Pages

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Nhận diện các phe nhóm trên đỉnh tháp quyền lực của Đảng CSVN (1)

Nhận diện các phe nhóm trên đỉnh tháp quyền lực của Đảng Cộng sản Việt nam

Một cách chính thức, Đảng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chấp nhận một biểu hiện phe phái nào trong nội bộ Đảng. Nhìn từ bề ngoài, tính đồng thuận tập thể là một trụ cột cho sức mạnh của Đảng, là cội nguồn của những thắng lợi vẻ vang từ trước đến giờ. Trong khi luôn khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo trong lĩnh vực tư tưởng, mọi khuynh hướng, quan điểm đều phải được bộc lộ và chịu sự đánh giá của tập thể ngang cấp và cấp trên. Và bất cứ một biểu hiện của một cá nhân nào đó không phục tùng ý kiến tập thể khi đã có kết luận cuối cùng sẽ được quy là chống đối và bị khai trừ ra khỏi Đảng - là hình thức kỷ luật nặng nhất. Làm chủ tập thể về tư tưởng đòi hỏi một sự đồng thuận 100% của tất cả Đảng viên, và chủ nghĩa bè phái chính thức được xem là kẻ thù nguy hiểm nhất và phải bị đập nát ngay từ đầu. Tất cả phải đang ở trên cùng một chiếc bè.

Thực tế, như những cơn sóng dữ, đang đập tan chiếc bè khổng lồ đó, và mỗi mảnh vỡ đang càng rời xa nhau. Nhận diện các phe nhóm trên mỗi mảnh bè kia đang là một thú vui nho nhã của giới bình luận chính trị trong và ngoài nước. Có nhiều cách phân loại phe nhóm khác nhau, phe baỏ thủ - cải cách, phe miền Bắc - miền Nam, phe thân Mỹ - thân Tàu... . Tuy nhiên chúng tôi sẽ dùng khái niệm "phe" để chỉ những người có sự gần gũi về quan điểm chính trị và "nhóm"để chỉ sự liên hệ sát sườn về quyền lợi giữa các cá nhân với nhau.
1. Phe chính thống

Tập hợp những cá nhân có quan điểm thủ cựu, với chủ trương giữ vững sự lãnh đạo độc tôn của Đảng trong nền chính trị Việt Nam, kiên trì định hướng XHCN cho nền kinh tế thị trường, chọn lựa chính sách đi dây nhưng không ngả về bên nào trong đối ngoại, co cụm về tư tưởng và gán tất cả các ý kiến khác biệt cho thế lực thù địch... là các đặc trưng dễ thấy nhất giúp nhận diện phe chính thống. Và nếu sử dụng các tiêu chí về quan điểm, 99,99% Đảng viên phải thuộc phe này. 0,01% còn lại có lẽ chỉ để dành cho vài vị công thần hưu trí như nhóm 72, những người dũng cảm dám mạnh miệng tuyên bố một quan điểm đối lập hoàn toàn, từ việc phải thay điều 4 Hiến pháp cho đến định hướng thoát Trung... Trên thực tế, bất chấp các cuộc luận chiến sôi nổi khi trà dư tửu hậu trên không gian ảo, như đã nói từ đầu, tất cả các nhân vật quan trọng trong Đảng phải hòa chung một nhịp trong dàn đồng ca về quan điểm Mác - Lênin khi phát biểu chính thức. Và với ai dám lăm le lên tiếng "lệch định hướng" trong các cuộc hội nghị công khai, thì tấm gương Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt... còn rành rành đó. Do đó, phe bảo thủ về lý thuyết là đại diện chính thống duy nhất của Đảng hiện nay.

Trong thực tế, sợi dây ràng buộc những người thuộc phe này về quan điểm lại rất lỏng lẻo, và đang được thay thế bằng tập hợp các nhóm có quan hệ gần gũi có lợi ích tiệm cận với nhau, nhất là khi lợi ích này đang bị các phe nhóm khác đe dọa. Trong một nền chính trị Cộng sản kiểu Phương đông huyền bí hiện nay, các yếu tố chính vẫn là: 1) quan hệ thân tộc 2) dòng họ 3) đồng hương 4) bè bạn, nhất là bạn chiến đấu... và quan trọng nhất là phải có chung một đường dây khai thác nguồn lợi nào đó. Trong tất cả những điểm trên, nhận thức chính trị về chủ nghĩa Cộng sản lại là thứ ít có giá trị kết dính mọi người với nhau nhất. Bởi lẽ đơn giản - hơn 20 năm sau cơn hồng thủy đã cuốn trôi bức tường Berlin và khối XHCN ở Liên Xô và Đông Âu - không ai còn có một ảo tưởng nào về tiền đồ của chủ nghĩa Mác - Lênin trên toàn thế giới nữa. Trong khi vẫn phải giương cao ngọn cờ hồng chuyên chính vô sản - không một ai (chúng tôi nhấn mạnh ) - trong số các yếu nhân của ĐCS Việt Nam còn có chút nghi ngờ gì về kết cục tất yếu của nước CH XHCN Việt Nam. Phát biểu lỡ lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về tiền đồ của CNCS ở Việt Nam là ''đỉnh cao trí tuệ" , thể hiện rõ nhất điều này.

Chính vì vậy, vốn được nhìn nhận một cách sai lệch như là phe Đảng, phe miền Bắc, phe thân Tàu... và về lý thuyết đang là lực lượng chiếm đa số Đảng viên, đang sử dụng cấu trúc quyền lực chính thống từ trên xuống để chỉ huy điều hành toàn bộ Đảng viên, phe chính thống nên được nhìn nhận như tập hợp một lực lượng với mục tiêu tối hậu là lái con tàu Cộng sản Việt Nam ra khỏi cơn bão tố cuồng phong đang vần vũ. Ra khỏi cơn bão càng sớm càng tốt, bất chấp những thiệt hại, chỉ cần còn nổi trên biển, họ muốn tin rằng (bởi vì thật ra cũng không còn gì để lòng tin bấu víu nữa) những vấn đề của CNCS sẽ được thế hệ mai sau giải quyết. Chỉ cần còn đứng ở đỉnh cao quyền lực. Và để có thể bảo toàn sinh mạng chính tri - và thật ra là sinh mạng của chính họ - còn bất cứ điều gì có thể làm để níu kéo, chắc chắn họ sẽ không từ nan.

Nhìn kỹ hơn, phe chính thống gồm 2 nhóm chính. Một là những nhà tư tưởng - mà ông Tổng bí thư là hình ảnh điển hình nhất. Chính trong cơ chế bầu cử của Đảng, do bởi quá trình so kè đấu đá giữa các phe phái, với niềm tin kẻ này nếu không giúp thì cũng ít nhất gây hại cho phe mình, mà một nhân vật trung dung, kém năng lực điều hành, thiếu kỹ năng lãnh đạo, thiếu nhạy cảm về chính trị - mà vị trí thích hợp nhất là một chiếc ghế trong viện nghiên cứu lý luận chính trị nào đó - lại được tôn lên làm thủ lĩnh. Rất giống với trường hợp Gorbachov được bầu làm Tổng bí thư ĐCS Liên Xô. Gorbachov - với cải tổ và công khai - đã là người mở nút thắt để khối CS Đông Âu tuột xuống vực thẳm. Nguyễn Phú Trọng đập con chuột tham nhũng trong hành pháp, để rồi nuối tiếc nhận ra chiếc bình nuôi chuột nay đã vỡ.

Ở một góc nhìn khác, chịu trách nhiệm về những hệ thống lý luận về sự toàn bích của CNCS, họ là đại diện cho những mộng tưởng tốt đẹp nhất mà loài người có thể nghĩ ra. Phải thừa nhận nhóm này gồm những kẻ hưởng lợi ích "nghèo nàn" về kinh tế trong hệ thống quyền lực hiện nay. Nhóm này tập hợp những kẻ hưởng lợi từ phong bì, biếu xén tùy theo mức độ phân cấp quyền lực và khả năng ảnh hưởng đến đường lối chính sách, nghĩa là thuộc về "tham nhũng cấp độ 2" , chỉ trên mức tham nhũng vặt mà thôi. Không có trong tay một hạ tầng đủ mạnh để khai thác những lợi thế từ chính sách mà họ tác động đến, điều duy nhất mà họ thể làm được để vun vén nguồn lợi là mở rộng quan hệ, quan hệ và quan hệ để thu nhận phong bì từ trong mạng lưới phân quyền. Và khi về hưu nguồn lợi này nhanh chóng bị cắt đứt. Chính vì vậy mà tư duy nhiệm kỳ - vốn rất quan trọng trong bất cứ hệ thống quyền lực nào - lại càng trở nên sống còn đối với những cá thể này.

Nhóm thứ hai, chính là những kẻ cơ hội. Chiếm đa số trong phe bảo thủ, với mục đích tối hậu chỉ là lợi nhuận, nhóm này trên thực tế là chính là hình ảnh đại diện xấu xí của phe chính thống trong con mắt của người dân. "Ăn của dân không chừa thứ gì", "bầy sâu tham nhũng"... chính là những nhận xét từ các đồng đội thuộc nhóm một dành cho những kẻ này. Về kinh tế, nhóm này có nguồn thu nhập đa dạng hơn nhiều, từ tham nhũng vặt cấp độ 2, 3 cho đến công ty thân hữu, sân sau cho đến các tập đoàn tài chính, và cũng không loại trừ việc bảo kê cho những nguồn lực tài chính đen từ bên ngoài ( vốn không phải chỉ đến từ ông bạn lớn phương Bắc). Về quan điểm chính trị, sự kiên định lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin của họ chỉ đơn giản để duy trì quyền lực và nguồn lợi càng lâu càng tốt, bất chấp sự tàn tạ của người dân và đất nước. Những con chuột.

Điều bất hạnh ở đây chính là sự liên kết giữa 2 nhóm trên chiếc bè của phe chính thống. Có những dấu hiệu ngày càng rõ là những con chuột đang rời khỏi bè. Để giữ chân các đồng đội đáng khinh của mình, nhằm tạo ra một đa số cần thiết khi bỏ phiếu, nhóm thứ nhất chỉ còn một món mồi duy nhất để nhử - quyền lực. Không có gì ngạc nhiên khi ông Tô Huy Rứa, trưởng ban tổ chức Trung ương, đột ngột tuyên bố sẽ tăng thêm 90 nhân sự vào danh sách các ủy viên TW Đảng, hứa hẹn một màn đấu ngoạn mục mới trong kỳ đại hội năm 2016 sắp tới.

Vấn đề chính là phải loại bỏ những ông bạn đã dính chàm. Khó mà tin là những con chuột đã ăn quen bén mùi này sẽ ngoan ngoãn đi vào chỗ chết, kiểu như ông bạn cựu tổng thanh tra tội nghiệp. Trước những chứng cứ mà "ông Lực" đang nhét vào tay quý vị trong ủy ban kiểm tra TW Đảng, việc kéo dài cuộc điều tra cho đến sau đại hội Đảng 2016 là điều vô kế khả thi. Thí chốt, khả năng vỡ bình rất lớn.

Bởi vì những con chốt kia còn có những lá bài khác, không nằm trên bàn.

2. Phe cấp tiến

Còn được gọi là phe X, phe hành pháp, phe miền Nam, phe thân Mỹ, phe cải cách... phe cấp tiến là tập hợp lỏng lẻo các xu hướng cải cách khác nhau trong giới lãnh đạo của Đảng và chính quyền. Ở thời điểm này, điểm gần gũi nhất về quan niệm của họ có lẽ chỉ là kinh tế: sẳn sàng cắt bỏ chiếc đuôi định hướng XHCN trong kinh tế thị trường. Về đối ngoại, họ có xu hướng tránh xa Trung Quốc (và dĩ nhiên tới gần Hoa kỳ) - trước hết bởi vì áp lực tham lam của ông bạn láng giềng phương Bắc, một vấn đề lịch sử và địa chính trị của Việt Nam; mặt khác bởi sự gần gũi về các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin của phe chính thống với nước Trung Hoa Cộng sản. Với những vấn đề khác: mở cửa cho nền chính trị Việt nam, bãi bỏ điều 4 Hiến pháp về sự độc tài toàn trị của Đảng Cộng sản, chấp nhận tam quyền phân lập, chấp nhận một mức độ dân chủ và đối thoại với các các tổ chức xã hội dân sự... chỉ là những nhận định giả thiết về định hướng chính trị của những nhà cải cách này. Điểm chính yếu để kết nối mọi người trong phe cấp tiến chỉ là một từ duy nhất: phải thay đổi. Lá cờ mà họ thống nhất giương lên chỉ ghi chữ "đổi mới". Lần thứ hai trong vòng 30 năm gần đây, từ này có sức cuốn hút mạnh mẽ mọi người - từ tầng lớp chóp bu của Đảng cho đến lớp đảng viên dưới đáy của ngọn tháp quyền lực và toàn thể người dân Việt Nam. Đổi mới hay là chết ( Nghe rất Cuba).

Xét về tài lực, nói theo kiểu Mỹ "hãy cho biết anh có bao nhiêu tiền, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào" thì so với Thủ tướng, với bộ máy hành pháp và các tập đoàn tài chính ngân hàng hùng mạnh phía sau lưng, ngài Tổng bí thư chỉ là một "con tem dán lên lưng con voi". Tiến hóa vượt qua giai đoạn tham nhũng vặt, nguồn lợi chủ yếu của phe này đã hóa thân vào trong của hệ thống hạ tầng kinh tế , trong đó nguồn máy tài chính ngân hàng đang là con gà đẻ trứng vàng của họ. Tuy nhiên, phe cấp tiến lại gồm những nhóm lợi ích khác nhau, và đôi khi đối đầu sống chết với nhau trong cuộc chiến thương trường - chính trị. Đấu đá kèn cựa nhau về kinh tài, họ khó mà có được một tiếng nói chung vào thời điểm cần thiết nhất. Và đây chính là tử huyệt của phái cải cách.

Nhìn vào lịch sử đương đại của phe cải cách trong Đảng Cộng sản Việt Nam, khó mà thấy ai có thể vượt qua chiếc bóng của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt cả về mặt quan điểm và thực hành. Sự nghiệp dang dở của ông, vốn được trao tay cho những nhà cải cách đậm dấu ấn đặc thù : người miền Nam, điều hành chính phủ, điều đã góp phần tạo nên những thậm xưng như phe thủ tướng, phe miền Nam... như đã nói ở trên. Ít nhất là về mặt này, phe cấp tiến có thể tự hào rằng họ chính là kẻ đã đề xuất và thực hiện thành công đường lối đổi mới, đóng vai trò chính trong việc đưa đất nước đi ra khỏi thế bao vây cấm vận, mở cửa để đón nhận nguồn đầu tư nước ngoài, và cải thiện một phần đáng kể mức sống của người dân. Mâu thuẫn về kinh tế giữa các nhóm lợi ích trong phe cấp tiến đang dần dần được giải quyết ở một mức độ nào đó. Những nhóm nhỏ hơn đã chấp nhận quy hàng, đứng vào đội hình hoặc tan rã và rời bỏ cuộc chơi.

Trong bối cảnh ồn ào của sân khấu chính trị Việt nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nổi lên như một thủ lĩnh chính trị cấp tiến thực dụng, kiên quyết và vững vàng. Vượt qua giai đoạn khó khăn năm 2012, chấp nhận đối đầu trực diện trên sàn đấu chống tham nhũng, ông đã ngoạn mục lật ngược thế cờ trong hội nghị TW 10 năm vừa rồi.

Liên tục chặn đứng các đòn thế của đối phương, từ Vinashin, bầu Kiên cho đến Ban nội chính TW của ông Nguyễn Bá Thanh, và với chú gà nòi mang tên "ông Lực", đồng chí X đang nheo mắt mỉm cười nhìn đối thủ chính trị của mình chạy vạy băng bó vết thương trong hàng ngũ phe chính thống. Và với phương châm "điều gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền", thì thế cờ mới mà ông trưởng ban tổ chức TW đang dàn trận xem ra khó mà linh nghiệm. Vấn đề ở đây không chỉ là tiền. Đây không phải là cuộc đối đầu giữa quyền với tiền, mà là cuộc đấu giữa một bên là quyền và tiền với bên chỉ có quyền trơn. Quan trọng hơn cả, chuột là loại động vật rất nhạy mùi. Mùi của sự sợ hãi.

Ở một khía cạnh khác, trong mớ bòng bong hiện tại, người ta ít để ý tới dự thảo Luật tổ chức chính phủ sửa đổi mà Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình vừa mới đưa ra lấy ý kiến cuối năm 2014. Trong dự thảo này, ý đồ trao quyền cho Thủ tướng có quyền quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể để thi hành lệnh tổng động viên và ban bố tình trạng khẩn cấp - vốn thuộc quyền hạn của Chủ tịch nước - đã nhanh chóng bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dập từ trong trứng nước. Có vẻ như vai trò mờ nhạt của ngài Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - vốn dĩ là một người thuộc phe cải cách miền Nam - song lại va chạm với ngài Thủ tướng đương nhiệm, đang được chú ý tới. Điều gì sẽ xảy ra nếu 2 nhóm lợi ích này thỏa thuận được với nhau một tạm ước hưu chiến để chuẩn bị cho trận đánh lớn năm 2016 ? Và không phải đợi tới Đại hội toàn quốc năm 2016 thì sao?

Độc giả Dân luận

(còn tiếp)

(Dân luận)

Không có nhận xét nào: