Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Tham nhũng ở Việt Nam: Thế hệ 3.0 và 4.0!


Phan Châu Thành – Tham nhũng ở VN có thể ngăn chặn được không? Câu trả lời cũng đã rõ: Chỉ là người ta – Chính Phủ – có thực sự muốn ngăn chặn hay không? Với những gì Chính Phủ đã và đang trình diễn mấy chục năm nay (từ 1969?) thì là: không. KHÔNG. Ai có thể ngăn chặn bản chất của chính mình?
*

Tham nhũng thời nào và xã hội nào cũng có. Nó chỉ thể hiện và bị nhận diện để ngăn chặn theo cách khác nhau, do đặc thù và trình độ văn hóa, kinh tế của mỗi xã hội. Nó luôn biến đổi cùng với mức sống vật chất và phi vật chất (văn hóa, tinh thần và pháp lý) của xã hội đó.

Ở Việt Nam, giai đoạn từ 1945 đến 1975, tham nhũng đã có nhưng không quá nhiều và ở dạng còn sơ khai, là dạng lạm dụng quyền lực thô sơ, do động lực trực tiếp là THAM vật chất, và không cần phải nhũng để có được cái mình muốn. Đây là tham nhũng thế hệ 1.0, chỉ với quyền hạn, chức vụ và lòng tham là những kẻ tham nhũng thế hệ đầu này có thể trực tiếp CHIẾM ngay được những gì mình muốn. Đối tượng trực tiếp của thế hệ tham nhũng này là vật chất hay “quan hệ vật chất” (ép hủ hóa với người khác). Hiện tượng tham nhũng thế hệ 1.0 thường đơn lẻ, không có tổ chức, không có hệ thống.

Công cụ chống tham nhũng thế hệ 1.0 lúc đó rất hùng hậu là đạo đức xã hội và tấm gương của lãnh tụ, cùng sự nghiêm minh của hệ thống kỷ luật tuy thô sơ. Nhưng phải nói hệ thống pháp luật, công cụ, phương pháp và lực lượng chống tham nhũng của Thế hệ 1.0 đã hoàn thành khá xuất sắc ½ nhiệm vụ: chống tham nhũng vật chất. Còn ½ tham nhũng vì tham dục thì không bị chống vì đó không phải… tài sản chung XHCN. Nhưng theo những gì còn lưu truyền lại đến nay thì… trong suốt 30 năm đó rất-rất nhiều những chị Dậu đã tiếp tục bị các quan tham dục ức hiếp bằng quyền lực mà không có pháp luật che chở hay Ngô Tất Tố nào đứng ra bênh vực (các anh Dậu đều bị ốm, im lặng và không biết gì)… Cái “đạo đức” chống tham nhũng một nửa và bỏ qua chính đạo đức gốc suốt 30 năm đó đã lòi sang… văn hóa tham nhũng ở giai đoạn sau, đến tận hôm nay.

Sang giai đoạn 1976-1999, tức là từ sau giải phóng đất nước, tham nhũng phát triển tràn lan và sang cấp độ mới: 2.0, với các hình thức công khai nhũng nhiễu (từ quan chức) để đổi lấy vật chất (tài sản hối lộ) hay quan hệ từ người bị nhũng nhiễu. Người dân bị nhũng nhiễu ở mọi cơ quan và buộc phải “mua” công việc, chức vụ, quyền lợi mà họ nhiều khi chính đáng được hưởng. Hoạt động tham nhũng đặc thù Thế hệ 2.0 là TRAO ĐỔI BẮT BUỘC dù một bên không muốn. Văn hóa tham nhũng thế hệ này được công khai chấp nhận và gọi là văn hóa “CHẠY CHỌT”, “chạy” tất cả mọi thứ: quan hệ, bằng cấp, chức tước, đặc quyền và tất nhiên quyền sở hữu đất đai và tài sản công. Đối tượng trực tiếp của tham nhũng thế hệ 2.0 thường là những quyền, lợi và giá trị không phải là vật chất nhưng có thể đễ dàng đổi ra tiền, tài sản, vật chất… Công cụ và lực lượng chống tham nhũng thế hệ 2.0 đều tham gia tham nhũng công khai. Việc chống tham nhũng chỉ làm vì, chiếu lệ, theo kỳ đại hội…và không hề có kết quả vì pháp luật chống tham nhũng vẫn lạc hậu, chỉ qui những hoạt động làm thiệt hại vật chất trực tiếp mới là tham nhũng… Đây là giai đoạn phát triển cực thịnh và tồi tệ, ghê tởm nhất của văn hóa tham nhũng và “chống” tham nhũng xứ ta, suốt khoảng trên 25 năm: tham nhũng là bình thường!

Tham nhũng thế hệ 2.0 ở ta đến nay vẫn còn nhiều và khá tinh vi hơn tước kia, nhưng chỉ còn bị coi là tham nhũng vặt…

Từ khoảng 2000 đến nay những kẻ có điều kiện để tham nhũng – có chức có quyền – đều giàu có hơn nhiều, không tham nhũng vặt nữa. Tham nhũng do vậy đã phát triển qui mô hơn, thành các tổ chức, đường dây dọc ngang các tổ chức xã hội và các ngành kinh tế, tôi gọi là tham nhũng thế hệ 3.0! để nhắm tới những “quả” rất lớn. Để làm việc đó những kẻ tham nhũng Thế hệ 3.0 phải bày binh bố trận rất công phu và khá lâu từ trước khi hành động để chiếm các lợi thế “canh tranh”, chiếm những quyền lợi và giá trị phi vật chất, tài sản vô hình của cơ quan, công ty nhà nước như: quyền thương hiệu, quyền kinh doanh với công ty, quyền đại diện; quyền sở hữu một phân công ty (qua cổ phần hóa “bèo”); chiếm các tài sản vô hình như thương hiệu, quyền đại diện, thị trường và thị phần của công ty; chiếm quyền tiếp cận sớm các thông tin kinh doanh, đầu tư, nhân sự, chính sánh, tài chính…; quyền cài người của mình vào các vị trí chủ chốt từ trên xuống dưới….; quyền chọn các đối tác làm ăn với công ty không qua các tiêu chuẩn minh bạch (công ty sân sau), quyền đấu thầu…

Động từ chủ đạo của hoạt động tham nhũng thế hệ 3.0 là THIẾT KẾ và BỐ TRÍ, XÂY DỰNG và ĐẦU TƯ, có nghĩa là đằng sau mỗi đường dây và hệ thống tham nhũng đều có một vài ông trùm chủ chốt ở các vị trí quyền hành rất cao, chót vót…và các bộ óc sáng láng. Họ có thể kiểm soát mọi khía cạnh của hoạt động tham nhũng của mình một cách rất tinh vi, thường ở cấp độ và trình độ cao hơn, nhanh hơn những người có trách nhiệm chống tham nhũng rất nhiều. Về pháp lý mà nói, không cơ quan nào có thể có cơ sở mà bắt bẻ tính hợp pháp của một phi vụ của một đường dây tham nhũng thế hệ 3.0, trừ… một đường dây tham nhũng khác đanh cạnh tranh tồn tại trên cùng một “ngư trường đánh bắt” hay “nông trường bò sữa” là các dự án lớn và các tập đoàn nhà nước.

Nói tóm lại, tham nhũng thế hệ 3.0 bát đầu bằng những việc “vô hại” hay “có ích” là chiếm các giá trị vô hình, phi vật chất, giá trị tri thức, thông tin, kiến thức, quyền sở hữu các giá trị phi vật chất…của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho các công ty “sân sau” và “người nhà”, rồi sau đó “đàng hoàng” và “hợp pháp” dùng các lợi thế đó để thắng thầu công khai, rồi thông qua các hợp đồng đầu tư, hợp tác cũng rất “công khai minh bạch” chuyển những khối tài sản khổng lồ của nhà nước sang các đối tác và các nhà thầu sân sau, chiến hữu, sau đó chia nhau tài sản tuồn ra và giải thể hay “mua lại” các công ty sân sau đó, tùy tình hình cụ thể… . Tại sao họ có thể làm vậy? Vì đó là những giá trị rất lớn mà các tập đoàn, công ty nhà nước không hề “phải” quản lý và có thể phân phát cho không, nhưng ai chiếm được và đã sẵn sàng để có thể dễ dàng biến chúng thành những khối tiền không lồ, “sạch sẽ”. Có nghĩa là họ đã rửa xong đồng tiền “bẩn” trước khi tham nhũng ra những đồng tiền đó. Và đó là không còn là những nhóm người nữa, mà là những tập đoàn tham nhũng “siêu quốc gia”…

Vì thế, các cơ quan chống tham nhũng hiện nay với luật pháp và lực lượng chống tham nhũng của thế hệ 1.0 hay 2.0 không thể “sờ” tới thế hệ 3.0 được (vì họ chỉ nhận và chia nhau tiền từ các đối tác xa lắc xa lơ ở các thời điểm khác xa hoàn toàn mà khó ai có thể có điều kiện và có đủ dũng cảm để lần ra manh mối).

Thế còn tham nhũng thế hệ 4.0? Vâng, chừng 5 năm gần đây xã hội ta cũng đã có những vụ tham nhũng trình độ cao hơn nữa đó. Đó là những tham nhũng nhằm thông đồng và can thiệp vào hệ thống làm ra chính sách, qui hoạch, luật lệ, qui định… từ cấp tỉnh đến trung ương, nhằm mang lợi ích không công bằng cho một nhóm nhỏ đã được chuẩn bị từ trước. Đó cũng là những tham nhũng để tạo ra dư luận xã hội qua các cơ quan thông tấn tham nhũng nhằm có lợi cho một nhóm nào đó. Tham nhũng thế hệ 4.0 của ta sẽ còn nở rộ và làm đau đầu dài lâu cả các chính phủ trong sạch nhất sau này (nếu có!).

Tham nhũng thế hệ 3.0 và 4.0 hiện nay hầu như chưa được đưa ra xét xử vụ nào ở xứ ta, vì làm sao xét và xử tham nhũng trình độ 3.0 hay 4.0 bằng luật chống tham nhũng Thế hệ 1.0 hay 2.0? Vì thế theo Luật thì “nước ta làm gì có tham nhũng!” Vụ PM 18 hay Đại lộ Đông Tây là dạng 2.0 còn khá thô thiển. Muốn chống tham nhũng thế hệ 3.0 và 4.0 vốn đang cùng tồn tại hiện nay ở ta rất đơn giản, nhưng CP không dám làm, muốn làm: chỉ cần học theo các bộ luật chống tham nhũng của các nước phát triển như Canada, Thụy điển , Sing, Phần lan…, bắt đầu từ minh bạch và kê khai tài sản quan chức… (Ối, thôi!)

Tham nhũng để gây ảnh hưởng lên, hay dựng lên những kẻ siêu tham nhũng – những người ở vị trí cao nhất trong xã hội có thể viết ra chính sách “phù tham nhũng”, là tham nhũng cấp cao nhất, thế hệ 5.0, ở ta có không? Tôi đành để câu hỏi “Lã Bất Vi” này cho thời gian trả lời thôi.

Tham nhũng chỉ có thể được ngăn chặn hữu hiệu bởi hệ thống chống tham nhũng thuộc thế hệ tương đương hoặc cao hơn. VN hiện nay tham nhũng hoành hành ở đủ mọi cấp độ cùng lúc, từ 1.0 đến 5.0 trong khi hệ thống pháp lý và nhân lực chống tham nhũng chỉ ở cấp độ 1.0 và 2.0… Đó là chưa kể đến tinh thần chống tham nhũng hiện nay: gần như bằng không – Zero.

Nếu ở giai đoạn 30 năm đầu lực lượng chống tham nhũng của VN rất mạnh nhưng cực tả, cực đoan, nhiều khi không cần dựa trên luật pháp, thì đến giai đoạn sau cả xã hội lại hầu như đầu hàng tham nhũng, chuyển sang thái cực ngược lại: cực loạn. Đến giai đoạn sau nữa thì sợ và tránh né tham nhũng, muốn ngăn chặn cũng bất lực hoàn toàn trước tham nhũng thế hệ 3.0. Với tham nhũng 4.0 thì xã hội hầu như không có khái niệm và thông tin để mà chống đỡ, nếu ai đó nhận thấy thì liền phải phủ nhận nó, nếu không thì nguy hiểm cận kề…

Những đường dây tham nhũng thế hệ 3.0 có rất nhiều trong mọi tập đoàn, tổng công ty nhà nước, còn loại 4.0 thì đang tồn tại như dạng “độc quyền” của những tầng lớp chóp bu và “thượng lưu” mà thôi. Khi tham nhũng 3.0 và 4.0 đã cùng nhau hoạt động thì hầu như chẳng Luật pháp nào động đến được.

Một ví dụ cụ thể là số tiền trên 86,000 tỷ đồng VNS vay rồi làm bốc hơi hết cũng là thông qua hệ thống và mạng lưới tham nhũng khổng lồ (gồm vài trăm công ty con) thế hệ 3.0 này. Luật pháp và lực lượng chống tham nhũng hiện nay (hạng 1.5!) chỉ có hy vọng “đánh đu” giữa các tập đoàn tham nhũng 3.0 hay 4.0 khi chúng cạnh tranh loại bỏ nhau, để lập công mà thôi. Nếu các tập đoàn tham nhũng thế hệ 3.0 và 4.0 đoàn kết với nhau (thỏa thuận ăn chia “ghế” xong), và thường là thế, thì xã hội ta “yên ổn” và “trong sạch” hoàn toàn, “chẳng có tham nhũng gì sất!”, chỉ có dân Việt ta, nước Việt ta là ngày càng mạt vận mà thôi.

Thực tế VN hiện nay là tham nhũng tràn lan mà chẳng thấy tham nhũng đâu cả (?) là vì như vậy đó: những kẻ tham nhũng thế hệ 3.0 và 4.0 lại là người được “tin cậy” giao “nhiệm vụ cao cả” là chống tham nhũng, nên họ chỉ tìm diệt tham nhũng thế hệ 1.0 và 2.0 “tượng trưng”, rồi lại phải nuôi cho “tham nhũng vặt” 1.0 và 2.0 sinh sôi đàn đống để mà có thể diệt nó, như Càn Long nuôi một lũ heo Hòa Thân, lâu lâu đem thịt vài “con”, vừa có của ăn vừa có công với thiên hạ… và cả có nơi đổ tội làm nghèo đất nước nữa chứ – cho những con heo con Hòa Thân tham nhũng thô thiển thế hệ 1.0+2.0 (chết là đáng lắm các con ơi!)

Vậy, tham nhũng ở VN có thể ngăn chặn được không?

Câu trả lời cũng đã rõ: Chỉ là người ta – Chính Phủ – có thực sự muốn ngăn chặn hay không? Với những gì Chính Phủ đã và đang trình diễn mấy chục năm nay (từ 1969?) thì là: không. KHÔNG.

Ai có thể ngăn chặn bản chất của chính mình?

Phan Châu Thành
Tác giả gửi tới Dân Luận

Không có nhận xét nào: