Pages

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Mô hình tập trung quyền lực

Quỳnh Chi, Phóng viên RFA
Cho đến bây giờ, Việt Nam vẫn khẳng định tiếp tục theo đuổi mô hình tập trung quyền lực.



Áp phích tuyên truyền được nhìn thấy khắp nước VN trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 vào đầu năm 2011. AFP photo/Hoang Dinh Nam
Nói theo cương lĩnh đại hội Đảng lần thứ X, đó là “Quyền lực thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp”.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người vẫn cho rằng mô hình này vẫn cho thấy nhiều bất cập và chồng chéo, trong đó người dân là nạn nhân.

Quản lý bằng chỉ thị và nghị quyết

Học thuyết “Tam quyền phân lập” là nền tảng cơ bản để xây dựng nền Hiến pháp tư sản, trong đó quyền lực nhà nước lập pháp, hành pháp, tư pháp tồn tại dưới dạng “chân kiềng” – độc lập, kiềm chế, giám sát lẫn nhau. Học thuyết này ra đời đầu tiên từ những năm 384-322 trước Công Nguyên và được nhà tư tưởng người Pháp Montesquieu hoàn thiện vào thế kỷ thứ 17 – 18.

Trong bất cứ xã hội nào, về lý thuyết thì quyền lực quần chúng luôn được đặt lên hàng đầu. Nói một cách khác, đó chính là mục đích phát triển chính trong sự vận hành của bất cứ thể chế nào. Ngay cả thể chế quân chủ, vua chúa cũng phải nghĩ đến những sách lược hầu mang lại ấm no cho dân chúng và không để cho quyền lực người dân bị xâm phạm. Để làm được điều này, học thuyết Montesquieu cho rằng phải có sự độc lập giữa ba nhánh quyền lực bởi vì nếu quyền lực tập trung, sẽ tạo ra xu hướng mở rộng và lạm quyền.

Tại Việt Nam, mô hình này không được áp dụng. Cho đến đại hội X, nghị quyết Đảng vẫn khẳng định “Đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên ĐH Luật QGHN cho biết như sau:

“Nói tách bạch thì không bởi vì ở Việt Nam thì quyền lực tập trung. Thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của một đảng. Thứ hai, toàn bộ quyền lực tập trung vào Quốc hội. Chính phủ và toà án đều chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội”.

Về mặt bản chất, Quốc hội Việt Nam không là một nhánh quyền mà là một quyền lực trùm lên các quyền lực khác.

TS Phạm Duy Nghĩa

Về nguyên tắc, nhà nước Việt Nam vẫn khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân. Điều này hoàn toàn đúng và phù hợp với mục tiêu phát triển chung của xã hội bất luận thể chế nào. Nhưng việc tập trung quyền lực như vậy có thực sự là tối ưu?

Thứ nhất, trong Hiến pháp Việt Nam đã ghi rõ, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN, pháp luật là tối thượng. Khi Đảng đứng trên pháp luật, người ta có quyền đặt câu hỏi rằng: khi mà pháp luật không phải là tối thượng; khi mà đất nước được quản lý bằng chỉ thị và nghị quyết của Đảng chứ không bằng Hiến pháp và pháp luật thì liệu đất nước có trở về thời kỳ phong kiến, với “Vua cộng sản”?

Một ví dụ cho thấy sự tiêu cực, chồng chéo khi ba nhánh quyền lực đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng là: tòa án trong tháng 6/2009 đã không thể thụ lý hồ sơ LS Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (chưa xét đúng sai) với lý do Hiến pháp chưa có qui định xét xử Thủ tướng. Tuy nhiên, theo ông Cù Huy Hà Vũ trong một lần trả lời với đài RFI, đã cho rằng nếu ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án tối cao, Ủy viên Trung ương xử Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề bauxite, Ủy viên Bộ Chính trị thì chẳng khác nào “con” xử “cha”. Cuối cùng, dự án bauxite vẫn được tiến hành, mặc cho những nhóm trí thức, người dân nhìn tài nguyên quốc gia bị bòn rút.

Thứ hai, nếu nói mô hình tập trung quyền lực là phù hợp với Việt Nam; thì mô hình đó xét về lý thuyết không có gì đáng bàn cãi nếu nhà nước thật sự đặt quyền lợi dân chúng lên trên hết và không để xảy ra lạm quyền, theo đúng tinh thần “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ”.

Vừa đá bóng vừa thổi còi

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng Quốc hội (cơ quan đại diện cho nhân dân) chỉ mang tính hình thức vì “thực chất là Trung ương, Bộ Chính trị quyết”.



Áp phích tuyên truyền người dân tuân theo các giá trị đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các tỉnh miền núi phía Bắc ngày 25/7/ 2010. AFP photo
Thêm vào đó, trên thực tế, Quốc hội không phải lúc nào cũng giám sát được chính phủ và tòa án. TS Phạm Duy Nghĩa nói thêm:

“Về mặt bản chất, Quốc hội Việt Nam không là một nhánh quyền mà là một quyền lực trùm lên các quyền lực khác. Về lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế thì Quốc hội cũng có những khó khăn. Giám sát Chính phủ cũng có những khó khăn, giám sát tòa án cũng khó khăn. Cho nên trong nội bộ Quốc hội cũng đang tranh luận là Quốc hội nên làm gì thì đúng với việc của Quốc hội”.

Gần đây nhất, LS Ngô Ngọc Trai, đoàn LS tỉnh Nam Định đã có bài phân tích khá kỹ càng hậu quả của việc không phân lập 3 nhánh quyền lực trong việc quản lý đất đai. Trong đó, ông cho rằng, UBND cấp tỉnh là cơ quan vừa ban hành các văn bản thu hồi đất, vừa thực hiện thu hồi đất và vừa giải quyết các khiếu nại về trưng thu đất. Thế nên khi phát sinh bất đồng, chính quyền làm sao có thể quan tâm tới quyền lợi chính đáng của người dân? Thực tế, chính quyền chỉ đối thoại chiếu lệ và luôn luôn sẵn sàng đàn áp. Rốt cuộc người dân chính là người bị thiệt thòi.

Điều này cũng giống như việc một đội bóng vừa ra sân thi đấu, vừa đưa ra luật thi đấu và vừa làm trọng tài. Việc này rất dễ dẫn đến việc trọng tài thiết lập luật chơi sao cho có lợi cho đội mình và thiên vị xảy ra là không tránh khỏi.

Ông Nguyễn Văn An cũng đã có ý kiến rằng “Quyền lực nhà nước được phân làm 3 nhánh song lại thống nhất nơi Đảng. Vậy Đảng trở thành ông vua tập thể rồi. Đây là cái sai từ gốc về hệ thống tổ chức quyền lực gây nên lỗi của lỗi hệ thống nên phải được khắc phục theo quy luật phổ quát là phân chia 3 nhánh quyền lực nhà nước một cách rạch ròi minh bạch và thống nhất theo hiến pháp và pháp luật, tức là thống nhất nơi dân (tam quyền phân lập)”.

Quyền lực nhà nước được phân làm 3 nhánh song lại thống nhất nơi Đảng. Vậy Đảng trở thành ông vua tập thể rồi.

Ông Nguyễn Văn An

Từ xưa ông cha ta đã ca ngợi sự vững chắc của kiềng 3 chân. Trong đó, 3 chân kiềng chia nhau giữ 3 góc, đối trọng nhau để cân bằng nhằm nâng đỡ và giữ cho kiềng đứng vững. Mất đi một trong 3 chân sẽ tạo sự thiếu cân bằng và gãy đỗ. Còn nếu một vật thể được nâng bằng 3 chân tập trung vào 1 chỗ, khác nào chỉ còn 1 chân, thì việc giữ thăng bằng là một điều không thể có. Chẳng phải thiếu lý khi cho rằng 3 nhánh quyền lực lập pháp – hành pháp – tư pháp là 3 chân kiềng, vấn đề là nên đặt ở vị trí như thế nào cho đúng.

Thay đổi là điều tốt và 10 năm qua Đảng cộng sản Việt Nam đã có những thay đổi. Thế nhưng thay đổi thế nào để phù hợp với thời cuộc và khỏi mang tiếng trì trệ mới là quan trọng bởi vì một ngày trì trệ là một ngày nhân dân phải chịu thiệt thòi.
Q. C.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-people-are-the-victims-of-non-separation-of-powers-qc-12282010134907.html
.

Không có nhận xét nào: