Dối trá và bạo lực là bản chất và đặc tính của hệ thống chính trị độc tài toàn trị. Trong hệ thống này, nhà nước thả sức thao túng bằng các phương tiện truyền thông độc quyền, nhồi sọ dân chúng những lý thuyết mị dân, che giấu bộ mặt xấu xa trước dư luận quốc tế.
ảnh minh họa |
Ðáng tiếc, thời buổi thông tin ngày nay không cho phép họ thực thi được hoàn toàn những ý định của mình. Nhờ phương tiện Internet phổ cập, dư luận xã hội đã có những phản ứng mau lẹ và kịp thời, vạch trần sự lừa mị giáo điều và giả dối.
Cuộc kiểm điểm định ký phổ quát về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc UPR tại Genève trong những ngày đầu tháng 2 năm 2014 đã minh chứng rất rõ. Chính quyền cộng sản Việt Nam đưa ra những tuyên bố cũ rích, đã được sử dụng không biết bao nhiêu lần. Trước những câu hỏi và kiến nghị về cải thiện nhân quyền, phái đoàn Việt Nam như những con vẹt bị bịt tai, bịt mắt, cúi gằm mặt xuống đọc bài được soạn sẵn, thậm chí không ăn nhập gì với trọng tâm của câu hỏi.
Họ nói láo không biết ngượng, rằng, “Việt Nam có tự do ngôn luận”, “Việt Nam không có tù nhân chính trị”, “Việt Nam không kiểm duyệt Internet”, “Tòa án xét xử công bằng”, bla, bla,...
Xin hỏi ngoài 800 tờ báo đảng và hàng chục đài phát thanh, truyền hình trong hệ thống tuyên truyền của đảng, có tờ báo tư nhân nào không?
Tự do ngôn luận ở đâu, khi Bộ Thông Tin và Truyền Thông khẳng định Việt Nam sẽ không có báo chí tư nhân và điều 258 của Bộ Luật Hình Sự sẵn sàng quy chụp, bỏ tù những ai có ý kiến khác với nhà cầm quyền? Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) có trụ sở tại Pháp trong bản phúc trình thường niên, một lần nữa liệt kê Việt Nam vào danh sách 5 nước “kẻ thù của Internet 2013” trên thế giới, đứng ở vị trí gần cuối bảng 172/179, chỉ sau Trung Quốc về số nhà báo bị cầm tù.
Không kiểm duyệt Internet, cớ sao ngày 5 tháng 5 năm 2010, tại Hội Nghị Toàn Quốc triển khai nhiệm vụ của các cơ quan báo chí do Ban Tuyên Giáo Trung Ương chủ trì, tướng công an vũ Hải Triều khoe khoang “bộ phận kỹ thuật đã phá sập 300 mạng và blog cá nhân xấu”?
Tự do Internet ở đâu, khi mà nghị định của chính phủ số 72/2013/NÐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet nhằm kiểm soát chia sẻ thông tin trên mạng xã hội?
Tự do Internet và ngôn luận ở đâu, khi Nghị định 174/2013/NÐ-CP áp dụng từ ngày 15 tháng 1, 2014 phạt từ 70 đến 100 triệu đồng các hành vi hành vi nói xấu nhà nước trên mạng xã hội.
Bài “Sự bùng nổ của Facebook và một số vấn đề đặt ra” trên tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng, ngày 6 tháng 1 năm 2014, là gì, nếu không phải là dọn đường cho sự ngăn chặn hoàn toàn mạng xã hội với 19,6 triệu người sử dụng này?
Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ viết một số bài trên mạng, trả lời phỏng vấn một số đài quốc tế BBC, RFA, VOA, kiện thủ tướng về vụ khai thác bauxite Tây Nguyên phá hoại môi sinh và an nguy cho an ninh quốc phòng, bị kết án tù 7 năm tù về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN)”, thì không phải là kiểm soát người sử dụng Internet và quyền tự do ngôn luận?
Với những bài viết trên mạng kêu gọi lòng yêu nước, tố cáo sự xâm chiếm lãnh hải và thái độ khiêu khích, hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Ðông, blogger Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải bị kết án nặng nề 12 tù về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN Việt Nam”. Ðây không phải là kiểm duyệt thông tin, phỉ báng quyền tự do ngôn luận, thì là cái gì? Anh Nguyễn Văn Hải không phải là tù nhân chính trị ư?
Chỉ vì các bài viết phân tích các chính sách của đảng, vạch trần tham nhũng, đưa ra những nhận định chủ quan và khách quan về thời cuộc, về vai trò và uy tín của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà nhà báo Trương Duy Nhất bị bắt giam. Ðây không phải là đàn áp tự do ngôn luận, kiểm duyệt Internet, thì là cái gì?
Cô Phạm Thanh Nghiên chỉ tọa kháng tại nhà ở của mình với khẩu hiệu “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam” mà nhận bản án 3 năm tù. Ông Vi Ðức Hồi viết báo trên mạng phê phán đảng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa tố cáo nạn tham nhũng, kêu gọi đa nguyên đa đảng, đều bị kết án nhiều năm tù, họ không phải tù nhân chính trị sao?
Biết bao nhiêu trường hợp khác nữa không thể nêu hết. Có sự lấp liếm, nói láo nào bỉ ổi hơn không? Một nhà nước ra trước diễn đàn quốc tế với một đội quân hùng hậu 30 người từ các bộ, mà sao lại có thể diễn trò tệ hại, nhục nhã như thế?
Còn về sự xét xử công bằng của tòa án? Xin lỗi, tòa án, viện kiểm sát hay chính xác là cả ngành tư pháp là công cụ của đảng cầm quyền.
Nói sao về 4 năm tù cho trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh đến chết ông Trịnh Xuân Tùng ngay giữa đồn công an? Nói sao về vụ xử côn đồ Văn Giang đánh người bị thương? Về 10 năm tù oan gia của ông Nguyễn Thanh Chấn? Nói gì về sự phi lý trong vụ án xử Huỳnh Thị Huyền Như và Vietinbank? Nói sao về các vụ xử các nhà bất đồng chính kiến, tuyên bố xử công khai mà an ninh mật vụ phong toả, bắt bớ, cấm dân chúng tới tham dự, kể cả những người thân ruột thịt của gia đình?
Trên sân nhà, họ còn trơ trẽn và nhục nhã đến mức, bài “Việt Nam báo cáo LHQ về nhân quyền” trên tờ Vietnam.net ngày 5 tháng 2, 2014 và bài “Ðảng ta, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân” của Giáo Sư Hoàng Chí Bảo trên tờ Thanh Niên, đã phải vội vã gỡ bỏ nhút nhấn “Like” và “Dislike”, chỉ vì nút nhấn “Dislike” quá nhiều (51) so với nút “Like” (2). Tương tự trên Vietnam.net, 5,595 “Dislike” so với 163 “Like”. Con đà điểu đã phải giấu đầu trong cát, không còn mặt nạ nào che giấu nổi trò “cả vú lấp miệng em” nữa!
Trong kỳ Kiểm Ðiểm Phổ Quát về nhân quyền lần này tại Genève, đoàn Việt Nam bị sửa lưng, vạch mặt nặng nề. Ngoại trừ “mèo khen mèo dài đuôi” của Trung Quốc, Cuba và vài nước Asean, hơn 100 nước đã đặt câu hỏi chất vấn và khuyến nghị. Ngay cả Miến Ðiện cũng đòi hỏi Việt Nam thúc đẩy dân chủ, tôn trọng pháp quyền và nhân quyền. Ðặc biệt sự có mặt của những đại diện các nhóm nhân sự đến từ trong nước và anh chị em từ nhiều nước trên thế giới tới tham gia hội thảo và cung cấp thông tin độc lập cho các quốc gia thành viên tham dự UPR, đã gây cho đoàn của nhà nước cộng sản Việt Nam sự khó chịu thực sự.
Ðoàn Việt Nam do Thứ Trưởng Hà kim Ngọc dẫn đầu, đã ngụy biện rằng, vì những “dị biệt” văn hóa nên có sự nhìn nhận khác nhau về nhân quyền, cam kết sẽ tiếp thu các ý kiến và tiếp tục đối thoại.
Trong phần mở đầu bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Hồ Chí Minh đã trích lời của Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Có nghĩa rằng, đã là con người, không phân biệt quốc tịch, màu da, văn hóa, đều được hưởng những quyền tự do như nhau, giống nhau, không có loại nhân quyền riêng nào cho người Việt Nam mũi tẹt, da vàng, mà cũng chẳng có thứ nhân quyền nào riêng cho ông Tây tóc vàng, mắt xanh. Nhân quyền là giá trị phổ quát đã được nhân loại khẳng định.
Còn cam kết và đối thoại của nhà nước cộng sản ư? Ðã có hàng tá cam kết khi đặt bút ký vào các công ước, hiệp ước quốc tế đã bị chà đạp!
Ðối thoại ư? Ðối thoại với ai? Chắc chắn không có sự đối thoại sòng phẳng, cởi mở với dân chúng, vì với họ đã có sẵn các điều 79, 88, 258 của Bộ Luật Hình Sự. Trấn áp bằng bạo lực là phương tiện “đối thoại” duy nhất mà bộ máy công quyến có thể áp dụng.
Dối trá và hứa lèo vốn là hai mặt song song của một căn bệnh mãn tính không thuốc chữa của chế độ cộng sản Việt Nam.
Như ông Benjamin ismail, giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức phóng viên không biên giới, kết luận:
“Hà Nội không thể tiếp tục lừa bịp Liên Hiệp Quốc và thế giới kiểu này nữa. Hơn ai hết họ hiểu rõ những gì họ đang làm và những chính sách tàn bạo mà họ đang thực hiện.”
Lê Diễn Ðức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét