Pages

Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Nguyễn Phương Linh - Sức mạnh của một nước Việt Nam Dân Chủ



Nhớ lại. Ngày 27/01/1973, hiệp định Paris được ký kết, mở đầu cho Cộng sản miền Bắc, hai năm sau đó, không tốn nhiều súng đạn, đã thôn tính miền Nam Việt Nam. Uất ức, đau đớn cùng cực, người dân miền Nam kết tội người Mỹ là kẻ phản bội đồng minh Việt Nam Cộng hoà, bán đứng miền Nam tự do cho độc tài Cộng sản miền Bắc. Nhưng bình tĩnh và khách quan, chúng ta sẽ không thể đứng trên quyền lợi của mình để kết tội người khác như vậy. 


Người Mỹ biết rất rõ, không thể kéo dài cuộc chiến tại Việt Nam, một cuộc chiến không có ánh sáng ở cuối đường hầm. Họ phải rời Việt Nam trong danh dự. Họ không thể để cho con em họ chết trên rừng rậm tại một đất nước xa xôi. Họ phải hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Nam trong mỗi người Mỹ, mỗi gia đình Mỹ. Người Mỹ phải dành thì giờ để ổn định lại nền kinh tế của đất nước họ sau 20 năm lâm chiến tại Việt Nam. Họ ra đi, trong tư thế của kẻ thua trận sau khi có gần 60 ngàn đồng đội của họ đã vĩnh viễn nằm xuống. Vậy người Mỹ bỏ miền Nam là để cứu đất nước họ, và có thể để nghỉ ngơi trước khi chuẩn bị cho những dự định tốt đẹp khác. Hiểu một cách độ lượng và công bằng như thế, chúng ta sẽ thấy người Mỹ không phải là kẻ phản bội đồng minh miền Nam Việt Nam.



Khi quân đội Mỹ ra đi khỏi Việt Nam, 7 căn cứ không quân của Mỹ ở Thái Lan đóng cửa (1961-1976). Dân Phillippines đứng lên đòi Mỹ trả lại căn cứ Không quân Clark và căn cứ Hải quân tại vịnh Subic. Đây là hai căn cứ hải quân và không quân lớn nhất của Mỹ ở ngoài nước Mỹ. Chúng được xây dựng từ năm 1903 và đóng cửa gần 100 năm sau, năm 1991. Do áp lực của dân chúng, Nhật Bản cũng đã lập kế hoạch để yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi đảo Okinawa.

Thế rồi, mộng Trung Hoa hoá thế giới của Cộng sản Trung Quốc trỗi dậy như Tổng thống Eisenhower của Mỹ đã cảnh báo cách đây 70 năm trong lý thuyết “domino” của ông. Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò 9 đoạn chiếm gần trọn biển Đông. Họ lập ra Vùng Nhận dạng Phòng không. Đưa Giàn khoan HD981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một phần lãnh thổ của Phillippines bị đe doạ. Tranh chấp quyết liệt về quần đảo Điếu Ngư hay Senkaku đã xảy ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Biển Đông dậy sóng.

Trước sự hung hãn ấy của một nước Cộng sản độc tài hùng mạnh Trung Quốc, những nước nhỏ khó bề ngăn cản được con hổ Trung Quốc. Nhật Bản cấp tốc hoãn lại, nếu không nói là bỏ hẵn kế hoạch đòi Mỹ trả lại căn cứ quân sự trên đảo Okinawa. Tháng 6 năm 2012 Phillippines đã mời Mỹ trở lại vịnh Subic và căn cứ Clark như xưa. Sau khi bị người anh em “4 tốt” Trung Quốc ức hiếp và sỉ nhục, đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã phải buộc lòng tìm đến cầu cứu kẻ cựu thù Mỹ. 

Vốn rất thực dụng và thực tế, như người Mỹ đã tiên đoán trên 40 năm về trước rằng họ sẽ trở lại Việt Nam và vùng đất ở châu Á, và sẽ trở lại trong tư thế để chiến thắng, như họ thua lần đầu khi đổ bộ lên bờ biển Normandy ở Pháp và họ đã trở lại Normandy và đã chiến thắng, giải phóng toàn châu Âu thoát khỏi hoạ phát xít Đức. Gần 10 ngàn người lính Mỹ đủ các loại cấp bậc đã nằm xuống chỉ cho một mục tiêu duy nhất: bảo vệ lý tưởng tự do.

Vậy, lần này người Mỹ trở lại Việt Nam và biển Đông không phải vì Việt Nam hay Phillippines hay vì Nhật Bản mà, để họ phục vụ đất nước Mỹ, phục vụ mục tiêu hoà bình, dân chủ, thịnh vượng cho người Mỹ và các nước đồng minh trên vùng biển Đông. Người Mỹ và mọi người trên thế giới đã thấy thủ đô kinh tế tài chính thế giới ngày nay không còn ở London, New York hay Tokyo mà đang tiến dần về khu vực Đông Nam Á. Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) lúc đăng ký đầy đủ sẽ có 12 quốc gia thành viên trong đó có 4 quốc gia sáng lập là Bruney, Chile, New Zealand, Singapore và 8 nước đang đàm phán gồm Mỹ, Úc, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản. TPP lúc ấy sẽ trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế toàn cầu. Tiềm năng của TPP rất lớn: GDP trên đầu người: 34.750 tỷ đô la Mỹ chiếm 37,5% GDP của thế giới, có dân số là 798,5 triệu người chiếm 11,2% dân số thế giới, và kim ngạch thương mại bằng 25% kim ngạch của thế giới. Với một khu vực có một nền kinh tế tiềm năng như vậy chắc chắn, bằng mọi giá, con người trong các quốc gia TPP phải đồng lòng, nhất trí trong việc tránh chiến tranh, giữ gìn an ninh, ổn định, hoà bình, để tập trung vào phát triển. Để đạt được những mục tiêu ấy điều căn bản là phải có sự đồng thuận của mọi người, nghĩa là các xã hội phải dựa trên nền tảng dân chủ. Dân chủ là đầu mối của tự do, công bằng, chính trực. Chính những giá trị này sẽ làm cho con người tin tưởng nhau để tập trung xây dựng cuộc sống cho cao đẹp hơn, nhân hậu hơn, hạnh phúc hơn.

Nước Mỹ đã tốn không biết bao nhiêu xương máu để có được một nền dân chủ và một nền kinh tế hàng đầu thế giới như ngày nay. Người Mỹ tự hào đã xây dựng được một nền khoa học, kỹ thuật phục vụ cuộc sống có chất lượng của con người. Họ muốn các nước trong vùng xuyên Thái Bình Dương cũng có những nền kinh tế mạnh và cuộc sống bình an, hạnh phúc. Họ muốn Việt Nam có một chính quyền dân chủ, minh bạch và một đất nước có nhiều tổ chức xã hội dân sự. Chính những tổ chức này sẽ tạo nên một đất nước công bằng, quý trọng sự khác biệt của nhau, giúp chính phủ nghe được tiếng nói của lương tâm, thấy được trong lòng người dân mình muốn gì. Giống như xã hội Mỹ, nhờ có dân chủ, có nhiều tổ chức xã hội dân sự mà đất nước họ tự do được phát triển hơn, giàu mạnh hơn. Đối với Việt Nam, dân chủ, tự do còn là sức mạnh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Độc tài, toàn trị, quan liêu, tham nhũng, bất công, xem quyền lợi cá nhân, đảng phái lên trên lợi ích của quốc gia là cái hoạ lớn cho toàn dân tộc Việt Nam.

Người Mỹ thích giúp các nước đối tác mạnh. Một nước đối tác mạnh là một nước hợp lòng dân, được người dân hỗ trợ. Với nhiệm sở ở nước ngoài như Toà Đại sứ, Tổng lãnh sự, người Mỹ có hàng trăm cách để biết một chính phủ có hợp lòng dân hay không, những ai tham nhũng, những ai độc tài, những ai thân Trung Quốc, những ai bài Mỹ, những ai theo Nga, những ai thân Pháp. Đối với các nước tự do, đây là chuyện bình thường, họ không quan tâm đến các vấn đề nội bộ của người khác. Nhưng trong quan hệ quốc tế, muốn có lòng tin và sự ủng hộ của nhau, Việt Nam không nên nói điều không thực, tránh thói quen tuyên truyền. Phải làm cho được những điều mình đã hứa.

Việt Nam sẽ là một thành viên của TPP. Nếu hợp lòng dân, giữa chính phủ và nhân dân là một. Đó là một sức mạnh vũ bão. Ngoài ra, Việt Nam còn có thêm sự hỗ trợ chân tình của các nước thành viên trong Hiệp định TPP và các nước bằng hữu dân chủ khắp mọi nơi trên thế giới. Sức mạnh của Việt Nam lúc đó là một sức mạnh tổng hợp. Không có một nước nào dám đe doạ Việt Nam.

Nguyễn Phương Linh


(Diễn Đàn Thế Kỷ)

Không có nhận xét nào: