Pages

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Biển Đông : Mỹ lại chống việc dùng võ lực để áp đặt chủ quyền

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhân kỳ dự hội nghị ASEAN tại
 Brunei - Reuters
Trọng Nghĩa
Kể từ ngày 13/02/2014 tới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại lên đường công du châu Á với các chặng ngừng tại Seoul, Bắc Kinh, và Jakarta. Hồ sơ Biển Đông chắc chắn là một điểm nóng trong chương trình nghị sự của người lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ.

Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra vào lúc khẩu chiến Mỹ Trung vẫn tiếp diễn về tính chấp phi pháp của đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để khoanh vùng chủ quyền của họ trên Biển Đông và các động thái quyết đoán của Trung Quốc nhằm áp đặt yêu sách biển đảo của mình.
Trong buổi họp báo thường kỳ tại Washington vào hôm qua, bà Marie Harf, Phó Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc lại rằng Ngoại trưởng John Kerry sẽ công du châu Á từ ngày 13 đến 18 tháng 2, và sẽ lần lượt ghé Seoul, Bắc Kinh, Jakarta rồi Abu Dhabi.
Trả lời câu hỏi của một nhà báo về nội dung các vấn đề mà ông Kerry có thể bàn bạc với Trung Quốc, bà Marie Harf chưa cho biết cụ thể những cho rằng ngoại trưởng Mỹ sẽ nhắc lại quan điểm chống lại việc dùng sức mạnh để giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, từng được ông Danny Russel Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương trình bày trước Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy Ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào tuần trước.
Riêng về phản ứng của Trung Quốc trước nhận định công khai của ông Russel về tính chất không phù hợp với luật pháp quốc tế của tấm bản đồ 9 đường gián đoạn được Bắc Kinh dùng làm cơ sở để đòi chủ quyền trên Biển Đông, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại tuyên bố của ông Russel theo đó « tính chất khiêu khích trong một số hành động của Trung Quốc đã làm nảy sinh nhiều mối quan ngại trong vùng về ý đồ lâu dài của Trung Quốc ».
Riêng về tấm bản đồ đường lưỡi bò, bà Harf cho biết là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã xác định rằng : « Căn cứ theo luật quốc tế, mọi đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, như đường chín đoạn của Trung Quốc, phải lấy cơ sở từ các thực thể lãnh thổ đã được Luật Biển Liên Hiệp Quốc quy định, và luật quốc tế phải là cơ sơ duy nhất có giá trị để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông ».

Không có nhận xét nào: