Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Uẩn khúc cái chết anh Nguyễn Công Nhựt

Mặc Lâm, phóng viên RFA
Vụ án của anh Nguyễn Công Nhựt tại Bình Dương đã sang một giai đoạn mới khi tất cả các kết quả khám nghiệm tử thi cũng như chữ viết từ hai bức thư tuyệt mệnh được xác nhận là do chính tay nạn nhân viết trước khi tự tử.


Photo courtesy of baomoi.com
Chị Tuyền khi nhìn thấy thi thể chồng

Sự thật về các kết quả khám nghiệm này có độ tin cậy mà pháp luật quy đinh hay không? Mặc Lâm theo dõi câu chuyện qua bài viết sau đây.


Vào ngày 24 tháng 5 Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an tỉnh Bình Dương đã trả lời cho chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền vợ của nạn nhân, và luật sư Trần Đình Triển, người chính thức bảo vệ quyền lợi cho gia đình chị Tuyền là kết quả giám định tại phân viện khoa học hình sự - Bộ Công an Thành Phố Hồ Chí Minh, đã kết luận chữ viết trên bức thư tuyệt mệnh của anh Nguyễn Công Nhựt và các tài liệu thu thập tại công ty Kumho là do một người viết ra.


Công an không hợp tác với LS

Theo Luật sư Trần Đình Triển cho biết thì suốt trong quá trình thu thập tài lệu cho vụ án, luật sư Triển đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong luật luật sư có ghi rõ cơ quan hành pháp phải tạo điều kiện cho luật sư đọc hồ sơ và được quyền biết những thông tin tài liệu góp phần đưa lại một chuẩn mực luật pháp. Nhưng thực tế lại khác hẳn ông không được công an Bình Dương hợp tác cũng như thực hiện những quy định mà pháp luật ghi rõ, ông cho kể:


"Rất tiếc cơ quan công an, từ công an Bến Cát cũng như công an tỉnh, kể cả làm việc với luật sư hay gia đình nạn nhân không hề cung cấp bất cứ tài liệu gì."
Việc công an điều tra ngăn trở không hợp tác với luật sư là chuyện xảy ra hàng ngày tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam, và từ biểu hiện khó hiểu này làm nảy sinh những nghi ngờ khác từ dư luận nhất là các vụ án dính líu tới công an.


Phản ứng của dư luận trước kết quả giảo nghiệm rất mạnh mẽ. Hàng trăm bức thư gửi về tòa báo Người Lao Động phản đối kết quả này vì theo lá thư được báo này đăng công khai sau khi anh Nhựt chết so với chữ viết của anh Nhựt do gia đình cung cấp quá khác nhau. Điểm thứ hai làm dư luận lên tiếng nghi ngờ là việc anh Nhựt viết thư cám ơn những cán bộ điều tra anh và cuối cùng là noi gương bác Hồ trước khi đi vào cõi chết.

“Rất tiếc cơ quan công an, từ công an Bến Cát cũng như công an tỉnh, kể cả làm việc với luật sư hay gia đình nạn nhân không hề cung cấp bất cứ tài liệu gì.


LS Trần Đình TriểnSau khi nhận được kết quả giảo nghiệm tử thi cũng như kết quả về bản so sánh chữ viết của anh Nhựt, gia đình nạn nhân không tin vào kết quả xét nghiệm này. Chị Tuyền, vợ anh Nhựt cho biết:


"Công an nói rằng chữ viết đó là của chồng em và những giám định đó lấy tài liệu từ công ty Kumho nhưng mà em không chấp nhận tại vì rõ ràng chữ viết khác xa quá như vậy mà họ giám định nội bộ với nhau và không được độc lập thì làm sao khẳng định được đó là chữ viết của anh Nhựt?"


Quyền của luật sư

Theo luật sư Trần Đình Triển thì luật cho phép luật sư hay người dân trong quá trình tiến hành tố tụng có quyền đề nghị trưng cầu giám định lại các kết quả mà họ nghi ngờ không chính xác hay có biểu hiện tiêu cực. Khi được yêu cầu thì các cơ quan có chức năng phải trưng cầu giám định.




Chị Tuyền và di ảnh chồng. Photo courtesy of news.go.vn



Tuy nhiên vì cơ quan giảo nghiệm nào cũng thuộc phạm vi công an hay Viện Kiểm Sát quản lý do đó tính độc lập không thể có khi người trong ngành giảo nghiệm cho nhau. Tính chất thiếu độc lập này không thể làm cho phiên tòa công bằng nếu kết quả giảo nghiệm không đến từ một cơ quan độc lập hay ít ra là từ một chuyên gia độc lập không bị lệ thuộc vào hành pháp. Đặc biệt trong trường hợp bị cáo là một người hay một nhóm công an thì sự việc được dư luận chú ý nhiều hơn. Nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên chuyên viết về các vụ án tại tiểu bang California của Mỹ cho biết cách mà các tòa án ở Mỹ áp dụng như sau:


"Trường hợp luật sư không đồng ý với kết quả giảo nghiệm của cơ quan nhà nước thì họ có quyền thuê một người chuyên gia về pháp y riêng của họ. Những chuyên gia này thường là những người cựu chuyên gia pháp y của nhà nước đã về hưu. Hoặc là họ làm lại từ đầu hoặc là họ sẽ làm chứng trước tòa là trong báo cáo của nhà nước có những điểm này hay điểm kia đáng ngờ…


Trong trường hợp khi có vụ án gì liên quan tới sheriff mà cần phải khám nghiệm tử thi thì họ lại chuyển qua cơ quan giảo nghiệm tử thi của tiểu bang. Tiểu bang lại có Bộ tư pháp của Tiểu bang, người bộ trưởng tư pháp tiểu bang cũng do dân bầu ra. Cơ quan này sẽ lo phụ trách việc điều tra về cơ quan cảnh sát của county."


Hệ thống tư pháp VN

Từ việc giám định có nhiều dấu hiệu mất bình thường này chị Tuyền với tư cách người vợ đã có đơn khiếu nại yêu cầu, đề nghị cơ quan giám định cấp trung ương hãy thành lập hội đồng để giám định lại, phản bác lại kết quả đó. Tuy nhiên theo chị Tuyền thì chưa có cơ quan nào thực hiện đầy đủ chức năng mà họ được giao phó, chị nói:


"Trong đơn khiếu nại em đã làm mấy lần yêu cầu giám định lại họ chỉ nói là chờ giải quyết. Đơn em đã gửi từ ngày 28 tháng 4, một đơn tiếp theo nữa là ngày 11 tháng 5 rồi sau đó là ngày 24 tháng 5 em gửi tiếp một đơn nữa nhưng tới thời điểm bây giờ đã là ngày 1 tháng 6 rồi mà em không nhận được một trả lời nào."


Luật sự Trần Đình Triển cho biết nếu sau một tháng thì khả năng giám định không thể thực hiện, ông nói:


"Yêu cầu giám định lại cần phải tiến hành ngay bởi liên quan đến dấu vết trên thân thể chỉ sau một tháng thôi khi thân thể bị thối rữa thì không thể giám định được. Nhưng điều lạ lùng là chị Tuyền chưa nhận được một văn bản trả lời nào của thẩm quyền từ đơn khiếu nại tố cáo của mình. Việc làm đó của các cơ quan, căn cứ vào luật pháp Việt Nam là đã vi phạm pháp luật."

“Yêu cầu giám định lại cần phải tiến hành ngay, nhưng điều lạ lùng là chị Tuyền chưa nhận được một văn bản trả lời nào của cấp thẩm quyền. Việc làm đó của các cơ quan, căn cứ vào luật pháp Việt Nam là đã vi phạm pháp luật.


LS Trần Đình TriểnLuật sư Trần Đình Triển thừa nhận hệ thống tư pháp Việt Nam chưa hoàn chỉnh trong khâu giảo nghiệm do chưa có một đơn vị tư nhân hay không lệ thuộc tới hành pháp lo tiến hành việc giảo nghiệm, ông nói:


"Trong giám định tư pháp Việt Nam chưa được xã hội hóa về giám định tư pháp vì vậy cũng chưa thể nói được rằng việc giám định đó nó đảm bảo tính khách quan hay không thì cần phải có một cơ quan kiểm nghiệm khác."


Vụ án anh Nguyễn Công Nhựt vẫn đang được người dân tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung theo dõi. Không những vì nó liên quan trực tiếp đến công an mà dư luận còn cáo buộc rằng công ty Kumho có liên quan mật thiết đến cái chết của anh Nhựt do các vụ mất một số lớn vỏ xe thành phẩm của công ty này. Mời quý vị theo dõi tiếp trong bài kế về vấn đề này.

Bản tin video sáng 03.06.2011

Không có nhận xét nào: