Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-12-29
Năm 2010 sắp qua đi, và còn 3 ngày nữa là tới Tân Niên Dương lịch 2011.
Photo courtesy of greennews
Công trường khai thác bô xít Tây nguyên
Dù thời gian nhanh như “bóng câu qua cửa”, nhưng những hình ảnh gây nhiều bức xúc trong năm 2010 – mà nếu nói theo lời blogger Mẹ Nấm là “rất đình đám”; nói theo nhà văn Nguyễn Quang Lập qua blog Quê Choa là “gây nhức đầu” – hẳn khó nhạt nhoà trong tâm trí người dân Việt.
Vận mệnh quốc gia
Trong mấy ngày qua, nhiều nhật ký trên mạng có đăng bài tựa đề “Nhìn Lại Năm 2010” của Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc bên Úc, đặc biệt chú trọng tới khả năng lãnh đạo của nhà cầm quyền VN bị thử thách nghiêm trọng nhất trong năm 2010 kể từ sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Nga và Đông Âu bị sụp đổ vào những năm 1989-1990 – bị thử thách bởi công luận, nhất là công luận quốc nội.
GS Nguyễn Hưng Quốc nhận thấy, ngày càng có nhiều người trong nước kiên quyết giành lại quyền tự do bày tỏ cảm tưởng của mình qua các phương tiện truyền thông từ website cho tới blog, thậm chí ngay trên diễn đàn Quốc Hội, qua đó, họ sẵn sàng đề nghị Quốc Hội bỏ phiếu về việc tín nhiệm Thủ tướng; Có người từng khởi kiện Thủ tướng về những chính sách sai trái của chính phủ khiến đe doạ đến sự tồn vong của đất nước, dân tộc; Và ngày càng có nhiều người đề cập tới nhiều sai lầm của chính phủ trong nhiều lãnh vực khác nhau.
Nhưng, theo GS Nguyễn Hưng Quốc, trong số trí thức hoặc blogger từng lên tiếng về những vấn đề trọng đại của đất nước hiện nay, dường như không ai trực tiếp đề cập tới quyền lãnh đạo của đảng CS, ngoại trừ một số nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như Hà Sĩ Phu, Trần Khải Thanh Thuỷ hay Lê Thị Công Nhân. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc nhận xét:
“…Qua những vấn đề họ đề cập, như các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên; kế hoạch cho người ngoại quốc, trong đó có khá nhiều công ty Trung Quốc, thuê rừng dài hạn; cách phản ứng của chính phủ Việt Nam trước thái độ ngang ngược của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông và đặc biệt, với các ngư dân Việt Nam; việc vỡ nợ của tập đoàn kinh tế Vinashin và cùng với nó, vai trò của nền kinh tế quốc doanh; kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc xuyên Việt; cách đối phó của chính phủ trước nạn lũ lụt làm chết nhiều người ở miền Trung; và phương thức tổ chức đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, v.v…, qua những vấn đề được các trí thức độc lập ở Việt Nam đề cập, phân tích và bàn luận, người ta biết được khá nhiều sự thật, có khi chỉ là những chi tiết nho nhỏ nhưng lại có khả năng tiết lộ nhiều về năng lực lãnh đạo của nhà cầm quyền.
Chúng cho thấy rõ ít nhất một số điều: Một, dường như giới lãnh đạo Việt Nam không có một chính sách nào thật rõ ràng và nhất quán liên quan đến những vấn đề sinh tử của quốc gia; hai, cách thức làm việc của họ vừa quan liêu lại vừa kém hiệu quả ngay cả ở những vấn đề ngỡ như đơn giản và dễ dàng nhất như nắm chắc các số liệu liên quan đến vụ vỡ nợ của tập đoàn kinh tế Vinashin hay chi phí tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; và ba, họ thiếu hẳn khả năng thuyết phục quần chúng về các chính sách mà họ theo đuổi.
Tất cả những vấn đề ấy trở thành một thử thách quan trọng nhất đối với giới lãnh đạo Việt Nam: Để tồn tại, họ phải chứng tỏ năng lực lãnh đạo thực sự của mình thay vì lấp liếm dối quanh hay ba hoa vớ vẩn, hoặc tập trung đánh phá các trang mạng hay blog độc lập và bôi bẩn hay trấn áp các trí thức có tinh thần phản biện.
Liệu trong năm 2011 sắp tới, với Ban lãnh đạo mới sẽ được bầu trong kỳ Đại hội đảng vào tháng Giêng này, họ có vượt qua được thử thách ấy hay không?"
Nhiều chuyện nhức đầu
Blog Nhân Quyền Cho VN đăng bài “Câu Chuyện Cuối Năm” của tác giả Trương Vĩnh Khôi đề cập tới tình hình chính trị trong nước qua mạng “sôi động hẳn lên” khi gần cuối năm nay, khiến “hương thơm dân chủ” tưởng như lan toả khắp nơi, nhất là qua những bài viết các cán bộ cao cấp “thẳng thừng vạch rõ những chuyện làm sai trái của chính quyền cũng như hô hào mọi người, mọi giới, mọi ngành hãy thực thi quyền làm dân, quyền làm báo và quyền đòi hỏi một thể chế dân chủ”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. AFP photo
“Hương thơm dân chủ” lan tỏa ấy, theo tác giả Trương Vĩnh Khôi, thể hiện từ diễn đàn Quốc Hội “thi nhau chất vấn chính phủ” cho tới 20 đảng viên, trí thức hàng đầu bác bỏ toàn bộ cương lĩnh của Bộ Chính Trị vì “xa rời nhân dân” và “quá nhiều sai trái”.
Nhưng tác giả phân tích kỹ vấn đề thì thấy “có chút gì hơi kỳ kỳ”, khi ông không thấy đảng viên cấp trung hay cấp thấp nào dám chơi trò mà ông gọi là
“đùa với lửa” này, ngoại trừ một số đảng viên, cán bộ nòng cốt, kể cả ông Lê Hiếu Đằng, đương kim phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Uỷ ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc VN. Qua blog Nhân Quyền Cho VN, tác giả Trương Vĩnh Khôi nhận xét như sau:
"Ông Lê Hiếu Đằng đột nhiên xuất hiện với khí thế đằng đằng. Là một đảng viên gộc, 36 năm qua ông không hề mở miệng, Tới nay, đột nhiên ông nổi hứng …yêu nước, đốc thúc mọi người “Đừng có sợ. Mà tại sao chúng ta phải sợ ? Những người phải sợ là những người đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân…”
Ông hạch hỏi giới truyền thông “Tôi xin hỏi giới nhà báo trong nước: tại sao các bạn phải sợ mà không đăng tải một bản kiến nghị ….Tôi tin rằng tờ báo nào mạnh dạn đăng bản kiến nghị nói trên sẽ chẳng bị ai bắt tù, mà ngược lại sẽ được nhân dân quý trọng…”.
Ông Lê Hiếu Đằng phát biểu như người đang …mộng du. Ông không biết luật lệ nhà nước đặt cho báo chí là “đi trên lề phải”. Nghe ông xúi dại, đi lộn lề là …toi mạng như mấy nhà báo tường trình vụ PMI, PMU...Ông không sợ, vì ông có quyền, có thế, chẳng ai dám đụng tới ông, nhưng những người dân đen, những nhà báo thấp cổ bé miệng mà nghe ông …xúi dại thì đi vào… cửa tử. Ông Tầu Ôn gia Bảo đề cao dân chủ thì vẫn vững như bàn thạch, ông Lưu Hiểu Ba cổ võ cho dân chủ thì bị tội tù."
Trên blog Quê Choa, tác giả Nguyễn Quang Thân có cái nhìn tổng quát hơn, dẫn tới tình trạng “nhà kia lỗi đạo con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng”, nói theo lời Tiên sinh Trần Tế Xương ngày xưa - hay sự xuống dốc của đạo đức xã hội VN ngày nay. Qua mạng nhật ký này, tác giả Nguyễn Quang Thân nhận xét:
"Năm 2010 sắp qua. Khoan hãy nói tới những vụ “gây nhức đầu” kiểu Vinashin. Khoan hãy nói tới những bàn cãi nảy lửa quanh những vụ trọng đại khác như bauxite, cho thuê rừng hay tàu cao tốc, những vấn đề xã hội như tham nhũng, ách tắc giao thông hay biến đổi khí hậu. Những vụ việc ấy quả là trọng đại, gây bàn cãi, tranh luận, thậm chí chia rẽ, nhưng dù sao người ta cũng còn nhìn thấy điểm cuối khi cơ quan quyền lực cao nhất có quyết định CÓ hay KHÔNG.
Nhưng có những vấn đề tuy có vẻ nhỏ nhặt của đời sống hàng ngày lại gây ra cơn nhức đầu, bức bối dai dẳng cho toàn cộng đồng, không trừ một ai, như đạo đức xã hội, giáo dục, y tế xuống cấp v.v…
Cơ quan quyền lực cao nhất có thể chặn con tàu cao tốc chưa thích hợp bằng một cuộc bỏ phiếu. Nhưng thật khó khăn khi ngăn xu hướng đi xuống của đạo đức xã hội."
Luật pháp ở đâu?
Trong khi đó, blogger Mẹ Nấm “dạo một vòng các tờ báo trong nước thì thấy có khá nhiều bài tổng kết rất đình đám, kiểu như những sự kiện tiêu biểu, những nhân vật tiêu biểu”, nhưng blogger Mẹ Nấm không thấy tờ báo nào trong số khoảng 700 tờ báo do nhà nước điều hành đề cập tới thành tích bất hảo của mấy anh công an nhân dân. Blogger Mẹ Nấm lên tiếng:
"Đó là cái tồn đọng của xã hội mà tôi thấy không có báo chí chính thống nào lên tiếng. Tại vì thực sự đây là năm mà công an gặp rất nhiều rắc rối trong việc cư xử với người dân. Điều mà người dân chờ đợi là giới cầm quyền phải có hình phạt, xử lý đúng theo pháp luật đối với những người thực thi luật pháp nhưng có hành vi sai trái. Thực sự muốn có công bằng xã hội thì giới cầm quyền phải thực thi đúng pháp luật đối với chính những người có trách nhiệm thực hành pháp luật nhưng làm sai. Đó là công an."
Ông Nguyễn Ngọc Quang được chăm sóc tại nhà sau tai nạn hôm 18/9/2010. Ảnh do thân nhân ông Quang cung cấp.
Theo tổng kết qua của blogger Mẹ Nấm, thì nếu trao giải về thành tích và sự cống hiến trong năm nay, mấy vị công an nên được giải về chuỗi thành tích bất hảo.
Từ vụ anh Bảo, anh Nguyễn Mạnh Hùng tử vong tại cơ quan công an hồi tháng Giêng năm 2010, công an cùng côn đồ trấn áp dân ở Bắc Ninh hồi tháng 3, thanh niên Võ Văn Khánh chết về tay công an Điện Bàn, Quảng Nam và 2 nạn nhân khác bị công an bắn chết ở Nghi Sơn, Thanh Hoá hồi tháng 5 vừa rồi
Dài dài cho tới cuối năm 2010, đã diễn ra cảnh công an đánh chết người, bắn trọng thương nữ sinh, đánh một thầy truyền đạo gãy tay vì mũ bảo hiểm, công an trả lại cho người mẹ chiếc quan tài và xác đứa con trai trong vụ “3 con vịt ‘nuốt’ 1 mạng người”, rồi vụ người dân mang xác 1 thanh niên đến đồn công an ở TP Long Xuyên để bắt đền thủ phạm cho tới học sinh lớp 8 bị công an xã đánh ngất xỉu, hay clip vô nhân liên quan vụ gọi là “bắt quả tang mua bán dâm”.
Trước những cảnh vô nhân như vậy, blogger Mẹ Nấm nhận xét trên mạng:
"Vấn đề đặt ra là đến giờ, đã có vụ án nào được công khai xét xử khi có án mạng xảy ra do công an chưa? Câu trả lời là: CHƯA.
Ngoài hình thức kiểm điểm, hạ bậc, cách chức, thì ít nhất là đến giờ này cá nhân tôi chưa đọc được tin đồng chí công an nhân dân nào bị đưa ra xét xử trước luật pháp như một người bình thường cả…Có người cho rằng, năm nay là năm hạn của ngành công an với quá nhiều "thành tích bất hảo", tôi lại không nghĩ như vậy. Bởi cái gì đã là bản chất thì khó mà giấu mãi được. Năm 2010, cùng với sự phát triển của Internet và sự nâng cao trong nghiệp vụ "vượt tường lửa" của nhân dân thì bản chất hung bạo, khát máu, vô đạo đức, phi nhân tính được bộc lộ rõ nét hơn những năm trước."
Blogger Đinh Tấn Lực nhận xét: "Qua bài viết “Năm nay là năm của các anh”, tác giả Mẹ Nấm đã dày công liệt kê và đúc kết hoành tráng những “thành tựu và cống hiến” tận tụy suốt năm của CA. Theo đó, bộ phận CA nước nhà quả xứng đáng được trao giải Cúc Cung 2010."
Trong bối cảnh công an nhân dân lại cư xử với người dân một cách tự do như vậy, blogger Paulus Sơn không khỏi nêu lên nghi vấn rằng “Ai chỉ thị cho công an đánh đập nhân dân?”:
"Những vụ việc công an đánh dân xảy ra liên tục trên khắp đất nước Việt Nam đang là một vấn nạn vô cùng to lớn mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu. Không có chỉ thị thì làm sao công an lại đánh dân một cách rất thoải mái? Nếu không có chỉ thị bằng văn bản trong ngành công an mà sao khắp mọi tỉnh thành nơi đâu cũng có công an đánh dân, có lẽ là chỉ thị truyền khẩu chăng? hay ngành công an được quyền đánh dân, giết dân mà không bị pháp luật phân xử một cách nghiêm minh?"
Mục Điểm Blog tuần này xin tạm dừng ở đây. Thanh Quang kính chúc quý vị mọi điều an lành nhân Tân Niên Dương Lịch 2011 sắp tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét