Việt Hoàng
“…Người Việt sẽ nhớ về Bùi Hằng như là một tấm gương bất khuất và can đảm trước cường quyền. Và với bấy nhiêu thôi Bùi Hằng đã ghi được tên mình vào lịch sử. Một triết gia đã từng nói “Thay vì ngồi yên và nguyền rủa bóng tôi thì hãy đốt lên một que diêm”, Bùi Hằng không chỉ đốt lên một que diêm mà là đốt lên một bó đuốc…”
Phiên tòa xét xử Bùi Thị Minh Hằng (Bùi Hằng) và hai đồng sự tại Đồng Tháp đã nhanh chóng kết thúc trong ngày 26/8/2014 với bản án tối đa dành cho tội danh “Gây cản trở giao thông”: 3 năm tù giam cho Bùi Hằng; 2,5 năm cho Nguyễn Văn Minh và 2 năm cho Nguyễn Thúy Quỳnh.
Những ai theo dõi báo chí lề trái và FB đều biết rằng đã có hàng chục người Việt Nam từ khắp ba miền đất nước đổ về Cao Lãnh để theo dõi phiên tòa “công khai” này. Họ đã rất khó khăn mới có thể đến được Đồng Tháp và rồi họ vẫn không thể lại gần để theo dõi phiên tòa đấy được. Blogger nổi tiếng Huỳnh Ngọc Chênh đã ghi chép đầy đủ về hành trình đi dự phiên tòa đặc biệt này. Nhà văn Phạm Đình Trọng thì ghi lại những cách thức mà công an Việt Nam dùng để ngăn cản ông, để ông không thể đi xuống Đồng Tháp. Trong số những người có mặt tại Cao Lãnh hôm đó thì có ít nhất ba người bị công an tấn công và gây thương tích nặng nề đó là chị Nguyễn Thị Ngọc Lụa, anh Trương Văn Dũng và anh Đinh Nhật Uy.
Đúng như blogger Người Buôn Gió viết trong bài “Từ Dịch Thủy đến Tiền Giang”: “Họ vẫn đi, bằng mọi cách họ đi hết khả năng của mình, đến khi bị chặn bắt. Đó mới là sự thành công mong đợi. Người dân sẽ thấy hành động phản đối phiên toà rất quyết liệt đến cùng của nhiều người đó. Đấy cũng là nhát dao đâm vào hình ảnh chế độ này. Nếu phiên toà là tượng trưng cho quyền lực của chế độ, thì hành động những người bị bắt giữ vì kiên quyết đến phản đối phiên toà. Chính là nhát dao chém vào mặt uy tín của chế độ này một cách công khai”.Bùi Thanh Hiếu đã từng bỏ công viết một bài biện luận cho bản cáo trạng mà tòa gán ghép cho Bùi Hằng rất hay và thuyết phục, hay đến nỗi mà một dư luận viên phải lên tiếng phản bác. Thật ra thì Bùi Thanh Hiếu không cần mất công đến như vậy vì các phiên tòa xử những người yêu nước và những người dám đứng lên đòi quyền sống và tự do cho mình và cho dân tộc Việt Nam đều bị xử kín bằng những phiên tòa rừng rú như vậy cả, làm gì có luật pháp ở đây? Bà Ngô Bá Thành, cố Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội khóa 6, 7, 8 và 10. Cựu Phó chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, cựu Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã từng để lại câu nói bất hủ rằng “Việt Nam có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng”. Câu nói này đúng với hầu hết các phiên tòa tại Việt Nam và đặc biệt đúng đối với những phiên tòa chính trị.
Bùi Hằng là một phụ nữ Việt Nam nổi tiếng, bà có mặt trong tất cả các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn. Bà có mặt trong mọi lúc, mọi nơi với mọi người bị chính quyền trù dập, đàn áp. Chính vì vậy bà đã từng bị chính quyền bắt và giam giữ tại Thanh Hà 5 tháng. Bà được trả tự do nhờ sức ép của dư luận trong và ngoài nước. Bà nổi tiếng nhưng cũng có nhiều tai tiếng, kẻ ghét người ưa. Chân dung của bà được Người Buôn Gió khắc họa rất rõ nét. Đó là người đàn bà bình thường với tính cách dân dã, học thức không cao, gần như cả cuộc đời chỉ toan tính thiệt hơn trong kinh doanh. Bà đã từng có một gia sản tương đối khá ở Vũng Tàu. Sau khi bà bị bắt thì những người làm ăn hùn hạp với bà đã tìm cách chiếm đoạt phần tài sản mà bà đã góp vốn cùng. Bà đã từ bỏ tất cả để dấn thân cho cuộc tranh đấu đòi lại quyền tự do và quyền làm người cho mình và cho cả những người khác có cùng cảnh ngộ. Bà chia sẻ với mọi người và luôn có mặt ở những nơi nóng nhất trên khắp đất nước, bà từng một mình giăng băng rôn đứng trước tòa án Hà Nội tố cáo chủ tịch Nguyễn Thế Thảo…
Bùi Hằng và tất cả những người đã cố gắng bằng mọi cách đổ về Đồng Tháp tham dự phiên tòa như Nguyễn Lân Thắng, Lê Dũng, Lã Dũng, Nguyễn Văn Phương… đều là “Những Người Điên” như Bùi Thanh Hiếu tự nhận qua bài “Phiên tòa khốn nạn và những thằng điên”. Những người điên đó đã làm những việc bao đồng, không liên quan gì đến mình theo cách nghĩ của đa số người Việt ích kỷ và bàng quang với tương lai. Họ Điên khi tranh đấu đòi quyền sống trong tự do, cho nhân phẩm con người được tôn trọng, họ Điên khi đòi Công lý phải được thực thi, họ Điên khi dấn thân mà không màng tiền bạc và danh lợi, họ Điên khi muốn chuốc phiền toái và sự trả thù của chính quyền dành cho họ, họ Điên khi muốn đất nước Việt Nam được phát triển thịnh vượng và dân chủ như bao nước khác trên thế giới, họ Điên khi muốn một lũ điên không còn độc quyền nhục mạ và hành hạ những người yêu nước…
Có ý kiến cho rằng Bùi Hằng rất đanh đá và chửi bới thô tục và vì thế làm ảnh hưởng đến hình ảnh của phong trào dân chủ. Đây là một ý kiến chủ quan và phiến diện. Chửi cũng là một hình thức đấu tranh bất bạo động và thuộc về “tự do ngôn luận”. Kẻ bị chửi nào thấy mình oan và bị xúc phạm thì có thể kiện Bùi Hằng ra tòa. Theo chúng tôi thì Bùi Hằng có chửi đến đâu đi nữa thì vẫn còn ít và vẫn chưa đủ. Chế độ này sa đọa và thối nát đến mức mà nhiều người không còn muốn nhắc đến tên. Và chúng tôi cũng e ngại rằng đến một lúc nào đó người dân không còn muốn chửi nữa mà họ sẽ dùng đến gậy gộc và gạch đá để nói chuyện phải quấy với chính quyền.
Đấu tranh đòi dân chủ, tự do và quyền được làm người là công việc và trách nhiệm chung của tất cả mọi người Việt Nam. Phong trào dân chủ Việt Nam là một tập hợp rộng lớn bao gồm mọi khuynh hướng chính trị và các phương pháp đấu tranh ôn hòa khác nhau. Chúng tôi không đứng cùng đội ngũ với Bùi Hằng trong một tổ chức nhưng chúng tôi tôn trọng và đánh giá rất cao tấm lòng quả cảm của Bùi Hằng. Bùi Hằng không phải là một chính trị gia mà là một người tranh đấu. Sự nghiệp dân chủ hóa đất nước cũng cần có những người có đầu óc và lý luận dân chủ nhưng cũng cần có những người xông pha nơi tuyến đầu như Bùi Hằng. Những việc làm của Bùi Hằng và những người như bà không hề ảnh hưởng xấu đến phong trào dân chủ mà nó ngược lại còn làm phong phú thêm cho phong trào dân chủ.
Bùi Hằng, có thể không mong sau này được làm lãnh đạo nhưng sự kiên cường và bất khuất của bà trước bạo quyền cũng khiến nhiều người phải ngả mũ kính trọng. Chính quyền Việt nam bỏ tù Bùi Hằng lần này là lần thứ hai nhưng chúng tôi tin rằng nhà tù không thể khuất phục được một người đàn bà Thép như vậy. Phải là người có nội tâm sâu sắc và một niềm tin mãnh liệt vào chân lý và tương lai mới có thể hành động dũng cảm như vậy được. Người Việt sẽ nhớ về Bùi Hằng như là một tấm gương bất khuất và can đảm trước cường quyền. Và với bấy nhiêu thôi Bùi Hằng đã ghi được tên mình vào lịch sử. Một triết gia đã từng nói “Thay vì ngồi yên và nguyền rủa bóng tôi thì hãy đốt lên một que diêm”, Bùi Hằng không chỉ đốt lên một que diêm mà là đốt lên một bó đuốc. Bó đuốc đó sẽ soi sáng và dẫn đường cho bao nhiêu người khác mạnh dạn tiếp bước trên hành trình tranh đấu đòi tự do cho dân tộc và đất nước. Bó đuốc Bùi Hằng cũng giúp chúng tôi có thêm niềm tin và nghị lực để đi tới.
Bàn về tinh thần kiên nhận trong nội bộ anh em trong Tập Hợp, ông Nguyễn Gia Kiểng đã tâm sự về chủ đề một người dấn thân cho dân chủ, có thể đến một lúc nào đó sẽ “mất kiên nhẫn” và ông cho rằng chuyện đó là bình thường: “Chúng ta phải thực tế mà nhìn nhận mất kiên nhẫn là chuyện bình thường. Cuộc đấu tranh cho dân chủ còn dài và khó khăn, mất kiên nhẫn (với tổ chức hay với lý tưởng dân chủ) và bỏ cuộc là bình thường, không mất kiên nhẫn và kiên trì theo đuổi cuộc đấu tranh mới là không bình thường. Chúng ta là những người không bình thường. Và chính vì thế mà chúng ta càng có lý do để quí trọng nhau”.
Đất nước Việt Nam đang trải qua một giai đoạn lịch sử đầy biến động và có nguy cơ khủng hoảng lớn về mọi mặt, đầu tiên là kinh tế và sau đó sẽ làchính trị. Hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam đang rất cần có nhiều “Những Người Điên” và “Những Người Không Bình Thường”…
Việt Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét