HÀ NỘI (NV) - Từ 26 tháng 2, các kiểm ngư viên của Việt Nam sẽ được trang bị thêm nhiều phương tiện cá nhân vốn chỉ dành cho lực lượng cảnh sát cơ động và quân nhân.
Một trong hai con tàu trị giá 50 triệu Mỹ kim/tàu được cấp cho lực lượng kiểm ngư hồi tháng 8 năm ngoái. (Hình: Giao Thông)
Kiểm ngư là lực lượng dân sự do Cục Kiểm Ngư của Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn chỉ huy. Mới đây, Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn và Bộ Công An Việt Nam đã ký kết một thông tư lien tịch nhằm tăng trang bị cá nhân cho kiểm ngư viên.
Theo đó, kiểm ngư viên sẽ được trang bị thêm mũ chống đạn, áo giáp, khiên, còng, các loại dùi cui (cao su, kim loại, điện), các loại lựu đạn (khói, cay), các loại súng bắn đạn cao su, đạn hơi cay. Chưa kể lực lượng kiểm ngư được trang bị thêm thiết bị lặn, thiết bị dò chất nổ, đèn pha công suất lớn, vòi rồng.
Việc tăng trang bị cá nhân cho lực lượng kiểm ngư diễn ra ngay sau khi một số cơ quan nghiên cứu hải dương của Trung Quốc công bố kết quả thăm dò về trữ lượng cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa nằm trong khoảng từ 73 đến 173 triệu tấn. Còn tại khu vực quần đảo Trường Sa, con số này khoảng 1,8 triệu tấn mà 500,000 tấn trong số đó có thể khai thác ngay. Chưa kể tại khu vực quần đảo Trường Sa có khoảng 20 loại cá quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.
Tháng 9 năm ngoái, Việt Nam đã biến kiểm ngư thành lực lượng có vũ trang. Ngoài các loại vũ khí trang bị cho cá nhân (súng ngắn, tiểu liên), các tàu kiểm ngư còn có trung liên, đại liên.
Trước đó, lực lượng kiểm ngư của Việt Nam chỉ “tuyên truyền, bảo vệ pháp luật trên biển.”
Trong cuộc đối đầu giữa lực lương thi hành công vụ của Việt Nam với cảnh sát biển và kiểm ngư Trung Quốc, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7, các tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam thường xuyên bị các tàu của Trung Quốc rượt đuổi, đâm vào hông, vào mũi, tấn công bằng vòi rồng.
Theo một thống kê do lực lượng kiểm ngư của Việt Nam công bố hồi cuối tháng 6 năm ngoái, trước khi Trung Quốc rút giàn khoan 981 khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa khoảng nửa tháng thì chỉ trong hai tháng đối đầu, có tám tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam bị hư hại nặng: Vỡ kiếng, mất antenna - mất liên lạc, vỏ tàu bị móp, thủng. Ngoài ra còn có ba kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương ở các mức độ khác nhau vì vòi rồng.
Đó cũng là lý do chính quyền Việt Nam đầu tư thêm tàu cho lực lượng kiểm ngư. Trong hai tháng sáu và bảy năm ngoái, công ty đóng tàu Hạ Long của Việt Nam đã hạ thủy hai con tàu, mỗi tàu trị giá 50 triệu Mỹ kim và cả hai con tàu đã được chuyển cho lực lượng kiểm ngư.
Cả hai con tàu vừa kể được đóng theo thiết kế của tập đoàn đóng tàu Damen - Hà Lan. Mỗi tàu dài 90 mét, rộng 14 mét, cao 7 mét, có bãi đáp trực thăng, với 4 máy, công suất 12.000 mã lực, tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ, có thể hoạt động trong phạm vi 5,000 hải lý, có thể chịu được sóng từ cấp 9 đến cấp 12.
Theo báo chí Việt Nam, hai tàu, một mang số hiệu KN 781, một mang số hiệu KN 782 là những con tàu lớn nhất và hiện đại nhất của lực lượng kiểm ngư Việt Nam.
Mỗi tàu được trang bị hai súng bắn nước có tầm hoạt động lên đến 150 mét và hệ thống LRAD. LRAD là hệ thống âm thanh do tập đoàn LRAD ở Hoa Kỳ sản xuất, vừa có thể dùng để phát các thông báo, vừa có thể dùng để tấn công bằng âm thanh như một loại vũ khí phi sát thương.
Cũng hồi đầu tháng 7 năm ngoái, thủ tướng Việt Nam loan báo thêm là sẽ trích 11,500 tỷ trong số 16,000 tỷ, từng được loan báo là sẽ dùng hỗ trợ ngư dân, để đóng 32 tàu cho cảnh sát biển và kiểm ngư. Theo đó, khoản tiền dành cho ngư dân đổi tàu vỏ gỗ thành vỏ sắt chỉ còn 4,500 tỷ.
Việc điều chỉnh cách thức sử dụng 16,000 tỷ được cho rằng vẫn bảo đảm mục đích của gói hỗ trợ. Đó là nâng cao năng lực của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, vừa bảo vệ chủ quyền, vừa bảo vệ sự an toàn của ngư dân, hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.
Báo chí Việt Nam giải thích nỗ lực trang bị thêm tàu cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam và vũ trang cho lực lượng này nhằm “tăng cường khả năng cho lực lượng chấp pháp trên biển trước chính sách xâm lấn chủ quyền quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông.” (G.Đ)
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét