Pages

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Ông Thanh: Được lòng Dân, mất lòng Đảng?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều lãnh đạo cao cấp đã tới viếng ông Nguyễn Bá Thanh
Trong một quốc gia – độc đảng, thiếu dân chủ, tự do báo chí, ít minh bạch, thực hư lẫn lộn – như Việt Nam, nhận định, đánh giá chính xác, đầy đủ một sự kiện chính trị hay một quan chức nào đó quả thực không dễ.
Nhưng qua phản ứng chung của công luận trong những ngày qua, có thể nói ông Nguyễn Bá Thanh – nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Trưởng ban Nội chính Trung ương – là một quan chức rất được lòng dân.

Tuy vậy, nếu dựa vào một số biểu hiện, vụ việc khác xem ra không phải ai trong Đảng Cộng sản cũng ưu thích ông.

Người dân quý mến

Kể từ mấy ngày qua, các tờ báo, trạng mạng lớn ở Việt Nam – như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, VnExpress – có rất nhiều bài viết, phỏng vấn về ông Nguyễn Bá Thanh, về công việc, di sản của ông hay cho đăng lại những phát ngôn ấn tượng của ông.
Qua những việc ông làm – như đi ‘đòi đất cho dân từ quan tham’ – hay những gì ông nói – như ‘Bớt xén của người bất hạnh là không thể tha thứ được’ – có thể thấy ông Thanh là một lãnh đạo rất quan tâm đến dân, lo cho dân, đặc biệt là những người dân nghèo, yếu thế.
Năm 2005, khi Nhà nước chưa có kế hoạch xây dựng một bệnh viện chuyên điều trị bệnh ung thư ở miền Trung, với ý tưởng và quyết tâm của ông, lãnh đạo Đà Nẵng đã vận động tài trợ xây dựng một bệnh viện như thế ở thành phố để ‘nhằm giảm bớt những đau thương mất mát’ mà căn bệnh quái ác này gây nên cho người dân miền Trung.
Đây là một việc làm nữa – trong số nhiều công việc khác của ông đã được dư luận biết đến trước đây hay những ‘chuyện chưa kể’ về ông được một số người kể lại mấy ngày qua – chứng tỏ ông Thanh không chỉ là một cán bộ có tâm, mà còn là một chính trị gia có tầm, dám nghĩ, dám làm, không nhụt bước trước những cơ chế, nguyên tắc cố hữu.
Nhiều người dẫn đã tới nói lời vĩnh biệt ông Nguyễn Bá Thanh
Việc ông đề xuất cho bầu cử trực tiếp chính quyền địa phương hay cho truyền hình trực tiếp những kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng cũng cho thấy ông có nhiều ý tưởng mới lạ, mạnh bạo.
Một điểm đặc biệt khác nơi ông là tính bộc trực, không sợ mất lòng, đã nói là làm.
Và nếu đọc lại những câu nói đáng chú ý của ông, có thể thấy một điểm nổi bật nữa và đáng quý nơi ông đó là ông rất mạnh tay với cán bộ (dưới quyền) yếu kém, tham nhũng và công khai chỉ trích những bất cập, sai trái nơi hệ thống công quyền nhưng không coi thường, lên tiếng dạy dân như một vài lãnh đạo Việt Nam thường làm.
Vì vậy, dù biết rằng ông cũng có những khiếm khuyết và đâu đó cũng có người chỉ trích ông về một vài vụ việc, người dân Đà Nẵng nói riêng và nhiều người Việt Nam nói chung yêu mến, kính trọng, thương tiếc ông khi hay tin ông qua đời.
Nhưng xem ra những điểm làm ông được lòng dân lại là những điều làm một số lãnh đạo, quan chức trong Đảng khó chịu.

‘Đồng chí’ không ưa?

Khi đến viếng và tỏ lòng ‘thương tiếc vĩnh biệt đồng chí’ của mình, các quan chức và lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã ghi nhận những đóng góp của ông Nguyễn Bá Thanh, trong đó ‘có công lớn trong xây dựng, phát triển Thành phố Đà Nẵng’.
Nhưng có thể nói khi còn sống – đặc biệt kể từ khi ông Thanh lên làm Trưởng ban Nội chính Trung ương năm 2013 – không phải mọi quyết định, việc làm, tuyên bố của ông đều mọi người trong Đảng ủng hộ, đón nhận.
Ít nhất có hai vụ việc chứng minh điều đó.
Sau khi ông được chọn vào chức Trưởng ban Nội chính, Thanh tra Chính phủ đã bất ngờ công khai những sai phạm của lãnh đạo Đà Nẵng, gây thiệt hại cho ngân sách nhiều nghìn tỷ đồng, trong giai đoạn 2003-2011, khi ông Thanh làm Bí thư Thành phố.
Dù các chi tiết thanh tra không hề nhắc tên ông Nguyễn Bá Thanh, giới quan sát cho rằng quyết định công khai công bố kết quả thanh tra, được đóng dấu ‘Mật’, vào một thời điểm như vậy – và đặc biệt chỉ vài ngày sau khi ông tuyên bố ‘cho hốt liền’ các vụ tham nhũng – là nhắm hạ uy tín của ông.
Việc ông không được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị 7 của Ban chấp hành Trung Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2013, dù ông đã được giao lãnh đạo một Ban quan trọng trong Ban chấp hành Trung ương mấy tháng trước đó, cũng là một ví dụ nữa cho thấy ông không được các đồng chí của ông hoàn toàn tín nhiệm.
Nếu để cho dân bầu, thay vì để ‘đồng chí’ của ông bầu – hay nếu sống trong một quốc gia dân chủ, tự do – có thể ông sẽ được bầu nắm giữ một trong những vị trí lãnh đạo cao nhất.
Thất bại này của ông cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ không thể ‘hốt hết, hốt liền’ được những vụ tham nhũng lớn vì làm sao ông có thể tiến hành cho điều tra, phanh phui, xét xử những đại án ‘đây dây mơ, rễ má’ khi ông không có mặt trong nhóm lãnh đạo chóp bu của Đảng.
Đúng vậy, thất bại ấy cùng với bệnh tình hiểm nghèo của ông đã chấm dứt mọi ước muốn, dự định của ông trong cương vị lãnh đạo Ban phòng chống tham nhũng.
Không biết trong những ngày cuối đời, có lúc nào đó ông cay đắng nhận ra rằng trong một thể chế như Việt Nam có tâm huyết, cương quyết thôi chưa đủ để ông dẹp trừ tham nhũng?
Hay có một giây phút nào đó ông phải thừa nhận rằng một lãnh đạo ‘dù làm chưa ngon lắm nhưng có quan hệ tốt’ vẫn có thể được ‘phiếu tín nhiệm cao’ và ‘phiếu tín nhiệm’ là chiếc ‘đũa thần’ giúp một người như thế tiếp tục tại vị, nắm quyền?

Ra đi an lòng?

Nhưng dù sao đi nữa, nếu biết được tình cảm của người dân dành cho ông trong những ngày ông lâm trọng bệnh hay hiểu được bao quý mến, thương tiếc mà họ dành cho ông trong những ngày qua, có thể ông đã an lòng ra đi.
Dù ra đi với tuổi đời con khá trẻ, khi ông còn có thể cống hiến nhiều cho dân và khi dân đang cần những lãnh đạo như ông, có thể ông sẽ toại nguyện nếu biết rằng có nhiều người lãnh đạo lâu hơn, nắm giữ những chức vụ quan trọng hơn ông, nhưng họ không làm được những việc có ích cho dân, cho nước như ông.
Liệu tấm gương của ông Thanh có thể thức tỉnh được các nhà lãnh đạo khác?
Ông ra đi nhưng nhiều người – và có thể nhiều thế hệ sau – vẫn còn nhớ đến ông, biết ơn ông vì họ biết trong một giai đoạn, bối cảnh xã hội như Việt Nam hiện tại, hiếm có một lãnh đạo nào có tâm, có tài và nhiều nhiệt huyết, hết lòng vì dân như ông.
Hơn nữa, có thể khi chứng kiến tình cảm của người dân đối với ông trong những ngày qua, ai đó trong giới công quyền ở Việt Nam hiện tại nhận ra rằng chức quyền, tiền bạc không phải là tất cả.
Nếu biết lo cho dân, biết tìm cách an dân – như ông Thanh đã làm – họ sẽ được người dân coi trọng. Trái lại, nếu chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, người thân và phe nhóm của mình, người dân sẽ coi thường họ. Và nếu vậy, ông còn làm được một việc khác có ích hơn, đó là đánh thức, thực tỉnh lương tri các ‘đồng chí’ của ông, đặc biệt những quan tham, giúp họ biết nghĩ đến dân và lo cho dân hơn.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, đang sống ở Birmingham, Anh.

Không có nhận xét nào: