Pages

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Chủ Tịch Tập Cận Bình trên đường đến thủ đô Washington

RFA

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trả lời phỏng vấn tại tại hãng máy bay Boeing ở Everett, Washington ngày 23/9/2015. Ông Tập Cận bình đã ghé Seattle trước khi đến thủ đô Washington
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trả lời phỏng vấn tại tại hãng máy bay Boeing ở Everett, Washington ngày 23/9/2015. Ông Tập Cận bình đã ghé Seattle trước khi đến thủ đô Washington
 AFP









Bốn giờ chiều hôm nay tại căn cứ không quân Andrew Air Force Base nằm phía ngoài thủ đô Washington D.C., chiếc phi cở chở Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô cất cánh đi New York, là chặng dừng chân thứ nhì của Ngài trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ kéo dài 6 ngày.

Đúng một tiếng đồng hồ sau đó cũng tại sân bay vừa nói, chiếc phi cơ chở Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình hạ cánh, và mọi người trông đợi cuộc gặp gỡ quan trọng sẽ diễn ra ở Nhà Trắng vào ngày mai, thứ Sáu 25 tháng Chín 2015 giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và người lãnh đạo đảng, nhà nước Trung Quốc. Những gì sẽ được nói đến ở thượng đỉnh Mỹ-Trung? Liệu cuộc thảo luận quan trọng này có đem lại kết quả nào hay không? Đó là những câu hỏi được Diễm Thi đặt ra trong cuộc trao đổi với anh Nguyễn Khanh sau đây.


Diễm Thi: có người cho rằng Tổng Thống Hoa Kỳ đón Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô trước khi đón ông Tập Cận Bình là dấu hiệu bên trọng bên khinh, điều đó có đúng không?
Nguyễn Khanh: câu trả lời của tôi là không. Thông thường, những cuộc gặp gỡ với Tổng Thống Hoa Kỳ bao giờ cũng được sửa soạn ít nhất là nửa năm, có khi cả năm trời, sao cho phù hợp với lịch trình làm việc của Tổng Thống và phù hợp với thời khóa biểu của khách được mời.
Ngoài ra, chúng ta cũng đừng quên ông Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ với tư cách quốc khách, sẽ được đón tiếp long trọng ở Nhà Trắng với tất cả những nghi thức dành cho một quốc trưởng, trước khi bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Mỹ. Một điểm nữa là tối nay ông được mời dùng cơm với Tổng Thống Obama và Phó Tổng Thống Joseph Biden, tối mai ông cùng phu nhân dự quốc tiệc do Tổng Thống Obama và Đệ Nhất Phu Nhân Michelle khoản đãi. Chị thấy tối trước tiểu yến, tối sau đại yến, như thế làm sao bảo là bên trọng bên khinh được, đó là chưa kể đến chuyện một nhà lãnh đạo được Tổng Thống Hoa Kỳ mời ăn 2 bữa cơm liên tiếp là điều hiếm khi xảy ra, phải nói cho đúng là rất hiếm khi xảy ra.
Diễm Thi: chúng ta có thể xem những điều đó là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang nồng ấm hơn hay không?
Nguyễn Khanh: tôi không nghĩ như thế. Tôi thấy quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày một trở nên khó khăn hơn, có nhiều vấn đề, nhiều trở ngại hơn, do đó, tôi nghĩ rằng những nghi lễ đón tiếp đặc biết mà Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama dành cho Chủ Tịch Tập Cận Bình chỉ nhắm vào mục đích làm thế nào để mối quan hệ  khó khăn đó đừng trở nên lạnh nhạt hơn.
Diễm Thi: khó khăn ở những điểm nào?
Nguyễn Khanh: ở rất nhiều điểm, và tất cả những điều khó khăn đó đều đã được các viên chức Nhà Trắng nói đến trước ngày ông Tập Cận Bình đến Mỹ, và nói rõ là Tổng Thống Obama sẽ thẳng thắn trình bày với người lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc.
Trước hết là chuyện tin tặc. Hoa Kỳ có những bằng chứng xác nhận bọn tin tặc chuyên đánh phá, xâm nhập các trang mạng của chính phủ và những công ty Hoa Kỳ để lấy tin tức là lực lượng được chính phủ Bắc Kinh yểm trợ, vì thế, hôm thứ Hai vừa rồi, Bà Cố Vấn An Ninh QUốc Gia Susan Rice đưa ra lời cảnh báo rất cứng rắn, nói rằng chính phủ Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc này. Bà nói thêm hành động của bọn tin tặc gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và kinh tế của nước Mỹ, gây ảnh hưởng bất lợi cho quan hệ giữa hai nước, và tin mới nhất cho thấy số lượng tài liệu cá nhân của công chức Mỹ bị bọn tin tặc Trung Quốc đánh cắp gấp 5 lần con số đã được chính phủ Mỹ công bố trước đây.
Chuyện thứ nhì là việc Trung Quốc bồi đắp, cải tạo các đảo và bãi đá ở Trường Sa, gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, đe dọa an ninh các nước nhỏ láng giềng, trong đó có Việt Nam, đe dọa an ninh hàng hải và hàng không ở tuyến đường quan trọng nhất nhì thế giới. Đây là điều Tổng Thống Obama, Ngoại Trưởng John Kerry, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Ashton đã nói đến, không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Vì thế,  các viên chức Nhà Trắng cho biết trước trong cuộc thảo luận thượng đỉnh, Tổng Thống Obama sẽ khẳng định rõ 2 điều, thứ nhất Trung Quốc là một cường quốc và phải ứng xử như một cường quốc, thứ nhì là Hoa Kỳ sẽ tái khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trên các tuyến đường đi ngang qua Biển Đông.
Điều thứ 3 là vấn đề nhân quyền. Bản báo cáo tình trạng nhân quyền toàn cầu do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phổ biến hàng năm cho thấy tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc không được cải thiện mà ngày lại một xấu hơn trước, chuyện đàn áp tôn giáo, bắt giữ những người lên tiếng trình bày quan điểm một cách ôn hòa, chuyện đàn áp blogger, đàn áp những nhà báo tự do ngày càng gia tăng, khiến chính phủ Mỹ phải quan ngại hơn. Chỉ những điểm đó không thôi đã cho thấy thượng đỉnh Mỹ- Trung lần này rất căng thẳng. Xin được nói rõ chữ “căng thẳng” không phải là chữ của tôi, mà là chữ của các nhà quan sát chính trị ở thũ đô Washington dùng để nói về cuộc họp sắp diễn raq giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình.
Diễm Thi: biết trước là căng thẳng, liệu 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ giải quyết như thế nào?
Nguyễn Khanh: thú thật với chị, tôi chưa thấy có cách giải quyết.
Diễm Thi: dựa vào đâu mà anh có câu trả lời có vẻ bi quan như vậy?
Nguyễn Khanh: thú thật với chị tôi không muốn bi quan nhưng cũng chẳng thể nào lạc quan. Lý do là vì trong bài diễn văn nói về chính sách đọc ở Seattle hôm thứ Ba vừa rồi, ông Tập Cận Bình nói rằng mâu thuẫn và đối đầu sẽ dẫn đến tai họa cho cả 2 nước và cho toàn thế giới, cho rằng 2 nước cần phải hiểu rõ hơn về mục đích chiến lược của nhau, đề nghị một mô thức mới cho quan hệ cường quốc, trong đó bao gồm việc hiểu nhau hơn và giảm thiểu tối đa sự nghi kỵ.
Về chuyện biển Đông, ông Tập Cận Bình cho biết mọi hoạt động xây dựng, cải tạo mà Trung Quốc làm ở Trường Sa không nhắm vào mục đích đe dọa bất kỳ quốc gia nào, và được thực hiện trên những hòn đảo, bãi cạn chủ quyền thuộc về Hoa Lục. Ông còn lên tiếng cho rằng không nên gây thêm ồn ào về chuyện Biển Đông. Còn chuyện tin tặc thì ông Tập gọi hành động của bọn tin tặc là hành động phạm pháp, nói thêm chính Trung Quốc cũng là nạn nhân của bọn gian, đề nghị lập một ủy ban cấp cao để cùng giải quyết tệ nạn này.
Điều đó báo trước là tranh cãi sẽ diễn ra ở thượng đỉnh, và cuối cùng cả hai đều hiểu chuyện tin tặc, biển Đông hay nhân quyền là chuyện khó có thể giải quyết ở thượng đỉnh lần này, cách tốt nhất là tránh đừng để tình hình trở nên xấu hơn. Điều cả hai nhà lãnh đạo đều biết là quan hệ song phương Mỹ-Trung không chỉ ảnh hưởng tới ổn định, phát triển của hai nước, mà ảnh hưởng đến ổn định và phát triển toàn cầu. Dó đó, tôi tin rằng một mặt, cả hai nhà lãnh đạo đều cố gắng bằng mọi cách để giữ vững lập trường, quan điểm của mình, mặt khác như lúc nãy tôi có nói từ lúc đầu là họ sẽ làm thế nào để mối quan hệ  khó khăn hiện nay đừng trở nên lạnh nhạt hơn.
Diễm Thi: liệu có thể làm được điều đó không?
Nguyễn Khanh: thưa chị tôi nghĩ có. Tôi nghĩ 2 quốc gia sẽ đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đưa ra lời cam kết cùng làm viêc chung để bảo vệ môi trường, không chấp nhận những hành động mang tính gây hấn của Bắc Hàn chẳng hạn. Tức là Tổng Thống Obama và ông Tập Cận Bình khai thác tối đa những điểm đồng thuận, xem đó là thành quả của thượng đỉnh Mỹ-Trung 2015, trong lúc chờ có dịp giải quyết những điểm rất muốn giải quyết nhưng chưa thể giải quyết được ngay trong lúc này.
Diễm Thi: xin cám ơn anh Nguyễn Khanh.

Không có nhận xét nào: