∇ Nghe Bài Này
|
Dịch bệnh Ebola đe dọa toàn cầu
Sau hai ngày họp kín, ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 8 tháng 8 ra tuyên bố dịch bệnh ebola đang hoành hành ở những nước tây Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu và kêu gọi thế giới trợ giúp những nước đang bị căn bệnh gây ảnh hưởng nặng nề ở Phi châu.
Tổng Giám đốc WHO, bác sĩ Margaret Chan tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng là một quan ngại của quốc tế vì sự nghiêm trọng và khác thường của dịch bệnh.
Dịch bệnh ebola bùng phát ở châu Phi trong năm nay được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử của dịch bệnh này kể từ khi loại virut này được phát hiện vào năm 1976. Theo WHO, trong các tháng qua, dịch bệnh đã khiến hơn 1,700 người mắc bệnh và khiến ít nhất 932 người tử vong. Các quốc gia bị đặt trong tình trạng khẩn cấp bao gồm Liberia, Guinea, và Sierra Leon. Tuy nhiên tại Nigeria, các giới chức y tế cũng đã phát hiện người chết vì ebola. Giới chức y tế Arap Saudi hồi đầu tuần này cũng tuyên bố một trường hợp tử vong vì ebola. Người này bay về Arap Saudi từ Sierra Leon.
Hôm 31 tháng 7, trong cuộc họp báo về Ebola của Cơ quan Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bác sĩ Tom Frieden, Giám đốc CDC nói đây là một dịch bệnh nguy hiểm và phức tạp nhất trong khu vực.
Ebola là bệnh vô cùng đáng sợ. Nó là một loại virut chết người. Dịch bệnh hiện tại rất tệ. Đây là dịch bệnh lớn nhất, phức tạp nhất… Căn bệnh chết người đã làm quá nhiều người thiệt mạng. Dịch bệnh bùng phát qua nhiều vùng địa lý ở cả ba nước có chung đường biên giớiBS. Tom Frieden
Ebola là bệnh vô cùng đáng sợ. Nó là một loại virut chết người. Dịch bệnh hiện tại rất tệ. Đây là dịch bệnh lớn nhất, phức tạp nhất… Căn bệnh chết người đã làm quá nhiều người thiệt mạng. Dịch bệnh bùng phát qua nhiều vùng địa lý ở cả ba nước có chung đường biên giới. Đường biên giới chung đó dường như đang là tâm điểm của dịch bệnh.
Dịch bệnh lan nhanh tại Phi châu do nhiều khó khăn và thách thức mà những nước này chưa từng phải đối mặt trước đó, bao gồm sự thiếu thốn về cơ sở, trang thiết bị y tế, kiến thức và sự sẵn sàng của người dân trong việc ngăn chặn bệnh dịch. Bác sĩ Tom Frieden nói tiếp:
Có hai thách thức chính mà các nước này đang phải đối mặt trong việc kiểm soát ebola. Thứ nhất là nhiều hệ thống y tế ở những nước này không hoạt động tốt. Chúng không thể vươn tới các vùng thôn quê. Các nhân viên y tế có thể không thường xuyên có mặt ở các cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe và các cơ sở này cũng thiếu khả năng. Thứ hai là ở một số nơi, theo thông tin trên báo chí, người dân thiếu hiểu biết, có thù hăn và thậm chí bạo lực chống lại những nhóm đang cố gắng giúp họ chống lại dịch bệnh.
Theo hãng tin Reuters, ở Sierra Leon, nơi đã có hơn 500 người chết vì dịch bệnh, người dân coi việc bị đưa vào bệnh viện vì dịch bệnh là có án tử hình. Tại một số vùng ở Guine, người dân dựng rào ngăn cản các nhân viên y tế vào làng. Ở Liberia, có vùng người dân dùng dao, gây gộc xua đuổi những bác sĩ vào làng để cách ly người bệnh.
Những khó khăn này cũng được WHO nhìn nhận là một thách thức lớn. Ông Tarik Jarasevic, phát ngôn viên của WHO cho biết:
Điều mà chúng tôi đang thấy bây giờ là chúng tôi không biết những người nhiễm bệnh ở đâu. Cho đến khi chúng tôi biết được thông tin đó, thì chúng tôi mới biết được đâu là những người đã bị tiếp xúc với bệnh, hoặc có liên quan. Chúng tôi cần phải tiếp tục tìm cách có được tất cả các thông tin và những gì cần thiết liên quan để có thể kiểm soát dịch bệnh.
Trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, một số nước châu Phi đã phải sử dụng quân đội để chặn đường hạn chế luồng người đi vào các thành phố lớn hoặc để canh gác các bệnh viện nơi có bệnh nhân ebola đang điều trị, đảm bảo cách ly.
Chúng ta vẫn chưa có phương pháp chữa trị hay vaccine hiệu quả với bệnh Ebola. Vẫn chưa có một phương thức chữa trị nào được chứng minh, không có một vaccine nào được chứng minh. Khó có khả năng chúng ta sẽ có được vaccine hay điều trị như vậy trong vòng một năm tớiBS. Tom Frieden
WHO mới đây cũng kêu gọi các nước có các biện pháp đề phòng tại sân bay để phát hiện kịp thời những ca nhiễm bệnh. Mặc dù WHO không kêu gọi các hãng hàng không ngừng các chuyến bay tới những nước Phi châu đang bị dịch bệnh, một số hãng hàng không như Emirate và British Airways đã ngưng các chuyến bay đến những nước trong vòng nguy hiểm. Một số hãng máy bay khác hạn chế số chuyến bay đến vùng dịch.
Tại sao ebola nguy hiểm?
Ebola lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1976 khi dịch bệnh bùng phát ở hai nước châu Phi là Sudan và Congo. Dịch bệnh bùng phát ở Congo ngay gần con sông có tên là Ebola và đó cũng là tên được đặt cho bệnh.
Bệnh Ebola gây ra bởi virut Ebola. Nó được lây sang người qua tiếp xúc với máu, bộ phận nội tạng và chất dịch từ những con vật bị nhiễm bệnh. Theo WHO, người ta đã ghi nhận những ca nhiễm bệnh ở châu Phi là từ tiếp xúc với con vật bị virut ebola như chimpanzee, gorilla, dơi, khỉ, nhím, linh dương. Sau đó virut này lây lan trong cộng đồng cũng do tiếp xúc với máu và dịch từ người bị bệnh. Tại nhiều nước châu Phi, tập tục làm lễ tang cho người chết thường bao gồm việc rửa xác người chết càng làm virut có cơ hội dễ dàng lây lan sang những người khác trong cộng đồng do tiếp xúc với xác người chết.
Các dấu hiệu bệnh bao gồm sốt cao, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo sau các triệu chứng ban đầu là nôn mửa, tiêu chảy, mẩn ngữa và sau đó là chảy máu nội tạng và bên ngoài, các chức năng của các nội tạng bên trong cơ thể như gan thận bị hủy hoại. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Theo WHO, có khoảng 60% người nhiễm bệnh trong đợt dịch bệnh năm nay tử vong.
Hiện thế giới vẫn chưa có một phương thuốc chữa trị nào được chứng minh là hoàn toàn hiệu quả với căn bệnh, và cũng chưa có vaccine nào sẵn có để giúp phòng bệnh. Bác sĩ Tom Frieden cho biết:
Chúng ta vẫn chưa có phương pháp chữa trị hay vaccine hiệu quả với bệnh Ebola. Vẫn chưa có một phương thức chữa trị nào được chứng minh, không có một vaccine nào được chứng minh. Khó có khả năng chúng ta sẽ có được vaccine hay điều trị như vậy trong vòng một năm tới.
Việc điều trị với người bệnh bi Ebola hiện tại vẫn chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Theo WHO, những người khỏi bệnh thường là những người có hệ miễn dịch tốt.
Đây là một tình huống phức tạp và khó khăn với những nước đang phải chịu dịch bệnh ebola với tỷ lệ tử vong cao. Chúng tôi hiểu là chỉ có rất ít liều thuốc thử nghiệm có sẵn. Và điều này chắc chắn đặt ra câu hỏi về độ an toàn và tính công bằng, ai là người được nhận điều trị?Tarik Jarasevic
Cũng theo WHO, Những người đã hết các triệu chứng bệnh và có kết quả thử máu xác nhận không còn bệnh được khuyến cáo không nên có quan hệ tình dục trong vài tuần vì đã có nghiên cứu cho thấy virut vẫn còn tồn tại trong tinh dịch người từng mắc bệnh vài tuần sau đó. Những người đã từng mắc bệnh ebola và khỏi bệnh sẽ được miễn nhiễm với bệnh.
Thuốc ZMapp và vaccine
Gần đây, thế giới chú ý đến hai bệnh nhân người Mỹ bị nhiễm Ebola khi phục vụ ở châu Phi. Đây là hai bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được sử dụng một loại thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm trên động vật có tên gọi ZMapp của hãng dược Mapp Biopharmaceutical ở San Diego, Mỹ. Theo hãng tin CNN, cả hai bệnh nhân người Mỹ đã được truyền loại thuốc thử nghiệm vào máu khi tình trạng sức khỏe của họ đã trở nên nguy kịch ngay khi họ còn ở Liberia. Chỉ khoảng 1 giờ sau khi được truyền thuốc, tình trạng sức khỏe bệnh nhân thứ nhất là bác sĩ Kent Brantly đã có dấu hiệu tiến triển. Ông có thể thở lại bình thường và các vết mẩn đỏ trên da mờ dần. Ông thậm chí có thể đáp chuyến bay riêng từ Liberia về Mỹ và tự đi bộ vào bệnh viện Emory ở Atlanta. Bệnh nhân thứ hai là nữ y tá Nancy Writebol cũng được truyền thuốc sau đó và tình trạng sức khỏe của bà đã ổn định lại để có thể đáp chuyến bay riêng về Mỹ để điều trị. Những thông tin mới nhất từ giới chức y tế Mỹ cho thấy sức khỏe của hai người đang có dấu hiệu hồi phục. Bác sĩ Sunjay Gupta của hãng tin CNN nói rằng dường như loại thuốc thử nghiệm mới đã cho thấy kết quả khả quan.
Tuy nhiên cho đến giờ ZMapp vẫn chưa được Cơ quan an toàn dược phẩm Mỹ chấp nhận được sử dụng rộng rãi vì vẫn chưa đi hết giai đoạn thử nghiệm cần thiết. Nhưng ngay cả nếu thuốc này đã được chứng minh và đưa vào sử dụng lúc này thì thế giới cũng không có đủ thuốc dự trữ. Tờ New York Times mới đây trích lời bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Hoa Kỳ cho biết hiện không có dự trữ đối với loại thuốc thử nghiệm ZMapp. Ông nói thuốc chỉ có thể có sẵn một lượng khiêm tốn trong vài tháng tới và vào lúc đó thì có lẽ bệnh dịch đã qua. Theo CDC thì hai nước Liberia và Nigeria đã yêu cầu được có loại thuốc này.
Tuy nhiên cũng từ đây, các chuyên gia trên thế giới bắt đầu đặt ra một loạt câu hỏi liên quan đến loại thuốc mới này. Ông Tarik Jarasevic, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới nói:
Lý tưởng nhất là tất cả mọi loại vaccine hay điều trị đều cần phải đi qua các kiểm tra về độ an toàn, các thử nghiệm lâm sàng và được các giới chức y tế chấp nhận. Chúng tôi đang đang xem xét những gì sẵn có bởi vì đây là một tình huống phức tạp và khó khăn với những nước đang phải chịu dịch bệnh ebola với tỷ lệ tử vong cao. Chúng tôi hiểu là chỉ có rất ít liều thuốc thử nghiệm có sẵn. Và điều này chắc chắn đặt ra câu hỏi về độ an toàn và tính công bằng, ai là người được nhận điều trị? Đó là lý do vì sao mà Tổ chức Y tế thế giới sẽ có một cuộc họp vào tuần tới để trả lời những câu hỏi này.
Hồi đầu tháng này, Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Hoa Kỳ cho biết, vaccine do viện này nghiên cứu để chống lại virut Ebola sẽ bước vào gia đoạn thử nghiệm lầm sàng giai đoạn 1 vào sớm nhất là vào khoảng mùa thu năm nay, tùy thuộc vào sự chấp thuận của Cơ quan an toàn thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ. Trong khi đó, một số các hãng dược khác cũng đã cho thử nghiệm những vaccine nghiên cứu chống ebola trên động vật.
Cho đến lúc này, vì vẫn chưa có một phương thuốc điều trị nào được chứng minh hiệu quả hoàn toàn, WHO khuyến cáo mọi người nên cẩn thận khi đi đến các vùng dịch, theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu bệnh khi đến các vùng này để thông báo kịp thời với giới chức y tế để được theo dõi, điều trị và cách ly.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharf
a
a
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét