Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Phổ cập casino: Đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm (Bài 3)

Phạm Chí Dũng/ VNTB

Để có đất cho các casino, chính quyền địa phương lại phải cưỡng chế giải tỏa dân. Làn sóng phản ứng của nông dân lại có thể dẫn đến những xung đột ghê gớm - điều đã hiển thị ở quá nhiều nơi trên dải đất mà một thi sĩ đã run rẩy “Thơ tôi khóc lệ rơi hình chữ S”.

Phản biện xã hội thất bại


Từ những hậu quả của sân golf, cần nhìn lại hiện trạng các casino ở Việt Nam, khi tính hiệu quả kinh tế của các dự án casino hoàn toàn chưa phải là một minh chứng rõ ràng. Ở casino Đà Nẵng, phản ảnh của những khách chơi người Mỹ đã cho thấy lượng khách tham gia vào casino này chỉ lèo tèo, cho dù cơ sở vật chất đã ngốn một khoản đầu tư rất lớn. Tương tự, những casino khác cũng không khả quan hơn hiện trạng “cầu” đối với sân golf là mấy.

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi dự án mở casino đầu tiên tại Đồ Sơn khởi động, đã diễn ra rất nhiều ý kiến phản bác việc cho nước ngoài đầu tư sòng bạc tại Việt Nam. Làn sóng dư luận phản bác dâng cao vào thời gian đó là có thể hiểu được, bởi môi trường đạo đức vào giai đoạn đầu của thời mở cửa dù sao vẫn còn được giữ gìn nghiêm cẩn hơn nhiều so với những năm sau này, khi “ruồi muỗi đã bay vào”.

Nhưng hệ quả là mọi phản bác đã không có kết quả nào. Hình như dư luận xã hội đã tỏ ra quá lo xa về tính tác động tiêu cực của casino đối với tâm lý quen cờ bạc của người dân Việt.

Ngược lại, quan điểm ưu tiên tăng trưởng kinh tế lại đã thắng thế. Đầu tư nước ngoài vẫn được chấp nhận, dù đối tượng của nó là đầu tư sòng bạc. Từ năm 1995 đến nay, dù vẫn chưa hình thành một khung luật cho đối tượng này, các sòng bạc nước ngoài vẫn dần dần ngự trị hình ảnh của nó tại nhiều địa phương.

Đến giờ này, có lẽ không cần bất cứ một khung pháp lý nào nữa, vì hiển nhiên pháp lý đã chỉ theo đuôi thực tiễn. Nhiều casino đã mọc lên, và cũng như đối với dự án sân golf, nhiều sự việc đã được đặt vào thế đã rồi.

Nhưng vẫn chưa phải hết. Cũng như phong trào làm sân golf, lại đang hình thành một phong trào chạy chọt xin làm casino tại khá nhiều tỉnh. Điều đáng nói là trong bối cảnh mặt bằng dân trí hầu như không được nâng lên, mặt bằng thu nhập ngày càng bị chia cắt bởi hố phân hóa xã hội càng thêm sâu rộng, chính quyền một số địa phương đã gần như không quan tâm đến những nghịch lý ấy, mà chỉ thuần túy chạy theo tính thời thượng của những dự án được coi là “cứu cánh” cho phát triển kinh tế của địa phương mình.

Đánh bạc quen tay, ăn vặt quen mồm

Trong khi miệt mài chạy theo chủ nghĩa thành tích, dựa vào những website gần như vô danh trên thế giới để lấy danh cho vịnh Hạ Long, thậm chí người ta cũng không nghĩ đến việc đặt sòng bạc bên cạnh thắng cảnh thiên nhiên này là phản văn hóa đến thế nào.

Văn hóa không phải tự nhiên sinh ra mà có. Những gì mà chúng ta đang có - được sinh ra từ thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên cũng sẵn lòng lấy lại những gì đã trao nếu chúng ta không biết tôn trọng sự trao giữ đó.

Văn hóa du lịch đã bị hiểu lệch lạc từ nhiều năm qua. Là một khái niệm được sinh sau đẻ muộn sau khi đã diễn ra ồ ạt làn sóng đầu tư vào các dự án du lịch, khái niệm này chỉ được tôn tạo chủ yếu ở tính hình thức hơn là một cái gì đó thực chất. Cũng như dự án liên hợp du lịch - casino ở Quảng Ninh, sự kết hợp casino với môi trường thiên nhiên trời phú ở đây có thể được xem là một “tuyệt tác”, nhưng không phải của bà mẹ thiên nhiên, mà bởi sự cưỡng bức từ tham vọng và tham lam của con người.

Tham vọng và tham lam đó lại tạo nên những nghịch lý nối tiếp không ngớt trong diễn biến kinh tế xã hội ở các địa phương. Nghịch lý nổi bật nhất chính là sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa điều được mệnh danh là tăng trưởng kinh tế với môi sinh, sinh thái.

Nhưng tục ngữ Việt Nam có câu: “Đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm”. Tại một đất nước mà thói quen cờ bạc đã ăn sâu vào bản thể của cộng đồng dân cư, bất cứ một loại hình cờ bạc nào, từ loại thô thiển như cá độ và chơi số đề đến loại được ví là cực kỳ cao cấp như thị trường chứng khoán, cũng đều thu hút không nhiều thì ít sự tham gia tự nguyện của những người dân nặng lòng dị đoan vào tính may rủi.

Song thực tế lại đã chứng minh rằng trên cả lớp dân thường, tầng lớp quan chức mới là những người tiêu xài ghê gớm nhất trong các sòng bạc. Đặc biệt với những quan chức mang đặc tính “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, mối dây gắn liền từ ăn vặt đến tham nhũng, từ tham nhũng đến rửa tiền đã hằn sâu trong tâm não họ.

Và casino chính là một trong những chỗ để rửa tiền hiệu nghiệm nhất cho các quan chức “ăn vặt quen mồm”.

Không có nhận xét nào: