Pages

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Người Mỹ, Cộng đồng tị nạn người Việt và tương lai dân chủ Việt Nam


mccains_vietnam_obsession
Dân Luận: Đây là một ý kiến của bạn đọc “Khách mới”, phản hồi bài viết Phạm Chí Dũng: Người Mỹ bắt tay giới bảo thủ Hà Nội?. Dân Luận xin đăng lại theo dạng bài mới để mọi người tham khảo. Tựa đề do Dân Luận đặt
Cứ mỗi lần chính phủ Mỹ có một “chiêu” mới tung ra, người Việt trong cộng đồng chúng ta lại bàn tới bàn lui. Đặc biệt là những nhà làm chính trị. Nếu việc làm đó có tính cách chống lại đảng Cộng sản Việt Nam thì muôn người như một, viết bài bình luận rồi kết luận Cộng sản sắp chết tới nơi, chúng ta chuẩn bị về Việt Nam để thay thế chính quyền hiện tại, lãnh đạo đất nước. Hoan hô, biểu tình người Mỹ chống Cộng muôn năm… Nhưng nếu người Mỹ tung “chiêu” có lợi cho chính quyền Việt Nam, các nhà chính trị lại chê trách người Mỹ thế nầy thế kia. Mặc dù không dám biểu tình chống đối như biểu tình ủng hộ, các đảng phái chính trị uất ức rồi chỉ để …trong bụng. Người ta nói người Mỹ chao đảo, khó hiểu. Thực ra, người Mỹ rất dễ hiểu.

Như đã nhiều lần trình bày trước đây, chẳng có người Mỹ nào chống cộng hay thân cộng; họ chỉ làm theo quyền lợi của họ mà thôi. Cộng đồng chúng ta lại thường lạc quan khi Mỹ đưa ra yêu sách làm khó làm dễ với Việt cộng, nhưng cũng rất buồn khi họ chơi thân với chính quyền hiện tại. Công việc đấu tranh chống cộng ròng rã gần 39 năm nhưng chúng ta không nhận được một kết quả nào được gọi là khả quan, mà hầu như đánh phá nhau khả quan hơn chuyện chống cộng. Lý do dễ hiểu: vì sống trong một đất nước tự do, lại không có người lãnh đạo, không một cơ quan và luật lệ để có biện pháp khi lầm lỗi, ân thưởng khi làm tốt, ai cũng muốn là người số một nên cuộc đấu tranh chống cộng cứ lẩn quẩn hơn ba thập niên, và sẽ còn tiếp tục lẩn quẩn thập niên thứ bốn. Một ví dụ, có ngài tiến sĩ lập ra tổ chức mới đây mang tên “Mặt trận chống Cộng sản Việt Nam và những tay sai”. Chống cộng sản và tay sai là chuyện người Việt quốc gia đã làm gần 39 năm, thế thì tại sao ông tiến sĩ nầy không cùng tham gia với họ, cần chi phải lập ra một tổ chức khác? Cũng dễ hiểu thôi. Nếu ông tiến sĩ tham gia công cuộc chung thì chẳng ai biết ông là ai. Nhưng lập ra tổ chức khác thì ông mới làm chủ tịch hay hội trưởng, đảng trưởng… mới nổi danh. Chính vì mơ tưởng những cái danh hư ảo như vậy nên công việc chống cộng ở hải ngoại chẳng đi tới đâu, cộng sản ở quê nhà tiếp tục phè phỡn để lãnh đạo đất nước.
Nếu những ai đã về Việt Nam, ở Sàigòn, sẽ thấy rằng giới tư bản Mỹ và ngoại quốc đang làm thay đổi chế độ chứ không phải những nhà chống cộng của chúng ta ở hải ngoại hay CSVN trong nước làm được điều đó. Trước năm 1975, người Mỹ có mặt tại Việt Nam, trước nói là để chống Cộng sản xâm lăng miền Nam, bảo vệ tiền đồn tự do; sau là dùng vùng đất để thi thố vũ khí “hiện đại” rao hàng buôn bán những loại giết người đó. 57 ngàn sinh mạng binh sĩ Mỹ chết ở chiến trường Việt Nam có lớn không? Lớn lắm chứ! Nhưng nếu so với quyền lợi của Mỹ thì chẳng thấm vào đâu, thuộc loại chuyện nhỏ. Người Mỹ cũng chỉ muốn đào tạo những loại tay sai bất tài vô tướng để lãnh đạo đất nước, như đám tướng lãnh trong cuộc chính biến kéo dài từ ngày 1 tháng 11 năm 1963. Không có khả năng, nặng óc bè phái, tham tiền, độc đoán… là những tiêu chuẩn tốt người Mỹ mong muốn nơi nhà cầm quyền sau cuộc chính biến 1963. Người Mỹ đâu có cho tuổi trẻ Việt Nam được du học nhiều như bây giờ. Họ muốn làm “ngu dân” để trị như cộng sản, nhưng khôn khéo và tinh vi hơn. Họ cũng không muốn giúp chúng ta “tự lực” về vũ khí để đương đầu với quân phương Bắc, nhưng phải tùy thuộc vào những anh cố vấn “què quặt” đến những loại vũ khí luôn luôn đi đàng sau vũ khí Trung cộng hay Liên xô. Nhưng dù sống trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt đó, người dân miền Nam cũng chưa phải bỏ chạy ra khỏi nước để sống đời lưu vong, và vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi bị phản bội mới chịu buông súng.
Miền Nam đi vào đường cùng cũng chỉ vì người lãnh đạo chỉ biết trông nhờ vào người Mỹ với đống tiền viện trợ mà không tính chuyện bất trắc lúc bị phản bội. Người Mỹ biết điều đó nên hết tổng thống nầy đến tổng thống khác, hết Dân Chủ tới Cộng Hòa, luôn luôn bắt chẹt Việt Nam. Nghe theo thì tốt, không nghe thì thuê đám tặc tướng đảo chánh, giết hoặc đỡ hơn, cho đi lưu vong. Nên khi bị bỏ rơi, chuyện bỏ chạy phải xảy ra. Báo chí Mỹ có nói là hèn nhát thì cũng chỉ là chuyện âm mưu của chúng nó, bênh vực nhau cho khỏi vỡ mặt với thế giới. Trong lúc Cộng sản Việt Nam có tới hai đàn anh tầm cỡ giúp đỡ; giúp đỡ hết lòng, giúp đỡ hết mình. Nếu Nga làm khó thì còn Trung cộng, nếu Trung cộng trở mặt thì có Nga đứng ra gánh vác. Hôm nay CSVN phải cúi mặt, phản lại nguyện vọng của dân chúng để chấp nhận những hành động phản quốc cũng chỉ là sự trả ơn để được nắm giữ quyền lực lãnh đạo đất nước. Không biết ân nghĩa nầy sẽ còn tiếp tục tới bao giờ?
Nhưng nay thì người Mỹ có mặt tại Việt Nam với một mục đích khác. Dĩ nhiên, mục đích nầy sẽ kéo dài lâu hơn trước năm 1975, mà có thể từ thế hệ nầy đến thế hệ khác. Người Mỹ biết rõ cộng sản Việt Nam sẽ không làm được gì về mọi mặt, ngoại trừ có tài ổn định được đất nước dù bằng lưỡi lê hay lựu đạn. Dù bằng thứ gì chăng nữa, điều đó đối với người Mỹ không quan trọng. Dân Việt Nam khổ chứ dân Mỹ đâu có khổ, dân Việt Nam đau chứ người Mỹ đâu có đau. Sau năm 1975, người dân Việt Nam bắt đầu tháo chạy khỏi nước. Cũng như người ta thường nói: “cột đèn chạy được cũng phải chạy” khi Cộng sản chiếm miền Nam. Những người ra đi trong thời gian nầy được xem là tìm tự do, vì tự do. Nhưng bây giờ, người Mỹ đã trở lại Việt Nam thì cũng có kẻ ra đi, không vì tìm tự do mà vì kinh tế, đoàn tụ. Các cô gái phải lấy những ông chồng ngoại quốc đui, què, câm, điếc… hàng ngàn thanh niên đang sắp hàng chờ đi lao động nước ngoài, hàng trăm giới chức chính quyền xuất ngoại tìm môi trường kinh doanh… vậy thì không vì kinh tế là vì cái gì?
Sự trở lại Việt Nam của Mỹ, ít ra là làm giảm bớt số người đi tìm tự do nhưng lại gia tăng đi tìm kinh tế. Phải chăng đây là một sự nghịch lý? Người Mỹ đã mang tự do dân chủ cho Việt Nam nên không còn ai đi tìm tự do nữa? Có thể đúng như vậy. Người Mỹ đang “bơm” tự do dân chủ cho người dân Việt Nam nhưng không phải là tự do dân chủ của người Việt chống cộng tại hải ngoại mong muốn. Họ “bơm” từ từ và có phương pháp. Từ một quốc gia cộng sản sắt máu, cai trị bằng hệ thống công an, lưỡi lê và súng đạn như CSVN, nếu cho ngay tự do dân chủ theo kiểu tây phương, cả đất nước sẽ bị rối loạn. Cũng giống như một con bệnh trầm kha vừa mới bắt đầu phục hồi, ăn uống dồn dập, bia rượu tối ngày… chắc chắn sẽ bội thực và chết ngay. Những quốc gia nhược tiểu như Việt Nam chẳng hạn, muốn có dân chủ và tự do, trước hết phải có có độc tài để ổn định xã hội. Xã hội được an bình, lúc đó mới bắt đầu đi tới dân chủ và tự do. Ông Diệm đã mở đầu bằng con đường nầy nhưng vì không đúng cái “độc tài” Mỹ muốn nên kế hoạch không thành, ông bị giết. Ông Diệm độc tài nhưng còn run, run các thầy, run các cha, run các đảng phái. Đó không phải là loại độc tài Mỹ muốn. Ngày nay, người Mỹ lặp lại những gì ông Diệm đã làm để chỉ bày cho CSVN. Muốn có tự do dân chủ, phải có độc tài trước. CSVN đang đi theo con đường ông Diệm nhưng họ không run trước các cha, các thầy, các đảng phái. Đây là loại độc tài Mỹ muốn vì Mỹ biết dân trí ngưồi Việt chưa cao. Nếu độc tài nửa vời thì chỉ có chết với các vị lãnh đạo tôn giáo, với những ông đảng trưởng đầy tham vọng. Cộng sản Việt Nam đã may mắn hơn ông Diệm . Độc tài, độc đảng để lãnh đạo, đúng vào lúc thế giới đang trên đường tiến vào con đường “diễn tiến hòa bình”, người Mỹ giã từ vũ khí tại Đông Nam Á để mở ra một kỷ nguyên kinh tế phồn thình, dùng chiến tranh kinh tế thay thế chiến tranh vũ lực. Đó là lý do tại sao chúng ta ở hải ngoại, những nhà tranh đấu trong nước vẫn phải bị “vất vả “ về công việc chống độc tài, độc đảng của CSVN hiện nay.
Phần khác, người Việt hải ngoại đã dùng cái tự do mình đòi hỏi cho đồng bào trong nước để tấn công và chống đối cái tự do người khác chống Cộng không theo ý mình. Không ai phủ nhận những công việc chúng ta đang làm như biểu tình, gởi kháng thư, tổ chức lễ Quốc hận 30 tháng Tư, nhớ ngày Quân Lực 19 tháng 6, thành lập nhiều hội đoàn chống Cộng, vinh danh lá cờ Việt Nam Cộng Hòa v.v.. tất cả đó là những hình thức đối kháng với chế độ, nghĩa là bày tỏ hành động chống Cộng. Nhưng cũng có những cá nhân, những tổ chức, những hội đoàn… họ không làm vậy. Họ có những đường lối khác kể cả những chuyện trực diện nói chuyện với kẻ thù, những cuộc thăm dò đối phương muốn gì, chúng ta muốn gì để tìm ra một giải pháp thích hợp. Nhưng ác độc thay, những phương cách nầy đều bị nhóm người, tổ chức cực đoan chống đối, nguyền rủa và cuối cùng họ bị ghép tội thân cộng, việt gian, phản quốc, trở cờ, nối giáo cho giặc…Điều chắc chắn họ không phải là Cộng sản. Nếu bảo họ là cộng sản thì đây là những phát biểu hồ đồ và thiếu hiểu biết. Chúng ta đã tỏ ra không công bằng và có thể vì lòng ganh tỵ ở điểm: người Mỹ hay người nước nào cũng được, có những khuynh hướng chống cộng ôn hòa thì chẳng ai nói gì, nhưng là người Việt Nam cũng làm như thế, thường bị buộc tội Việt gian hay Việt cộng. Trong cùng một chiến tuyến mà chưa hiểu nhau thì làm sao bảo đối phương hiểu mình để họ chịu nói chuyện với mình. Chúng ta đang chống cộng với nhiều phương thức đã làm suốt 39 năm nhưng không thành công. Chúng ta không chịu thay đổi mà vẫn ôm chặt những thụt lùi, trong lúc đối phương khôn ngoan hơn để thích hợp với những hoàn cảnh đang có. Họ đang đi tới, chúng ta đang đi lui.
Sinh viên Việt Nam du học càng ngày càng đông hơn, đủ mọi thành phần. Nhưng có lẽ người Mỹ chú ý tới nhiều hơn đám du sinh “con cha cháu ông”. Tại sao vậy? Vì chính chúng sẽ là những đứa “con nuôi” của Mỹ như Hoàng Đức Nhã trước năm 1975. Chúng sẽ trở về, thay cha ông chúng để lãnh đạo đất nước, dưới sự cố vấn của người Mỹ. Những đứa “con nuôi” trước năm 1975 không được may mắn như đám “con nuôi” bây giờ vì thời gian quá ngắn, Mỹ lại “trở cờ” và thay đổi đường lối mau chóng nên Việt Nam bị bức tử, đám “con nuôi” cũng tiêu tán hết giấc mơ cha truyền con nối, phe đảng cũng chạy tán loạn, không còn cơ hội tạo lại sức mạnh như trong quá khứ.
Con chim muốn sống giữa bầu trời bao la rộng lớn, con cá cũng muốn bơi lội trong ao hồ biển cả, chúng không thích gì cảnh “cá chậu chim lồng”, huống chi làm con người, ai không muốn tự do. Cộng sản hay tư bản cũng muốn tự do. Thế nhưng cũng như con cá con chim, tự do mà phải được độc quyền cai trị vùng lãnh thổ của mình. Ai xâm phạm vào là không được, chưa kể cá lớn ăn cá bé. Hiện tượng đơn giản như thế nên sinh ra độc tài, đảng trị, phe nhóm, đưa tới cộng sản, tư bản. Bây giờ người Mỹ đang muốn đưa hai chữ tự do của tư bản đến Việt Nam để thay thế loại “tự do” của CSVN đang có. Chuyện tất yếu như thế phải xảy ra nhưng không thể một sớm một chiều. Làm ăn buôn bán với kẻ thù để dân giàu nước mạnh không phải là tội; nhưng chỉ lợi lộc cho cá nhân và phe đảng của mình mà quên đất nước, mới là tội. Có những cá nhân về Việt Nam làm ăn với Cộng sản, cuối cùng trở thành trắng tay, mang đầu máu, bỏ của chạy lấy người. Từ một con người đáng ghét, bị coi là Việt gian, tiếp tay với Cộng sản, nay trở thành một người đáng thương, đáng tội nghiệp. Như vậy, chúng ta có thế rút ra bài học, những người định buôn bán làm ăn với Việt cộng không hẳn họ là người theo cộng hay Việt gian. Không ai là người tị nạn muốn trở thành Cộng sản, và có muốn cũng không được. Nếu họ muốn, họ đã về Việt Nam sinh sống với Việt cộng rồi. Nhưng đây chỉ là những bộ óc tham lam, ham muốn làm giàu, muốn ăn trên ngồi trước. Một số nhỏ khác còn có tham vọng lớn hơn là về nâng niu việt cộng, hy vọng sẽ có được chức phẩm trong chính quyền. Nguyễn Cao Kỳ là một trong những con người đó. Nhưng đa số đều bị gạt, gạt thê thảm, gạt tàn nhẫn.
Người Mỹ có muốn đối xử với chính quyền Việt Nam bây giờ như đã từng đối xử với hai thể chế Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam trước năm 1975 không? Chắc chắn là không. Người Mỹ đang sắp xếp cho Việt Nam có một khuôn mặt sáng sủa, văn minh, tự do và dân chủ trong tương lai. Dĩ nhiên, đây là một sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cường quốc cũng như họ đã từng làm cho các quốc gia cộng sản Đông âu gần hai thập niên trước đây. Sự thăng trầm của một quốc gia, một dân tộc, thì nước nào cũng phải trải qua, chỉ có khác nhau là thời gian dài hoặc ngắn mà thôi. Một chiến thắng to lớn chắc chắn là phải sau một cuộc chiến căm go và kiên nhẫn chịu đựng. Nhưng mơ ước của người Việt tỵ nạn, của đồng bào trong nước lại mong muốn làm sao ngày đó càng nhanh càng tốt. Chính vì sự nôn nóng đã làm cho chúng ta cảm thấy cuộc đấu tranh hầu như là cứ kéo dài, mệt mỏi và chán nản. Nhưng nhìn vào thực tế cho chúng ta hiểu rằng, thế giới đang thay đổi đất nước của chúng ta. Giới tư bản đang tìm đường vào Việt Nam để thu hút một thị trường hơn 80 triệu và sẽ còn tăng nhanh nữa, mặc dù hiện tại đang gặp nhiều trở ngại vì sự điều hành thiếu khoa học của chính quyền. Tình hình chính trị Việt Nam đang có ổn định dưới mắt thế giới (nhưng chắc chắn không dưới cái nhìn của người Việt chống Cộng). Các cường quốc Nga, Trung Hoa và Mỹ hầu như có sự đồng thuận trên quyền lợi về kinh tế và “hài lòng” về giải pháp chính trị. Du học sinh được xuất ngoại ào ạt vào Mỹ và các quốc gia văn minh tiến bộ khác. Nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền đang có chiều hướng chuyển giao qua giới trẻ và có học hơn. Những lãnh đạo già nua và thiếu học hầu như chỉ còn tiếng mà không còn thế lực khuynh đảo như ngày xưa. Họ chính là những người khua mồm to mỏ chống “đế quốc Mỹ” ngày trước, thì nay chính “đế quốc Mỹ” sẽ đẩy họ vào bóng tối, đào thải để thay thế một tầng lớp trẻ, có học đang được đào tạo chính trên “đế quốc Mỹ”.
Trong một bối cảnh như vậy, Việt Nam vẫn còn những điều bất ổn về tự do tôn giáo, về lãnh thổ đang bị xâm chiếm bất hợp pháp, về nhân quyền. Những bất ổn nầy sẽ khó giải quyết được từ phía những nhà đối kháng trong hoặc ngoài nước, nhưng phải từ các siêu cường có thế lực để làm áp lực với chính quyền. Sự vùng lên từ phía dân chúng thật rất khó xảy ra trong một quốc gia do cộng sản lãnh đạo. Lịch sử đã cho biết như thế. Do đó, những nước Cộng sản bị xóa tên thường do áp lực từ phía thế lực của cường quốc hơn là sự vùng lên từ phía dân chúng. Chúng tôi tin rằng Việt Nam cũng sẽ phải đi vào những tiến trình nầy nay mai. CS Việt Nam đang độc tài. Người Mỹ biết điều đó, nhưng họ đã có thuốc ngừa. Thuốc đó không phải là những ông chống Cộng cực đoan tại hải ngoại, nhưng những Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Đài và còn nhiều nhiều nữa, chính là niềm hy vọng của Mỹ để chận đứng sự tham lam độc tài của đảng và sẽ đưa đảng đi vào con đường Mỹ muốn. Con đường có các nhà đấu tranh trong nước đi hàng đầu, phía sau là các cường quốc tự do, để kéo đám trâu già Việt cộng phải đi vào lộ trình Dân Chủ. Cho nên, các cường quốc (dĩ nhiên trong đó có Mỹ) đã tạo nên những khuôn mặt dân chủ sáng giá trong nước mà thế giới ai cũng biết, nhưng ngược lại những khuôn mặt chống Cộng trong cộng đồng thì thế giới chẳng biết ông nào việt cộng, ông nào là quốc gia. Lỗi nầy chính những tiệm bán nón cối trong cộng đồng tạo ra. Đó là lý do chúng tôi muốn những người lãnh đạo chống Cộng tại hải ngoại phải biết Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Nếu vì tự ái, vì cái tôi của mình đặt trên quyền lợi của người dân trong nước, chúng ta cứ nhất quyết làm ngược lại với những gì các cường quốc đang làm cho đất nước chúng ta, cuộc đấu tranh sẽ đi thụt lùi và chẳng bao giờ tới đích.
Điều mong muốn của người dân Việt chỉ được sống trong bình yên và tự do. Hai chuyện đơn giản đó vẫn chưa chính thể nào thực hiện được vì nhiều lý do. Giới lãnh đạo thì muốn ăn trên ngồi trước để cai trị đất nước lâu dài, lâu đời. Ngoại bang tư bản lẫn cộng sản lại muốn dùng mảnh đất hình chữ S để thao túng đủ mọi chuyện, tìm quyền lợi cho họ trong đất nước khốn khổ của chúng ta. Giới cầm quyền cũng nhắm mắt làm ngơ, miễn sao ngồi được trên đầu dân chúng để làm giàu, bốc lột và cai trị.
Thế hệ đã qua không làm sao quên được mối hận với người Mỹ trong quá khứ, nhưng những thế hệ trong tương lai chắc chắn sẽ hài lòng với người Mỹ khi họ đang làm những gì cho Việt Nam. Rồi mai đây, đất nước chúng ta sẽ có tự do, dân chủ như những quốc gia khác. Thể chế không là điều quan trọng, nhưng đường lối của người cầm quyền mới là quyết định cho vận mạng tốt xấu của đất nước. Giữa một người đui và người chột, thà chọn người chột vẫn đỡ hơn người đui. Trong việc tìm kiến tự do dân chủ cho đất nước, thế giới đang có đường hướng tốt đẹp trong tương lai so với cuộc đấu tranh miệt mài mải miết của những người cực đoan, chắc chắn người dân trong và ngoài nước sẽ chọn con đường thứ nhất.
Đây chỉ là một cái nhìn của một người tị nạn Cộng sản trong bối cảnh đang xảy ra trên đất nước Việt Nam, không phải là một nhà bình luận hay chính trị gia. Nhưng với người Mỹ, chúng ta cũng đã hiểu họ trong thời gian họ làm “cố vấn” cho chúng ta. Tin họ được tới đâu hay tới đó. Khi họ cần tới CS Việt Nam thì dù không tự do, mất dân chủ, thiếu nhân quyền, họ vẫn chơi và o bế như một người bạn tốt. Khi CS Việt Nam có trở thành ông Phật, ông Bụt, ông thánh sống, thì họ cũng vất như đã từng vất hai nền Cộng Hòa Việt Nam trước năm 1975. Người Mỹ không có ai là bạn, chẳng có ai là thù. Hay bạn trở thành thù, thù trở thành bạn chỉ là giai đoạn, thời gian mà thôi. Điều họ cần là cái lợi cho họ.
Nếu có buồn chăng là khi đất nước “hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai” thì những tên đường như Trần Phú, Lê Duẫn, Trường Chinh, Lê Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Trổi, Phạm Văn Đồng… những thành phố mang tên Hồ Chí Minh, những nghĩa trang “anh hùng liệt sĩ” của chế độ… vẫn còn đó. Rồi những thế hệ kế tiếp cũng chẳng ai mấy quan tâm về những tên tuổi nầy, cũng như thế hệ chúng ta đã quen đi những con đường mang tên Tự Do, Công Lý, Thống Nhất, Gia Long, Hồng Thập Tự… mà thôi.. Giới cha anh thì đã nằm yên trong lòng đất, không còn biết buồn, biết hận. Thế hệ sau, các bạn trẻ đâu còn biết những con đường mang tên những kẻ sát nhân, làm điêu đứng cả một dân tộc suốt một thời, vẫn còn hiện diện, như vô tình, như bình yên trên quê hương. Và rồi những gì trân quý, đầy ắp kỷ niệm một thời huy hoàng, tự do, dân chủ của miền Nam bị biến mất. Ai còn có thế lực để thay thế những tên đường bỉ ổi đó? dựng lại nghĩa trang “anh hùng tử sĩ”, chỉnh lại các ngôn từ cục mịch, rừng rú: bồi dưỡng, tham quan, khẩn trương, đột xuất, sự cố,… Không một quốc gia, một cá nhân nào sẽ đi làm những thay đổi đó cho chúng ta. Còn thế hệ tương lai thì sao? Họ có làm được hay không?
Nếu những thay đổi đó không xảy ra, thế hệ trẻ trong và ngòai nước vẫn vô tình, thì dù đất nước có thanh bình, tự do, dân chủ… vẫn là một nỗi buồn ray rứt của toàn dân Việt Nam.

Không có nhận xét nào: