LG Đức Thành
Trong bài “Một ý kiến để chống bức cung nhục hình trong hoạt động điều tra hình sự” (Bauxite Việt Nam 22/8/2014), luật sư Hà Huy Sơn cho rằng nhất thiết phải ban hành luật về hoạt động điều tra hình sự, qua đó mọi trường hợp tạm giữ, tạm giam, bắt người theo thủ tục tố tụng nhất thiết phải có luật sư tham gia.
Vấn đề này tôi thấy anh đã trùng với suy nghĩ của tôi. Trong bài “Ai đang đắc lợi trong cải cách tư pháp” (Bauxite Viêt Nam 16/8/2014) tôi cũng đã đề cập vấn đề này. Chỉ có điều là kinh phí lấy ở đâu để chi phí cho luật sư là tôi chưa đề cập.
Trong mấy ngày đầu sau khi Bauxite đăng bài này, tôi có nhận được vài cuộc trao đổi của một số anh em trong giới luật chúng ta thắc mắc “ mày (xin nhắc lại lời bỗ bã thân mật từ bạn bè tôi) ngoa ngôn vừa thôi! Lấy đâu kinh phí mà nhà nước dám cho giới luật chúng mày để có mặt mỗi khi triệu tập công dân”. Tức là các anh còn băn khoăn chưa biết lấy kinh phí ở đâu để trả cho luật sư nếu cho họ giám sát việc triệu tập công dân nói chung cũng như lúc lấy lời khai, hỏi cung, thẩm vấn đối chất trong hình sự.
Anh Sơn đã đề cập trong bài viết của anh rằng kinh phí do nhà nước chịu và nhà nước muốn khỏi bù lỗ thì phải tăng các loại phí trong hoạt động tư pháp.
Thưc ra ý kiến này của anh Sơn chưa giống ý của tôi lắm. Nhân bài viết của anh Sơn tội xin làm rõ quan điểm của tôi về vấn đề này.
Một Là: Nhà nước cần có quan điểm luật sư có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, hộ tịch, khiếu nại, hình sự, dân sự, chế độ chính sách mỗi khi nhà nước triệu tập công dân có liên quan đến những vấn đề trên. Ví dụ quyền lợi của người về hưu bị áp mức lương hưu sai, chế độ hưởng trợ cấp người có công nhưng bị cán bộ dìm giấu, không cho hưởng, hoặc vấn đề không giải quyết khiếu nại tố cáo theo luật định… nếu không cho luật sư chứng kiến, giám sát thì rất dễ bị cán bộ nhà nước qua mặt Thực tế khi gặp khó khăn người dân không được trả lời chính thức bằng văn bản, bởi nếu cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc đó mà ra văn bản sẽ bị kiện nên họ chỉ trả lời miệng chung chung
Do đó nếu chỉ giới hạn phải có luật sư tham gia đối với những vụ việc hình sự thì không thể triệt để giải quyết được những gian tham trong bộ máy công quyền nhà nước.
Hai là: Nếu có luật sư tham gia tất cả vấn đề này thì kinh phí ở đâu?
Xin thưa, theo luật sư Hà Huy Sơn, chắc chắn chẳng bao giờ đảng và nhà nước lại để cho luật sư các anh nhảy vào can gián người của đảng và nhà nước làm sai, sau đó lại phải è cổ ra trả tiền cho các luật sư các anh đâu.
Chỉ còn cách tìm nguồn tiền chi trả cho luật sư trong các vụ việc này từ chính những kẻ có lỗi, hay chính là những kẻ làm sai.
Cụ thể, công dân có lỗi công dân phải trả, ngược lại cán bộ có lỗi cán bộ phải trả. Nếu lỗi thuộc cả cán bộ xử lý vụ việc lẫn công dân thì cứ theo tỷ lệ lỗi mà đóng góp trả cho luật sư.
Làm như thế thì ngân khố quốc gia chẳng hề hấn gì mà triệt tiêu được tà ý chí của cán bộ là mong muốn làm sai để cầu mong lợi lộc, còn công dân cũng vững tin vì có luật sư chỉ hướng cho mình đúng nên không sợ bị cán bộ bẫy.
Chẳng biết Đảng, Nhà nước sẽ có dám làm theo cách này hay không, hay lại coi đây là ý kiến của “thế lực thù địch”!
Chúng ta hãy chờ xem.
Xin cảm ơn luật sư Hà Huy Sơn về bài viết của anh.
Chúc Bauxite Việt Nam luôn là diễn đàn tin cậy nhất của giới trí thức Việt Nam!
Đ.T
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét