Philippines hôm thứ Năm cáo buộc Trung Quốc đã đâm vào các tàu cá của Philippines ở vùng bãi ngầm đang có tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa trên biển Đông.
Bộ Ngoại giao nước này nói đã hai lần gửi phản đối về vụ việc xảy ra hôm 29/1 tại bãi cạn Scarborough, mà Manila gọi là bãi cạn Panatag còn Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham đảo, cũng như việc các ngư dân Trung Quốc bắt các con trai sò cỡ đại, vốn đang bị đe dọa tuyệt chủng, ở cùng khu vực trước đó một tuần.
Theo Philippines, ba tàu cá có treo cờ nước này đã bị một tàu mang số hiệu tàu tuần duyên Trung Quốc "cố tình đâm vào", khiến hỏng tàu và đe dọa tính mạng các thủy thủ, hãng tin AFP nói.
Manila cũng nói trước đó một tuần, 24 tàu Trung Quốc đã đánh bắt các con trai sò cỡ đại ở cùng khu vực.
Trung Quốc đã kiểm soát bãi cạn Scarborough từ 2012 tới nay, nơi cách 220km về phía tây của đảo chính Luzon của Philippines, sau cuộc đối đấu căng thẳng giữa hải quân Philippines và các tàu hải giám Trung Quốc.
'Nạo vét bãi Mischief Reef'
Cùng ngày, Manila nói Trung Quốc đã bắt đầu nạo vét một khu vực khác ở vùng biển có tranh chấp, bãi Mischief Reef, nơi Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn.
Hãng tin Reuters dẫn lời một chỉ huy hải quân Philippines nói hôm thứ Năm, cảnh báo việc Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị mở rộng các cơ sở của mình tại khu vực.
Đến nay, Trung Quốc đã tiến hành lấn biển ở sáu bãi cạn và đảo ngầm mà nước này chiếm giữ ở Trường Sa, mở rộng diện tích nổi ở các nơi này lên gấp năm lần, nếu dựa trên những hình ảnh ghi được từ trên không.
Thiếu tướng Hải quân Alexander Lopez, chỉ huy lực lượng quân sự vùng miền tây của Philippines hôm thứ Năm nói với các phóng viên rằng một tàu nạo vét của Trung Quốc đã được phát hiện có mặt tại Mischief Reef, nằm cách đảo Palawan chừng 135km của Philippines về phía đông nam.
"Chúng tôi không biết họ định làm gì ở Mischief," ông nói.
Lopez không nói Trung Quốc bắt đầu nạo vét từ khi nào, cũng không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về quy mô lấn biển ở Mischief Reef, chỉ nói những hoạt động đó là "đáng kể".
Trung Quốc đã chiếm Mischief Reef hồi 1995, xây các chòi tạm mà Bắc Kinh nói là để làm nơi trú ẩn cho ngư dân trong mùa bão.
Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc đã xây một trại lính trong khu vực, triển khai các tàu khu trục và tàu tuần duyên tới nơi.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Đông, nơi có tuyến hải hành quan trọng, đồng thời có nguồn hải sản dồi dào và trữ lượng tài nguyên phong phú.
Cả Philippines, Việt Nam, Brunei và Đài Loan cũng có các tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng nước ở biển này.
Hồi năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nỗ lực xoa dịu các nước Đông Nam Á về tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tiến hành lấn biển tại Trường Sa đã càng chứng tỏ quyết tâm của mình trong việc xác lập chủ quyền ở vùng biển này, hãng tin Reuters nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét