Pages

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Tàu chiến Pháp tới Việt Nam với dụng ý gì ?

Theo thông cáo từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, hai tàu hải quân Pháp, Tonnerre và Georges Leygues, sẽ từ Singapore đến thăm miền Nam Việt Nam trong ba ngày, từ 18 đến 21/06/2013.

Chuyến thăm của hai tàu chiến Pháp nằm trong khuôn khổ chương trình huấn luyện tác chiến của khóa huấn luyện thực hành mang tên Jeanne d'Arc 2013, thực hiện các hải trình qua Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Biển Đông. Khóa huấn luyện thực hành này, với 123 sĩ quan học viên, trong đó có một sĩ quan của Việt Nam, bắt đầu từ tháng 3/2013 và kéo dài tới cuối tháng 7/2014.

Chiến hạm Tonnerre là tàu chỉ huy do đại tá Jean-François Quérat làm thuyền trưởng, còn chiến hạm Georges Leygues là tàu hộ tống do trung tá Romuald Bomont chỉ huy.

Theo thông cáo từ Đại sứ quán Pháp, Tonnerre là "chiến hạm ưu tú" của hải quân Pháp. Do kích thước quá lớn, tàu Tonnerre sẽ không vào cảng Sài Gòn mà thực hiện cập cảng kỹ thuật tại Vũng Tàu. Tàu Georges Leygues sẽ thực hiện chuyến thăm xã giao thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) và neo đậu tại Cảng Sài Gòn. Ngoài các hoạt động xã giao và giao hữu với giới chức thành phố và hải quân Việt Nam như thường lệ, một buổi tiệc sẽ được tổ chức trên tàu Georges Leygues, với sự có mặt của đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier từ Hà Nội vào cùng các quan chức quân dân sự và đại sứ của nhiều nước. Mục đích của chuyến viếng thăm này nhằm giới thiệu khả năng chiến đấu của những tàu chiến Pháp trên Biển Đông.

Tonnerre là một loại tàu chiến tương đối lớn thuộc lớp Mistral, dài 199 m, rộng 32 m, trọng tải tổng cộng 32.300 tấn, có thể chạy liên tục hơn 10.000 hải lý với tốc độ 18,8 hải lý/giờ, hay 20.000 hải lý với tốc độ 15 hải lý/giờ. Tàu được trang bị hai hệ thống phóng hỏa tiễn địa-không SIMBAD, 2 đại bác 30 ly Breda-Mauser và 4 đại liên Browning M2-HB 12 và 7 ly. Chiến hạm Tonnerre được khối NATO xếp vào hạng LHD (Land Helicopter Dock), có nghĩa là tàu y chở trực thăng và đổ bộ, được dùng để làm bộ chỉ huy tác chiến CFPS (Command and Force Projection Ship). Thân tàu có thể chứa 16 trực thăng chiến đấu và tiếp vận hạng nặng, hay 36 trực thăng hạng nhẹ. Tonnerre (L9014) là chiếm hạm thứ ba của Pháp thuộc loại LHD được đưa vào hoạt động nằm 2006. Hai chiếc khác là Mistral (L9013) đi vào hoạt động từ năm 2006 và Dixmude (L9015) năm 2012. Chiếc thứ tư (L0916) đang chờ lệnh để đóng.

Georges Leygues là một loại tàu hộ tống bọc thép (dầy từ 100 đến 120 mm) chống tàu ngầm thuộc loại khá lớn, dài 179 m, rộng 17,5 m, trọng tải tổng cộng 9.120 tấn, có thể chạy với tốc độ tối đa là 32 hải lý/giờ. Tàu được trang bị 3 pháo tháp đại bác 152 ly, 4 đại bác đôi 90 ly và 6 đại bác 4 nòng 40 ly và 4 ống phóng ngư lôi 550 ly. Thân tàu có thể chở 6 trực thăng và 2 thủy phi cơ săn tàu ngầm và dàn phóng mìn diệt tàu ngầm. Vì thân tàu quá nặng, tầm hoạt động của tàu tương đối ngắn, do đó cần được tiếp liệu thường xuyên : từ 7.000 hải lý với tốc độ 12 hải lý/giờ đến 1.650 hải lý với tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ.

Hải quân Pháp mỗi năm đều có tàu tới thăm Việt Nam. Trước đó, từ ngày 27/05 đến 01/06, tuần dương hạm L’Adroit, một loại tàu chiến hiện đại nhất thuộc lớp Gowind của Pháp, ghé cảng Hải Phòng trong khuôn khổ các sinh hoạt nhân Năm Pháp tại Việt Nam. Nhưng sự viếng thăm khá thường xuyên Việt Nam bởi những tàu chiến hiện đại nhất của Pháp chắc chắn là với dụng ý chào hàng, vì Biển Đông hiện nay là lò lửa tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia có chung vùng biển.

Với khả năng tài chánh và trình độ kỹ thuật của hải quân Việt Nam, xác suất mua những loại tàu chiến mới này rất thấp, và Pháp biết rõ điều này. Ngược lại, bộ quốc phòng Trung Quốc rất muốn thụ đắc khả năng đóng tàu chiến đổ bộ chở trực thăng hạng nặng và đã gợi ý muốn mua kỹ thuật của Pháp. Tokyo rất e ngại yêu cầu này được thỏa mãn nên đang vận động để Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục duy trì cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Trong những năm qua, Moskva đã đặt mua của Pháp những tàu chở trực thăng LCD như chiến hạm Tonnerre và đã bị khối NATO phản đối.

Không ai biết những gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới nếu Trung Quốc không mua được kỹ thuật chế tạo tàu đổ bộ chở trực thăng của Pháp, có thể Bắc Kinh sẽ nhờ Hà Nội mua giùm chăng ? Gần đây, ban lãnh đạo quân sự Trung Quốc đang ve vãn khá đặc biệt những cấp lãnh đạo quân ủy trung ương Việt Nam, qua các chương trình tập huấn, trao đổi kinh nghiệm.

Nguyễn Văn Huy

(Thông luận)

Không có nhận xét nào: