Pages

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

ĐÀI LOAN VÀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Trong lúc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn trên Biển Đông thì Đài Loan cũng có nhiều động thái để khẳng định Đài Loan là một bên không thể thiếu được trong tranh chấp ở Biển Đông. Quan điểm của Đài Loan trên vấn đề Biển Đông gần như quan điểm của Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây Đài Loan đã bộc lộ một số điểm khác so với quan điểm của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Trước sức ép của Mỹ và cộng đồng quốc tế đòi Đài Loan phải làm rõ yêu sách về “đường 9 đoạn” và sức ép của Trung Quốc đòi giữ nguyên yêu sách này, tháng 9/2014 tại Lễ khai mạc một cuộc triển lãm về Biển Đông, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã có phát biểu theo hướng tạo ra sự “mù mờ” về yêu sách “đường 9 đoạn” để ai hiểu thế nào cũng được, để vừa không làm mất lòng Mỹ, vừa không để Trung Quốc “buộc tội” là từ bỏ yêu sách “đường 9 đoạn”. Qua nội dung phát biểu của ông Mã Anh Cửu, có thể hiểu là Đài Loan từ bỏ yêu sách về lịch sử đối với “đường 9 đoạn” mà chỉ áp dụng nguyên tắc “đất thống trị biển” phù hợp với luật biển hiện đại.

Trong phát biểu của mình, ông Mã Anh Cửu nhấn mạnh rằng bản đồ vẽ “đường 9 đoạn” là yêu sách của Trung Hoa Dân quốc đối với các đảo nằm bên trong đường này và vùng biển xung quanh các đảo này chỉ có lãnh hải theo luật pháp quốc tế đương thời, nghĩa là chỉ có lãnh hải 3 hải lý. Theo thời gian, luật biển quốc tế được hoàn thiện dần và với sự ra đời của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 thì các đảo bên trong “đường 9 đoạn” cũng chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý.
Luật biển quốc tế hiện đại cũng không thừa nhận về cái gọi là “quyền lịch sử” của một quốc gia đối với một vùng biển rộng lớn như yêu sách “đường 9 đoạn” nằm cách xa bờ biển Trung Quốc đến hàng ngàn hải lý.
Việc Quốc dân Đảng thất bại trong cuộc bầu cử địa phương của Đài Loan tháng 9/2014 sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan năm 2016. Trong trường hợp Dân tiến Đảng thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2016, xu hướng độc lập ở Đài Loan sẽ tăng lên. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Đài Loan trên vấn đề Biển Đông. Tháng 9/2014, nguyên Phó Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Đài Loan, nguyên quan chức cao cấp của Dân tiến Đảng Parris Chang đã từng phát biểu rằng nếu thắng cử trong cuộc bầu cử năm 2016, Dân tiến Đảng sẽ “xem xét nghiêm túc việc từ bỏ đường 9 đoạn”.
Phát biểu của ông Chang không phải là một sự ngẫu hứng mà nằm trong tính toán của Dân tiến Đảng trong việc thực hiện chính sách “độc lập” hơn so với Quốc dân Đảng. Để thúc đẩy xu hướng Đài Loan “độc lập”, Dân tiến Đảng cần sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa của Mỹ. Do vậy, trước sức ép của Mỹ, nhất là sau khi Mỹ công bố Báo cáo Ranh giới các vùng biển đưa ra các lập luận phản bác “đường 9 đoạn”, Dân tiến Đảng sẽ phải tỏ rõ quan điểm của mình về yêu sách “đường 9 đoạn”.
Mặc dù thời gian qua, Trung Quốc nhiều lần đề nghị Đài Loan hợp tác trên vấn đề Biển Đông nhưng chưa nhận được sự hưởng ứng của Chính quyền Đài Loan mà chỉ dừng lại ở sự hợp tác giữa các học giả, nhà nghiên cứu của một số trung tâm nghiên cứu 2 bờ eo biển Đài Loan. Ngược lại, Chính quyền Đài Loan luôn tìm cách nâng cao vị thế để khẳng định vai trò của mình như một bên không thể thiếu được trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Sau phát biểu của ông Mã Anh Cửu hồi tháng 9/2014, ở Đài Loan đang diễn ra tranh luận nội bộ sâu rộng về lập trường của Đài Loan trên vấn đề Biển Đông và hợp tác với Trung Quốc như thế nào trên vấn đề Biển Đông, thậm chí là việc điều chỉnh yêu sách “đường 9 đoạn” theo hướng phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Khác với Quốc dân Đảng, Dân tiến Đảng có định hướng muốn dân sự hóa hoạt động ở Biển Đông, hiện đang kêu gọi biến đảo Ba Bình thành một trung tâm tìm kiếm cứu nạn thay vì điểm chốt quân sự như hiện nay. Điều này trái ngược với những nỗ lực của Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp các cấu trúc ở Trường Sa để biến các cấu trúc này thành các căn cứ quân sự nhằm khống chế toàn bộ Biển Đông.
Dân tiến Đảng hay Quốc dân Đảng sẽ thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Đài Loan năm 2016 sẽ quyết định xu hướng chính trị “độc lập” hay “hợp tác” với Trung Quốc. Điều này sẽ tác động quyết định đến chính sách của Đài Loan trên vấn đề Biển Đông. Nếu Dân tiến Đảng thắng lợi trong bầu cử, Đài Loan sẽ đi theo hướng “độc lập”, khi đó Mỹ sẽ có vai trò quan trọng hơn trong việc tác động lên chính sách Biển Đông của Đài Loan theo hướng làm rõ yêu sách “đường 9 đoạn”.
BDN

Không có nhận xét nào: