Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Cùng hướng về phiên tòa sơ thẩm của Nhà báo Trương Duy Nhất

 VRNs (28.02.2014) - Sài gòn.
Nhà báo Trương Duy Nhất, chủ trang web truongduynhat.vn, bị nhà cầm quyền quy kết vào khoản 2, Điều 258 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” của Bộ luật hình sự (BLHS), và sẽ bị xét xử tại tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng vào lúc 8 giờ, ngày 04.03.20104. Bà Cao Thị Xuân Phượng, phu nhân của Nhà báo Trương Duy Nhất gửi thư đến cộng đồng người Việt, mời gọi mọi người dự khán phiên tòa.
Ông Trương Duy Nhất
Ông Trương Duy Nhất
Bà Xuân Phượng viết: “Trong phiên tòa xét xử anh Nhất vào ngày 4/3/2014, chúng tôi rất mong các anh chị, bạn bè có điều kiện đến tham dự. Cho đến thời điểm này, gia đình chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng về phiên xét xử, cũng như không được biết tòa có xử công khai hay không, mặc dù theo lẽ thường phiên tòa này phải được xử công khai, mở cửa cho tất cả những ai quan tâm vào tham dự. Nhưng bất luận thế nào đi nữa, sự có mặt của các anh chị, bạn bè trong thời gian phiên tòa diễn ra, dù ở trong hay ngoài tòa án, cũng là nguồn sức mạnh rất lớn cho anh Nhất, cho gia đình chúng tôi.”

Bà Xuân Phượng quả quyết chồng bà vô tội: “Những bài viết của anh Nhất trên trang web truongduynhat.vn là cách nhìn, thái độ của anh Nhất trước những vấn đề chính trị, xã hội chung của đất nước; là sự thể hiện quyền và nghĩa vụ của anh – một công dân, một nhà báo, như đã được pháp luật quy định. Tôi tin anh Nhất vô tội. Tôi tin các anh, chị cũng nghĩ vậy.”
Người Buôn Gió đồng tình: “Ủng hộ Trương Duy Nhất, nạn nhân của sự trấn áp thông tin, tự do ngôn luân.” Facebooker Nguyễn Lân Thắng bộc bạch: “Mình rất ghét ông Trương Duy Nhất vì cái tội viết bài chửi chị Bùi Hằng máu trên máu dưới… thậm chí mình đã vào FB của ông ấy để chửi một trận rồi unfriend và không thèm đọc bài ông ấy viết nữa… Thế nhưng việc ông ấy bị bắt giam và xét xử bởi điều luật phi lý 258 thì đây là lúc phải bỏ qua mọi cảm xúc cá nhân để lên tiếng ủng hộ ông ấy… vì chúng ta là CON NGƯỜI !!! Hãy cố gắng theo dõi và tham gia phiên toà xét xử ông ấy tới đây.” Ba To mong rằng: “Chúng ta không thích ai đó là quyền của mỗi cá nhân. Nhưng xét trên góc độ con người và luật pháp thì chúng ta nên lên tiếng cho họ vì những bất công họ đang gánh chịu.”
Trên facebook của Luật sư Hà Huy Sơn, một trong những luật sư tham gia bào chữa cho Nhà báo Trương Duy Nhất, Ls Hà Huy Sơn khẳng định: “Nếu các bài viết của ông Nhất về các lãnh đạo Đảng, Nhà nước là xuyên tạc thuộc về “Tội vu khống” chứ không phải Điều 258, BLHS. Ngược lại các bài viết của ông Nhất là đúng và các hành vi của các cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước là trái pháp luật thì ông Nhất là người bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền lực của nhân dân, ông Nhất hoàn toàn không có tội.”
Luật sư Hà Huy Sơn cho hay: “Trong Kết luận cáo trạng vụ án của ông Nhất (Điều 258) rất chung chung là: “Nội dung 12 bài viết này không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước;”
Lợi ích của Nhà nước theo hiến pháp chính là quyền lực của nhân dân, tức là các cơ quan Nhà nước, công chức phải tuân theo pháp luật sử dụng bộ máy Nhà nước làm công cụ để thực thi quyền lực của nhân dân. Việc đồng nhất các cá nhân giữ chức vụ Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội như chính là “Nhà nước” là hoàn toàn sai. Họ chỉ được coi là “Nhà nước” khi thực hiện đúng trách nhiệm công vụ, ngược lại các cá nhân đó lợi dụng quyền hạn được giao để phục lợi ích cá nhân thì không phải là “Nhà nước”.”
Ls Hà Huy Sơn phân tích cho thấy 3 khía cạnh pháp lý về vụ án của Nhà báo Trương Duy Nhất như sau: “Thứ nhất, về thẩm quyền: Tội theo Điều 258 có khung hình phạt cao nhất là 07 năm, không thuộc Chương XI “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”. Thông thường thẩm quyền điều tra vụ án này là cơ quan cảnh sát là cấp huyện, quận và cơ quan truy tố, xét xử tương đương. Nhưng vụ án “Trương Duy Nhất về Điều 258, BLHS” được cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiến hành và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra cáo trạng, xét xử tại Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tức là vụ án được nâng 02 cấp điều tra, truy tố; nâng 01 cấp xét xử.
Thứ hai, về hình thức bản cáo trạng giống như cáo trạng của vụ án “Cù Huy Hà Vũ về Điều 88, BLHS”. Vụ án ông Vũ chứng cứ là: 10 đầu tài liệu, trong đó 08 bài viết, phát biểu của ông Vũ, 01 bài nháp, 01 bài của người khác lưu ở máy tính cá nhân. Vụ án của ông Nhất chứng cứ là: 12 bài đăng trên blog, trong đó 11 bài của ông Nhất, 01 bài của người khác.
Cả 02 vụ án, cơ quan truy tố là Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đều sử dụng Kết luận giám định của cơ quan Thông tin và Truyền thông để cho rằng bị cáo vi phạm tội như cơ quan điều tra khởi tố. Tôi dự đoán phiên tòa xét xử ông Nhất cũng giống như phiên tòa xét xử ông Vũ là: Nội dung các bài viết sẽ không được công bố tại tòa để làm căn cứ tranh luận như quy định của Điều 214 “Việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét, báo cáo của cơ quan, tổ chức” của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003. Nếu phiên tòa xét xử ông Nhất giống như phiên tòa xét xử ông Vũ thì Tòa án chỉ căn cứ vào Kết luận giám định của cơ quan Thông tin và Truyền thông để kết tội ông Nhất. Tôi hy vọng dự đoán của tôi là không đúng, vì như vậy các hành vi (nội dung các bài viết) của ông Nhất không được xem xét, tranh tụng một cách khách quan tại phiên tòa.
Thứ ba, mặt khách thể tội phạm hay đối tượng được pháp luật hình sự bảo vệ trong 02 vụ án trên rất trừu tượng, khó phân biệt nên các cơ quan tiến hành tố tụng có thể đã tùy thuộc vào tình hình chính trị, xã hội để áp dụng Điều 88 hay Điều 258. Nói ngắn gọn: Điều 88 là bảo vệ sự tồn tại của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 258 là bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”
Trung tuần tháng 7.2013, Tổ chức RSF (Tổ chức phóng viên không Biên giới) kêu gọi phóng thích 35 bloggers bị cầm tù, bị đàn áp bởi họ thực hiện quyền tự do ngôn luận trong đó có Nhà báo Trương Duy Nhất.
Trong bài viết “Sự hèn mạt của báo chí” của Nhà báo Trương Duy Nhất, ông đau xót nhận xét: “Chưa bao giờ báo chí lại sợ hãi đến vậy. Chưa bao giờ báo chí kỳ lạ như giai đoạn này, xa lánh, tránh né hầu hết các vấn đề nhạy cảm. Vì sao tránh, vì sao không đăng, vì sao không can dự? Vì đó là vấn đề “nhạy cảm”- Một lối chỉ đạo và bao biện phản tuyên truyền, thậm chí là… phản động! Nhạy cảm mới cần báo chí can dự. Không nhạy cảm thì viết để làm gì, tuyên truyền làm gì và can dự làm gì?”.
PV. VRNs

Không có nhận xét nào: