GENEVA (NV) .- Báo cáo nhân quyền định kỳ của nhà cầm quyền CSVN tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vừa diễn ra, được mô tả giống như câu tục ngữ “Ông nói gà bà nói vịt”.
Quang cảnh buổi báo cáo nhân quyền định kỳ của Việt Nam tại Hội Đồng Nhân Quyền LHQ ngày 5/2/2014. (Hình: Peter Bui)
|
Ngày 5/2/2014, nhà cầm quyền CSVN cho một thứ trưởng Ngoại Giao cầm đầu một phái đoàn gồm đại diện nhiều bộ ngành tới Hội Đồng Nhân Quyền LHQ trình bày bản báo cáo định kỳ 4 năm một lần. Đây là lần thứ hai nhà cầm quyền CSVN báo cáo định kỳ về thực hiện các khuyến nghị được nhiều nước yêu cầu thực hiện trong kỳ báo cáo đầu tiên vào năm 2009.
Cuộc điều trần nhân quyền lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam được trở thành thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ ở khu vực Á Châu. Nhiều tổ chức, hội đoàn và cá nhân người Việt Trong trong và ngoài nước cũng như các tổ chức quốc tế đã hợp tác chặt chẽ với nhau, tố cáo chế độ Hà Nội là ngày càng vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Trước khi có buổi báo cáo của nhà cầm quyền CSVN, các phái đoàn người Việt Nam vừa kể đã tiếp xúc với các nước trong Hội Đồng Nhân Quyền và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, đưa ra các chứng cớ cụ thể để chứng minh là nhà cầm quyền CSVN nói một đàng làm một nẻo.
Hiến pháp và luật lệ tuy có nhưng chế độ Hà Nội dung dưỡng guồng máy công an đàn áp người dân dưới nhiều hình thức. Họ ngồi xổm trên pháp luật như nhiều viên công an tuyên bố “Luật là tao, tao là luật”.
Một ngày trước buổi báo cáo định kỳ của Hà Nội về nhân quyền, gọi tắt là UPR, một chương trình thuyết trình và hội thảo về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam đã được nhiều tổ chức phối hợp thực hiện ngay tại trụ sở LHQ. Các nhân chứng như luật sư Hà Huy Sơn đến từ Việt Nam, nhà báo Trần Quang Thành đến từ Tiệp Khác và nhiều người khác đã nói ra những sự thật hoàn toàn ngược lại với những gì nhà cầm quyền CSVN tuyên truyền.
Theo tin của Dân Làm Báo, trong phần báo cáo UPR của nhà cầm quyền CSVN hôm Thứ Tư 5/2/2014, các giới chức của chế độ Hà Nội “thao thao bất tuyệt đọc một báo cáo khoảng 20 trang, tiếp tục khoe khoang về cái gọi là ‘thành tích nhân quyền’.” Cũng vẫn là ”Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là phát triển kinh tế-xã hội, kiện toàn hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền con người và xây dựng nhà nước pháp quyền”.
Có tới 107 nước có đại diện muốn phát biểu về báo cáo UPR của CSVN. Ngoài những lời phê bình và khuyến nghị có tính cách cò mồi hay thân hữu của một số nước được Hà Nội mua chuộc, nhiều quốc gia đã thẳng thắn đòi hỏi CSVN phải trả lại các quyền tự do căn bản thật sự cho người dân, hiện vẫn chỉ có trên giấy.
Có 12 nước đã gửi các câu hỏi đòi đại diện của nhà cầm quyền CSVN trả lời, từ vấn đề án tử hình, quyền tự do nghiệp đoàn, đến sự cấm đoán hay hạn chế sử dụng tự do internet, các điều luật hình sự mơ hồ để bắt giam và bỏ tù người dân một cách tùy tiện, độc đoán.
Sau bản báo cáo của đại diện CSVN, đại diện Thụy Điển tố cáo chế độ Hà Nội “tăng cường đàn áp, sách nhiễu nhằm vào những người sử dụng Facebook”… “Công an tăng cường dùng vũ lực đối với những người chỉ thực thi quyền tự do ngôn luận của họ một cách ôn hòa; và lạm dụng các điều luật mơ hồ để trấn áp”. Phái đoàn Thụy Điển đòi hỏi CSVN phải “đảm bảo quyền tự do ngôn luận cả trên mạng và ngoài đời”; “sửa đổi Bộ luật Hình sự và bổ sung các điều luật liên quan theo hướng bảo vệ nhân quyền”; và “tiến tới giảm án tử hình”.
Đại diện Anh Quốc bầy tỏ “lo ngại về sự hạn chế các quyền về tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do hội họp, và lo ngại về số án tử hình.”
Đại diện chính phủ Hoa Kỳ thì “ lo ngại vì Việt Nam vẫn tiếp tục sách nhiễu và bắt giam những người thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp; tiếp tục hạn chế tự do tôn giáo, sách nhiễu các nhà thờ, công đoàn độc lập, và thực hiện lao động cưỡng bức. ngăn chặn khối xã hội dân sự tham gia tiến trình UPR”.
Dịp này vị đại diện Hoa Kỳ đòi chế độ Hà Nội “Xem xét lại tất cả các đạo luật mơ hồ”, “Trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là: Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày, và Trần Huỳnh Duy Thức…” và “Thúc đẩy quyền của người lao động, và khẩn trương ký phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn.”
Phái đoàn của chính phủ Đức cũng đòi CSVN “trả tự do ngay cho những người dân đã bị bắt giam và kết án tù một cách tùy tiện”. Họ cũng đòi Hà Nội “Thực hiện nghiêm túc các quyền được quy định trong các công ước mà VN đã ký kết, đặc biệt quyền tự do biểu đạt trên Internet.”
Đáp lại các lời cáo buộc, phái đoàn CSVN chỉ ngồi đọc những điều trong hiếp pháp và luật pháp của chế độ để khoe rằng các quyền tự do của ông dân được “bảo đảm”. Họ không trả lời trực tiếp và cụ thể đối với các lời tố cáo vi phạm nhân quyền.
Theo bản tin Dân Làm Báo, có mặt tại hội trường, giám đốc tổ chức VOICE là luật sư Trịnh Hội bình luận: “Thiệt là lạ. Đại diện các bộ từ Việt Nam chắc toàn là superman và superwoman. Họ đã biết trước các nước sẽ hỏi gì vì ngay sau khi có câu hỏi là họ đã soạn sẵn ngay vài trang giấy chỉ trong vòng vài phút để trả lời. Tiếc là câu trả lời tràng giang đại hải chẳng ăn nhập gì đến câu hỏi!”
Bình luận về tác dụng của cơ chế UPR đối với Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những người vận động dân chủ hóa Việt Nam phát biểu trên đài BBC: “Tôi nghĩ rằng chắc chắn nó sẽ có tác động gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam. Nhưng những áp lực đấy có thực sự hữu hiệu để khiến nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách liên quan đến nhân quyền thì tôi e rằng tính hiệu quả của nó là không nhiều.” (TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét