Đổi mới thể chế là một thách thức lớn, cần phải vượt qua chính mình, cần sự hi sinh quyền lợi bản thân và gia đình. Đổi mới còn cần phải có trí tuệ và hơn cả, đổi mới cần có quyết tâm chính trị và lòng khát khao với dân tộc, đất nước.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
"Việc đổi mới mạnh mẽ hơn nữa thể chế kinh tế của Việt Nam là cần thiết. Điều này không cần dùng nhiều tiền bạc, không cần bao nhiêu tỷ đô la mà cần sự đổi mới ở mỗi cán bộ, vị trí công tác, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao". Đó là lời của Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh trên báo điện tử VietNam Net trong những ngày đầu năm mới.
Bộ trưởng Vinh đã nói chính xác một vấn đề mà không phải ai và lúc nào cũng được nhìn nhận đúng: Tài nguyên lớn nhất đó là trí tuệ, là bản lĩnh chứ không phải chỉ là mấy cái mỏ dầu, mỏ sắt, mỏ vàng, mỏ bạc hay mỏ kim cương.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không cần có tài nguyên, cũng không có nghĩa là chúng ta không cần “rừng vàng, biển bạc” hay vị trí địa lý với đồng rộng sông dài…
Song tất cả các tài nguyên đó dù trữ lượng có lớn đến đâu, địa lý dù có thuận lợi đến đâu nhưng nếu như không biết gìn giữ, biết khai thác, biết phát huy thì tài nguyên sẽ mau hết, vị trí thuận lợi cũng chỉ là một miền đất hoang hóa, đói nghèo.
Duy chỉ có một thứ duy nhất càng khai thác thì càng dồi dào, càng phong phú và bất tận. Đó là tài năng, trí tuệ.
Có lẽ cũng không cần nhắc lại Singapore vốn là một làng chài, Israel là một vùng sa mạc khô cằn hay Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ là những miền đất hầu như không có tài nguyên khoáng sản, thậm chí thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt.
Thế nhưng bằng tài năng, ý chí và tinh thần dân tộc, họ đã trở thành những cường quốc kinh tế thế giới.
Sự thành công rực rỡ chỉ bởi một yếu tố duy nhất, đó là “con người”. Thậm chí, chỉ một người đứng đầu như Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng có thể làm nên một quốc gia cường thịnh vào bậc nhất Đông Nam Á.
Tại Việt Nam ta hiện nay, nói như Bộ trưởng Vinh: "Chúng ta không dám đổi mới, chúng ta giữ yên ổn để xem thế nào thì chúng ta dễ đánh mất thời cơ, đối mặt với thách thức... Có thể làm được ngay và không bị vướng mắc nhiều lắm đó là tiếp tục xem xét, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa thể chế kinh tế của Việt Nam.
Điều này không cần dùng nhiều tiền bạc, không cần bao nhiêu tỷ đô la mà cần sự đổi mới ở mỗi cán bộ, ví trí công tác, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao… Đổi mới thể chế không phải chỉ nói đơn giản mà nó đụng đến công việc, cách làm quen thuộc trước đây, thậm chí tước bỏ đi những quyền lợi, lợi ích mà ở mỗi vị trí có thể có”.
Từ những tâm sự của Bộ trưởng Vinh, mình tự đặt câu hỏi rằng chả lẽ Việt Nam thiếu người tài. Không! Chúng ta không bao giờ tự nhận là dân tộc thông minh nhất thế giới và cũng không bao giờ tự ti nói điều ngược lại.
Vậy chúng ta thiếu điều gì?
Xin trích một câu nói cũng của Bộ trưởng Vinh trong bài “Quên đi cái thời vào Nhà nước mới vẻ vang” ngày 21/2 trên Vietnam Net: “Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. Nếu thể chế trì trệ, chúng ta phải hứng chịu chính những điều chúng ta đặt ra. Nên để đổi mới cũng phải vượt qua chính mình. Chỉ có những người có bản lĩnh nhìn nhận được yếu tố đang cản trở, có quyết tâm chính trị và lòng khát khao với dân tộc, đất nước thì mới vượt qua được. Còn nếu vẫn nghĩ đến bản thân, gia đình nhiều hơn, thì tôi nghĩ rất khó làm. Đây chính là một thách thức”.
Vâng, đổi mới thể chế là một thách thức lớn, cần phải vượt qua chính mình, cần sự hi sinh quyền lợi bản thân và gia đình. Đổi mới còn cần phải có trí tuệ và hơn cả, đổi mới cần có quyết tâm chính trị và lòng khát khao với dân tộc, đất nước.
Nếu như có tài năng mà thiếu “lòng khát khao với dân tộc, đất nước” thì tài năng đó chỉ để “nghĩ đến bản thân, gia đình” và khi đó, nhiều khi lại là mối nguy hại cho đất nước, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám
(Dân Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét