Pages

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Nợ: quả bom nổ chậm của Việt Nam

Đối với Việt Nam, vấn nạn nợ nần giúp nhắc nhở rằng nhà nước nên giới hạn ảnh hưởng vào doanh thương.

Việt Nam có thể thấy mình khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8 phần trăm trong năm nay nếu nợ xấu tiếp tục kềm hãm nền kinh tế.

Ngân hàng trung ương đã có những động thái để làm giảm tỷ lệ nợ, nhưng cũng phải cần đến các thay đổi về cấu trúc để đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế về lâu dài.

"Vấn đề nợ xấu sẽ không thể giải quyết được nếu không có sự công khai và minh bạch trong việc phòng chống tham nhũng và tư bản bè phái," Vũ Đình Ánh,  nhà kinh tế có ảnh hưởng đã nói với tôi.

http://a8.vietbao.vn/images/vn888/hot/v2012/20130313-083502-1-nocong4.10-13177127871-1317712787.jpeg

Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam đã được dự kiến ở mức 4.84 vào cuối tháng sáu, tiếp tục gia tăng kể từ đầu năm. Và đấy chỉ là những con số chính thức. Dịch vụ Đầu tư của Moody ước tính các khoản nợ xấu ấy chiếm 10-15 phần trăm tổng số nợ -nhiều hơn gấp đôi số dự toán của ngân hàng trung ương.

Không như các số liệu của ngân hàng trung ương, Moody tính cả các khoản cho vay đặc biệt cần lưu ý và tài sản yếu kém vốn nên được xem là nợ xấu. Dù từ năm ngoái, các ngân hàng đã phân loại các khoản vay theo chuẩn mực này, nhưng hạn định đã phải hoãn lại ba lần khi ngân hàng lo lắng rằng một con số tổng cộng bất ngờ cao vọt sẽ gây đổ vỡ các doanh nghiệp; việc thực hiện đầy đủ hiện được định đến quý đầu của năm 2015.

"Việc thiếu dữ liệu này là một vấn đề chính. Không biết thực tế và cấu trúc tỷ lệ nợ xấu, chúng ta không thể hiểu được vấn đề, "ông Ánh nói.

Vấn nạn nợ đã gây thiệt hại cho nền kinh tế khi các ngân hàng buộc phải dành nhiều vốn hơn là phát hành nhiều công nợ. Mặc dù ngân hàng trung ương cắt giảm được lãi suất trong một số trường hợp, mức vay tại Việt Nam chỉ tăng được 3,5 phần trăm ít ỏi trong nửa đầu năm nay.

"Các khoản nợ xấu ở Việt Nam là không đủ lớn để gây khủng hoảng kinh tế nhưng đã ngăn nền kinh tế không thể hồi phục nhanh chóng, "Đinh Tuấn Minh, cựu chuyên gia phân tích kinh tế tại Ngân hàng Quân đội cho biết.

Căn nguyên của vấn đề

Cũng như ở Mỹ và Trung Quốc, vấn nạn nợ của Việt Nam là do phần lớn nguyên nhân từ bong bóng bất động sản vào cuối những năm 2000. Thôi thúc bởi mong muốn thúc đẩy kinh tế của chính phủ, ngân hàng nhà nước đã đưa ra các khoản vay dễ dàng cho các nhà đầu tư và phát triển. Khi kinh tế chao đảo trong năm 2010 và giá nhà đất giảm mạnh, nhiều người đã không trả được nợ.

Đa số những nhà phát triển này là liên kết của các doanh nghiệp nhà nước, vốn ít có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản. Từ khi Việt Nam giành được độc lập, chính phủ đã coi doanh nghiệp nhà nước là trụ cột của nền kinh tế, một quan điểm được lặp lại trong hiến pháp cũng như trong các tài liệu quan trọng khác của chính phủ. Đầu những năm 2000, khi đất nước mở cửa ra với thế giới bên ngoài, các doanh nghiệp nhà nước của chính phủ được khuyến khích để mở rộng hoạt động kinh doanh ra bên ngoài khu vực kinh doanh chính của họ trong nỗ lực muốn cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

"Đảng và Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn nhà nước như Sông Đà để vượt qua khó khăn và phát triển hiệu quả hơn", chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu như vậy trong một chuyến thăm công ty vào năm 2009.

Một trong những nền tảng của kế hoạch này là công ty vận chuyển Vinashin. Trong bối cảnh ngày càng tăng về vận chuyển của nhu cầu toàn cầu, chính phủ mở rộng phát triển công ty, thuyết phục ngân hàng nhà nước và chính quyền địa phương cung cấp các khoản vay và nguồn nhân lực cho Vinashin.

"Chiến lược của chính phủ là muốn xây dựng công ty này nhanh chóng trở nên một siêu cường vận chuyển bằng cách bơm tiền vào nó. Trong vài năm đầu tiên, chiến lược ấy có hiệu quả “, Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Economica Việt Nam cho biết. "Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các nước khác. Đối với chính phủ, thành công bước đầu xác nhận rằng họ đi đúng hướng."

Nhưng khi chính phủ đổ nhiều tiền vào Vinashin, ngày càng rõ là giới quản lý cao cấp của công ty không có kinh nghiệm đảm đương một nguồn lực tài chính lớn như vậy.  Các quyết định đầu tư kém của ban giám đốc điều hành đã gây ra thiệt hại lớn. Trong năm 2010, Vinashin sụp đổ với hơn 4 tỷ nợ, hai năm sau đó, giám đốc điều hành công ty bị bỏ tù vì vi phạm các điều lệ về quản lý kinh tế. Năm sau, 2013, cả cựu chủ tịch và tổng giám đốc công ty quốc doanh Vinalines đều nhận án tử hình vì tội biển thủ $ 474,000 trong các âm mưu chi trả quá mức cho một ụ sửa chữa cũ để bỏ túi hàng triệu đô la.

"Tham nhũng là một phần của sự việc nhưng phần lớn là vì năng lực quản lý", ông Bình nói. "Ta không thể quản lý các công ty lớn bằng sử dụng phong cách quản lý cũ. Họ đã không biết phải làm gì với các nguồn tài nguyên mình có, vì thế, đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực: ngân hàng, bất động sản, khách sạn và ngay cả xe taxi".

Năm 2012, chính phủ thông báo rằng doanh nghiệp nhà nước đã dự phần trong 1.5 tỷ "chi tiêu sai trái." Công ty độc quyền Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm cho khoảng $ 8.5 triệu thua lỗ. Tương tự, chính phủ cho biết, Tập đoàn Sông Đà, thông qua 85 chi nhánh, đã "lạm dụng" hơn 500 triệu trong việc biển thủ và thực hiện các đầu tư kém cỏi, nhiều chi nhánh phải gánh chịu thiệt hại đáng kể trong việc xây dựng các nhà máy xi măng, thép, nhà máy thủy điện và các loại cơ sở hạ tầng.

"Một số lượng lớn khủng khiếp của các vấn đề kinh tế Việt Nam có liên quan với hệ thống chính trị", nhà kinh tế học Anh cho biết. "Giống như Trung Quốc, Việt Nam chưa có thị trường khế ước tài chính (derivatives matket) mà bạn có ở Mỹ và các nước khác. Hậu quả là, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng và khu vực nhà nước, vốn đã có thua lỗ mất mát lớn. Các kết nối với khu vực nhà nước là nguyên nhân chính cho các khoản nợ xấu của Việt Nam."

Doanh nghiệp nhà nước vẫn là khu vực lớn nhất của giới vay mượn và chịu trách nhiệm cho một tỷ lệ rất lớn của nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Vì vậy, cải cách doanh nghiệp nhà nước là không thể thiếu trong việc giải quyết vấn đề nợ nần.

"Kỷ lục của các hoạt động nghèo nàn và việc mở rộng tài sản không mang lại lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước thật nản lòng. Ngân hàng Việt Nam sẽ không thể nhìn thấy sự tăng trưởng trở lại của các khoản nợ lành mạnh trừ khi sức khỏe của các doanh nghiệp nhà nước được phục hồi" Gene Fang, phó chủ tịch, chuyên viên cao cấp Moody cho biết.

Giải quyết vấn nạn

Trong năm 2013, Việt Nam đã cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách cho ra đời Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). Theo kế hoạch này, các ngân hàng hoán đổi nợ xấu của mình cho VAMC để lấy trái phiếu đặc biệt mà họ có thể sử dụng nhằm vay vốn ở ngân hàng trung ương. Đến đầu tháng Bảy, VAMC mua được $ 2.4 tỷ nợ xấu.

Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp hoàn chỉnh: trong khi các khoản nợ giúp các ngân hàng cân đối bảng thu chi tài chính, công ty quản lý tài sản vẫn chưa nghĩ ra được cách giải quyết chúng. Có kế hoạch bán các khoản nợ ra cho nhà đầu tư bên ngoài, nhưng rất ít tiến bộ đã thực hiện được ở mặt trận này.

"Số nợ xấu gần giống như hai năm trước, và thái độ của chính phủ và ngân hàng nhà nước cũng đã không hề thay đổi", cựu chuyên gia phân tích Minh cho biết. "Họ nghĩ rằng khi nền kinh tế phục hồi, nợ xấu sẽ qua đi. Chính phủ không muốn chi tiền ra. Việt Nam chỉ đơn giản là không có đủ nguồn vốn"

Một giải pháp là sẽ bán nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, nói với tờ Banking Times rằng công ty đã nhận được quan tâm từ một số tổ chức và cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết các khoản vay đều có tài sản thế chấp là bất động sản và pháp luật Việt Nam lại nghiêm cấm người nước ngoài (hoặc bất cứ ai khác trong ý nghĩa này) không được sở hữu đất đai.

Hơn nữa, VAMC đã mua nợ từ các ngân hàng cao đến 80-90 phần trăm giá trị, nghĩa là nhiều hơn so với mức các nhà đầu tư sẵn lòng mua.

"Họ 'các nhà đầu tư nước ngoài' có xu hướng chào giá thị trường cho các tài sản đó, thấp đến mức 20-30 phần trăm của mệnh giá. VAMC xem các đề nghị này hoàn toàn không thích đáng khi căn cứ vào giá trị các tài sản", ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư VinaCapital cho biết. "VAMC chỉ có thể là một công cụ hữu hiệu để giải quyết các khoản nợ xấu khi nó sẵn sàng đưa các khoản nợ ra bán ở mức giá tốt nhất và được thị trường chấp nhận"

Dù có những bàn bạc để thay đổi các quy định, nhưng chính phủ vẫn chưa muốn làm như thế. Theo phó giám đốc Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên, cho biết: "Ngay bây giờ, tất cả mọi người dường như sợ phải chịu trách nhiệm cho việc gây thiệt hại cho nhà nước, vì thế không ai dám đưa ra quyết định bán bất kỳ khoản nợ nào ở giá thấp".

Về phía các cơ quan chức năng, sự do dự này không chỉ là vì thiệt hại tài chính. Đó là biểu tượng của sự mất kiểm soát.

"Chính phủ nhận ra rằng chỉ có các công ty nước ngoài mới có đủ nguồn lực để mua nợ xấu. Nhưng có một nhóm trong chính phủ không muốn làm điều đó ", Minh nói. "Họ sợ rằng khi chính phủ bán nợ xấu cho các công ty nước ngoài, các khu vực chính của nền kinh tế sẽ bị đặt dưới sự kiểm soát của người nước ngoài."

Điều này sẽ đe dọa đến lợi ích của đất nước. Và việc thay đổi luật sở hữu có nghĩa là cho phép các nhà đầu tư tư nhân được hưởng các quyền tương tự như công ty nhà nước - là điều không thể tưởng tượng được.

"Chúng ta không thể mong đợi chính phủ thay đổi luật đất đai. Vì ngay cả người Việt Nam cũng không được sở hữu đất đai. Tất cả đất đai thuộc về nhà nước", ông Bình nói.

Bước phát triển

Giải quyết nợ xấu là một bước khởi đầu tốt. Ngoài ra còn phải khuyến khích bước phát triển của việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Một số luật đang được xem xét để buộc các công ty nhà nước phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường và hạn chế việc họ đầu tư vào các khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, chính phủ cũng cần phải giải quyết các vấn đề cơ bản của cả doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng bằng cách gia tăng tính minh bạch và nới lỏng các hạn chế về quyền sở hữu cho người nước ngoài.

Trong năm nay, chính phủ đã tăng cường tốc độ cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng như cổ phần hóa (tư nhân hoá).  Các doanh nghiệp nhà nước phi ngân hàng được yêu cầu phải rút vốn ra khỏi các khu vực nguy hiểm như bảo hiểm, chứng khoán và bất động sản vào năm 2015; theo báo cáo của ngân hàng thế giới, gần một phần năm các mục tiêu này đã đạt được vào cuối năm 2013.

Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu chào mời hơn 400 cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước (SOE IPO) vào năm 2015, mặc dù việc thành công của các biện pháp này vẫn chưa chắc chắn. Trong đợt bán cổ phiếu đầu tiên của năm nay, các doanh nghiệp nhà nước niêm yết - hầu hết trong số đó thuộc về các lĩnh vực mang lại lợi nhuận như bất động sản và công trình công cộng - chỉ bán được ít hơn một phần ba số cổ phiếu có sẵn. Mặt khác, các nhà đầu tư dự kiến sẽ tranh giành cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận như Việt Nam Airlines và công ty viễn thông khổng lồ MobiFone khi chúng được niêm yết trong năm nay.

Tuy nhiên, tính minh bạch cũng phải là một yếu tố quan trọng của quá trình cải cách. Hoạt động trong một môi trường không có sự giám sát bên ngoài, các giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện những quyết định đưa đến một lượng nợ nần lớn. Một báo cáo kiểm toán của nhà nước công bố trong năm nay cho thấy các công ty nhà nước đã "lạm dụng trắng trợn các quy định". Dù quy định hiện nay yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước mỗi năm phải phát hành kết quả tài chính trên trực tuyến, nhưng các công bố này vẫn còn thiếu trong cả cách tiếp cận lẫn các thông tin hữu ích.

Sự thiếu minh bạch cũng là một vấn đề quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng, nơi các loại sở hữu chéo và việc cho vay liên ngân hàng vẫn gây ra những rủi ro lớn. Vụ bê bối gần đây nhất trong các ngân hàng lớn là việc bắt giữ ba cựu quan chức Ngân hàng Việt Nam gần đây vì gian lận 311 triệu theo một báo cáo kiểm toán của nhà nước cho thấy một số giới cho vay đã có "các hoạt động đáng ngờ". Nhiều vụ việc trong số này là do sở hữu chéo: có 35 ngân hàng thương mại tư nhân tại Việt Nam, nhưng ông Bình ước tính rằng trong một phần ba trong số này, các bên liên quan (stakeholders) với các lợi quyền khác sở hữu nhiều hơn tỉ lệ mà pháp luật cho phép. Một kinh tế gia khác so các mối quan hệ rối rắm giữa các ngân hàng với nhau như một "bát mì spaghetti".

Tạo ra một khuôn khổ pháp lý mới để nới lỏng các hạn chế quyền sở hữu cho người nước ngoài cũng có thể giải quyết được vấn đề trong cả hai lĩnh vực. Tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực này vào đầu năm nay qua việc nâng cao mức sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng, nhưng còn phải thực hiện nhiều hơn, đặc biệt là khi nói đến việc giải quyết nợ xấu. Dù chính phủ sợ sự mất kiểm soát sẽ dẫn đến việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhưng các hậu quả kinh tế của việc không làm như vậy có thể còn nguy hiểm hơn. Ông Hồ của công ty VinaCapital chỉ ra rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, khách hàng nước ngoài đã đóng một vai trò "không thể thiếu" trong việc giải quyết nợ xấu cho các nước có liên quan.

Đối với Việt Nam, vấn đề nợ mang lại một bài học tốn kém nhưng quan trọng là Nhà nước cần hạn chế ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là khi nói đến việc quyết định cho vay của các tổ chức tín dụng.

"Nếu ai làm việc tại một ngân hàng nhìn vào bảng cân đối tài chính của Vinashin để thẩm định thuần túy thương mại, họ sẽ không cho Vinashin vay tiền", ông Bình nói. "Tuy nhiên, các ngân hàng đã không làm các phép tính. Họ mù quáng chấp hành quyết định của chính phủ để làm cho Vinashin trở một siêu cường trong ngành công nghiệp vận chuyển. Khi Vinashin sụp đổ, chỉ qua đêm các ngân hàng sụp đổ theo".

Elisabeth Rosen - The Diplomat 

Lê Quốc Tuấn dịch Việt Ngữ 

(FB. Tuan Le)

Không có nhận xét nào: