Diễn đàn biển Asean mở rộng lần thứ ba (EAMF-3) vừa khai mạc hôm thứ Năm 28/8 ở Đà Nẵng để bàn về hợp tác và cải thiện an ninh biển.
Diễn đàn này có sự tham gia của đại diện 10 nước Asean và 8 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga và Mỹ.
Phát biểu với BBC nhân dịp diễn đàn mở rộng lần này, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, người cũng tham gia diễn đàn, nói xây dựng lòng tin là một trong những biện pháp quan trọng nhằm "tăng cường an ninh và hòa bình, giảm nguy cơ xung đột vì hiểu lầm, toan tính nhầm hoặc hành động nhầm".Các nguồn tin nói nội dung chính của diễn đàn mở rộng lần này là tình hình hợp tác biển hiện nay của khu vực; đẩy mạnh hợp tác khu vực trong việc ứng phó kịp thời với thiên tai và các sự cố trên biển, thiết lập cơ chế đường dây nóng; tăng cường an ninh, an toàn và tự do hàng hải của khu vực thông qua việc triển khai những biện pháp xây dựng lòng tin cũng như các công cụ khác và 20 năm thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Ông Thayer đề xuất một số ý tưởng để thúc đẩy xây dựng lòng tin, như bất cứ biện pháp nào đều cần tuân thủ và tôn trọng các chuẩn mực khu vực và Asean; phải được tiến hành trên nguyên tắc đồng thuận một cách dần dần và tuần tự.
Ông cũng cảnh báo các biện pháp xây dựng lòng tin không nên quá tham vọng, mà cần có tính thực tiễn cao, với các mục tiêu rõ ràng để giúp giảm căng thằng.
Các diễn biến mới
Kể từ diễn đàn biển mở rộng lần hai hồi năm ngoái, khu vực đã chứng kiến một số diễn biến 'nóng', liên quan tới an ninh của Đông Nam Á.
Đáng kể nhất có thể nói tới việc Philippines kiện tuyên bố chủ quyền Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế và sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào Vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam.
Từ vụ giàn khoan 981, người ta có thể thấy rằng các bất đồng và đối đầu trên biển có thể gây ra nhiều hậu quả lớn và khó khắc phục, như biểu tình bạo động chết người ở miền Trung Việt Nam hồi trung tuần tháng Năm.
Theo Giáo sư Thayer, một tác hại lớn nhất của các diễn biến vừa qua là sự rò rỉ lòng tin chiến lược giữa các nước như Việt Nam và Trung Quốc.
"Nếu Hà Nội và Bắc Kinh hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ UNCLOS thì đối đầu đã không xảy ra."
Giới chuyên gia nhận định rằng khó có thể nói trước các xung khắc có thể xảy ra trong thời gian tới hay không vì các yếu tố gây bất đồng còn đó.
Vì vậy, các quốc gia trong khu vực cần tập trung thúc đẩy hợp tác, khuyến khích kiềm chế, xây dựng lòng tin và giảm thiểu căng thẳng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét