Pages

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Trung Quốc sẽ bỏ Biển Đông để lên Bắc Cực?

Theo tờ “National Interest”, hành động hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông của Trung Quốc cho thấy nước này đang nhắm đến vùng Bắc Cực, nơi chiếm khoảng 13% dầu mỏ và 30% khí đốt tự nhiên của thế giới. 

Tàu cứu hộ Xue Long của Trung Quốc tham gia cứu hộ ở Bắc Cực hồi đầu năm 2014.
Theo tính toán của các nhà khoa học, tới tháng 9/2030, phần lớn các núi băng ở Bắc Cực đã tan chảy và để lộ ra một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng lớn. Rất nhiều cường quốc trên thế giới đã rục rịch chuẩn bị cho “giờ G” này và Trung Quốc cũng không muốn bị chậm chân thêm một phút nào.

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc hiện đang phải nhập khẩu khá nhiều năng lượng để duy trì nền kinh tế phát triển nóng và rất tốn nhiêu liệu của mình.

Trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải đi ngày một xa hơn để tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay. Điều này giải thích các động thái gần đây của họ tại Biển Đông và sự quan tâm của họ tại khu vực châu Phi.

Nhưng ở Biển Đông, các chiến dịch bắt nạt láng giềng của Trung Quốc đã không thu được nhiều kết quả. Trong khi đó, nếu nước này gây chiến ở Biển Đông, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đứng trước nguy cơ sụp đổ trên quy mô lớn bởi gần như toàn bộ trao đổi thương mại của nước này đều đang phải đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông trước khi có thể cập cảng của đại lục. Nguy cơ bị một số nước Đông Nam Á bóp nghẹt yết hầu sinh tử ở Biển Đông không phải là viển vông và điều đó buộc Bắc Kinh phải tính toán đến các phương án khác an toàn hơn.

Dựa trên những toan tính của Bắc Kinh, tuyến đường Biển Bắc (The Northern Sea Route - TNSR) đi qua vành đai Bắc Cực sẽ cung cấp cho Trung Quốc một giải pháp đa dạng hóa các tuyến đường thương mại và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đó.

Hơn nữa, việc giao thương giữa Trung Quốc và châu Âu bằng tuyến TNSR sẽ nhanh hơn và rẻ hơn. TNSR rút ngắn khoảng cách giữa Rotterdam và Thượng Hải khoảng 3.000 dặm và giúp tiết kiệm hàng nghìn USD chi phí nhiên liệu. Một số tính toán cho thấy tới năm 2020 sẽ có khoảng 5-15% giá trị thương mại của Trung Quốc được vận chuyển qua vùng biển Bắc Cực. Có lẽ chính vì lý do này mà thời gian qua Trung Quốc đã rất tích cực “làm thân” với các quốc gia nằm trên tuyến đường này.

Tuy nhiên, có một điều rất quan trọng là Trung Quốc không phải là một quốc gia có chân trong Hội đồng Bắc Cực. Ở vị trí là một quan sát viên, Trung Quốc đã tránh được các tranh chấp mà Nga đang vấp phải với các quốc gia thành viên của Hội đồng này. 

Tuyến đường vòng qua Biển Bắc sẽ giúp Trung Quốc rút ngắn thời gian giao thương với châu Âu. (Trong ảnh: Nếu đi từ cảng Đại Liên đến Rotterdam (Hà Lan) qua kênh đào Suez sẽ mất 48 ngày nhưng qua đường Biển Bắc chỉ mất 35 ngày)
Để chuẩn bị cho “giờ G” ở Bắc Cực, hiện Trung Quốc đang lên kế hoạch rót 60 triệu USD mỗi năm cho hoạt động nghiên cứu Bắc Cực tại một Trung tâm Nghiên cứu đặt ở Thượng Hải. Ngoài ra, mặc dù không phải là quốc gia thành viên nhưng Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ ở Bắc Cực. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này của Trung Quốc đã để lộ lý do Trung Quốc hiện diện ở Bắc Cực: tài nguyên thiên nhiên và thương mại. Tăng cường mối quan hệ song phương với các nước thành viên Hội đồng Bắc Cực là điều rất quan trọng đối với Bắc Kinh.

Thông qua các mối quan hệ song phương kiểu này, Trung Quốc có thể dùng sức mạnh kinh tế của mình để vừa mua chuộc vừa dọa dẫm. Một thỏa thuận thương mại tự do mới với Iceland và một chương trình hỗ trợ trao đổi tiền tệ quy mô hơn 500 triệu USD dành cho các ngân hàng Iceland mới chỉ là sự khởi đầu. Các nước nhỏ này càng phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc thì họ càng dễ dàng hơn trong việc ủng hộ Bắc Kinh có được một ghế thường trực tại Hội đồng Bắc Cực, ngay cả khi nước đó không phải là một quốc gia có biên giới tại Bắc Cực.

Các sự kiện gần đây trên thế giới cũng diễn biến theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Nga sẽ tiếp tục bị phương Tây cô lập do cuộc khủng hoảng Ukraine. Các công ty Nga, bị các đối tác phương Tây cô lập, sẽ phải quay sang Bắc Kinh để làm ăn và để được hỗ trợ ở Bắc Cực.

Trung Quốc chủ trương tiếp cận trữ lượng dầu mỏ chưa được khai thác trong khu vực, bởi hầu hết các mỏ dầu dọc theo TNSR nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Những xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục khi nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc gia tăng.

“Cuộc đua đến Bắc Cực đã được khởi động và phương Tây cần nhận ra tham vọng của Trung Quốc”, tờ The National Interest kết luận.

Lương Minh

(Infonet)

Không có nhận xét nào: