Hoàng Trường – Trong một nghiên cứu mới đây, Trung tâm Hành động Ngăn ngừa (CPA) có trụ sở tại Washington, một cơ quan nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã đánh giá Biển Đông là một trong 10 “điểm nóng” có nguy cơ xảy ra xung đột trong năm 2015. Theo nghiên cứu này, 9 “điểm nóng” khác cũng có nguy cơ xảy ra xung đột là Iraq, một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn nhằm vào Mỹ hoặc một nước đồng minh, Triều Tiên, các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran, cuộc nội chiến Syria, Afghanistan, Ukraine, các cuộc tấn công mạng và căng thẳng Israel-Palestine. CPA nhận định: “Một nguy cơ có thể xảy ra – cuộc đối đầu vũ trang tại Biển Đông – đã được nâng lên từ mức có nguy cơ thấp lên mức cao hơn trong năm nay”.
Trong suốt năm 2014, Trung Quốc – quốc gia đã không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy sẽ nhất trí về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (CoC) – đã nỗ lực tiếp tục thực hiện các hành động đơn phương, được biết đến với tên gọi chiến thuật “cắt lát salami” trên Biển Đông, và “dỗ dành” các nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng thương mại, đầu tư và các khoản cho vay.
Các hành động của Trung Quốc đã khiến các nước lo ngại hơn bao giờ hết. Giống như một liều thuốc độc, Biển Đông đã phá vỡ quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền.
Hiện nay, trở ngại chính của tranh chấp là sự khác biệt giữa cách tiếp cận theo chủ quyền lịch sử của TQ trong khi ASEAN dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Sự phát triển đáng kể nhất năm ngoái là sự chuyển dịch tranh chấp từ các phòng hội nghị của ASEAN và TQ tới Tòa án Trọng tài quốc tế Hague, do PLP khởi kiện. Đáp lại Bắc Kinh đã tuyên bố rằng các trọng tài không có thẩm quyền đối với tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Nhưng Manila đang tìm cách xác nhận các quyền khác trong EEZ của mình phù hợp với UNCLOS 1982 và VN cũng đã gửi lập trường của mình lên Hague liên quan tới hồ sơ của PLP.
Đường ranh giới chín đoạn hình chữ U được Bắc Kinh sử dụng để tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông (vốn rộng 3,5 triệu km2). Tuyên bố của Trung Quốc vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei.
Mặc dù không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, song Indonesia cũng cảm thấy bị đe dọa bởi tuyên bố “đường chín đoạn” gây tranh cãi của Trung Quốc, đặc biệt sau khi Bắc Kinh trình một tấm bản đồ có “đường chín đoạn” lên Liên hợp quốc (LHQ) năm 2009 và cho phát hành các quyển hộ chiến mới có in “đường chín đoạn” năm 2012, mà trong đó bao gồm một phần vùng biển Natuna thuộc tỉnh Riau của Indonesia.
Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định rõ ràng rằng những tuyên bố lãnh thổ của nước này dựa trên rất nhiều chứng cứ pháp lý và lịch sử. Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các hòn đảo trên Biển Đông và các vùng nước gần kề, và có “quyền chủ quyền và quyền tài phán” đối với các vùng nước có liên quan cũng như đối với đáy biển và tầng đất cái tại đó. Mặc dù vậy, Trung Quốc đã không thể đưa ra được những bằng chứng này và cung cấp tọa độ địa lý của những đường đứt đoạn theo yêu cầu của Indonesia và các quốc gia ASEAN khác. Trong một ấn bản gần đây, “Nhật báo Phố Wall” viết: “Nước này (Trung Quốc) thích tạo ra sự mơ hồ chiến lược kết hợp với giọng điệu đe dọa và sự ép buộc quân sự”.
Trong một cuốn sách mới với tựa đề “Biển Đông: cuộc đấu tranh quyền lực tại châu Á”, phóng viên Bill Hayton của kênh truyền hình BBC lập luận rằng nếu đồng tình với những chứng cứ lịch sử mà Trung Quốc đưa ra – vốn dựa trên các hoạt động đánh bắt cá, các cuộc viễn chinh của hải quân và các hoạt động thương mại trên biển trong quá khứ – thì phải xét tới một thực tế là những tàu thuyền thông dụng của nhiều dân tộc khác nhau cũng từng hoạt động tại vùng biển này. Trong đó có người Mã lai, Phi luật tân, Nhật Bản, Việt Nam…
Vấn đề chính gây tranh cãi hiện nay là Trung Quốc ngày càng tăng cường nhắc tới quyền lịch sử của nước này, trong khi đó, các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền lại viện dẫn Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).
Diễn biến quan trọng nhất trong năm 2014 là “chiến trường” đã chuyển từ các phòng họp của các nước ASEAN và Trung Quốc sang The Hague. Như một phần trong chiến lược “chiến tranh pháp lý”, Philippines đã nộp hồ sơ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague hồi tháng 2/2013. Trong một động thái hiếm có, ngày 7/12/2014, Bắc Kinh đã ra tuyên bố lập trường về tranh chấp trên Biển Đông, trong đó Trung Quốc khẳng định PCA không có quyền tài phán trong trường hợp này vì đây là một tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ.
Tuy nhiên, Philippines vẫn đang tìm cách xác nhận quyền đánh bắt cá và các quyền khác của nước này trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, tuân theo UNCLOS 1982. Việt Nam cũng tham gia vào cuộc tranh cãi này bằng cách đệ trình quan điểm của nước này lên PCA về vụ kiện do Manila khởi xướng.
Việc Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu khổng lồ tại vùng biển gần Quần đảo Hoàng Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), hồi đầu năm này là một hành động nguy hiểm và mang tính khiêu khích của Bắc Kinh. Sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và giới truyền thông, và các cuộc nổi loạn chống Trung Quốc tại Việt Nam, Trung Quốc đã đơn phương di chuyển dàn khoan này sớm hơn kế hoạch.
Trong bối cảnh “đám mây đen chiến tranh” đang bao phủ lên Biển Đông, có thể lựa chọn tốt nhất cho các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này là sử dụng biện pháp pháp lý, hành động này có khả năng làm giảm căng thẳng.
Trong số các quốc gia sáng lập ASEAN, Indonesia, Malaysia và Singapore có tránh nhiệm to lớn là đoàn kết ASEAN, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực và sớm hoàn tất CoC.
Theo dự kiến, năm 2015, ASEAN sẽ hội nhập hoàn toàn với tư cách một Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Theo lời Ikram Yaakob, Trưởng Ban thư ký Quốc gia ASEAN-Malaysia, “Malaysia có trách nhiệm to lớn trong việc đảm bảo thực thi những việc còn lại trong kế hoạch chi tiết hoàn tất lộ trình hình thành Cộng đồng ASEAN”. Thực tế cho thấy, để AEC trở thành hiện thực còn nhiều việc phải làm và với cương vị Chủ tịch ASEAN, Malaysia có trách nhiệm tiến hành và vấn đề nhạy cảm nhất liên quan tới an ninh trong khu vực là xử lý quan hệ ASEAN-Trung Quốc.
Mong muốn có được Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông của ASEAN lâu nay khó có thể đạt được trong năm nay hoặc trong tương lai gần. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn với bất cứ nước nào giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, đặc biệt đối với Malaysia vì bản thân nước này cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này. Dù không công khai, quyết đoán như Philippines và Việt Nam trong phản đối tuyên bố và hành động của Trung Quốc nhưng Malaysia cũng đã bày tỏ quan ngại của mình với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao.
Trong khi đó, Malaysia cũng đang củng cố quan hệ chính trị và quân sự với Mỹ, tham gia Sáng kiến An ninh do Mỹ đứng đầu mà Trung Quốc phản đối. Hơn nữa, Malaysia cũng cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ để tiếp liệu cho máy bay giám sát tàu ngầm Poseidon. Những máy bay này có khả năng phát hiện và theo dõi tàu ngầm của Trung Quốc trên Biển Đông – hành động mà Trung Quốc có thể xem là không thân thiện. Lập trường của Malaysia về việc Philippines kiện Trung Quốc được giới chức Mỹ hoan nghênh. Evan Medeiros – Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về vấn đề châu Á – cho rằng Malaysia đã “ủng hộ nguyên tắc của trọng tài quốc tế”. Rõ ràng là Mỹ cho rằng Malaysia ủng hộ quan điểm của Philippines với Trung Quốc và ủng hộ nỗ lực duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn Malaysia mang tính trung lập hơn.
Là Chủ tịch ASEAN, Malaysia nhiều khả năng “mắc kẹt” giữa sức ép ngoại giao từ phía Trung Quốc, Mỹ và các nước ASEAN. Kuala Lumpur cần phải tìm vị trí “bên thứ ba”, không quá nghiêng về Trung Quốc và những nước ủng hộ trong ASEAN hay quá nghiêng về phía Philippines và Việt Nam. Nếu lựa chọn giữ nguyên trạng thay vì đối đầu với Trung Quốc hay Mỹ, áp lực và căng thẳng trong ASEAN có thể dẫn đến tranh cãi và chia rẽ trong nội bộ khối. Điều đó sẽ làm suy yếu tính trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực.
Ban trọng tài tiếp nhận đơn kiện chống Trung Quốc của Philippines có thể sẽ ra phán quyết trong năm nay, ít nhất về việc họ có thẩm quyền tiếp nhận vụ việc hay không. Nếu họ quyết định tiếp nhận vụ việc, căng thẳng sẽ gia tăng khi Trung Quốc sẽ không chấp thuận tiến trình cũng như kết quả phân xử đó, nhiều khả năng gia tăng áp lực buộc Philippines và Việt Nam phải đàm phán trực tiếp. Nếu vậy, Malaysia, với tư cách Chủ tịch ASEAN và một bên tranh chấp, có thể rơi vào một tình thế rất khó khăn. Bất kể quyết định của ban trọng tài ra sao, Philippines và Việt Nam sẽ tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của ASEAN và các thành viên trước những thách thức của Trung Quốc, và Mỹ sẽ tiếp tục lặng lẽ ủng hộ hai nước này. Trong ASEAN, Campuchia, Lào và Myanmar có thể tiếp tục lảng tránh, còn Indonesia có thể bắt đầu thể hiện vai trò lãnh đạo trong ASEAN và tìm cách lấp khoảng trống giữa ASEAN và Trung Quốc. Làm thế nào Malaysia nhận thức và đối phó với thực tế này?
Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra những tình huống không thể lường trước như đụng độ quân sự Mỹ-Trung trên Biển Đông, thảm họa thiên nhiên hay tấn công khủng bố liên quan tới ASEAN, liệu Malaysia có thể hiện vai trò lãnh đạo hiệu quả ứng phó với các sự kiện này hay không? Dù gặp những khó khăn song Malaysia chắc chắn đã chuẩn bị cho cương vị Chủ tịch ASEAN đầy thử thách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét