BienDong.Net: Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ ngày 22/01/2013, khi Philippines chính thức Tuyên bố khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Trong hơn 1 năm qua, tình hình trên Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp mặc dù không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng như cắt cáp của tàu khảo sát trên thềm lục địa Việt Nam như hồi giữa năm 2011 hay vụ Trung Quốc chiếm bãi Scabourough hoặc vụ Trung Quốc mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam và thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” hồi giữa năm 2012…
Nhưng Trung Quốc tiếp tục có các hành động lấn lướt ở Biển Đông như việc họ khống chế bãi Cỏ Rong hồi đầu năm 2013; nhiều lần diễn tập quân sự ở Biển Đông thậm chí mở rộng phạm vi đến tận bãi Tăng Mẫu; đưa tàu sân bay vào hoành hành ở Biển Đông; cho tàu chiến chặn trước mũi tàu chiến Mỹ; triển khai Biện pháp sửa đổi thực thi Luật nghề cá của Trung Quốc…
Vụ kiện của Philippines cũng đã trải qua nhiều khâu quan trọng. Toà trọng tài cho vụ kiện của Philippines đã chính thức được thành lập gồm 5 Trọng tài viên: ông Thomas Mensah, quốc tịch Gha-na là Chủ tịch Tòa và 4 thành viên khác (24/4/2013) và ngày 27/8/2013 Tòa trọng tài đã họp thông qua Quy tắc tố tụng, yêu cầu Philippines trong thời hạn 6 tháng (đến 30/3/2014) phải nộp Bản lập luận. Như vậy, mặc dù Trung Quốc phản đối và tìm mọi cách ngăn cản vụ kiện nhưng tiến trình vụ kiện vẫn diễn ra theo đúng trình tự quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Philippines kiên quyết thúc đẩy vụ kiện đến cùng bất chấp việc Trung Quốc gây sức ép về mọi mặt.
Các nước lớn Mỹ, Nhật, Ấn Độ và các nước Châu Âu ngày càng ủng hộ mạnh mẽ vụ kiện của Philippines, coi đây là biện pháp hoà bình để có thể tìm giải pháp công bằng cho tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ nhiều lần lên tiếng công khai ủng hộ vụ kiện của Philippines ở các cấp, kể cả ở Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ; gần đây nhất, ngày 5/2/2014, khi điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc các bên tìm cơ chế giải quyết tranh chấp theo công ước Luật Biển 1982 như việc Philippines nộp đơn lên Tòa Trọng tài quốc tế. Đặc biệt, Mỹ còn lên tiếng công khai phản đối việc đe doạ và “trả đũa” đối với bên khởi kiện.
Với sự tiến triển thuận lợi trong vụ kiện của Philippinnes, Việt Nam và Malaysia nên hành động thế nào đang là câu hỏi lớn đặt ra cho những người Lãnh đạo của 2 nước này.
Việt Nam là một Bên có yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán lớn thứ hai ở Biển Đông sau Trung Quốc. Do vậy, phán quyết của Toà đối với 13 nội dung khởi kiện của Philippines đều ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông. Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xâm phạm đến 70% vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và 6/8 cấu trúc mà Philippines nêu trong đơn kiện là các cấu trúc mà Trung Quốc đã đánh chiếm bằng vũ lực trong cuộc hải chiến năm 1988. Vụ kiện ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Đối với Malaysia, “đường lưỡi bò” cũng xâm phạm gần 70% thềm lục địa của Malaysia. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã đưa tàu chiến xâm phạm bãi Tăng Mẫu trên thềm lục địa của Malaysia, cách bờ biển của Malaysia chỉ khoảng 80 hải lý; tàu chiến Trung Quốc cũng nhiều lần cản trở các hoạt động dầu khí của Malaysia trên thềm lục địa của Malaysia…
Nội dung chính trong đơn kiện của Philippines là bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”. Việc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” không chỉ là lợi ích của Philippines mà cũng chính là lợi ích của Việt Nam và Malaysia. Vụ kiện của Philippines là cơ hội để bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”. Việt Nam và Malaysia cần tham gia vào vụ kiện để cùng Philippines loại bỏ yêu sách này.
Trong phát biểu điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 5/2/2014, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel đã lần đầu tiên phê phán trực diện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông: “Có một mối quan ngại ngày càng lớn về mô thức ứng xử tại Biển Đông thể hiện nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với khu vực nằm trong cái gọi là “đường đứt khúc 9 đoạn”, bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng và bất chấp sự thiếu hụt bất cứ lời giải thích hoặc cơ sở rõ ràng nào theo luật quốc tế liên quan đến chính phạm vi của yêu sách này. Sự thiếu rõ ràng của Trung Quốc liên quan đến các yêu sách của nước này tại Biển Đông đã tạo nên sự không chắc chắn, bất an và bất ổn tại khu vực. Điều này làm hạn chế triển vọng đạt tới một giải pháp tất cả đều có thể chấp nhận được hoặc những dàn xếp khai thác chung công bằng giữa các bên có yêu sách. Tôi muốn nhấn mạnh quan điểm rằng theo luật quốc tế, các yêu sách trên biển tại Biển Đông phải xuất phát từ các cấu trúc đất. Bất kỳ việc sử dụng “đường 9 đoạn” nào của Trung Quốc nhằm yêu sách các quyền trên biển không dựa trên các yêu sách cấu trúc đất đều không phù hợp với luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh nếu Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh ‘đường 9 đoạn’ của mình nhằm đưa yêu sách này phù hợp với luật biển quốc tế”.
Việc ông Daniel Russel lên tiếng công khai phản đối “đường lưỡi bò” vào thời điểm này là một việc làm có chủ ý, nhằm ủng hộ cho vụ kiện của Philippines vì Mỹ nhận thức được rằng “đường lưỡi bò” đe dọa đến lợi ích của Mỹ ở Biển Đông nói riêng và ở khu vực nói chung.
Trong bối cảnh vụ kiện của Philippines sắp bước vào giai đoạn then chốt, xem xét thẩm quyền của Tòa đối với các nội dung khởi kiện của Philippines, trong đó nội dung quan trọng nhất là xem xét về “đường lưỡi bò” thì phát biểu của ông Daniel Russel là sự hậu thuẫn mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ đối với vụ kiện của Philippines. Việc cả cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ phản đối “đường lưỡi bò” sẽ có tác động tích cực, thúc giục Tòa Trọng tài phải xem xét một cách nghiêm túc đơn khởi kiện của Philippines, nhất là về yêu sách “đường lưỡi bò”. Nếu Tòa Trọng tài không xem xét về “đường lưỡi bò” sẽ không chỉ ảnh hưởng đến uy tín và vai trò của cơ chế Tòa Trọng tài mà còn tác động tiêu cực đến hòa bình ổn định khu vực vì sẽ không thể dùng pháp lý để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ được đà để hoành hành ở Biển Đông. Điều này sẽ là tai họa cho các nước trong và ngoài khu vực.
Phán quyết của Tòa bác bỏ “đường lưỡi bò” sẽ là cơ sở để các nước Việt Nam và Malaysia bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình. Do vậy, Việt Nam và Malaysia không thể đứng ngoài vụ kiện ở thời điểm then chốt này mà cần cùng hợp tác với Philippines tham gia vào vụ kiện để bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý ở Biển Đông. Lãnh đạo 2 nước này cần nhận rõ trách nhiệm của mình đối với việc loại bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” để có quyết định đúng đắn tham gia vào vụ kiện của Philippines vừa để bảo vệ quyền và lợi ích của đất nước mình vừa góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông.
BDN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét