Tân Hoa Xã ngày 23/02/2015, thông báo Trung Quốc vừa kết thúc cuộc điều tra kéo dài từ hai năm nay về trữ lượng hải sản tại các khu vực giữa và phía nam Biển Đông. Theo các nhà quan sát, dự báo về tiềm năng hải sản này có thể kích thích tham vọng của hàng triệu ngư dân Trung Quốc.
Một lãnh đạo Viện nghiên cứu hải sản biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) của Trung Quốc cho biết, tại vùng biển thuộc quần đảo Spartly Islands, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa), tổng tiềm năng hải sản là « 1,8 triệu tấn, trong đó khoảng một nửa là có thể khai thác được ». Kết quả cuộc điều tra này cũng cho biết tại Trường Sa có hơn 20 loài hải sản thuộc loại hiếm và có giá trị kinh tế cao.
Trữ lượng hải sản ở vùng nước sát mặt biển tại khu vực xung quanh quần đảo Paracel Islands, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa) và quần đảo Trung Sa lần lượt là 73 triệu và 172 triệu tấn.
Điều tra nói trên được tiến hành từ năm 2013, với tám cuộc thăm dò do một tàu thám sát hải dương chuyên dụng của Trung Quốc thực hiện.
Theo số liệu của một chuyên gia Nhật Bản về Châu Á, Koichi Sato, Biển Đông mang lại cho các nước trong vùng hơn 11 triệu tấn hải sản năm 2001. Trong đó, Trung Quốc khai thác được 3,4 triệu tấn, Indonesia 2,9 triệu, Thái Lan 1,9 triệu, Việt Nam 1,5 triệu …
Đòi chủ quyền Trung Quốc tại một phần lớn Biển Đông bị các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia thường xuyên phản đối. Theo nhiều nhà quan sát, việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm tại một khu vực rộng lớn ở vùng giữa và vùng phía nam Biển Đông, lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia láng giềng, là nguồn gốc của căng thẳng thường trực tại khu vực. Báo chí Việt Nam thường xuyên đưa tin tàu thuyền của ngư dân bị Trung Quốc tấn công, bắt bớ, tước đoạt hải sản và phương tiện, hay phá hỏng, trong khi họ làm việc tại các ngư trường truyền thống trên Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét