Pages

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Lê Diễn Đức - Cuộc chống tham nhũng ra đi cùng cái chết

Thứ Sáu ngày 13 tháng 2 năm 2015, ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) lìa đời!

Sau một thời gian dài điều trị suy tủy ở Mỹ ông Thanh đã trở về Việt Nam và tiếp tục kéo dài sự chữa trị trong vô vọng.

Mặc dù ông Thanh không nằm trong nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhưng do xuất phát từ cá tính, bối cảnh của ông từ Đà Nằng ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, đã tạo nên dư luận mạnh mẽ trước bệnh tình và cái chết của ông.

Ông Thanh ra Hà Nội giữa lúc mà cuộc xung đột giữa Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, cùng Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ở vào đỉnh cao. Do những chủ trương sai lầm về quản lý kinh tế và nạn tham nhũng hoành hành, chức thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng có thể bị đe dọa trong Hội Nghị Trung Ương 6, tháng 10 năm 2012.

Báo chí nước ngoài cũng nhận định về tình trạng này. Tờ “Bangkok Post” ngày 15 tháng 10, 2012 viết:

“Dẫn đầu cuộc tấn công vào ông Dũng không ai khác là Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, người đã rọi ánh sáng vào những vụ bê bối xung quanh thủ tướng và chính phủ của ông. Nền kinh tế chậm chạp, lạm phát, tham nhũng và khủng hoảng ngân hàng trong những tuần gần đây đã được xem là tất cả các tiêu cực đối với ông Dũng.”

Những mặt yếu kém của Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò thủ tướng được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết tại Hội Nghị Trung Ương 6:

“Áp lực lạm phát và bất ổn vĩ mô vẫn còn lớn. Thị trường tiền tệ diễn biến phức tạp; nợ xấu ngân hàng ở mức cao; tăng trưởng tín dụng thấp; hoạt động của một số ngân hàng thương mại cổ phần thiếu minh bạch, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lãi suất ngân hàng vẫn còn quá cao so với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán vẫn chưa được cải thiện; thị trường vàng còn nhiều biến động. Các đề án tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại còn có nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Tăng trưởng GDP và tổng vốn đầu tư xã hội không đạt được kế hoạch đề ra; số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoặc thu hẹp hoạt động vẫn ở mức cao; việc làm và thu nhập của người lao động khó khăn. Trật tự, an toàn xã hội và các tệ nạn xã hội, tội phạm, tham nhũng, tiêu cực còn nhiều phức tạp...”

Tuy nhiên, cuối cùng Hội Nghị Trung Ương 6 đã hạ màn với hồi kết “chúng ta tha chúng mình” (We Forgive Us - The Economist).

Không có gì có thể làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của ĐCSVN, dù cuộc giao tranh quyền lực có quyết liệt đến đâu. Trong lịch sử của ĐCSVN, bao giờ chung cuộc cũng được giải quyết bằng một sự thỏa hiệp nào đó.

Vì thế, “để giữ gìn uy tín, hình ảnh thiêng liêng của Đảng,” “kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ,” Ban Chấp Hành Trung Ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật Bộ Chính Trị và một đồng chí trong Bộ Chính Trị.”

Một đồng chí trong Bộ Chính Trị (có biệt danh X) này ai cũng biết là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù các nguồn chính thức không nói tới.

Cũng qua đại hội này cho thấy sức mạnh nằm ở gần 200 thành viên của Ban Chấp Hành Trung Ương, chứ không còn ở Bộ Chính Trị như trước nữa. Đây cũng là chỗ dựa vững chắc để Nguyễn Tấn Dũng tận dụng cơ hội, củng cố lại vị trí của mình và lật ngược thế cờ vào Hội Nghị Trung Ương 7 (tháng 5, 2013) với việc loại bỏ Nguyễn Bá Thanh ra khỏi Bộ Chính Trị theo đề nghị của Nguyễn Phú Trọng.

Tái lập Ban Nội Chính Trung Ương, Nguyễn Phú Trọng muốn tước quyền của Nguyễn Tấn Dũng khỏi Ban Phòng Chống Tham Nhũng.

Ban Nội Chính TRUNG ƯƠNG trở thành cơ quan tham mưu của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng, đồng thời thực hiện nhiệm vụ của Cơ Quan Thường Trực của Ban Chỉ đạo Trung Ương Về Phòng, Chống Tham Nhũng,

Nguyễn Bá Thanh là một người có cá tính mạnh mẽ và ham mê quyền lực. Ở tuổi 60, ra Hà Nội nhận chức trưởng Ban Nội Chính, ông cũng nhắm tới cái ghế của Bộ Chính Trị và hy vọng sẽ giành được quyền lực cao hơn vào năm 2016 khi đại hội ĐCSVN diễn ra, không loại trừ cả chiếc ghế thủ tướng. Ông cũng đã kịp nâng đỡ con trai Nguyễn Bá Cảnh vào Ban Chấp Hành Đảng Bộ Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010-2015, chuẩn bị cho tương lai.

Ông tuyên bố sẽ bắt tay điều tra các vụ tham nhũng lớn và không nói nhiều, sẽ “hốt hết”! Trong vụ án Dương Chí Dũng của Vinalines, sự xuất hiện của ông tại phiên tòa để nói chuyện với Dương Chí Dũng, cho thấy vai trò của ông và những điều mà ông chưa tiết lộ.

Thực ra, tham nhũng là chất keo kết dính của toàn bộ cấu trúc cầm quyền của ĐCSVN, là pháo đài bảo vệ chế độ. Người ta gắn bó với “nhà nước” cũng chính vì tham nhũng. Bất luận năng lực thế nào, việc làm có phù hợp không, hiệu quả ra sao... cứ vào được biên chế là có điều kiện để tham nhũng, quan càng lớn càng ăn to, quan nhỏ ăn nhỏ và “có ngay một tờ ngân phiếu vĩnh cửu lĩnh lương trọn đời” [1]. Chế độ là chiếc bình quý, nếu có đập vài con chuột nhắt thì phải giữ nguyên tắc không được làm vỡ bình.

Tấn công vào tham nhũng là tấn công vào toàn bộ thành trì của hệ thống cầm quyền. Dường như khó có ai trong đám quan chức mà tay không dính chàm, nên cũng chằng ai muốn phá tan cái hệ thống mà chính họ trong đó đang được hưởng đặc quyền, đặc lợi. Người ta lấy việc chống tham nhũng đúng hơn chỉ để làm phương tiện gạt bỏ nhau trong cuộc tranh giành ảnh hưởng trong mối quan hệ quyền-tiền.

Chinh vì vậy, tháng 9 năm 2002, cựu đại tá quân đội Phạm Quế Dương chủ trương thành lập Hội Nhân Dân Ủng Hộ Đảng và Nhà Nước Chống Tham Nhũng, đã bị chế độ kết án 19 tháng tù với tội danh “lợi dụng dân chủ để phá hoại nền an ninh quốc gia.”

Ông Nguyễn Bá Thanh cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Ông đã có công trong việc thực hiện các dự án đầu tư làm thay đổi bộ mặt của thành phố Đà Nẵng, nhưng cũng bị tai tiếng tham nhũng trong việc rút ruột công trình xa lộ Bắc-Nam và cầu sông Hàn và là tác giả của những bất công và tội ác với dân chúng ở giáo xứ Cồn Dầu khi giải tỏa thu hồi đất.

Cây tầm sét mà ông Nguyễn Bá Thanh được ông Nguyễn Phú Trọng giao cho chỉ để quất vào các đối thủ chứ không phải để chống tham nhũng thực sự. Nó cũng giống như trang “Chân Dung Quyền Lực,” ra đời chỉ để phục vụ nhất thời cho cuộc đấu đá nội bộ chứ không phải vì lợi ích xã hội. Đụng đến tham nhũng ở tầng cao, báo “Người Cao Tuổi” bị rút giấy phép và truy tố hình sự là một minh chứng.

Ông Trương Tấn Sang đã từng thú nhận “càng chống thì tham nhũng càng tràn lan và trở nên nặng nề, xảy ra mọi lúc mọi nơi, đây là căn bệnh rất trầm kha.”

Chống tham nhũng đòi hỏi một cơ chế khác, một hệ thống chính trị khác, mà trước hết là chế độ đa đảng với bầu cử tự do, ngành tư pháp độc lập và báo chí tự do.

Bản chất của cuộc chống tham nhũng là thế nên ông Nguyễn Bá Thanh rước vào thân nhiều kẻ thù thần thế ở Hà Nội. Ông bị khống chế để trở nên một người không có thực quyền và cuối cùng, bệnh tật đến đột ngột với ông vào tháng 8, 2014 đã loại bỏ hẳn ông ra khỏi cuộc chơi. Tin đồn ông bị đầu độc chất phóng xạ, đo đó, không phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống.

Ông Nguyễn Bá Thanh ra đi, một phần người Đà Nẵng tiếc thương ông, nhưng một phần khác oán hận ông và cho rằng cái chết đau đơn của ông là hậu quả của luật nhân quả. Tôi không nghĩ như thế, bởi vì lắm tham quan khác từng gây tội ác, gần trăm tuổi, vẫn sống sờ sờ ra đó.

Ông Thanh vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một chế độ cầm quyền, thống nhất về đường lối lãnh đạo, nhưng lúc nào cũng có đấu đá, tranh giành ảnh hưởng quyền lực.

Trong năm Giáp Ngọ hai cái chết của Phạm Quý Ngọ và Nguyễn Bá Thanh gây ra cơn địa chấn dư luận. Thượng tướng công an Phạm Quý Ngọ, một thân tín của Nguyễn Tấn Dũng, chết đi mang theo mọi bí mật về số tiền 1,5 triệu đôla mà Dương Chí Dũng đã ba lần hối lộ.

Nguyễn Bá Thanh, người lãnh đạo 7 đoàn kiểm tra, giám sát các vụ án tham nhũng lớn, trong đó có vụ Vinalines, xung trận trong cuộc đấu đá giữa phe Nguyễn Phú Trọng- Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng, đột ngột lâm bạo bệnh và cũng ra đi cùng với mọi bí mật và tham vọng.

Cùng với những cái chết, cái gọi là “cuộc chiến chống tham nhũng” cũng bị kéo theo xuống mồ!

Lê Diễn Đức

Chú thích:

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: