Pages

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Hoạt động nhân quyền và yếu tố đảng phái chính trị


Mẹ Nấm (Danlambao) - Ngay sau khi một số blogger Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho các đại sứ quán và các tổ chức phi chính phủ, đã có một loạt bài viết từ phía đội ngũ dư luận viên và các blogger được đảng nuôi rằng đứng đằng sau các hoạt động của Nhóm Tuyên bố 258, sau này là Mạng Lưới Blogger Việt Nam, chính là đảng Việt Tân.

Đặc biệt xu hướng quy chụp này càng trở nên dữ dội hơn ngay sau phiên Kiểm định Phổ quát (UPR) diễn ra tại Thuỵ Sĩ kết thúc.

Đây không phải là lần đầu tiên an ninh Việt Nam sử dụng kiểu quy chụp này để lên án các hoạt động chính trị đối lập của những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Còn nhớ năm 2009, khi những người tham gia in và phát áo phản đối dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên cùng cá nhân tôi bị sách nhiễu, bắt bớ, mọi mối liên hệ đều quy về giả thuyết đảng Việt Tân đứng đằng sau tất cả những hoạt động này. 

Và sau này, khi đã có vị trí đối thoại ngang bằng với an ninh, vài người trong số họ cũng đã úp mở thừa nhận họ bắt tôi khẩn cấp lúc đó vì nghĩ rằng tôi là người của đảng Việt Tân.

Không thể phủ nhận rằng, trên con đường chạm đến khát vọng tự do, dân chủ cho Việt Nam, đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực, đóng góp của tất cả các cá nhân, tổ chức vì một mục tiêu chung.

Nhưng rõ ràng, với xu thế và vị trí của Việt Nam hiện tại, rất khó cho các nhà hoạt động nhân quyền nếu liên quan đến yếu tố đảng phái chính trị.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy trước đây, việc các công dân Việt Nam ra nước ngoài tham gia học hỏi các khoá học ngắn ngày thường bị quy chụp là liên quan đến đảng Việt Tân. 

Một trong số những người bạn học cùng trường cấp 3 của tôi đã bị rơi vào trường hợp này. 

Sau khi tham gia một khoá ngắn hạn về thủ thuật sử dụng mạng an toàn, bạn tôi đã sang Thái Lan học tiếp một khoá học khác, trong đó có sự xuất hiện của các thành viên đảng Việt Tân. Và kết quả là sau một thời gian, thông tin khoá học trên bị lộ ra ngoài, chị bị sách nhiễu, bị mời lên làm việc và bị mất việc làm vì những người cộng sự của chị không chịu nổi áp lực rằng "chị tham gia các hoạt động phản động".

Bạn tôi đã phải trải qua một khoảng thời gian khó khăn để lấy lại được thăng bằng, và khi chia sẻ với tôi chị ấy nói: “Nếu chị biết trước được việc giữ liên hệ và tham gia các khoá học rắc rối như vậy, chị đã phải suy nghĩ và cân nhắc kỹ hơn”.

Năm 2012, tôi cũng đã phải trải qua một buổi làm việc với các nhân viên an ninh khá căng thẳng, và nội dung liên quan đến việc tôi đi học truyền thông ở Philippines, và các khoá học an toàn mạng khác ở Thái Lan. 

Khác với nhiều người, tôi quyết định công khai tất cả nội dung làm việc, bởi tôi biết chắc mình tham gia học với ai, kiến thức tôi nhận được không liên quan đến yếu tố đảng phái chính trị. Và luận điệu “Việt Tân đứng ra tổ chức các khoá học này” đã không còn xài được với tôi.

Chụp mũ là trò thường thấy của an ninh, và làm sao để giữ mình an toàn tránh khỏi các cạm bẫy lại là việc của những người tranh đấu. 

Một điều rõ ràng mà tôi biết rằng với các trường hợp liên quan đến đảng phái, sẽ rất khó khăn cho các cơ quan quốc tế lên tiếng về tình trạng vi phạm pháp luật của Việt Nam, bởi điều 4 Hiến pháp luôn luôn là cái rọ để nhốt tất cả những người bất đồng chính kiến vào với nhau bằng lối quy chụp thường thấy.

Đa số các trường hợp mà tôi biết liên quan đến hoạt động đảng phái đều bị kết tội rất nặng, và dư luận chưa thể làm gì nhiều để thay đổi tình trạng này ngoại trừ với các cá nhân có thêm một quốc tịch khác ngoài quốc tịch Việt Nam.

Việc đội ngũ dư luận viên công kích chuỗi hoạt động nhân quyền của nhiều cá nhân, tổ chức dân sự độc lập cho thấy, đó là chiêu trò cũ rích nhằm vô hiệu hoá các nỗ lực thúc đẩy tự do sang thành hoạt động chính trị được dẫn dắt bởi đảng phái nhằm tạo ra sự e ngại và ngăn cách với những người quan tâm và muốn nhập cuộc.

Nhận thức về vấn đề này thế nào, tôi sẽ để mỗi người tự quyết định.

Tôi tin rằng, vì một mục tiêu chung, thì dù đường đi và phương thức lựa chọn có khác nhau,những người có xu hướng hoạt động chính trị đảng phái sẽ biết nên và phải làm gì để có lợi cho con đường chung, để bảo vệ sự an toàn cũng như những nỗ lực của nhiều cá nhân độc lập.

Trên một con đường dài, luôn cần bạn đồng hành, điều này không ai có thể phủ nhận.

Nhưng có được một người bạn đồng hành chân thành và tử tế thì lại là chuyện khác. 

Không ai muốn mình phải trả giá bằng tự do để học lấy bài học cần phải có.

Cộng sản đã phát động một cuộc cách mạng cứng nhắc, rập khuôn đầy dối trá thì chúng ta, những người khao khát tự do, nhất định sẽ không bao giờ được phép lặp lại sai lầm đó.


Không có nhận xét nào: