Hoa Kỳ muốn Asean trở thành “trái đệm” tránh xung đột trực tiếp Mỹ - Trung, trong khi chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh, thường trực Bộ chính trị, đặc phái viên của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tới Trung Quốc mới đây vừa thiếu ‘chính danh’, vừa để ‘khuyến khích, hậu thuẫn' phe chủ trương hòa hiếu với TQ, 'làm giảm vai trò' quan trọng của VN trong khối Asean.
Đó là một số ý kiến được các học giả, nhà quan sát đưa ra trong cuộc thảo luận trực tuyến với BBC hôm 28/8/2014, nhân sự kiện Việt Nam đăng cai Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 5 (AMF-5) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 (EAMF-3), cùng lúc với việc ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng CSVN cử đặc phái viên sang gặp ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, kiêm lãnh đạo Đảng của nước này.
'Thể hiện sự tích cực'
Trước tiên Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia bang giao quốc tế thuộc Đại học George Mason, Hoa Kỳ nhận định về diễn đàn kép về Biển của Asean mới tổ chức tại ĐẠ Nẵng từ ngày 26-28/8.
Ông nói: "Hội nghị này chúng ta cần đặt trong khung cảnh, một bối cảnh Việt Nam. Thứ nhất, chúng ta nhớ trong Hội nghị đa phương trong thế kỷ thứ 21, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói một nguyên tắc mới: chuyển từ tư duy tham gia tích cực (tôi nhấn mạnh 'tư duy' là cách suy nghĩ) đến chủ động tích cực đóng góp... đưa ra ý kiến của mình.
"Tức là ông muốn nói đến sự chủ động của Việt Nam. Ngay trong tháng Bảy nói riêng thôi, có ba hội nghị về Biển Đông, một hội nghị ở Đà Nẵng nói về Hoàng Sa, Trường Sa, hai hội nghị trong TP. Hồ Chí Minh nói về Biển Đông, một nói về tổng quát, một chuyên về pháp luật.
"Thảo luận ở diễn đàn của các ngoại trưởng và hải quân có tính cách liên hệ đến chiến lược quốc gia, an ninh. Còn cái này, tôi thấy nhấn mạnh an ninh hàng hải, nói về cứu trợ, về bảo vệ sinh thái Biển, về sự hợp tác giữa các quốc gia để bảo vệ vấn đề đánh cá... một cái có tính cách trọng lượng hơn, còn cái này ít trọng lượng hơn"
GS. Nguyễn Mạnh Hùng
"Ba hội nghị, bây giờ lại đến (diễn đàn đa phương nữa), tức là chúng ta thấy chỉ trong vòng 4 tháng, Việt Nam đã đăng cai tổ chức bốn hội nghị. Như vậy là thể hiện sự tích cực. Đó là bối cảnh thứ nhất.
"Bối cảnh thứ hai là hội nghị (diễn đàn Biển Asean) này được tổ chức sau Hội nghị của các ngoại trưởng của Asean và sau Hội nghị của các tư lệnh hải quân Asean. Hai hội nghị đó nói tới các vấn đề nóng, vấn đề chính trị nhiều hơn, còn hội nghị này không nói về vấn đề nóng.
"Ở trong bang giao quốc tế chia ra làm hai loại, loại có tính cách 'sensitive political' (nhạy cảm chính trị) và một loại 'functional' mà 'non politics' (thiên về tính chức năng, kỹ thuật), thì thảo luận ở diễn đàn của các ngoại trưởng và hải quân có tính cách liên hệ đến chiến lược quốc gia, an ninh.
"Còn cái (diễn đàn) này, tôi thấy nhấn mạnh an ninh hàng hải, nói về cứu trợ, về bảo vệ sinh thái Biển, về sự hợp tác giữa các quốc gia để bảo vệ vấn đề đánh cá... một cái có tính cách trọng lượng hơn, còn cái này ít trọng lượng hơn."
'Thất bại về mặt ngoại giao'
Được hỏi về ý nghĩa của một hội thảo cũng về chủ đề Biển có liên quan tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và quốc gia thành viên Asean được Trung Quốc mới tổ chức hôm 21-22/8 với trên dưới bốn chục chuyên gia, học giả tham gia, PGS. TS Jonathon London, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Thành thị Hong Kong, bình luận:
"Có lẽ việc có một hội thảo như thế ở Trung Quốc phản ánh động thái của họ đối với Biển Đông là bất hiệu quả và nói chung là một thất bại về mặt ngoại giao.
"Và có lẽ vì thế mà họ muốn tăng cường PR để cố gắng phát triển những chiến lược của họ khác, mà cũng có thể phát triển những mặt quốc tế, bởi vì những hành động của Trung Quốc gần như là hoàn toàn đơn phương và vì thế mà không hiệu quả.
"Và tôi nghĩ là qua những tháng trước đây, Trung Quốc dù chưa có một thay đổi lớn nào đối với thái độ của họ, ít nhất họ có xem là việc có những trao đổi quốc tế về vấn đề Biển Đông cũng có thể có một giá trị đối với họ.
"Có lẽ việc có một hội thảo như thế ở Trung Quốc phản ánh động thái của họ đối với Biển Đông là bất hiệu quả và nói chung là một thất bại về mặt ngoại giao. Và có lẽ vì thế mà họ muốn tăng cường PR để cố gắng phát triển những chiến lược của họ khác"
PGS. TS. Jonathan London
"Bởi vì thực sự tất cả những gì mà họ đã làm từ đầu tháng Năm đến nay là đã chưa hiệu quả dù họ luôn luôn khẳng định những đòi hỏi của họ hoàn toàn chính đáng, trên thực tế những gì mà họ đã làm, gần như là ít nhất với ý kiến quốc tế, là chưa hiệu quả lắm.
"Và rất có thể là việc họ có một hội thảo như thế này phản ánh điều đó."
'Muốn Asean là trái đệm'
Khi được hỏi về mong muốn của Hoa Kỳ đối với vai trò của Asean trên Biển Đông, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói:
"Trước hết là Asean muốn đóng vai trò trung tâm, nói đi nói lại nhiều lần rồi, Hoa Kỳ cũng muốn Asean đóng vai trò trung tâm.
"Bởi vì nếu Asean có thể đóng được vai trò trung tâm, thì Asean có thể trở thành một trái đệm để tránh sự xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hay là giảm nhiệt với Trung Quốc.
"Nếu chúng ta nhìn vào chính sách của hai nước lớn đó, Trung Quốc rõ ràng muốn độc chiếm Biển Đông rồi và họ cứ từ từ từng bước họ tiến.
"Hoa Kỳ cũng đã nhận thấy điều đó. Mặt khác, Hoa Kỳ có hai chọn lựa, một là bằng lòng chấp nhận sự kiện đó, có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ trở thành một cường quốc hạng hai ở Biển Đông, là một nơi mà Hoa Kỳ cho là rất quan trọng.
"Còn nếu không, sự xung đột, mâu thuẫn chắc chắn là phải có, và Hoa Kỳ phải tìm cách đề phòng sự xung đột đó xảy ra. Cho nên nếu Asean đóng được vai trò trung tâm, trở thành một trái đệm, thì có thể an ninh đó được bảo đảm, mà Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc cũng không phải đi đến sự đụng độ với nhau."
'Chuyến đi của ông Lê Hồng Anh'
Non ba tuần sau Hội nghị Ngoại trưởng Asean lần thứ 47 mà chủ đề chính là căng thẳng trên Biển Đông, xảy ra đồng thời với sự kiện kép hai diễn đàn Asean về Biển tại Đà Nẵng là chuyến thăm Trung Quốc của Đặc sứ của Tổng bí thư ĐCS Việt Nam, ông Lê Hồng Anh, thường trực Bộ Chính trị, tới Trung Quốc.
Được hỏi liệu sự kiện bang giao song phương và liên đảng này có ý nghĩa gì trong lúc Việt Nam đăng cai các diến đàn Biển của Asean, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói tiếp:
"Chuyến đi này có nghĩa làm dịu đi sự căng thẳng của hai nước, tìm cách hậu thuẫn cho những phe chủ trương hòa hiếu. Khuyến khích, hậu thuẫn cho phe có chủ trương hòa hiếu với Trung Quốc, làm giảm vai trò quan trọng của VN trong khối Asean"
GS Nguyễn Mạnh Hùng
"Ở Việt Nam gần đây, có hai khuynh hướng, một khuynh hướng là 'China liberationists', tức là khuynh hướng muốn Thoát Trung, một khuynh hướng là muốn hòa hiếu với Trung Quốc.
"Trong những việc Việc Nam đưa ra nhiều chủ động, để có tính cách quyết liệt hơn, trong những năm tháng gần đây, nhất là vụ Giàn khoan (HD-981), thì chuyến đi này có nghĩa làm dịu đi sự căng thẳng của hai nước, tìm cách hậu thuẫn cho những phe chủ trương hòa hiếu.
"Khuyến khích, hậu thuẫn cho phe có chủ trương hòa hiếu với Trung Quốc, làm giảm vai trò quan trọng của Việt Nam trong khối Asean. Bởi vì Việt Nam trong mấy năm nay cố gắng đóng vai trò quan trọng trong khối Asean.
"Họ muốn tách Việt Nam ra khỏi Asean, khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ và đồng thời làm cho suy yếu Asean."
'Tính cách chính danh'
Cũng bình luận về chuyến thăm Trung Quốc của đặc sứ Lê Hồng Anh, đặc biệt từ khía cạnh đảng có đại diện cho nhà nước và nhân dân hay không, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ, từ Hà Nội bình luận:
"Về tư cách của mỗi bên, phía Việt Nam là đặc phái viên của Tổng Bí thư, như vậy thay mặt là người đứng đầu của Đảng Cộng sản, phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, ông có hai vai. Một ông là Tổng bí thư của Đảng CS Trung Quốc, nhưng bên cạnh đó ông lại là Chủ tịch nước.
"Đảng Cộng sản cũng phải hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp. Cho nên tôi hy vọng rằng sắp tới ông Đặc phái viên của Tổng Bí thư hay là người đứng đầu của ĐCS phải có trách nhiệm giải trình với Quốc hội, là người đại diện của nhân dân về nội dung của cuộc đàm phán này"
PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao
"Vậy là với vai nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu nhà nước, thì về phía Trung Quốc, dù có đàm phán gì, với tư cách Tổng Bí thư, nhưng đồng thời lại với tư cách người đứng đầu nhà nước, cái đó về mặt pháp luật là hoàn toàn chính danh, nếu gọi cuộc đàm phán này với phía đối tác cũng là người đứng đầu nhà nước.
"Tuy nhiên, ở đây chúng ta lại thấy phía Việt Nam là đại diện của người đứng đầu Đầu đảng cộng sản và bàn với ông Tập Cận Bình, tôi đoán ở đây là câu chuyện bàn bạc giữa hai Đảng.
"Vậy câu chuyện thỏa thuận giữa hai Đảng ấy mà theo Hiến pháp của Việt Nam, là Đảng Cộng sản cũng phải chịu trách nhiệm với nhân dân. Đảng Cộng sản cũng phải hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp.
"Cho nên tôi hy vọng rằng sắp tới ông Đặc phái viên của Tổng Bí thư hay là người đứng đầu của Đảng Cộng sản phải có trách nhiệm giải trình với Quốc hội, là người đại diện của nhân dân về nội dung của cuộc đàm phán này," nhà nghiên cứu nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét