Pages

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Trung ương Đảng 'nhấn mạnh an ninh'

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh tư liệu)
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XI vừa bế mạc thứ Tư 9/10 với việc thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XII.
Đó là các tiểu ban Văn kiện, Kinh tế – xã hội; Điều lệ Đảng; Nhân sự; và Tổ chức phục vụ Đại hội.

Hội nghị 8 khai mạc hôm 30/9, họp tới nay là 10 ngày.
Các ủy viên Trung ương đã thảo luận về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ và nhân sự cụ thể của từng Tiểu ban; "coi đây là công việc khởi đầu cho quá trình chuẩn bị Đại hội XII của Đảng".

Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc, trong đó vẫn nhấn mạnh nhu cầu ổn định an ninh chính trị.
Tuy nhiên, hội nghị lần này đặc biệt đề cậ́p tới nguy cơ chiến tranh, và điều gọi là "Vận dụng nhuần nhuyễn bài học dựng nước và giữ nước của ông cha".
Diễn văn của TBT Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cho rằng: 10 năm qua, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động rất phức tạp, đất nước gặp nhiều khó khăn gay gắt, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá nước ta".
"So với 10 năm trước, tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều thay đổi sâu sắc, có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Đông Nam Á trở thành địa bàn cạnh tranh quyết liệt về thị trường và tài nguyên; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo diễn biến phức tạp."
Ông Trọng cảnh báo: "Đã xuất hiện một số loại hình chiến tranh kiểu mới, như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, sử dụng sức mạnh mềm thông qua các hoạt động kinh tế, ngoại giao, văn hóa kết hợp với 'diễn biến hòa bình', bạo loạn lật đổ… hết sức nguy hiểm".
Các ủy viên Trung ương tại Hội nghị 8 thống nhất cần "nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của cha ông ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa".
Ngoài việc phòng chống nguy cơ chiến tranh, xung đột, nguy cơ bạo loạn, khủng bố, giới chức Việt Nam được khuyến cáo hết sức cảnh giác trước việc hình thành tổ chức chính trị đối lập.

Sửa đổi Hiến pháp

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 8 cũng "dành nhiều thời gian thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau và góp ý cụ thể vào từng chương, điều và toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992".
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 92 đã được mang cho toàn dân góp ý trong một quá trình nhiều tháng, nhưng vẫn bị chỉ trích là "hình thức" và "không thực chất".
Dù vậy, Hội nghị Trung ương cho rằng "Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cơ bản đã được hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn kỹ thuật văn bản, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra".
"Nội dung Dự thảo đã phản ánh được ý chí và nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước."
Toàn văn bản dự thảo sửa đổi sẽ được mang ra thông qua vào kỳ họp Quốc hội lần thứ sáu vào cuối năm nay.
Đã có nhiều tiếng nói kêu gọi hoãn tiến trình thông qua Hiến pháp sửa đổi để thảo luận cho thấu đáo, nhưng dường như Đảng đã quyết hoàn tất sớm quá trình này.
Hội nghị Trung ương 8 cũng đề cập tới đổi mới kinh tế trong hai năm cuối của nhiệm kỳ Khóa XI, và đề ra các mục tiêu là "Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi nhịp độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh... gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế".

Không có nhận xét nào: