Pages

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Bắc Kinh chỉ đạo tuyên truyền cứu hộ động đất để đánh bóng lãnh đạo

Một nạn nhân trong vụ động đất tại Lon Đầu Sơn, Vân Nam
ngày 6/8/2014.    
REUTERS/Stringer
Tú Anh
Phóng sự cứu hộ động đất tại Vân Nam trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc được chỉ đạo định hướng  từ Bắc Kinh. Một phóng viên truyền hình Trung Quốc tiết lộ với AFP đã bỏ qua các hình ảnh « tiêu cực » như xác chết của hàng trăm nạn nhân để tập trung nêu cao hình ảnh « anh hùng » của lãnh đạo chính trị Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, lần đầu tiên đối diện với thiên tai.

Theo bản tin của AFP, phóng viên Trung Quốc đầu tiên đặt chân đến Long Đầu Sơn sau vụ động đất ngày 03/8 làm hơn 600 người thiệt mạng đã ghi trong máy quay phim hàng trăm xác người. Tuy nhiên , hình ảnh 150 trăm xác chết nằm bên vệ đường không được bài thuyết minh trên đài truyền hình nhắc đến dù thảm cảnh này gây tang tóc cho cả một cộng đồng ở tây nam tỉnh Vân Nam.
Phóng viên này giải thích : mọi người chỉ muốn xem những khía cạnh « anh hùng ». Theo chỉ đạo định hướng dư luận, truyền thông Trung Quốc xem đây là cơ hội để làm nổi bật « vai trò của giới lãnh đạo », theo sát những kịch bản được soạn trước theo một kỷ luật do Tập Cận Bình áp đặt không để sai sót một chi tiết nào.
Cụ thể là khán giả truyền hình được xem chủ tịch Tập Cận Bình, tại hiện trường, ra lệnh   "dồn mọi nỗ lực" để cứu giúp nạn nhân. Ngày hôm sau, đến lượt Thủ tướng Lý Khắc Cường xuất hiện trên hiện trường với chỉ thị tương tự là « huy động phương tiện hiệu quả để cứu hộ nạn nhân ». Tân Hoa Xã bổ túc thêm chi tiết Thủ tướng đi bộ ba cây số để đến tận Long Đầu Sơn.
Trên trang chính của báo đảng Nhân Dân nhật báo, ngày thứ nhì sau động đất, là hình ảnh « dân quân » rầm rộ tham gia cứu hộ dân chúng. Hai ngày sau, hình thủ tướng Lý Khắc Cường lên trang nhất. Cơ quan tuyên truyền còn mượn lời của một « chuyên gia » để bình luận rằng « huy động phương tiện cứu hộ thiên tai đúng lúc phản ánh tư tưởng yêu dân của các nhà lãnh đạo mới ».
Chiến thuật định hướng công luận của chính quyền Trung Quốc không che mắt được chuyên gia độc lập. Nicholas Dynon , nhà nghiên cứu về truyền thông và tuyên truyền Trung Quốc tại đại học Macquaier, Sydney cho biết báo chí Trung Quốc do nhà nước kiểm soát đã tự kiểm duyệt các đề tài « nhạy cảm » và ngoan ngoãn tuân thủ yêu cầu của chính phủ và quân đội.
Một chủ đề « then chốt » được tập trung phô diễn là hành động cứu hộ « nhanh chóng và chuyên nghiệp » với mục đích chứng tỏ là chính quyền phản ứng tốt và đã được toàn dân toàn quốc ủng hộ.
Rút kinh nghiệm trận động đất tại Tứ Xuyên năm 2008 làm sụp đổ hàng loạt trường học, giết chết 5000 học sinh, gây phẫn nộ trong dân chúng về tệ nạn tham nhũng trong ngành xây dựng, truyền hình Trung Quốc lần này không tập trung vào các trường học bị sập ở Long Đầu Sơn.
Thay vào đó là những bài phóng sự dài cho thấy binh sĩ cứu hộ dũng cảm đào bới cứu một vài người sống sót. Tuy nhiên, nỗ lực tuyên truyền này đôi lúc đi quá đà làm nhiều người dân Trung Quốc đặt nghi vấn về tính xác thực của tinh thần hy sinh dũng cảm. Chẳng hạn cảnh binh sĩ ăn mì gói nấu bằng nước ô nhiễm khiến một blogger nghi ngờ vì trang thiết bị lọc nước của quân đội được mô tả là rất tốt . Một người khác đặt câu hỏi phóng sự « lính ăn nước bẩn » đó thực hiện ở đâu vì trên hiện trường tràn ngập hàng tấn… chai nước khoáng.

Không có nhận xét nào: