Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Nguy cơ xung đột cản trở việc khai thác dầu khí Biển Đông

Cảnh sát biển Việt Nam đang thi hành nhiệm vụ trên Biển Đông.
REUTERS/Martin Petty
Thanh Phương
Biển Đông là một khu vực được xem là có trữ lượng dầu khí rất lớn, nhưng nguy cơ xung đột do tranh chấp chủ quyền có thể khiến việc khai thác bị trì hoãn trong nhiều năm. 
Ngày 16/07 vừa qua, Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã quyết định rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển tranh chấp ở khu vực Hoàng Sa, vì giàn khoan này đã hoàn tất nhiệm vụ sau khi tìm ra các “dấu hiệu” của dầu khí.

Cho dù việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương có thể làm giảm căng thẳng trên Biển Đông, nguy cơ xung đột đang khiến nhiều tập đoàn dầu khí quốc tế ngần ngại đầu tư ồ ạt vào việc khai thác dầu khí ở vùng này.
Vào năm 2006, tập đoàn Chevron của Mỹ đã ký hợp đồng với tập đoàn Petronas của Malaysia để thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp ngoài khơi Việt Nam. Sau khi Bắc Kinh cảnh cáo rằng việc khai thác này có thể vi phạm chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc, Việt Nam đã đề nghị sử dụng lực lượng hải quân để bảo vệ an ninh cho Chevron. Mặc dù vậy, vào năm 2007, tập đoàn dầu khí của Mỹ đã chấm dứt các hoạt động ở đây, với lý do có tranh chấp lãnh hải Việt-Trung. Chevron hiện vẫn hoạt động ở Biển Đông, nhưng là trong vùng biển không có tranh chấp của Việt Nam.
Công ty Harvest Natural Resources, trụ sở tại Houston, Texas, cũng đã được Trung Quốc cấp phép khai thác dầu khí ở Biển Đông. Nhưng vấn đề là lô mà Trung Quốc cấp cho họ cũng là lô mà Việt Nam cấp cho một công ty khác. Vì ngại “đụng độ”, cho nên tháng sáu vừa qua, ban lãnh đạo Harvest thông báo là họ đang rút vốn ra khỏi Trung Quốc.
Nhưng một số công ty khác thì không ngại rủi ro như ExxonMobil, vẫn làm việc với PetroVietnam ở Biển Đông. Họ đã khoan hai giếng dầu vào năm 2011 và 2012 và dự kiến sẽ khoan giếng thứ ba trong năm nay.
Công ty Talisman Energy của Canada cũng dự trù sẽ khoan thăm dò hai giếng ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông trong năm nay, vì tin tưởng vào tiềm năng trữ lượng dầu khí rất lớn ở vùng này.
Theo thẩm định của Cơ quan thông tin năng lượng của Mỹ, trữ lượng của Biển Đông là khoảng 11 tỷ thùng dầu và 60 ngàn tỷ mét khối khí đốt. Riêng trữ lượng của vùng biển Việt Nam được thẩm định là khoảng 3 tỷ thùng dầu. Đa số các mỏ dầu khí nằm trong các vùng biển không tranh chấp, tức là sát bờ biển của các quốc gia trong khu vực.
Các vùng biển đang tranh chấp thì chứa ít dầu khí hơn. Cơ quan năng lượng quốc tế, không tin là khu vực Hoàng Sa, nơi mà tập đoàn CNPC của Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981, có nhiều dầu khí. CNPC có nói đã tìm thấy những dấu hiệu dầu khí, nhưng không đưa ra thẩm định nào về trữ lượng.
Tuy vậy, nguy cơ xung đột sẽ vẫn tồn tại ở Biển Đông nói chung. Trước một dư luận mang tính dân tộc chủ nghĩa rất cao, nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách bành trướng trên Biển và như vậy sẽ tiếp tục gây căng thẳng trong khu vực. Sau khi tập đoàn CNPC rút giàn khoan Hải Dương 981, trên mạng tiểu blog của Trung Quốc đã có nhiều lời chỉ trích giới lãnh đạo Bắc Kinh “nhu nhược”.
Nguy cơ xung đột này sẽ khiến rất khó mà thẩm định được trữ lượng dầu khí ở các vùng biển tranh chấp. Cho dù trữ lượng dầu khí ở Biển Đông lớn thế nào, sẽ mất nhiều năm nữa mới khai thác được lượng dầu khí này.

Không có nhận xét nào: