Pages

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Vì sao báo chí được rộng cửa vụ cây xanh

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Một trang báo chính phủ đăng tin về vụ chặt cây xanh ở Hà nội

Một trang báo chính phủ đăng tin về vụ chặt cây xanh ở Hà nội
 RFA/screen capture



Truyền thông báo chí do Nhà nước quản lý đã giữ vai trò nổi bật trong việc lật tẩy chiến dịch chặt hạ cây xanh hàng loạt ở Thủ đô Hà Nội. Do đâu phản biện xã hội đã thắng thế trong chế độ quản lý báo chí rất chặt chẽ ở Việt Nam.


Không thể che dấu - không thể ngăn cản
Chiến dịch chặt và thay thế 6.700 cây xanh lâu năm ở Thủ đô Hà Nội, trên thực tế không chỉ gồm những cây hư mục cần đốn hạ mà bao gồm phần lớn những cây cổ thụ có giá trị cao như xà cừ mà thân cây mấy người ôm  không hết; Một phản chiến dịch của truyền thông báo chí nhà nước kể cả những bài điều tra đặc biệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà lãnh đạo thủ đô, cao nhất là Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo các cấp thuộc quyền.
Đáp câu hỏi phải chăng có sự chuyển biến nhận thức về phản biện xã hội của báo chí do nhà nước quản lý, ông Lê Phú Khải một người Hà Nội gốc, nguyên phóng viên thường trú của Đài Tiếng Nói Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long hiện cư trú ở Saigon nhận định:
“ Không thể nào chối cãi được nên buộc phải công nhận dư luận thôi không có cách nào hơn…chặt cây chình ình ngay ngoài đường thì mà giấu ai được nữa, ngăn cản rồi thì mạng cũng đưa, báo chí lề phải không đưa thì lề trái cũng đưa. Ngày xưa ông Võ Văn Kiệt nói nếu chúng ta không nói thì người khác sẽ nói chẳng thà chúng ta nói trước đi cho nhân dân biết…Không, không, chẳng có sự chuyển biến nhận thức gì cả. Theo tôi nếu có một sự nhận thức mới thì phải cách chức những ông làm vụ chặt cây đi vì nó quá trắng trợn, phải đưa ra tòa những ông đó.”
Việc đó thể hiện một cái nhìn một quan điểm đến lúc nào đó cũng không thể che dấu cũng không thể ngăn cản mà cần phải đứng về phía dân, để đòi hỏi những người có hành động vô trách nhiệm đó phải xuất hiện, phải chịu trách nhiệm
ông Nguyễn Quốc Thái
Từng là Tổng Thư ký báo Doanh Nghiệp, một tờ báo trực thuộc Trung ương, ông Nguyễn Quốc Thái hiện cư trú ở Saigon ghi nhận dư luận báo chí từ vụ chặt cây xanh Hà Nội, vụ lấp sông Đồng Nai và vụ biểu tình ở TP.HCM về quyền lợi bảo hiểm xã hội. Ông nói:
“Báo chí ở Việt Nam tất cả các Tổng Biên tập đều chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo rất chặt chẽ. Việc báo chí Việt Nam trong thời gian qua đồng loạt lên tiếng về vụ cây xanh Hà Nội bị chặt bừa bãi, nếu không được sự chấp thuận ở trên, nếu không được sự bật đèn thì báo chí Việt Nam không dám lên tiếng mạnh mẽ về vụ này. Nếu không có sự ngoảnh mặt đi của công an thì nhưng người phụ nữ và thanh niên không thể leo lên cây để cản những người làm công tác đốn chặt cây ở Hà Nội. Việc đó thể hiện một cái nhìn một quan điểm đến lúc nào đó cũng không thể che dấu cũng không thể ngăn cản mà cần phải đứng về phía dân, để đòi hỏi những người có hành động vô trách nhiệm đó phải xuất hiện, phải chịu trách nhiệm.”
Ngoài chiến dịch phản biện của truyền thông báo chí, vài cuộc tuần hành của người dân Hà Nội để “cứu lấy cây xanh” đã diễn ra kể từ ngày 20/3 đến nay, trong đó một vụ qui tụ hàng trăm người vào hôm 29/3 và không bị đàn áp như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây. Giới quan sát cho rằng, có thể có một sự trùng hợp nhất định về việc báo chí, các tổ chức xã hội dân sự và người dân Thủ đô được trình bày ý kiến của mình một cách mạnh mẽ, ngay trong tuần lễ diễn ra Hội nghị của Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới từ 28/3 đến 1/4.
Đằng sau việc báo chí được bật đèn xanh?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập một tổ chức xã hội dân sự tự phát, trình bày một cách nhìn khác về sự tác động của chiến dịch và phản chiến dịch chặt cây xanh ở Hà Nội. TS Phạm Chí Dũng đặt ra hai câu hỏi về các hiện tượng khác thường, thứ nhất là làm thế nào mà 300-400 người dân Hà Nội, được cho là thuộc các tổ chức xã hội dân sự nhà nước có thể đi tuần hành như một hình thức biểu tình chống chặt cây xanh mà không bị giải tán; thứ hai là động thái của báo chí nhà nước gần như được bật đèn xanh, rộng cửa điều tra đến tận cùng đối với những thủ phạm, nguồn cơn, nguyên nhân âm mưu hạ sát cây xanh. Từ Saigon, TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:
“Tôi có cảm giác rằng những động thái nội bộ đang chi phối vụ thảm sách cây xanh và dường như có một thế lực nào đó đang muốn mang việc này để xoáy sâu vào ông Phạm Quang Nghị. Ông Phạm Quang Nghị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Đại biểu Quốc hội, người đã đi Hoa Kỳ vào cuối tháng 7 năm 2014 và được coi là một chuyến diện kiến chính giới Hoa Kỳ và đương nhiên ông cũng được coi là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vụ Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016. Tuy nhiên sự sáng giá như vậy chỉ tồn tại cho đến cuối năm 2014 mà thôi và từ đó cho tới nay thì tôi không nghe nhiều người nhắc tới ông Nghị; vào lần này tôi có cảm giác là có một mũi dùi tấn công nào đó đang muốn xoáy vào ông Nghị và đẩy ông vào một tình thế khốn đốn, một tình thế chính trị rất khó khăn.”
Tôi có cảm giác rằng những động thái nội bộ đang chi phối vụ thảm sách cây xanh và dường như có một thế lực nào đó đang muốn mang việc này để xoáy sâu vào ông Phạm Quang Nghị
TS Phạm Chí Dũn
Phải chăng những người chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ chặt hạ cây xanh hàng loạt sẽ bị ảnh hưởng tới tương lai chính trị của mình. Theo Nhà báo Nguyễn Quốc Thái, những người dân bình thường ở Hà Nội cũng thấy rằng vụ chặt cây xanh hai ông Bí thư Thành ủy, ông Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Thời điểm hiện nay là nhạy cảm trước Đại hội Đảng, hai vị lãnh đạo chắc chắn phải hiểu những sự ảnh hưởng như thế nào nếu để xảy ra những việc nhạy cảm làm cho nhân dân phẫn uất. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái tiếp lời:
“Những người lãnh đạo một thành phố lớn mà cả hàng ngàn cây xanh bị chặt như vậy trong bao nhiêu ngày đó, mà không hề được thông báo cho mình hay sao? Vì thế thái độ của ông Bí thư Thành ủy Hà Nội và ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội như thế nào thì người ta sẽ căn cứ vào đó để nhìn thấy tương lai chính trị của những người đó.”
Cho tới nay thái độ của ông Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị là vẫn bảo vệ chủ trương chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội, một quyết định mà ông cho là đứng đắn. Theo lời ông cách thực hiện đề án này thì nóng vội có nhiều điều chưa làm đúng. Theo VnExpress, tại Hội nghị giao ban định kỳ sáng 31/3 ông Phạm Quang Nghị cho rằng lãnh đạo thành phố cần tự phê bình, tự kiểm điểm và khẩn trương khắc phục những việc làm nóng vội gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Thủ đô.
Lãnh đạo Thành phố ở đây có thể hiểu là bao gồm cả bản thân ông Bí thư Thành ủy Hà Nội và các cấp lãnh đạo chính quyền
.

Không có nhận xét nào: