Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Quy hoạch cán bộ và bầu cử trong Đảng tại VN


Dàn lãnh đạo Việt Nam sắp có thay đổi tại Đại hội Đảng năm 2016

Năm Ất Mùi là năm chính trị quan trọng, đánh dấu không khí chính trị cấp tập cho Đại hội Đảng các cấp với đỉnh điểm là Đại hội Đảng toàn quốc năm năm một lần theo thường lệ tại Việt Nam.
Sự chú ý dành cho Đại hội Đảng các cấp thường không phải vấn đề chính sách mà chủ yếu là vấn đề nhân sự. Đại hội Đảng là nơi diễn ra các cuộc bầu cử trong Đảng, quyết định các nhân vật lãnh đạo các cấp ở Việt Nam, nên được chú ý hơn nhiều so với bầu cử các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp (Quốc hội và Hội đồng nhân dân) dự kiến sẽ diễn ra không lâu sau Đại hội Đảng toàn quốc.



Các vị trí quyền lực trong Đảng được ở mọi cấp thường được lọc chọn qua hai cơ chế: quy hoạch cán bộ và bầu cử tại Đại hội. Từ lâu nhiều người cho rằng bầu cử chỉ là hình thức, thực chất các vị trí đã được quyết từ trước thông qua quy hoạch. Trong khi thiếu vắng cơ chế tranh cử và môi trường chính trị thiếu minh bạch, quy hoạch cán bộ mới là khâu quyết định. Hiểu như vậy không sai, nhưng chưa thấy hết được mối quan hệ phức tạp và đầy động năng giữa quy hoạch cán bộ và bầu cử, khiến các bất định và bất ngờ luôn xuất hiện trong việc nhân sự cuối cùng được lựa chọn. Chính vì thế có nhà quan sát đã cho rằng điều gì xảy ra tại chính Hội trường Đại hội mới mang tính quyết định, hàm ý cho rằng ẩn số rủi ro trong quy hoạch cán bộ vẫn rất lớn.
Để chuẩn bị cho Đại hội, theo truyền thống, Đảng đã tiến hành quy hoạch cán bộ, trong đó có khâu luân chuyển cán bộ được truyền thông chú ý đưa tin vào năm trước. Đầu năm 2014, 44 cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển về địa phương giữ các chức vụ Phó Bí thư tỉnh/thành ủy hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh/thành, sau đó trong cả năm nhiều đợt cán bộ khác từ trung ương được điều động rải rác về địa phương giữ các chức vụ đó.

Bầu cử trong Đảng Cộng sản liệu sẽ có gì thay đổi?

Ngay trước khi kết thúc năm Giáp Ngọ, Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã công bố có 22 cán bộ được quy hoạch vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và 290 cán bộ cho Ban Chấp hành Trung ương trong các khóa sắp tới. Thêm vào đó, Quy chế Bầu cử trong Đảng được ban hành theo Quyết định 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương đã quy định những hạn chế chặt chẽ với quyền được đề cử, ứng cử tại Đại hội và Hội nghị của Đảng (Điều 13).
Có nhà quan sát cho rằng Quy chế này hạn chế rất nhiều hoạt động của bản thân Đại hội, cản trở tinh thần mở rộng dân chủ trong Đảng. Nếu quy chế này được thực hiện nghiêm túc tại Đại hội các cấp trong năm Ất Mùi này, sẽ không thể có chuyện những vị như Bộ trưởng Y tế Phạm Song vẫn trúng cử Ban Chấp hành Trung ương ở Đại hội 7 hay Bộ trưởng Giao thông Bùi Danh Lưu tại Đại hội 8, những cán bộ được đánh giá là “hoạt động có kết quả” nhưng đã không được Ban Chấp hành Trung ương lúc đó quy hoạch và tiến cử. Những diễn biến này khiến nhiều người càng khẳng định cơ chế quy hoạch cán bộ sẽ mang tính quyết định, sẽ được Đảng quyết tâm thực hiện bài bản và chuẩn hóa để tránh những bất ngờ phút chót tại hội trường Đại hội.
Tuy nhiên, có lẽ còn quá sớm để khẳng định rằng cơ chế tranh cử đã bị loại bỏ hoàn toàn trước cơ chế quy hoạch cán bộ. Lịch sử các kỳ Đại hội Đảng cho thấy nhiều cán bộ không nằm trong diện được quy hoạch vẫn trúng cử và nhiều vị trong diện quy hoạch vẫn thất cử.


Quy hoạch là để chuẩn bị nguồn tiến cử và được đem đi đào tạo thông qua biện pháp luân chuyển, điều động nhưng nếu thiếu cọ sát qua tranh cử giữa các ứng cử viên tương đương nhau thì vẫn khó chọn được người thực tài. Các điều kiện cho tranh cử vẫn luôn tồn tại và càng xuất hiện chín muồi hơn sau những đổi mới gần đây của Đảng. Trải qua tám kỳ Đại hội Đảng kể từ khi lãnh thổ đất nước tái thống nhất đến nay, trung bình cứ một nửa số ủy viên trung ương Đảng lại bị thay thế sau mỗi Đại hội. [1]
Nếu Đại hội 12 vẫn tiếp tục truyền thống này, gần một nửa số 175 ủy viên trung ương chính thức hiện nay sẽ phải ra đi vào cuối năm Ất Mùi. Hơn nữa, kể từ Đại hội 9 (2001) đến nay đã có quy định về số dư giữa số ứng viên và số ghế trong trung ương, trước đó gần như không có số dư. Số dư đạt gần 30% ở Đại hội 10 và 25% ở Đại hội 11.
Trên thực tế, muốn tăng cường dân chủ trong Đảng thì cần phải tăng cường minh bạch trong bố trí nhân sự, mà cơ chế quan trọng nhất để thực hiện điều đó vẫn là tranh cử, vốn lâu nay vẫn bị né tránh. Câu chuyện về tính ưu việt của cơ chế quy hoạch cán bộ hay cơ chế tranh cử chưa thể ngã ngũ ở đây mà nhiều khả năng vẫn tiếp tục xuất hiện trong các tranh luận tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học chính trị tại Đại học Queensland, Úc.
[1]Số liệu theo tính toán của tác giả.

Không có nhận xét nào: