Phong trào ký tên đòi tổ chức tuyển cử lập hiến để Việt Nam có được dân chủ và tiến bộ nhân quyền thật sự đang dâng lên nhanh chóng như thủy triều.
Giáo dân Công Giáo tại giáo xứ Ngọc Long ký kiến nghị đòi bỏ điều 4 Hiến Pháp dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN. (Hình: Nữ Vương Công Lý)
Buổi sáng ngày Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013 tức buổi tối ngày 4 tháng 3, 2013 tại Việt Nam đã có 3,300 người khắp nơi thuộc đủ mọi thành phần xã hội ký tên vào bản “Lời tuyên bố công dân tự do.” Không những họ đòi xóa bỏ cái bản Hiến Pháp sắp được chế độ độc tài đảng trị và tham nhũng cùng cực tại Hà Nội sửa đổi mà còn đòi tổ chức một chính quyền chuyển tiếp để bầu cử lập hiến, thay thế cho guồng máy cai trị đang bị đảng CSVN dựa vào lực lượng công an đàn áp để thao túng.
Ngày 25 tháng 2, 2013, đài truyền hình VTV phát lời phát biểu của ông Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đả kích là “suy thoái đạo đức” đối với những người ký kiến nghị kêu gọi chế độ Hà Nội bỏ điều 4 Hiến Pháp dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN.
Nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên, 30 tuổi, ký giả tờ Gia Ðình và Xã Hội, lập tức viết trên blog và facebook nói ông Trọng “không có tư cách” để phê phán như vậy.
Không những thế, nhà báo trẻ tuổi Nguyễn Ðắc Kiên (30 tuổi) còn đưa ra những lời đòi hỏi gói vắn tắt trong 5 điểm gồm “1: tổ chức một hội nghị lập hiến, lập một Hiến Pháp mới; 2: đa nguyên đa đảng; 3: không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc; 4: phi chính trị hóa quân đội; 5: khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế.”
Bởi vì theo quan điểm của ông, “Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó.”
Ngày hôm sau, 26 tháng 2, 2013, ký giả Nguyễn Ðắc Kiên bị tờ báo đuổi việc vì đã dám chỉ trích tổng bí thư đảng CSVN cũng như phủ nhận sự thống trị của đảng này.
Dân chúng Tunisia biểu tình phẫn nộ ngày 27 tháng 12, 2010 ở thành phố Tunis sau cái chết của Sidi Bouzid (tự thiêu chống tham nhũng và cảnh sát hung ác). Các cuộc biểu tình liên tục, lan ra khắp nước đã dẫn đến sự sụp đổ không những nhà cầm quyền thối nát, độc tài tại nước này, mà sau đó là tại Ai Cập. (Hình: Fethi Belaid/AFP/Getty Images)
Bài viết của ký giả Nguyễn Ðắc Kiên được truyền đi rộng rãi và nhanh chóng trên Internet qua các mạng xã hội và trang tin tức, báo chí thế giới. Lập tức, ngày 27 tháng 2, 2013 một nhóm người đã soạn thảo “Lời tuyên bố công dân tự do” và kêu gọi mọi người ký tên đòi chế độ Hà Nội trả lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân bằng cách tổ chức cuộc bầu cử lập hiến để có một bản Hiến Pháp dân chủ và không dành đặc quyền thống trị cho đảng cộng sản, tách quân đội ra khỏi đảng phái phe nhóm.
Mọi người có thể tham gia ký tên theo địa chỉ email: tuyenbocongdantudo@gmail.com.
Trước “Lời tuyên bố công dân tự do,” 72 trí thức, đảng viên đảng CSVN và nhân sĩ nổi tiếng ở Việt Nam đã công bố một bản kiến nghị 7 điểm kêu gọi chế độ Hà Nội bỏ điều 4 Hiến Pháp, trả lại các quyền tự do thật sự cho người dân, trả quyền tư hữu đất đai cho dân. Cho tới ngày Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013 đã có hơn 3,300 ký tên trên kiến nghị này.
Trước áp lực của dân chúng, chế độ Hà Nội chỉ tổ chức các cuộc “lấy ý kiến” do nhà cầm quyền cộng sản điều động, trong đó, đóng vai “quần chúng nhân dân” chỉ là đảng viên cán bộ nhà nước và những tổ chức núp dưới danh nghĩa các đoàn thể ngoại vi của Ðảng CSVN. Các cuộc họp này rồi sẽ được chế độ Hà Nội tổng kết coi như “nhân dân” góp ý đồng thuận theo cái bản Hiến Pháp mới vẫn do đảng CSVN độc quyền thao túng, vẫn là đảng cử dân bầu, vẫn là cực kỳ tham nhũng và lạc hậu.
Làn sóng cách mạng chống độc tài “Mùa Xuân Ả Rập” đã xảy ra ở một số quốc gia Bắc Phi Châu và Trung Ðông khởi nguồn từ các cuộc biểu tình chống bất công tham nhũng ở Tunisia ngày 18 tháng 12, 2010. Khi mọi người cùng kéo nhau ra đường bày tỏ sự cương quyết đòi hỏi thay đổi thể chế thối nát thì guồng máy công an thay vì đàn áp lại chạy trốn và tan rã.
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét