Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Biển Đông và Hiểm Họa Của Trung Cộng-Giải Pháp Đề Nghị


 BS Đỗ Văn Hội
Chủ Tịch Hội Đồng Đại Biểu
Cộng Đồng Việt Nam Florida
Kiêm Chủ Tịch HĐCH
Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ
 
Nhập đề:
Nói đến Biển Đông và hiểm họa của Trung Cộng (Cộng sản Trung Quốc), chúng ta không thể chỉ bàn đến những tranh chấp ở vùng biển nằm về phía Đông Việt Nam (ta gọi là Biển Đông), phía Nam Trung Quốc (họ gọi là biển Nam Trung Hoa), phía Tây Phi Luật Tân (họ gọi là biển Tây Phi Luật Tân)… mà chúng ta sẽ phải đề cập những hiểm họa của Bắc Kinh tại vùng biển đầy tài nguyên thiên nhiên với vị trí chiến lược quan trọng này. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghiên cứu hiểm họa của TC ở ngay trong lãnh thổ Việt Nam chúng ta.
Chúng tôi chỉ trình bày sơ lược tình hình tại vùng biển Đông vì mọi người đều biết rõ những gì đã và đang xảy ra qua các phương tiện truyền thông dồi dào tại hải ngoại..
SƠ LƯỢC TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG
Chúng ta hãy điểm qua những mốc thời gian mà Trung Hoa Lục Địa đã lấn chiếm lãnh thổ lãnh hải của Việt Nam qua nhiều thời kỳ.
Sự lấn chiếm tại Biển Đông  2 3 4, ,  và Việt Nam
 
   
[1] Bài này chỉ là tóm lược để trình bày trong cuộc hội thảo. Bài chi tiết sẽ được phổ biến sau.
[1] Những biến cố mất lãnh thổ lãnh hải…: LS Trịnh Quốc Thiên, nxb Nam Quan, 2002
[1] Hồ sơ về chủ quyền của dân tộc: GS Nguyễn Văn Canh
[1] Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa: Vũ Hữu San, Ủy Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ VNam, 1995.
 
- Năm 1946: Việt Nam mất đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa do quân đội Trung Hoa Quốc Gia chiếm đóng khi giải giới quân Nhật sau đại chiến thế giới thứ hai. 
- Năm 1958, Phạm Văn Đồng gửi công hàm thừa nhận chủ quyền “tự đặt” trên Biển Đông của Trung Cộng do Chu Ân Lai công bố ngày 4 tháng 9, 1958.
- Năm 1974, Trung Cộng công khai chiếm quần đảo Hoàng Sa do nước Việt Nam Cộng Hòa nắm chủ quyền từ nhiều năm trước.
- Năm 1979, khi TC xua quân qua biên giới Việt-Hoa, nhằm “dạy cho Việt Nam bài học” đã chiếm nhiều phần đất của Việt Nam.
- Năm 1988, TC chiếm 10 đảo ở Trường Sa bất chấp luật lãnh hải của LHQ năm 1982.                                                                      
- Năm 1999, Việt Nam mất 114 km2 đất ở biên giới phía Bắc qua hiệp định biên giới trong đó có một phần thác Bản Giốc, và ải Nam Quan 
- Năm 2000, Việt Nam mất 11.000 km2 vùng vịnh Bắc Bộ.
- Nhiều hoạt động xâm lấn tại Biển Đông trong những năm gần đây của TC và các nước Đông Nam Á và Thái bình Dương (Xem tin tức) 
- Nhiều vùng lãnh thổ hiện được nhượng một phần hay toàn phần cho TC như Bô Xít trên Tây Nguyên, các vùng biên giới phía Bắc, các “khu tự trị” với thành phố  hoàn toàn của TC (như ở Bình Dương…)
- Trung Cộng đã tự ý vẽ ra hình lưỡi bò trên Biển Đông mà họ tuyên bố nắm chủ quyền chiếm 80% diện tích Biển Đông.
Các hoạt động của những quốc gia trong vùng và trên thế giới
 
Gần đây, chúng ta thấy có nhiều hoạt động tại vùng biển TâyThái Bình Dương mà Hoa Kỳ tuyên bố là nơi có quyền lơi sống còn. Các nước như Phi Luật Tân, Indonesia, các nước ASEAN’ Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Mã Lai, Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã và đang có những động thái nhộn nhịp trước sự đe dọa của Trung Cộng. 
HIỂM HỌA CỦA TRUNG CỘNG , ( 5,6)
 
Hiểm họa của Trung Cộng trên thế giới được chứng minh qua nhiều tham vọng ngoài mặt là hợp tác phát triển kinh tế, nhưng thực chất bên trong là sự bành trướng toàn cầu, vấn đề an ninh, tạo ảnh hưởng quốc tế, di dân Trung Hoa đến toàn thế thế giới…
Đối với vùng Biển Đông, hiểm họa của Trung Cộng đã được chứng tỏ qua các hoạt động gần đây của họ (Xem tài liệu)
 
NGUY CƠ CỦA VIỆT NAM TRƯỚC SỰ XÂM LẤN CỦA TC (7)
Nguy cơ này được chứng minh qua nhiều sự kiện: Những vùng đã lọt vào tay TC do xâm chiếm bằng võ lực; những nơi đã được nhượng cho TC bởi chính quyền cộng sản Việt Nam; nhiều địa điểm đang trên đường lọt vào tay Hán Triều trước sự nhu nhược và đồng lõa của cộng sản Việt Nam; những hành động đàn áp các thành phần yêu nước, nhất là thanh niên, bày tỏ lòng ái quốc trước họa xâm lăng; những hiệp ước bí mật hoặc công khai nhượng đất, nhượng biển cho Trung Cộng  mà người dân không biết; sự cố chấp, tham quyền cố vị của đảng cộng sản Việt Nam trước ước vọng tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam.
GIẢI PHÁP CỨU NGUY?
Vấn đề cứu nguy đất nước không ai còn tranh cãi nếu còn tinh thần yêu nước thật sự. Trước hết, ta cần nhìn tổng quát về các giải pháp.
Đề ra giải pháp có thể bị gán cho là lý thuyết suông, viển vông, vô ích vì đã có từ lâu rồi, hoặc là không thực tế. Ngoài ra, mỗi người  đứng ở một vị trí, một góc cạnh khác nhau sẽ nhìn giải pháp khác nhau, rất khó có sự đồng thuận. Không ai có thể xác định giải pháp nào là hay nhất, đúng nhất. Tất cả chỉ là tương đối. Tuy  nhiên, nếu cùng hợp lực, cùng nhau đóng góp ý kiến để thành hình giải pháp khả thi nhất, chung nhất, và thực tế nhất, chúng ta có nhiều hy vọng thành công.
Dù thế nào đi nữa, mọi người đều công nhận chúng ta cần phải có viễn kiến, phóng nhìn về phía trước, tạo hướng đi đúng đắn để đạt được kết quả tốt nhất. Vì thế kẻ viết bài xin đề ra một số tầm nhìn chiến lược về giải pháp cho vấn đề Biển Đông và hiểm họa của phương Bắc. 
* Mục đích của giải pháp
Giải pháp đưa ra nhằm mục đích gì?
Trước hết, mục đính tìm phương thức bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền  đất nước, kế đến, thu hồi những vùng đất,  vùng biển đã mất. Cuối cùng là đề phòng những đe dọa và mất mát trong tương lai.
* Nguyên lý căn bản của giải pháp
Nguyên tắc căn bản đầu tiên của giải pháp là (1) sự Đoàn kết dân tộc, tức là sự hợp lực của toàn khối dân tộc. Nguyên tắc này đã được chứng minh trong lịch sử đấu tranh giữ nước của quốc dân qua gương hy sinh của tiền nhân , các thành tích chống ngoại xâm qua các thời kỳ lệ thuộc.
Muốn được vậy, đất nước Việt Nam ngày nay cần một biểu tượng cho cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trong lịch sử cận đại. “Biểu tượng Bác Hồ” “Cha Già Dân Tộc” do cộng sản Việt Nam nặn ra và áp đặt đã hiện rõ nguyên hình. Đồng bào trong nước, nhất là ở miền Bắc, dần dần thấy rõ. Đâu là biểu tượng, quốc dân cùng nhau tìm ra sự đồng thuận.
Nhưng vấn đề quan trọng là làm sao tạo sự đoàn kết? Đoàn kết như thế nào?  đoàn kết với ai? Ai có khả năng tạo được sự đoàn kết?
Điểm tế nhị khác là khi đặt vấn đề “dân tộc”, có người sẽ chỉ trích ta có khuynh hướng “trung lập”, “hòa hợp hòa giải” với cộng sản. Ta cần xác định rõ điểm này. Dân tộc là dân tộc Việt Nam nói chung. Dân tộc không phải là đảng cs Việt Nam, mà cũng không phải là của đảng cs Việt Nam. Cs VN đã lợi dụng từ ngữ “dân tộc” để lừa gạt người dân trong thời kỳ chống Pháp và sau này.
Nguyên tắc kế tiếp (2) là Liên kết quốc tế  . Thế kỷ 21 không thể có cảnh một nước lớn ngang nhiên xâm chiếm nước khác, nhỏ yếu hơn (Iraq chiếm Kuwait năm 1990 là một thí dụ).
 
Thế giới ngày nay là một thế giới hỗ tương, liên lập, một nước không thể tự mình trường tồn. Môt quốc gia tuy nhỏ, nhưng nếu khôn ngoan, biết liên kết sẽ có thể đứng vững (như Do Thái trước sự bao vây của các nước Á Rập tại Trung Đông mạnh gấp trăm lần về người, về tài vật lực). Thụy Sĩ tuy nhỏ nhưng giữ được vai trò quốc tế trung lập quan trọng, cũng như Singapore. Một quốc gia nếu muốn giữ được nền độc lập cần phải dựa vào thế quốc tế.
 
Nguyên tăc kế tiếp (3) là Luật pháp quốc tế ,(11,12)  . Ngày nay không thể có hành động xâm chiếm một nước có chủ quyền một cách bất hợp pháp. Đã có luật pháp, tòa án quốc tế, có các cơ quan trọng tài quốc tế phân xử. Luật lệ quốc tế sẽ là vũ khí, là phương tiện giúp giải quyết mọi tranh chấp về chủ quyền đất đai trong hòa bình. 
Trước đây, một số quốc gia bất chấp luật pháp quốc tế, đưa quân xâm lấn nước khác bằng vũ lực nhằm tạo sự đã rồi, nhưng thế giới đã không để họ yên (vụ Iraq chiếm Kuwait đã kể trên). Giải pháp này cần có các chuyên viên luật pháp quốc tế, có thể là giải pháp hay và hữu hiệu nhất (vụ tranh chấp đền thờ Preah Vehear tại biên giới Camphuchia và Thái Lan là một điển hình). Hiện nay, Phi Luật Tân đang mang TC ra tòa về vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough cách bờ biển Phi Luật Tân 100 km. 
Và (4) thời đại này Vũ lực không phải là giải pháp tốt nhất để giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc gia và quốc tế và sẽ không được quốc tế chấp nhận và ủng hộ. Tuy nhiên đối với các vụ chiếm cứ ngang nhiên và bất hợp pháp một cách quá hiển nhiên (như vụ Iraq xâm chiếm Kuwait), thế giới có thể can thiệp. Trường hợp này hiện nay rất hiếm, vì tạo tình trạng phức tạp, nguy hiểm cho thế giới.
Một vấn đề quốc tế khác cũng khá quan trọng mà chúng ta khổng thể quên là năm (5) lá phiếu phủ quyết của 5 thành viên thường trực Hội Đồng LHQ gồm Hoa Kỳ, Nga, Trung Cộng, Anh, Pháp. Chỉ cần một phiếu không thuận là đủ bác bỏ một đề án đưa ra. Thường thường Nga và TC chống lại hầu hết quyết định của Anh, Pháp, Hoa Kỳ, và ngược lại. Vụ Syria mới đây nhất là một chứng minh, cho thấy Nga và TC phủ quyết nghị quyết lên án Syria đàn áp người dân biểu tình chống chính phủ của TT Assad.
Tình trạng hỗn loạn làm lợi cho giặc xâm lấn
Trong khi thực hiện các giải pháp, chúng ta cần tránh  những xáo trộn không cần thiết. Xáo trộn có thể tạo môi trường thuận lợi cho địch lấn chiếm. Ý kiến này có thể gây ra tranh cãi hoặc phản bác. Tuy nhiên, nếu các giải pháp dự tính không thể diễn ra ổn thỏa như dự tính, vì nhu cầu cấp thiết do đòi hỏi của tình thế, thì một sự xáo trộn có thể chấp nhận được do bất khả kháng. Tuy nhiên, cần phải nghĩ đến tính khả thi của giải pháp bạo động, có thực hiện được hay không?
Tính khả thi và sự biến đổi của tình hình
Các giải pháp cần thực tế và có tính khả thi (như trên đã nói), không cứng nhắt mà phải biến đổi tùy theo tình thế.  Đây không có nghĩa là xu thời, mà đó chỉ là biết uyển chuyển để đáp ứng sự đòi hỏi của tình thế.
Chi tiết thực hiện các Giải pháp
(A) TẠO ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
 
Ai có thể tạo được sự đoàn kết?  Đảng csvn có thể làm được không? Chúng ta có thể trả lời là không. Lý do tại sao?
Trước hết vì đcsVN (đảng csVN) mà người khai sáng là Hồ Chí Minh, đã không do dân  bầu, không có chính danh để cai trị đất nước. Đảng csVN đã tự xưng tự tiếm quyền thống trị đất nước và tự ý lưu nhiệm vĩnh viễn.
ĐcsVN không đứng về phía nhân dân; Họ là một tập đoàn cai trị độc tôn, đối lập với nhân dân, không chấp nhận hợp tác với bất cứ ai ngoài họ; họ tự tạo thành một giai cấp đứng trên quyền lợi của dân tộc. 
ĐcsVN chủ trương đấu tranh giai cấp, tạo chia thành giai cấp trong xã hội; tự cho họ “phát sinh từ giai cấp công nhân” (đ. 4 hiến pháp 1992). Thực sự họ đã hoàn toàn đi ngược với quyền lợi của người dân lao động và mọi giới đồng bào khác.
ĐcsVN đã gây nhiều tội ác với dân tộc Việt Nam, tạo ra biết bao hận thù trong các tầng lớp nhân dân: thời kỳ 1945-1954 giết hại nhiều thành phần yêu nước không cộng sản; cải cách ruộng đất, dấu tranh giai cấp; vụ Nhân văn Giai Phẩm; vụ chống Xét Lại; cải tạo miền Bắc; tạo chiến tranh tương tàn giữa hai miền Nam Bắc làm thiệt mạng trên 3 triệu người; đánh tư sản mại bản miền Nam; lưu đày, thủ tiêu, trả thù quân dân cán chính miền Nam; tạo ra cuộc tỵ nạn bỏ nước ra đi lớn nhất thế kỷ làm chết hàng trăm ngàn người…
Ngoài ra, đcsVN là tổ chức phụ thuộc của TC, mang ơn sâu nghĩa nặng đối với cộng sản Bắc Kinh; Trước đây đcsvn đã nhận lệnh của Quốc Tế Đệ Tam nhằm nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á; Do đó, bản chất của đcsVN không mang tính yêu nước như họ tự nhận mà chỉ vì quyền lợi chủ nghĩa cộng sản. Đến nay, họ vẫn còn tôn thờ cái chủ nghĩa lỗi thời, đi ngược lại trào lưu dân chủ của nhân loại.
ĐcsVN đã ngầm ký nhiều hiệp ước bí mật với TC và LX trước đây mà người dân hoàn toàn không được biết. Các trí thức trong nước đang đòi hỏi phải bạch hóa những hiệp ước đó.
Đảng csVN đã tự tạo ra một loại nội thù của dân tộc Việt Nam. Chính nội thù này đã ngăn cản sự đoàn kết của toàn dân.
Vì vậy ta có thể kết luận rằng đảng csVN không đủ tư cách tạo đoàn kết dân tộc; không thể có sự hòa giải giữa người dân yêu nước và đảng csvn.
Làm sao tạo được đoàn kết?
 
Muốn tạo được sự đoàn kết, trước hết cần có một xã hội tự do, một thể chế dân chủ, công bằng, pháp trị, trong đó mọi người dân đều có cơ hội và quyền tham gia giúp nước, đóng góp công sức cho đất nước…
Noi gương tiền nhân trong lịch sử chống ngoại xâm, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, toàn dân Việt Nam mới có thể cùng nắm chặt tay đoàn kết thành một khối chống ngoại xâm.
Người Việt yêu nước cần bỏ qua mọi tranh chấp, tỵ hiềm trong hàng ngũ những người không cộng sản. Chỉ có một kẻ thù duy nhất là giặc ngoại xâm và những thế lực nội thù tiếp tay với giặc là đcsVN.
Đối với những thành phần từng bị lừa gạt, hoặc lầm lẫn theo chủ nghĩa cộng sản và đảng cộng sản, nhất là những người hiện ở trong quân đội, công an bị ép buộc phải bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng, nay nếu thật tâm hồi tỉnh, thật tâm từ bỏ chủ nghĩa cs, từ bỏ đảng cs, quay về với dân tộc, với tổ quốc Việt Nam, chúng ta hoan nghinh và đón nhận, cùng hợp tác cứu nước và xây dựng đất nước. Đối với các thành phần từng gây tội ác sẽ được luật pháp xét xử công minh.
Ai có thể tạo sự đoàn kết?
 
Mọi người dân Việt đều có bổn phận cứu nước, chống ngoại xâm có bổn phận tạo sự đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên như trên đã trình bày, chỉ những người Việt Nam có tinh thần yêu nước chân chính, không theo hoặc không còn tin vào cộng sản mới có thể tạo sự đoàn kết. 
(B). LIÊN KẾT QUỐC TẾ:
Liên minh quốc tế: Cần liên minh với các quốc gia thuộc Hiệp Hội Đông Nam Á (ASEAN); Liên minh với các nước trong vùng: Nhật; Ấn Độ; Úc..; Liên minh với các thế lực lớn: Hoa Kỳ; Nga (?), Liên Âu.
Cần dựa vào các hiệp ước quốc tế bảo vệ lẫn nhau nếu có sự xâm lấn của nước khác.
(C). LUẬT PHÁP QUÔC TẾ
Như trên đã trình bày, mọi tranh chấp đều phải có luật pháp quốc tế giải quyết. Phải dựa vào Tổ chức Liên Hiệp Quốc. Vấn đề là ai đưa vấn đề ra LHQ ?
 
Cần dựa vào Công pháp quốc tế.  Luật biển quốc tế. Ai khởi tố?  Cơ quan nào xét xử? Gần đây chúng ta nghe nói đến “Hiệp Ước Ứng Xử Biển Đông”, các quốc gia Đông Nam Á đang hành động tích cực trong lãnh vực này, nhưng TC cố tình bác bỏ.
Vấn đề là ai sẽ có quyền đưa vấn đề ra trước quốc tế?  Giải pháp này cần có chuyên viên luật gia về luật quốc tế phụ trách.
CÁC BƯỚC ĐI CỦA GIẢI PHÁP
1. Toàn dân (những người yêu nước không cs) trong nước và hải ngoại tạo thế liên kết. 
2. Kêu gọi các thành phần công an, quân đội csvn mà đa số vì bắt buộc phải phục vụ đảng csVN, hãy thức tỉnh trước nguy cơ mất nước, hãy quay về với hàng ngũ dân tộc thay vì bảo vệ chế độ độc tài csvn. 
3. Vận động quốc tế yểm trợ các phong trào dân chủ hóa Việt Nam; yểm trợ  cuộc tranh đấu của dân tộc Việt Nam bảo vệ chủ quyền các hải đảo và lãnh thổ. Vấn đề ở đây là chúng ta ủng hộ dân tộc Việt Nam mà không ủng hộ chính quyền độc tài đang chà nhân quyền và tước bỏ dân quyền là CSVN. 
4. Toàn dân áp lực đảng csvn phải hủy bỏ điều 4 hiến pháp, chấp nhận đa nguyên đa đảng; thực thi các quyền căn bản của người dân; chấp nhận tổ chức các cuộc bầu cử tự do: bầu hội đồng nhân dân các cấp; bầu Quốc hội Lập Hiến; Quốc Hội lập pháp; bầu chính phủ dân chủ v.v.. 
5. Chính phủ mới sẽ hợp tác cùng các thế lực quốc tế chống lại sự bành trướng của TC.
6. Hủy bỏ các hiệp ước bất bình đẳng (công khai hoặc bí mật) đi ngược với ý nguyện của dân tộc Việt Nam. 
7. Trong thời gian chuyển tiếp, nhà cầm quyền cs tại Hà nội (hiện vẫn còn tư cách pháp nhân đối với quốc tế) phải giữ liên hệ tốt với các nước ASEAN, các quốc gia vùng Đông Á, Thái Bình Dương, với Hoa Kỳ, Liên Âu v.v..; cùng với các nước ASEAN đưa TC ra tòa án quốc tế, hoặc LHQ về vấn đề Biển Đông. 
8. Sau khi chính phủ dân chủ, tự do ra đời do dân bầu ra, đảng csvn phải tự giải tán như ở Liên Xô trước đây. Nếu cố chấp, chính quyền mới sẽ đưa đảng csvn ra tòa án quốc tế về tội chống nhân loại đã nói ở trên. Những thành phần cs từng gây tội ác với đồng bào và dân tộc sẽ được xét xử công bằng trong khi những thành phần thức tỉnh, trở về với cộng đồng dân tộc sẽ có cơ hội góp phần xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. 
VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HẢI NGOẠI
Phần lớn người Việt tại hải ngoại ra đi vì lý do chính trị, vì không chấp nhận sống dưới ách cai trị kềm kẹp của đảng csvn; họ luôn luôn hướng về tổ quốc, họ không ngừng tranh đấu cho một nước Việt Nam thật sự tự do, dân chủ, công bằng và phát triển để người dân sống trong hạnh phúc.
Người Việt Nam sống tại hải ngoại có cơ hội tiếp xúc với xã hội tự do dân chủ, môi trường khoa học tân tiến, liên hệ với chính trường nơi cư ngụ, sẽ là yếu tố quan trọng yểm trợ và vận động cho một nước VN thật sự tự do dân chủ, vận động quốc tế chống lại mọi âm mưu xấm lấn Việt Nam.
Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại cần làm gì?
 
Muốn góp phần giúp giải quyết các vấn đề Việt Nam và Biển Đông, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia hải ngoại cần xây dựng một cộng đồng vững mạnh, có tinh thần quốc gia dân tộc, không chấp nhận chủ nghĩa và chế độ cs tại Việt Nam. Đồng bào hải ngoại liên kết với đồng bào trong nước, tạo cao trào yêu nước chống lại nội thù cs và ngoại thù xâm lược bành trướng Bắc Kinh đồng thời vận động quốc tế cho các mục tiêu nói trên.
KẾT LUẬN
Các giải pháp đề nghị trên đây chỉ là những gợi ý tổng quát, cần có sự bổ sung và đóng góp ý kiến rộng rãi để có một quan điểm chung. Mọi giải pháp đều không thể thực hiện nếu chúng ta không có sự hợp lực, không có sự quyết tâm, không có phương tiện tài chánh, và nhất là không có thực lực.
Đã đến lúc toàn dân Việt Nam phải kết hợp để chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước, đòi lại những gì đã mất vào tay TC thông qua đảng csvn
 
Đã đến lúc CĐVN hải ngoại phải tạo một thế đứng vững chắc trong cộng đồng cũng như trên chính trường quốc tế, liên kết trong ngoài, vận động quốc tế yểm trợ cho một nước Việt Nam hoàn toàn dân chủ, tự do, hỗ trợ đống bào trong nước cương quyết đối đầu với thế lực thống trị, để đoàn kết toàn dân chống lại sự xâm lăng bất cứ từ đâu tới.
Các tổ chức đấu tranh cách mạng cần tạo sức mạnh cho chính mình để giữ vai trò quan trọng và hữu hiệu trong tiến trình của các giải pháp.
 
Với ý chí và quyết tâm của toàn dân; với sự đồng tâm hiệp lực của mọi giới đồng bào trong và ngoài nước, trước sự an nguy của tổ quốc, chắc chắn chúng ta sẽ thành công như lịch sử đã chứng minh.
 
BS Đỗ Văn Hội
Chủ Tịch HĐCH
Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ
© Tác giả gửi bài đến Ban biên tập.
© Diễn Đàn Người Dân ViệtNam

 5- Xem Henry Kissinger on China, The Penguin Press, NY, 2011
 6- A Contest for Supremacy: China, America, and the Struggle for the Mastery in Asia. By Aaron Friedberg, Norton 2011
 7- Xem tài liệu: Đồng chí B nói về âm mưu chống Việt Nam của bè lũ phản động Trung Quốc, Phạm Xuân Bách dịch từ  cuốn “Đàng sau bức màn tre – Trung Quốc Việt Nam và thế giới ngoài châu Á (Behind the Bamboo Curtain – China, Vietnam, and the World beyond Asia” do Priscilla biên tập. Phần này do TS Stein Tonnesson viết, ông là giám đốc Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Oslo, Na Uy.
 8- Xem chú thích # 2 ở trên.
(Ghi chú: Bản đồ hình lưỡi bò trích từ tài liệu của GS Nguyễn Văn Canh)
 9- Xem các sách lịch sử Việt Nam của nhiều học giả.
  10 -Việt Nam cần liên kết trong ngoài để tự vệ: TS Richard Weitz, trả lời phỏng vấn của đài BBC, ngày 20-1-2011.
 11- Địa Lý Biển Đông Với Hoàng Sa và Hoàng Sa: Vũ hữu San, Ủy Ban bảo vệ sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ VN 1995.
 12- Vấn đề Hoàng Sa Trường Sa theo Công Pháp Quốc Tế: Luật sư Nguyễn Hữu Thống

Không có nhận xét nào: