Pages

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Nga-NATO "giương oai diễu võ" sát nách nhau

(VnMedia) Hôm 24/2, quốc gia thành viên của NATO - Estonia đã tiến hành một cuộc diễu hành quân sự ở thị trấn biên giới Narva, cách biên giới Nga chỉ 300 mét. Trong khi đó, Nga cũng tổ chức tập trận rầm rộ ngay sát nách Estonia và Latvia. 
Cuộc diễu binh quân sự được tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh của Estonia. Tư lệnh quân đội Estonia – Thiếu Tướng Riho Terras dẫn đầu và trực tiếp chỉ huy đoàn diễu binh.

Cuộc diễu hành có sự tham gia của nhiều vũ khí và phương tiện hiện đại của các quốc gia NATO, trong đó có các xe bọc thép Mỹ.

Cuộc diễu binh có sự tham gia của hơn 140 loại vũ khí quân sự hiện đại của các nước NATO, trong đó có 4 xe bọc thép chiến đấu M1126 Stryker của Mỹ treo lá cờ sọc với các ngôi sao. 


Một quốc gia thành viên NATO khác là Hà Lan cũng góp mặt trong cuộc diễu hành với 4 xe chiến đấu Stridsfordon 90 do Thụy Điển chế tạo.

Về phần mình, Estonia cũng “trình làng” các loại pháo bức kích, vũ khí chống tăng và vũ khí chống máy bay, xe bọc thép và các vũ khí quân sự khác, cùng hơn 1.400 binh sĩ tuần hành trên các đường phố Narva.

Nga cho rằng, cuộc diễu binh là một bằng chứng rõ ràng cho thấy việc NATO đã và đang mở rộng về phía biên giới Nga và gây tổn hại tới quốc gia của họ. Trong khi đó, Estonia cũng ra sức bảo vệ quyền được tổ chức các cuộc diễu binh, tập trận trên lãnh thổ của họ.

Chính phủ nước này được coi là một trong số những quốc gia có cùng quan điểm với Mỹ trong việc cáo buộc Nga có chính sách hiếu chiến với các quốc gia Baltic và hỗ trợ vũ khí cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã một mực bác bỏ những cáo buộc trên.

Động thái này được diễn ra trong thời điểm NATO và Nga đang có những sự đối đầu nghiêm trọng. Liên minh quân sự lớn nhất thế giới này cho biết trong năm 2015, họ sẽ tổ chức những binh đoàn siêu cơ động để đối phó với những đe dọa về an ninh, quân sự từ phía Moscow.

Trước đó, hồi tuần trước, Tướng Adrian Bradshaw, Phó tư lệnh Bộ chỉ huy tối cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từng cảnh báo Nga có thể chiếm giữ lãnh thổ của các nước thành viên thuộc tổ chức này sau khi hỗ trợ lực lượng ly khai miền đông Ukraine.

Trong một diễn biến khác, hôm qua (25/2), Nga cũng tổ chức một cuộc tập trận ngay gần biên giới với Estonia và Latvia, hai quốc gia nằm ở phía rìa đông Âu với sự tham gia của hơn 2000 binh lính.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga - bà Irina Kruglova cho biết, cuộc tập trận diễn ra tại khu vực Pskov, miền tây nước Nga, giáp biên giới với Estonia và Latvia.

Ngoài lực lượng hùng hậu gồm 2000 binh lính, cuộc tập trận còn có sự góp mặt của khoảng 500 thiết bị quân sự.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc tập trận sẽ kéo dài đến ngày 28/2. Tham gia cuộc tập trận, các binh lính sẽ thực hành việc chiếm giữ và phá hủy một sân bay mô hình của kẻ thù, trong đó có cả màn nhảy dù tập thể của 1500 binh lính. Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra, Nga thực hiện một loạt các cuộc tập trận cảnh báo các nước láng giềng thuộc châu Âu và phương Tây.

Phản ứng trước cuộc tập trận trên, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Latvia - ông Normunds Stafeckis cho hay, các cuộc tập trận của Nga "là điều chẳng dễ chịu gì", khi các thiết bị trên không và trực thăng hoạt động gần biên giới của Latvia.

NATO "đau đầu" đối phó với Nga 
Kể từ khi xung đột miền đông Ukraine bùng nổ vào tháng 4/2014 đến nay, Nga đã tiến hành hàng loạt cuộc tập trận quân sự khiến các quốc gia láng giềng, NATO và phương Tây vô cùng lo ngại và luôn phải đề cao cảnh giác và tìm cách đối phó.

Đề "răn đe" Nga, NATO và phương Tây thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận để nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu để phòng thủ trước mọi mối đe dọa "bất thình lình" từ phía Nga.

Bên cạnh đó, hồi đầu tháng 2, Bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thống nhất sẽ tăng gấp đôi quân số của Lực lượng Phản ứng, đồng thời thiết lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 5.000 binh sĩ để đối phó với thách thức từ Nga. Theo đó, Lực lượng Phản ứng của NATO sẽ tăng từ 13.000 lên 30.000 binh sĩ và lực lượng phản ứng nhanh mới sẽ được điều động trong vòng 48 giờ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cùng người đồng cấp từ 27 quốc gia thành viên NATO còn ra lệnh thiết lập các trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở thủ đô của Latvia, Estonia, Litva, Ba Lan, Romania và Bulgaria. Trong trường hợp khẩn cấp, các trung tâm sẽ giúp tăng tốc độ tiếp cận của lực lượng phản ứng nhanh và sau đó là quân tiếp viện NATO.

Cùng với đó, NATO còn thiết lập một trụ sở mới ở miền tây Ba Lan nhằm giúp bảo vệ những quốc gia thành viên của liên minh tại đông bắc châu Âu. Romania tự nguyện là nơi đặt một trụ sở tương tự dành cho các nước đông nam châu Âu.

Không chỉ có vậy, 6 quốc gia thành viên lớn nhất của NATO ở châu Âu, gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Ba Lan và Tây Ban Nha, tự nguyện lần lượt cung cấp nhân lực cho lực lượng phản ứng nhanh. Lực lượng này là một đơn vị trên bộ có quy mô lữ đoàn, với sự hỗ trợ của không quân và hải quân, có thể điều động trong vòng một tuần.

Gần đây nhất, ngày 24/2, Lithuania tuyên bố nước này sẽ tái áp dụng chế độ nhập ngũ bắt buộc vào cuối năm 2015 để đề phòng trước các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga./Đan Khanh (tổng hợp)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

ĐÓI,THAM NHŨNG VÀ ĐỐC TÀI HẢ PUTIN .CÁC NƯỚC THUỘC LIÊN XÔ TRƯỚC ĐÂY KG BÊNH MÀY MÀ CÒN XÚM NHAU ĐỀ PHÒNG MÀY THÌ CHỈ CÓ CHẾT THÔI PUTIN ƠI .RỒI SẼ LOẠN TỪ TRONG NHÀ LOẠN RA CHO MÀ COI. THÔI BÓP DÁI CHẾT ĐI PUTIN ƠI CHO THẾ GIỚI HÒA BÌNH NGHE CU ĐẦU ÓC MÀY CÓ VẤN ĐỀ RỒI