Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Võ Thị Hảo: Việt Nam - dù chậm -vẫn dịch chuyển về phía ánh sáng

Trò chuyện với nhà văn Võ Thị Hảo:

Việt Nam - dù chậm -vẫn dịch chuyển về phía ánh sáng


Xuân Thọ (XT): Thành thật mà nói, gia đình tôi và bạn bè rất cảm ơn chị đã nhận lời qua Köln. Tôi mến mộ chị từ lâu không chỉ vì trong tủ sách nhà tôi có tác phẩm của chị, nhưng , như dân gian đã nói, không bao giờ tôi dám liều "thấy người sang bắt quàng làm họ". Vậy mà Facebook đã giúp chúng ta kết bạn với nhau. Tất nhiên không phải ai trong số gần 3500 người bạn Facebook của chị cũng có thể mời và chị có thể đến nhà thăm. Một kẻ U70 như tôi tuy không phải là tín đồ của Internet nhưng vẫn tin là trong thế giới ảo đầy trắc trở, nhất là ở VN, nơi Cam độc và cỏ dại moc khắp nơi, nhưng người ta vẫn cảm nhận được đâu là chân, đâu là ngụy. chị nghĩ thế nào về vấn đề này trong thế giới ảo?

Võ Thị Hảo (VTH): Cảm ơn anh chị và bạn bè – những bạn đọc đã đồng cảm cùng tôi về những tư tưởng, chính kiến, cảm xúc về cuộc sống, thời thế và xã hội Việt Nam trứớc đây và ngày nay. Chuyến đi Köln vừa rồi thật vui và đem lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Thêm một lần cảm ơn “ phù thủy Facebook“ , dù tôi chỉ mới lập cách đây vài tháng và cách dùng còn ngô nghê lắm nhưng nó đã đem lại cho tôi nhiều bạn bè và tôi được tận hưởng những giây phút thật cảm động. Thế giới ảo đầy cạm bẫy nhưng không vì thế mà sự chân thành bị giết chết. Thậm chí nó còn được nhân lên bởi người thiện chí .

XT: Chị từng nói đến việc Internet thay đổi thế giới, vậy liệu điều đó có thể đúng với trường hợp Việt Nam không, khi mà các thế lực bảo thủ cũng biết dùng mạng để tung hỏa mù, để gieo rắc nỗi sợ?

VTH: Tôi vẫn lạc quan về khả năng thay đổi thế giới của Internet ở Việt Nam qua việc nó có thể cá nhân hóa, đại chúng hóa và minh bạch hóa thông tin. Bản thân cơ chế hoạt động của Internet là đa nguyên và tự do, cơ sở cho một giống người sinh ra để phải được trả lại những lợi quyền đương nhiên mà tạo hóa đã ban cho con người nhưng đã bị những thể chế độc tài cướp đoạt. Thực sự Việt Nam đang được thay đổi bởi Internet.

XT: Được biết chị sang Đức lần này để thăm nom chị gái bị bệnh nặng, vậy tình hình sức khỏe của chị ấy ra sao?

VTH: Cảm ơn anh đã quan tâm. Chị ấy đã qua cơn thập tử nhất sinh nhờ chất lượng và dịch vụ chăm sóc bệnh nhân nổi tiếng đẳng cấp cao của nước Đức. Có điều khi chị ấy đi qua một cơn bạo bệnh, tỉnh dậy sau cơn hôn mê thì đã phải sống khác rồi và hiện nay nước Đức vẫn đang tận tình giúp đỡ chị ấy. Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn.

XT: Chị có hài lòng với hệ thống y tế và xã hội ở Đức?

VTH: Thưa anh, không chỉ vừa lòng, mà thán phục và cảm kích. Đến với thế giới những người áo trắng và hệ thống an sinh xã hội ở đây đã nửa năm, đi qua hai bệnh viện: Unfallkrankenhaus và Hedwichshöhe Berlin, hàng ngày tôi được chứng kiến những người xa lạ ấy không chỉ chữa trị, cứu sống chị tôi mà nhiều bệnh nhân khác, đối xử bình đẳng không phân biệt giữa một người lang thang cơ nhỡ không xu dính túi, chẳng biết tên tuổi, bị tai nạn ngoài đường mà họ mang về để cứu chữa cũng bình đẳng như với một chính khách cỡ lớn hoặc người giàu có. Trên nóc bệnh viện cấp cứu có bãi đáp cho trực thăng để đảm bảo tốc độ cứu người nhanh nhất có thể và một ông hành khất cũng có thể được đưa đến bệnh viện bằng trực thăng.

Tôi đã từng tự học về những nền văn minh và dân chủ nhưng điều làm tôi không tưởng tượng nổi là dù rất bận, họ vẫn có thể bón cho bệnh nhân ăn, rơi nước mắt thương xót, an ủi khi bệnh nhân đau đớn và quá gầy ốm… Không có chuyện hành bệnh nhân, nhận tiền hối lộ. Tôi nghĩ đến Việt Nam, khi bản thân tôi và bao người sợ hãi sự ghẻ lạnh, tàn nhẫn của nhiều bệnh viện tới mức không dám dùng đến thẻ bảo hiểm y tế dù vẫn đóng tiền và đành phải liều mạng tự tra từ điển thuốc để mua thuốc về chữa trị, cùng lắm thì đến hệ thống dịch vụ tự trả tiền giá cao dù đang rất nghèo. Tôi đã từng thấy bác sĩ, y tá của một số bệnh viện cố tình bỏ mặc, mạt sát hoặc làm đau bệnh nhân để khiến họ phải hối lộ thêm. Bao người Việt Nam đang phải nằm nhà chờ chết vì không dám hoặc không đủ tiền đến BV…

XT: Trong sáu tháng sống tại Đức, chắc chị cũng đã tiếp xúc với nhiều bà con người Việt ở đây, những người có thể đến từ các nguồn khác nhau: Hợp tác lao động ở CHDC Đức trước kia, Thuyền nhân sang Đức trước 1990, „Tường nhân“ xin tỵ nạn chính trị sau 1990, Người nhập cư sau này vì đoàn tụ gia đình hay du học v.v. Chị có thể nhìn ra những nét đặc trưng cho một cộng đồng nhập cư Việt tại đây không?..

VTH: Chuyến đi dài này đã cho tôi gặp gỡ khá nhiều. Điều rất cảm động là hầu hết người Việt ở Đức đều rất quan tâm tới gia đình và đồng bào ở quê nhà . Tôi đi đâu cũng được đồng bào của mình sẵn sàng giúp đỡ, ngay cả bán hàng hay cắt tóc, họ cũng lấy tôi rẻ hơn khi biết tôi mới ở quê nhà sang dù nhiều người không biết tôi là ai. Người Việt có ưu điểm là luôn đau đáu quê nhà, dù họ có thể phủ nhận điều đó. Họ không cam tâm chỉ sống cho mình, dù họ ra đi vào thời điểm nào và từ đâu.

Nhưng trong ngườiViệt tại nước Đức vẫn có những đặc điểm khác nhau khá rõ ràng, đưa đến những lựa chọn và hành xử khác biệt, đôi khi là những nghi kỵ, có thể khiến cộng đồng phân rã hoặc yếu đi. Chúng ta cần học cách cảm thông và thấu hiểu nhau, đặt mình vào địa vị của người khác. Thực ra người Việt đều là con dân đất Mẹ máu đỏ da vàng, vốn chẳng có oán thù nhưng phận dân đen trôi dạt vào chỗ khốn khổ tranh giành quyền lực giữa các thể chế và các nhà cầm quyền, vô cùng bi thảm.

Cần hiểu được điều đó để biết trách nhiệm hòa giải và hòa hợp dân tộc là thuộc về nhà cầm quyền. Điều đó chỉ có được khi có những hành xử nghiêm túc, có trách nhiệm, công bằng, sửa sai từ phía nhà cầm quyền Việt Nam về những nỗi đau họ đã gây ra cho dân tộc Việt kể từ thời lập chính quyền đến nay.

Thật cũng lạ là có những người Việt sống ở đất nước có nền văn minh và dân chủ đứng vào hạng nhất nhì thế giới như Đức lại có thể vẫn giữ những quan niệm về xã hội như thời bao cấp trước năm 1990 ở trong nước, trong khi nhiều người trong nhà cầm quyền Việt Nam vẫn coi thuyền nhân như kẻ thù sau bao năm thống nhất đất nước.

Khi không cập nhật tình hình, người ta có thể sợ hãi những điều không đáng sợ. Và khi ta sợ hãi, dù ở trên thiên đường, chúng ta vẫn bị khống chế bởi chính mình và rất khó thoát khỏi kiếp nô lệ tự nguyện. Tôi nghĩ không ai trong chúng ta có quyền được sợ nếu chúng ta muốn sống đàng hoàng tử tế và muốn tổ quốc Việt Nam phát triển.

XT: Liệu các thực tế sinh động của cuộc sống xa quê ở đây có thể là chất liệu cho một tác phẩm mới của Võ Thị Hảo?

VTH: Vâng. Có nhiều điều tôi muốn viết về nơi đây


XT: Hôm trước, chúng ta có đi thăm đài tưởng niệm con tàu Cap Anamur ở thị trấn Troisdorf. Đứng trước con thuyền gỗ bé tí đã từng chứa 52 thuyền nhân Việt Nam được tàu Cap Anamur vớt lên từ Biển Đông năm 1982, trước khi họ chết khát, là một người sinh ra và lớn lên trên miền Bắc XHCN, đã từng vui mừng trong ngày 30.04.1975, khi nghĩ rằng chúng ta đã „giải phóng miền Nam“, cảm tưởng của chị ra sao?

VTH: Vâng, tôi vô cùng xúc động khi đứng trước bia kỷ niệm tàu Cap Anamur và đứng trước con thuyền gỗ. Mắt thuyền còn đó, mở chong chong ra xa xăm như một lời nhắc nhở đừng quên bất kỳ nỗi đau và nỗi bất công nào đã xảy ra với đồng bào mình. Mắt chong chong của con thuyền ấy mãi là lời nhắc nhở và thức tỉnh.

XT: Cảm ơn chị đã tặng gia đình tôi cuốn tiểu thuyết „Dạ tiệc quỷ“ xuất bản ở Mỹ. Tôi đã biết nó trên mạng Internet và qua những bài giới thiệu. Và bây giờ cầm nó trên tay, mới lướt qua vài trang đã thấy chị có đề cập đến số phận của những người Việt phải chấp nhận mọi hiểm nguy để bỏ nước ra đi tìm tự do. Có thể chị đã biết, cuộc vượt biển của thuyền nhân Việt Nam từ 1975 đến 1988 với gần 2 triệu nạn nhân , trong đó gần một triệu đồng bào thân yêu đã nằm lại vĩnh viến dưới đáy biển được quốc tế đánh giá là cuộc vượt biển lớn nhất và gây nhiều tổn thất về sinh mạng nhất trong lịch sử loài người. Thời gian qua ở Đức, chị đã có cơ hội tìm hiểu thêm những số phận tương tự của bà con „Thuyền nhân“ ở Đức?

VTH: Khi nhìn thấy con thuyền ấy, nhìn hình ảnh con tàu Cap Anamur đã từng ngang dọc trên mặt biển Đông trong vòng nhiều năm để tìm và cứu vớt hơn 11.300 thuyền nhân VN sắp chết trên những con thuyền cạn lương thực, nước uống, đầy bệnh tật, trôi dạt trên đường vượt biển, là ta không thể quên hàng trăm ngàn đồng bào VN chấp nhận chín chết một sống để tìm đường thoát nạn. Việt Nam đã chịu quá nhiều đau thương, lại bị bồi thêm cuộc vượt biển lớn nhất và tổn thất nhiều sinh mạng nhất trong lịch sử loài người, lại còn thêm vô số cuộc vượt rừng, vươt biên giới, những “người Rơm“ bây giờ…
Mỗi người đang sống, trong đó có tôi đều có phần trách nhiệm để nhớ về nó, đốt lên ngọn lửa lương tri và thắp cho họ những nén nhang chân tình để giải oan cho họ, để cho một ngày đồng bào Việt Nam ta không phải tìm đường tha hương thoát mạng hay thoát nghèo hoặc thoát sự đàn áp độc tài. Lẽ ra chúng ta phải giàu mạnh và văn minh để làm được nghĩa vụ quốc tế là chìa bàn tay ra để giúp đỡ những người tha hương khốn khổ lê thân đến tìm nơi nương náu trên đất Mẹ Việt Nam, điều đã từng xảy ra trong lịch sử dân tộc. Ngày đó còn xa, rất xa nhưng tôi bị ám ảnh bởi điều đó cho đến lúc chết. Dù đã viết một phần về họ trong tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ, tôi vẫn chưa vượt qua được nỗi ám ảnh ấy. Tôi mong có đủ thời gian để viết tiếp…

XT: Trong cuộc gặp mặt với bàn bè tối qua, anh Long có hỏi chị: Kinh nghiệm cho thấy, thông thường trong những giai đoạn bi đát của một dân tộc, của một quốc gia, thường xuất hiện những tác phẩm văn học xuất sắc, khắc họa được những mâu thuẫn, những xung đột, những bi kịch của dân tộc đó. Ví dụ như „Những người khốn khổ“, „Sông đông êm đềm“ hay „Quần đảo Gulag“ v.v. Vậy chị Hảo giải thích thế nào về việc VN đã trải qua bao nhiệu cuộc bể dâu, lúc nào người ta cũng nói đến khủng hoảng chạm tới đáy mà cho tới nay độc giả Việt ở trong và ngoài nước chưa hề được đọc tác phẩm văn học nào tương xứng với các đau khổ mà dân tộc này đã chịu đựng? Các văn nghệ sỹ Việt Nam có phải chịu trách nhiệm gì cho sự thiếu hụt này không? Phải chăng đây chỉ là tội của hệ thống kiểm duyêt?

VTH: Có thật sự như vậy không? Hệ thống kiểm duyệt Việt Nam có tội rất lớn là đã dùng mọi biện pháp có thể, kết hợp với bộ máy đàn áp và hệ thống giáo dục, tuyên truyền độc tài để hỗ trợ nhũng nhà cầm quyền „ám sát“ nền văn học, nền văn hóa, với mục đích chính là phục vụ cho việc nô lệ hóa tư tưởng người dân để dễ bề thống trị, kéo dài địa vị và tham nhũng. Nhưng tư tưởng và tài năng là cái trong đầu mỗi người, không dễ gì giết chết. Tôi không tin Việt Nam không có tác phẩm lớn trong những năm tháng này, vấn đề là nó chưa hẳn đã được xuất hiện. Được xuất hiện, chưa chắc nó đã được nhận biết bởi những con mắt tinh đời. Ngọc và kim cương phải có chuyên gia nhận diện. Ta có thể giẫm đạp lên ngọc và kim cương vì không biết và tưởng chúng là sỏi đá. Những nhà phê bình Việt Nam hiện đang bằng lòng với việc điểm sách, bàn nhậu, kiểu phê bình đặt hàng và thân hữu và chạy show theo vô số sách nhảm và nhạt. Họ cũng không dại gì dành thời gian để đọc và viết về những cuốn sách có vấn đề để bị đe dọa mất miếng cơm manh áo và chẳng ai chịu đăng cho. Ám ảnh đói khát và bị giật mất miếng ăn bất cứ lúc nào cũng ám quẻ người Việt và chúng ta chưa thể thoát khỏi bệnh phù phiếm nông cạn. Đã phù phiếm và xốc nổi thì đá hay ngọc khó bề phân biệt.

XT: Khi chị nói đến các từ „hèn“,“nỗi sợ hãi“ tôi lại nhớ đến một quan niệm mới mà qua nay tôi học được từ chị: „Sợ hãi chính là biểu hiện của thói tham lam, tham sự an toàn“. Chị có thể phân tích thêm quan niệm này không?

VTH: Vâng, mọi nỗi sợ của con người đều có lý, có nguyên nhân. Sợ hãi là bản năng tự vệ giúp con người tồn tại. Nhưng để tồn tại được, không chỉ sợ là đủ, mà cần phải biết đối diện với nỗi sợ hãi, cũng để tự vệ. Người ta ai cũng nhạy cảm với nỗi sợ hãi và luôn biết rõ lúc nào mình hèn. Tham an toàn cũng là một cái tham lớn và đó là nguồn gốc của mọi nỗi vô cảm và sợ hãi. Cũng chỉ có loài người là rất giỏi che đậy nó vì họ biết rõ nỗi nhục nhã của hèn. Họ muốn tự do, dân chủ, không bị oan khuất, đất nước và gia đình giàu mạnh nhưng họ không làm gì cả ngoài việc kiếm ăn và đợi người khác chết cho quyền lợi của mình. Ngồi trên núi xem hổ đánh nhau, xem con nào chết thì nhặt bỏ bao tải đem về làm thịt là một cái thú đặc biệt của nhiều người Việt. Xem kẻ khác chết cho mình cũng là một thú tiêu khiển đáng giá với họ. Chính vì thế, câu đầu lưỡi của họ là: tôi không dính tới chuyện chính trị…Cho đến khi nước mất nhà tan thì đã muộn.
Nếu công dân không vượt lên nỗi sợ hãi để cùng canh giữ nền chính trị lành mạnh của cộng đồng, thì ai sẽ canh giữ cho chúng ta? Không canh giữ, cứ đổ tội „dân nào thể chế chính trị ấy“: đó là cái chết được báo trước…

XT: Chị cho là trí thức Việt Nam cũng có trách nhiệm trong việc để cái chết được báo trước đó đe dọa tương lai dân tộc?

VTH: Vâng. Trách nhiệm lớn là đằng khác. Bởi vì đặc điểm của giới trí thức là tính dự báo, tính mở đường, tính thức tỉnh và ý thức khai sáng. Trí thức ở trong chế độ nào cũng tự nhiên mang tính phản biện để làm lành mạnh hóa và thúc đẩy xã hội tiến lên. Ở Việt Nam chưa thực sự hình thành một tầng lớp trí thức, mà đã hình thành một tầng lớp rầm rộ những người biết chữ nô lệ. Đó là do sự đàn áp khiến mọi người sợ hãi và do tàn dư quan niệm của Mao Trạch Đông để lại cho những nước theo chủ nghĩa xã hội và cộng sản: „ trí thức không bằng cục phân“. Họ tìm cách tiêu diệt, đàn áp, đẩy ra khỏi hệ thống những trí thức thực sự để dễ nô lệ hóa dân chúng.

XT: Hôm nay tiễn chị về Berlin để từ đó chị quay về Việt Nam, quay trở lại với cuộc sống quen thuộc đầy rẫy bất công, cuộc sống với biết bao đè nén và với các cảm giác bất an, vậy mà tôi vẫn cảm thấy ở chị một niềm tin mãnh liệt vào tương lai của đất nước, nơi người thân chị đang sống, trong đó có con gái chị. Cái gì đã nuôi sống niềm tin đó?

VTH: Cảm ơn anh và nhiều bạn đọc ở một số nước trên thế giới đã cảm thông, xót thương tôi và thậm chí có người bảo tôi đừng về nơi ấy, sợ tôi gặp nguy hiểm. Nhưng tôi vẫn về vì đã có một lời hẹn với mình rồi thì phải làm. Không lỗi hẹn với mình để ta không xấu hổ vì hẹn lương tâm là cái hẹn quan trọng nhất. Tôi vẫn tin mãnh liệt vào ánh sáng vì sinh vật nào, xã hội nào, dù ẩn sâu dưới đáy biển vẫn cần và hấp thụ được ánh mặt trời. Việt Nam dù chậm nhưng vẫn phải đi về phía ánh sáng. Chẳng phải sự lên tiếng đàng hoàng, thẳng thắn, trực diện của mỗi người, dù vẫn đang bị đàn áp, kỳ thị nhưng đã đây đó thức tỉnh, cải thiện được phần nào tình hình đấy thôi.

XT: Trân trọng cảm ơn chị.

Köln 29.08.2014

Xuân Thọ thực hiện
(Dân Luận)

Không có nhận xét nào: