Pages

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Vì sao vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc đáng lo ngại?

Việt Hà, phóng viên RFA

000_Del6270971-305.jpg
Tướng Liu Shou-Jen giới thiệu bản đồ xác định vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc trên biển Đông trong một cuộc họp báo tại Đài Bắc vào ngày 02 tháng 12 năm 2013.
AFP photo

Nghe Bài Này
Những thông tin liên tục gần đây về khả năng lập vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc trên biển Đông đang gây lo ngại cho quốc tế.

Khả năng về một ADIZ trên biển Đông

Hôm 31 tháng 1, tờ Asahi Shimbun của Nhật bản trích nguồn tin không nêu tên cho biết không quân Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập một vùng nhận dạng phòng không mới tại biển Đông, bao trùm quần đảo Hoàng Sa và lan ra một vùng rộng xung quanh. Kế hoạch này được lập từ tháng 5 năm ngoái.
Tuy nhiên tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 2 tháng 2 đã lên tiếng phủ nhận thông tin của báo Asahi Shimbun. Tân Hoa Xã trích lời phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc chưa cảm thấy mối đe dọa về an ninh hàng không từ các nước ASEAN và lạc quan về mối quan hệ với các nước láng giềng và tình hình chung ở khu vực biển Đông.
Việc Trung Quốc có thể xem xét lập một vùng nhận dạng phòng  không trên biển Đông vốn cũng đã được các chuyên gia dự báo và lo ngại. Trả lời đài Á châu Tự Do hồi cuối năm ngoái, thạc sỹ luật Hoàng Việt, một chuyên gia về biển Đông của Việt Nam nhận định:
Sang năm 2014 cũng có nhiều niềm tin nhưng cũng có đầy những lo ngại. Lo ngại lớn nhất là khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông thế nào, bởi vì ngay bây giờ Trung Quốc cũng lập lờ tuyên bố là Trung Quốc sẽ có thể tuyên bố những vùng nhận dạng phòng không đó.
Hôm 4 tháng 12 năm ngoái, tờ South China Morning Post trích lời của đại sứ Trung Quốc ở Philippines là bà Mã Khắc Khanh, nói rằng Bắc Kinh có quyền quyết định thời gian và địa điểm thành lập một vùng nhận dạng phòng không mới.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu biển Đông của Việt Nam, ông Đinh Kim Phúc, việc Trung Quốc chưa thiết lập được một vùng nhận dạng phòng không tại biển Đông là do khả năng hạn chế về không quân của nước này:
Tại sao lúc này Trung Quốc không đưa ra vùng nhận diện phòng không trên biển Đông giống như ở biển Hoa Đông mà chỉ cấm đánh bắt cá. Điều đó cho thấy rằng không quân Trung Quốc hiện nay chưa bảo đảm thực thi những yêu sách của Trung Quốc trên vùng biển Đông. Đó là một cái mà các nước ASEAN phải quan tâm và chú ý để có các biện pháp chống lại các hành động bá quyền của Trung Quốc.
Tôi nghĩ rằng các nhà nghiên cứu về Trung Quốc cũng phán đoán rằng đầu năm 2014 Trung Quốc sẽ đưa ra vùng nhận diện phòng không ở biển Đông nhưng họ không đưa ra được mà họ đưa ra biện pháp khác tương tự nhưng nó phù hợp với lực của Trung Quốc. Trung Quốc có thể dùng hải giám và các lực lượng khác để ức hiếp các nước trong khu vực nhưng chưa đủ về không quân để khống chế khu vực này như là Trung Quốc muốn làm ở vùng biển Hoa Đông.
Trả lời hãng tin Bloomberg hôm 29 tháng 11 năm ngoái, vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông bao trùm quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản, Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc, nhận định Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại vùng đảo Hải Nam rộng lớn của nước này ở biển Đông. Tuy nhiên việc mở rộng vùng nhận dạng phòng không ra toàn bộ đường đứt khúc 9 đoạn thì vẫn là một dự đoán lớn. Vấn đề chính của Trung Quốc trong việc lập vùng nhận dạng phòng không tại khu vực biển Đông là vùng này rộng lớn hơn so với khu vực nhận dạng phòng không mà Trung Quốc mới thiết lập tại biển Hoa Đông. Bên cạnh đó biển Đông cũng bao gồm nhiều nước hơn so với vùng biển Hoa Đông. Ngoài ra, việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không tại đây sẽ đi ngược lại những dấu hiện tỏ ra thiện chí của Trung Quốc với các nước ASEAN thời gian gần đây.

Một ADIZ ở biển Đông là đáng ngại

Theo Thạc sĩ luật Hoàng Việt, vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc tại biển Hoa Đông là đáng ngại vì nó áp dụng cho cả máy bay dân sự lẫn quân sự:
Vùng nhận dạng phòng không thì Trung Quốc nói là họ có quyền và các chuyên gia quốc tế cũng tranh luận khá nhiều. Cái này không có một công ước nhưng thông thường theo thông lệ quốc tế thì nó chỉ áp dụng với máy bay quân sự thôi nhưng trong trường hợp này Trung Quốc áp dụng cả máy bay quân sự và dân sự.
Trên thực tế, đã có hơn 20 nước trên thế giới áp dụng vùng nhận dạng phòng không bao gồm các nước như Mỹ, Canada, Nhật Bản và Nam Hàn. Vùng nhận dạng phòng không đầu tiên được thiết lập bởi Mỹ từ ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai. Thường các vùng này chỉ bao trùm những vùng lãnh thổ không tranh chấp và không áp dụng với máy bay nước ngoài không có ý định bay và vùng không phận và các vùng này cũng thường không chồng lấn lên nhau. Tuy nhiên vùng nhận dạng phòng không mới được công bố của Trung Quốc đã chồng lấn lên khoảng một nửa vùng nhận dạng phòng không được tuyên bố trước đó của Nhật Bản trên biển Hoa Đông, và một phần vùng nhận dạng phòng không trước đó của Nam Hàn và Đài loan.
Giáo sư Carl Thayer trong bài viết về vấn đề này trên blog cá nhân của mình hôm 27 tháng 11, cho rằng vùng nhận dạng phòng không của Trung quốc khác xa với vùng nhận dạng phòng không của tất cả các nước khác, đặc biệt là với Mỹ:
Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc đặc biệt trên hai mặt. Trước hết vùng ADIZ của Trung Quốc bao gồm cả không phận phía trên quần đảo Senkaku của Nhật Bản. Đây là một thách thức trực tiếp với chủ quyền của Nhật Bản. Mặt khác Trung Quốc hiện đang yêu cầu tất cả các máy bay phải tuân theo quy định mới do họ ban hành. Ngược lại, Mỹ chỉ yêu cầu các phi cơ bay trực tiếp đến Mỹ thực hiện các quy định về thông tin và nhận dạng mà thôi.
Giới chức Việt Nam mới đây cũng đã lên tiếng lo ngại về khả năng Trung Quốc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không tương tự tại biển Đông. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân hôm 27 tháng 1, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói: ‘khi Trung Quốc thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, nó sát sườn với Biển Đông. Nó là phép thử, theo tôi nó còn nguy hiểm hơn cả đường chín khúc vì luật hàng không thế giới chặt hơn luật hàng hải rất nhiều’.
Tờ Japan Times hôm 1 tháng 2 trích lời của ông Evan Medeiros, Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc  Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói Hoa Kỳ phản đối việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không tại các nơi khác, bao gồm biển Đông. Ông nói thêm rằng việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không khác của Trung Quốc sẽ chỉ là một hành động gây hấn và làm mất ổn định. Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi trong sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực
.

Không có nhận xét nào: