Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-12-07
Nhiều người dân trong nước tiếp tục lên tiếng về những bất công, sai phạm mà chính quyền các cấp khác nhau đang gây ra cho bản thân và gia đình họ.
Photo courtesy of vietnamexodus.org
Dân oan các tỉnh Miền Nam biểu tình tại Hà Nội sáng 07/12/2010
Trước những khiếu nại đó, cơ quan chức năng giải quyết thế nào? Gia Minh trình bày trường hợp khiếu nại gần đây do ba phụ nữ đứng tên.
Dân tiếp tục tố cáo
Vào hai ngày 5 và 6 tháng 12 vừa qua, có ba phụ nữ tại ba địa phương khác nhau của Việt Nam lại phải công khai tình trạng gia đình và bản thân trước những hành xử mà họ cho vi phạm những qui định của Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam.
Tại Hà Nội, vào ngày 5 tháng 12, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, tiếp tục có hai hai đơn tố cáo: một gửi đến ông Trần Quốc Vượng, Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; và một đơn gửi Thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An- yêu cầu đình chỉ điều tra, huỷ bỏ quyết định khởi tố hình sự, trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ. Hai đơn tố cáo này được người em gái của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ gửi cho mạng Bauxite.vietnam đăng tải, sau đó nhiều trang blog cá nhân đã đăng lại.
“Cho đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa nhận được những quyết định khởi tố bị can, bị cáo đối với ông Cù Huy Hà Vũ.
Bà Nguyễn thị Dương HàBà Nguyễn thị Dương Hà cho biết lý do phải tiếp tục có những đơn như thể gửi cơ quan chức năng:
"Hôm 30/11 người ta gửi trả lời, đến ngày 4 tôi nhận được, và ngày 5 tháng 12 tôi viết đơn tố cáo. Lý do người ta từ chối cấp giấy bào chữa cho luật sư. Tôi rất kiên trì để nhận được đơn trả lời cho làm luật sư cho chồng, thành ra tôi cứ ‘lặng’ như thế.
Thật ra tôi có thể làm đơn khiếu nại, nhưng tôi lại làm đơn tố cáo, bởi sợ người ta lại cho rằng trong vòng 15 ngày là hết thời hiệu khiếu nại.
Cho đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa nhận được những quyết định khởi tố bị can, bị cáo đối với ông Cù Huy Hà Vũ."
Hai đơn tố cáo vừa nêu nằm trong số những đơn thư mà người thân trong gia tộc của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã gửi cho các cơ quan chức năng từ trung ương đến thành phố Hà Nội sau khi ông này bị bắt giữ hôm rạng sáng ngày 5 tháng 11 vừa qua tại Khách sạn Mạch Lâm, phường 11, quận sáu, thành phố Hồ Chí Minh.
Một cảnh khiếu kiện đất đai thường thấy của người dân. Photo courtesy of vietnamexodus.org Trường hợp thứ hai lên tiếng kêu cứu khẩn cấp là của bà Hồ Thị Bích Khương, một người từng bị tù giam và nay là một tiếng nói bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Tin cho biết vào ngày 6 tháng 12, bà đến tại Công an xã Nam Anh, huyện Nam Đàn xin xác nhận giấy tờ. Tuy nhiên, bà đã bị công an viên tên Phạm Thế Đào hành hung ngay tại cơ quan công an xã đến nỗi phải đi bệnh viện chữa trị. Sau đó bà phải viết thư tố cáo sự việc xảy ra đối với bản thân:
"Công an tiếp tục nói tôi không có hộ khẩu. Tôi định ra về nhưng trở lại nói nếu cho rằng tôi đi tù về không có hộ khẩu hãy ghi xác nhận vào đây cho tôi. Người đó cũng xác nhận ‘Hồ thị Bích Khương đi tù về không có giấy của trại nên không có hộ khẩu’. Sau khi xác nhận câu đó xong thì người công an đó lại hỏi ‘ Bây giờ đưa giấy này đi đâu để chửi?’. Tôi trả lời ‘Cái gì làm sai mới chửi chứ!’. Người đó đòi lấy lại giấy tờ, tôi không cho, thì bị đánh túi bụi."
Tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng vào sáng thứ hai ngày 6 tháng 12, ở khu vực đường Kha Vạn Cân, phường Thủ Đức, một phụ nữ bị cưỡng chế đất đai, bà Bùi Thị Thành tiếp tục chịu cuỡng chế như trình bày của bà:
"Hôm qua vì quá bức xúc vì ba quyền cơ bản của con người của tôi: quyền ở, quyền làm việc và quyền sinh sống bị tước mất, nên tôi giăng biểu ngữ tại nền đất của căn nhà tôi. Đó là cái chòi mà tôi dựng lại trên nền căn nhà ở số 370 Kha Vạn Cân. Tôi cũng có những bài báo nói về sự oan sai của mình, dù báo chí đã đăng mà họ không biết sợ, không xấu hổ.
Họ vào phá lều của tôi, con tôi không cho thì công an đánh con tôi. Tôi phải nhào vaò la lên ‘họ giết con tôi’, họ mới dừng tay."
Thái độ chính quyền
Trước những tố cáo và lên tiếng của người dân như vừa trình bày, cơ quan chức năng đã đáp ứng ra sao?
Bà Lê Hiền Đức, một khuôn mặt tham gia chống tham nhũng có tiếng lâu nay tại Việt Nam. AFP photo
Như trình bày của của nữ luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, thì dù đã có những đơn thư với những lập luận dựa trên luật pháp gửi đích danh đến các cơ quan từ trung ương đến thành phố như vừa qua, thế nhưng gia đình bà vẫn chưa nhận được những giải đáp thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng.
Vào sáng ngày 7 tháng 12, chúng tôi gọi điện đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra thành phố Hà Nội để tìm hiểu thêm về những thông tin do nữ luật sư Nguyễn thị Dương Hà đưa ra thì nhận được trả lời:
"Anh nhầm máy rồi, đây là tên cơ quan nhưng là nhà riêng."
“Hôm qua vì quá bức xúc vì ba quyền cơ bản của con người của tôi: quyền ở, quyền làm việc và quyền sinh sống bị tước mất, nên tôi giăng biểu ngữ tại nền đất của căn nhà tôi.
Bà Bùi Thị Thành, Thủ Đức
Riêng trường hợp bà Hồ Thị Bích Khương, từ khi mãn hạn tù cho đến nay, bà tiếp tục lên tiếng đấu tranh vì những bất công, vi phạm và công khai có nhiều bài viết đưa lên mạng Internet để trình bày những vụ việc oan trái của người dân. Bản thân bà từng bị tông xe, bị bắt một số lần.
Đối với trường hợp bà Hồ thị Bích Khương, chúng tôi gọi điện đến uỷ ban nhân dân xã Nam Anh, cũng như Công an Huyện Nam Đàn, nhưng máy reo mà không ai trả lời.
Ủy ban nhân dân và công an Thủ đức cũng không thể liên lạc để hỏi về trường hợp bà Bùi Thị Thành.
Qua trình bày của ba phụ nữ phải lên tiếng về những bất công mà gia đình họ phải chịu, thì cơ quan chức năng từ cấp cao nhất đến cấp trực tiếp đều không giải quyết thoả đáng những oan sai bấy lâu nay mà họ phải gánh chịu mà trái lại họ phải gặp thêm khổ lụy cho bản thân và gia đình như trường hợp bà Hồ thị Bích Khương và Bùi Thị Thành trên đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét