Pages

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

G.S. Carl Thayer và câu chuyện Hoàng Sa

Carl Thayer, vị giáo sư đã nghỉ hưu của Học viện Quốc phòng Úc, Đại học New South Wales, đã nhiều lần sang Việt Nam dự các hội thảo quốc tế. Nhưng, có lẽ, đây là lần đầu tiên GS Carl Thayer đến một tỉnh lẻ như Quảng Ngãi.

Ngày 27.4.2013, Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo quốc tế về chứng cớ lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại Đại học Phạm Văn Đồng.

Tại cuộc hội thảo đó, GS Thayer đã gặp những đồng nghiệp đã cùng ông dự các cuộc hội thảo Biển Đông tại Hà Nội và TP HCM, như  nguyên Tổng Thư ký ASEAN Rod Severino, TS Renato de Castro từ Philippines, TS Subhash Kapila từ Ấn Độ, hay GS Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine (Hoa Kỳ).

Đặc biệt hơn, ông đã gặp lại Murray Hiebert, một chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington DC (Hoa Kỳ), người từ vài năm trở lại đây thường chủ toạ các phiên thảo luận về Biển Đông tại hội thảo tại CSIS, mà GS Thayer luôn được mời tham dự.

Là chuyên gia hàng đầu về Việt Nam, GS Thayer biết rằng trước khi chuyển qua kênh học giả, Hiebert đã từng là phóng viên nổi tiếng của tờ tạp chí nổi tiếng một thời “Tạp chí Kinh tế Viễn Đông”. Bản thân Hiebert đã từng có kỷ niệm đáng nhớ với Việt Nam vào đầu những năm ’90, khi ông từng là phóng viên thường trú của hãng này tại Hà Nội, giai đoạn Việt Nam bắt đầu đổi mới về kinh tế.

Thế nhưng... “phúc bất trùng lai”! Bài tham luận được GS Thayer chuẩn bị rất cẩn thận về vụ kiện Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc của Philippines, có lẽ là lần đầu tiên, đã không được trình bày tại hội thảo. Đơn giản vì cùng đề tài này đã có bài trình bày của Murray Hiebert, và vị học giả của CSIS, người sẽ tiếp tục chủ toạ hai phiên thảo luận trong cuộc hội thảo về Biển Đông vào đầu tháng 6 tại CSIS.

Nhưng GS Thayer không đơn độc. Cùng chung số phận với ông còn có một loạt các học giả khác nguyên TTK ASEAN Rod Severino, TS Renato de Castro từ Philippines, hay TS Subhash Kapila từ Ấn Độ. Các học giả Việt Nam, như Phạm Hoàng Quân, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vì chương trình tổ chức trong một ngày nên các tham luận đó không có thời gian trình bày, và ban tổ chức đã dành thời gian khá lớn cho các cuộc tranh luận.

Carl Thayer, Hoàng Sa, Quảng Ngãi,
GS Thayer (bên trái) tại Quảng Ngãi.
Chứng cứ lịch sử đối với học giả nước ngoài

Trong phiên thảo luận về chứng cớ lịch sử, GS Thayer đã hỏi mọi toàn bộ những học giả Việt Nam trình bày tham luận một câu hỏi: Trong quá trình đọc các ghi chép về lịch sử của Việt Nam, liệu có cái nào nói về sự hiện diện của người nước ngoài trên quần đảo Hoàng Sa?

Tất cả những người được hỏi đều đưa ra câu trả lời rất cụ thể, GS Thayer cho biết.

Chẳng hạn, có ghi chép nói rằng các công dân Trung Hoa đã tới Hoàng Sa, nhưng, theo luật Trung Hoa thời đó, sống ở trên những hòn đảo nước ngoài như vậy là bất hợp pháp.

Hay có ghi chép ghi lại rằng quan chức thuộc tỉnh Quảng Đông có tham gia vào hành vi khẳng định chủ quyền, thế nhưng không hề có sự tham gia của chính quyền trung ương của Trung Hoa.

Hoặc, người Trung Hoa chỉ đến Hoàng Sa theo mùa vụ đánh cá, chứ không phải định cư hoàn toàn. Còn đối với Việt Nam, các học giả Việt Nam đã chỉ ra những sắc chỉ của các Chúa Nguyễn cử các hải đội đi ra cai quản Hoàng Sa.

“Học giả nước ngoài có dành bao nhiêu thời gian để nghiên cứu sử liệu và chứng lý về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, thì họ vẫn phải phụ thuộc vào học giả Việt Nam, những người có thể đọc được những tài liệu cổ bằng tiếng Việt được lưu trữ tại Việt Nam”, GS Thayer nhận xét.

Chẳng hạn, như ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, đã trình bày một bản tham luận rất thú vị về Vua Minh Mạng ban sắc chỉ cho các hải đội Hoàng Sa.

Hay GS Nguyễn Quang Ngọc của Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp những tư liệu mới tìm được về hải đội Hoàng Sa.

“Những tư liệu này (của GS Nguyễn Quang Ngọc) thực sự đã làm cho tôi cảm thấy được khai sáng”, GS Thayer nói.

Hoặc, TS Nguyễn Nhã, từ Hội Sử học, đã rất xuất sắc trong việc bắt bẻ những điểm yếu trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Theo GS Thayer, các cuộc hội thảo, như ở Đại học Phạm Văn Đồng, là vô cùng có giá trị đối với người nước ngoài, theo ý nghĩa giáo dục.

Lần đầu tiên đến Lý Sơn

Có lẽ GS Thayer, cùng với các đại biểu nước ngoài dự hội thảo Biển Đông, gần như là những người nước ngoài đầu tiên có mặt ở Lý Sơn. Ít nhất là từ khi Trung Quốc lộ rõ bộ mặt muốn xâm chiếm 80% Biển Đông thông qua đường lưỡi bò.

Trong con mắt của GS Thayer, đảo Lý Sơn đã cung cấp một sự biểu dương về khía cạnh thực tiễn lịch sử hàng hải lâu đời của Việt Nam. Đó là, khi tàu cập bến Lý Sơn, không ai là không nhận thấy một số lượng lớn các thuyền đánh cá.

Hơn nữa, mục đích của chuyến đi này, không phải để ngắm cảnh, mà để tham dự buổi lễ khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn. Buổi lễ này đã tái hiện phần lịch sử trong trí nhớ con người về các hy sinh và thắng lợi của người Việt hơn hai thế kỷ trước.

 “Nhưng, đối với tôi, sự kiện thú vị nhất trên đảo là hai câu chuyện của ngư dân’’, GS Thayer kể lại.

Một người là ngư dân trong lần đánh cá ở Hoàng Sa năm 1981 đã mang trở về tấm vải có in  những dòng chữ trên một tấm đá mà ông ta không hiểu người ta đã viết gì trên đó. Đó là bản khắc trên đá từ năm thứ hai của Triều Nguyễn, và cung cấp chứng cớ lịch sử rằng Hoàng Sa nằm dưới quyền tài phán của Việt Nam.

Người ngư dân còn kể lại chính người Trung Quốc đã cố tiêu huỷ những bằng chứng đó đi.

Ông ta còn kể chuyện bị bắt thế nào, bị cư xử tàn tệ ra sao. Nhưng, cuối cùng, ông vẫn thể hiện quyết tâm tiếp tục đánh cá ở vùng Hoàng Sa - vùng nước thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Câu chuyện thứ hai GS Thayer được nghe là từ thuyền trưởng tàu cá bị tàu Trung Quốc bắn pháo sáng vào sáng 20.3 – một câu chuyện mà chúng tôi sẽ kể tiếp trong phần 2 của câu chuyện này.

Huỳnh Phan

(VNN)

Không có nhận xét nào: