Pages

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

'Mỹ giữ vững quyết tâm đối với chiến lược xoay trục Á Châu'

Scott Stearns
Trong chuyến công du Châu Á hồi tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tìm cách trấn an các nước đồng minh về cam kết của chính phủ của Tổng thống Obama đối với chiến lược xoay trục Châu Á, tức là chuyển thêm các nguồn lực chính trị và kinh tế sang khu vực Châu Á Thái bình dương. Từ trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, thông tín viên Scott Stearns gởi về bài tường thuật sau đây.

Chiến lược xoay trục Châu Á của Mỹ có mục đích tăng cường các hoạt động ở Châu Á Thái bình dương với những lực lượng được tái bố trí từ Iraq và Afghanistan.

Và Washington muốn sử dụng những nguồn lực mới về ngoại giao và thương mại để góp phần củng cố cho vị thế của một cường quốc Thái bình dương.

Về việc này, Ngoại trưởng Kerry phát biểu như sau.

"Tôi muốn xác nhận rằng mục tiêu tái cân bằng của Mỹ sang Châu Á Thái bình dương tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chính phủ của Tổng thống Obama. Mỗi ngày, dựa trên chỉ thị của tổng thống, chúng tôi đang huy động thêm các nguồn lực ngoại giao, kinh tế và quân sự để góp phần tăng tiến các mục tiêu mà chúng tôi chia sẻ với các đối tác trên khắp khu vực."

Những mục tiêu chung đó không phải lúc nào cũng rõ ràng vì mục tiêu của chính chiến lược xoay trục vốn không rõ ràng. Đó là nhận định của ông Michael Auslin, một nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu ở Washington có tên là Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.

"Chính phủ này chưa hề nói rõ mục tiêu của xoay trục là gì, mục tiêu của tái cân bằng là gì. Đây không phải là một ý tưởng xấu. Đây là một ý tưởng hay. Nhưng họ chưa bao giờ giải thích nó. Họ chưa hề thuyết phục người khác. Họ chưa hề nói với chúng ta tại sao việc này là quan trọng."

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã phát động chiến lược Xoay trục Châu Á, nhưng nhà phân tích Doug Bandow của Viện Cato nói rằng chiến lược này đã mất đà tiến dưới thời Ngoại trưởng Kerry.

"Xét về nhiều phương diện, trục xoay là sáng kiến của Ngoại trưởng Clinton. Bà ấy tập trung vào việc này. Ngoại trưởng Kerry, dĩ nhiên, đã mất nhiều thời giờ ở Trung Đông, mất rất nhiều thời giờ để thúc đẩy cho cuộc thương thuyết giữ người Palestine và Israel. Bây giờ ông ấy tập trung vào vấn đề Syria. Vì thế cho nên, sự chú tâm của ông ấy dường như không đặt nhiều vào Châu Á."

Ngoại trưởng Kerry khẳng định chiến lược trục xoay không hề bị lơ là. Ông cũng nhiều lần tìm cách trấn án Bắc Kinh là việc này không nhắm tới mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đang can thiệp vào những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biền Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa, là nơi Washington nói rằng Trung Quốc đang có những hành động hung hãn.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã mạnh mẽ bác bỏ tố cáo của Mỹ.

"Hoa Kỳ hết sức vô trách nhiệm khi đưa ra những cáo giác vô căn cứ chống lại Trung Quốc mà không hề kiểm tra xem có đúng sự thật hay không."

Washington đang đối mặt với một mối rủi ro là có thể bị lôi kéo vào vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản.

Giáo sư Lou Goodman của Đại học American University nói rằng tình trạng không rõ ràng của chiến lược Xoay trục Châu Á có thể làm cho tình hình trở nên tệ hại hơn. Ông nói thêm như sau.

"Có những yếu tố chính trị quốc nội đang tác động tại cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản. Những yếu tố đó làm cho họ có những phản ứng mạnh mẽ mỗi khi vấn đề này được nêu lên."

Ông Michael Auslin cho rằng những kỳ vọng không được đáp ứng về sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Châu Á có thể làm cho tình hình xấu hơn so với việc Washington không làm gì cả.

"Chúng ta có thể gây ra những nỗi thất vọng chua chát cho những người thật sự mong muốn Hoa Kỳ chẳng những nắm giữ một vai trò lớn hơn mà còn nắm giữ một vai trò có tính chất sáng tạo hơn. Họ muốn Hoa Kỳ chú tâm vào việc góp phần xây dựng một châu Á tự do hơn, dân chủ hơn; một châu Á có luật lệ và chuẩn mực của trật tự."

Ngoại trưởng Kerry cho biết Chính sách Xoay trục Châu Á có thể được thực thi một cách tốt đẹp nhất thông qua việc tiếp tục hợp tác với các đồng minh khu vực như khối ASEAN, một việc mà ông nói là chứng tỏ thái độ nghiêm túc của Washington đối với khu vực này thông qua sự giao tiếp chặt chẽ trong mọi lãnh vực.

Không có nhận xét nào: