyền con người.
Thường được mô tả như “một thị trường tiêu thụ tiềm năng với hơn 80 triệu người”, Việt Nam cũng còn một thứ tài nguyên đặc chủng để đặt lên bàn đàm phán quốc tế: tài nguyên nhân quyền.
Một lần nữa từ nhiều năm qua và sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ tái lập ở Hà Nội vào giữa tháng 4/2013, chủ đề hòa hợp và có thể cả hòa giải dân tộc được Hà Nội nhắc đến.
Chỉ có điều, bối cảnh hiện thời đang khác xa so với gần một thập niên trước.
Phạm Chí Dũng gửi RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét