Hoa Kỳ vừa có lời kêu gọi các bên "lùi bước và tránh hành động khiêu khích dưới mọi hình thức", trong lúc căng thẳng dâng cao tại bán đảo Crimea thuộc Ukraine.
Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng Moscow cần chứng minh lời nói bằng hành động.Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói ông đã có cuộc đối thoại với người đồng cấp của phía
Trước đó, những tay súng thuộc phe ủng hộ Nga đã chiếm giữ tòa nhà Quốc hội trên bán đảo Crimea, trong khi Nga cho quân đội tiến hành tập trận.
Cựu Tổng thống Viktor Yanukovych cũng được cho là đã đến Nga, sau khi bị Quốc hội truất quyền hồi tuần trước.
Truyền thông Ukraine nói ông này đã đến thành phố Rostov-on-Don ở phía Nam nước Nga hôm 28/2, nơi ông dự kiến sẽ có một cuộc họp báo.
Trong tuyên bố ngày 27/2, ông Yanukovych nói ông vẫn xem mình là tổng thống hợp pháp của Ukraine.
Trước đó, một chính phủ tạm quyền do Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đứng đầu, cũng đã được Quốc hội Ukraine phê chuẩn hôm 27/2.
'Gây hấn quân sự'
Ông Kerry nói ông đã có cuộc đối thoại với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đã "yêu cầu Nga cộng tác với Hoa Kỳ và đồng minh để giúp Ukraine tái lập sự thống nhất, an ninh và một nền kinh tế vững mạnh."
Ông cũng cho biết ông Lavrov đã khẳng định rằng những cuộc thao tập quân sự diễn ra theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin hôm 26/2 hoàn toàn không liên quan đến tình hình tại Ukraine và Moscow cũng lấy làm "quan ngại" trước tình hình căng thẳng tại trụ sở quốc hội ở Crimean.
Nga cũng đã điều chiến đấu cơ để giám sát tình hình ở khu vực biên giới.
Cũng theo lời ông Kerry, ông Lavrov đã tái khẳng định lập trường của Tổng thống Putin rằng Nga sẽ "tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Tuy nhiên ông Kerry cho rằng chỉ lời nói thôi chưa đủ. "Chúng ta đã thấy rằng chỉ hành động và những quyết định sau đó mới tạo ra sự khác biệt lớn nhất," ông nói trong một buổi họp báo chung với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier.
Lãnh đạo các nước phương Tây và khối Nato trước đó cũng đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến hiện nay trên bán đảo Crimea.
Tổng thống tạm quyền của Ukraine, ông Olexander Turchynov, trước đó đã cảnh báo Nga rằng bất kỳ sự di chuyển nào của Hạm đội Hắc Hải vượt ra ngoài phạm vi căn cứ hải quân tại Crimea sẽ bị xem là hành động "gây hấn quân sự".
Trước đó, hôm 27/2, ông Lavrov đã khẳng định Nga sẽ cộng tác với phương Tây, tuy nhiên ông cũng cảnh cáo rằng các nước khác không nên quyết định thay cho người dân Ukraine.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi thỏa thuận tái thiết hòa bình được ông Yanukovych ký với phe đối lập với sự môi giới của EU trước khi ông này bị truất quyền hồi tuần trước.
Tuy nhiên, phóng viên BBC tại Moscow, Bridget Kendall, cho rằng điều này khó xảy ra.
Tình hình bất định tại Ukraine đã làm đồng hryvnia của nước này trượt giá xuống mức kỷ lục.
Thủ tướng tạm quyền của Ukraine, ông Arseniy Yatsenyuk, đã cáo buộc ông Yanukovych và chính phủ của ông này là chiếm đoạt kho bạc quốc gia và thông báo trước Quốc hội rằng hàng tỷ đôla đã được chuyển đến các tài khoản ở nước ngoài trong suốt ba năm qua.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết tổ chức này đã nhận được yêu cầu trợ giúp từ chính phủ tạm quyền của Ukraine và sẽ cử một phái đoàn đến Kiev trong những ngày tới.
Chiếm giữ nhiều nơi
Căng thẳng đã dâng cao tại bán đảo Crimea, thành trì của phe ủng hộ Nga, kể từ khi ông Yanukovych bị truất quyền.
Sáng sớm ngày 28/2, một nhóm vũ trang trong đồng phục quân đội đã xuất hiện tại sân bay thành phố Simferopol, hãng thông tấn Interfax của Ukraine dẫn lời các nhân chứng cho biết.
Trong một diễn biến khác vào ngày 27/2, nhiều tay súng không rõ danh tính đã chiếm giữ trụ sở Quốc hội tại Crimea và cắm quốc kỳ Nga trên nóc tòa nhà.
Những người này đã nhận được sự cổ vũ từ nhiều người biểu tình ủng hộ Nga đang có mặt xung quanh tòa nhà, bất chấp sự có mặt của cảnh sát.
"Chúng tôi đã chờ đợi giây phút này 20 năm qua," một thủ lĩnh của người biểu tình nói.
"Chúng tôi muốn một nước Nga thống nhất."
Những người này được cho là vẫn đang tiếp tục chiếm giữ tòa nhà, dù hiện chưa rõ họ đã đưa ra yêu cầu hay tuyên bố chính thức nào hay chưa.
Họ giương tấm biểu ngữ "Crimea thuộc về Nga" và ném một quả lựu đạn gây choáng để đáp lại câu hỏi từ một phóng viên, hãng thông tấn AP đưa tin.
Hôm 26/2, những người ủng hộ chính phủ mới của Ukraine và phe thân Nga đã đụng độ nhau ở Crimea.
Trước tình hình căng thẳng hiện nay, Quốc hội Crimean đã tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc mở rộng quyền tự trị của bán đảo này vào ngày 25 tháng Năm.
Crimea, nơi những người gốc Nga chiếm đa số, được Nga chuyển cho Ukraine vào năm 1954.
Cộng đồng người Ukraine thiểu số thân với Kiev và người Hồi giáo Tatar, vốn đã có hiềm khích với Nga từ khi bị Stalin cưỡng bức trục xuất thời Chiến tranh Thế giới lần II, đã thiết lập một liên minh để phản đối bất kỳ động thái nào hướng tới việc quay trở về với Moscow.
Nga, cùng với Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã cam kết duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong một bản ghi nhớ được ký kết vào năm 1994.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét