Pages

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Ai làm lãnh đạo 'nhân dân cũng chẳng được gì'

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Chính trị Việt Nam quả thật là đầy bí ẩn. Vì bí ẩn nên đã có nhiều đồn đoán ai sẽ là tứ trụ triều đình sau Đại hội Đảng XII dự trù diễn ra từ ngày 20 đến 28/1 tới đây. Bí ẩn đến nỗi chỉ còn một tuần nữa sẽ có bầu chọn tại Đại hội Đảng mà cho đến lúc này cũng chưa biết được ai sẽ ra tranh những chức lãnh đạo cao nhất nước.
Cả tháng qua giới quan sát chính trị đã bàn luận, và bàn loạn, về hai nhân vật nổi cộm là đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tranh giành nhau đứng đầu đảng.

Giữa thời đại thông tin toàn cầu và nhân dân nhiều nơi trên thế giới đã vươn lên cùng xu thế dân chủ thời đại, từ Bắc Phi sang Đông Á, nhưng Việt Nam dường như vẫn u mê. Quan sát tình hình chính trị Việt Nam, cách sinh hoạt của Đảng Cộng sản qua việc bầu chọn lãnh đạo hiện nay vẫn thiếu chính danh và minh bạch.
Ai sẽ là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội?

Cuộc đua giành vị trí

Vài tuần qua, cổng thông tin lề dân bùng phát những bàn luận cũng như công kích, bôi bẩn hai ứng cử viên có triển vọng nắm chức tổng bí thư.
Hội nghị Trung ương 14 đã kết thúc, nghe phong phanh là ông Nguyễn Phú Trọng dùng Quyết định 244 để được Bộ Chính trị đặc biệt đề cử vì đã quá độ tuổi hưu 65 theo qui định. Còn Điều 17 của Điều lệ Đảng ghi tổng bí thư không được giữ chức hai nhiệm kỳ liên tiếp mà ông Trọng mới chỉ qua một nhiệm kỳ nên có thể tiếp tục làm tổng bí thư thêm một đôi năm.
Image copyrightVTV1
Cuộc tranh giành chức này chắc chắn chưa chấm dứt cho đến khi Đại hội Đảng XII kết thúc và có thể còn kéo dài cho đến kỳ bầu chọn tổng bí thư giữa nhiệm kỳ.
Đầu thập niên 1990 với Đại hội VII râm ran tin đồn đảo chánh. Đầu năm 2016 không khí chính trị Việt Nam cũng bất an khi quân đội, công an diễn tập dẹp dân tụ họp, chống dân biểu tình.
Cứ năm năm một lần kể từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam lại họp để chọn người lãnh đạo cho đảng và cho nước.
Còn người dân Việt chỉ đứng ngoài, có quan tâm cũng là bàn tán bên lề vì bầu cử các cấp là đảng cử dân bầu, không có đối lập, không có những ứng viên nào khác hơn đảng viên cộng sản, vì Điều 4 Hiến pháp dành độc quyền cai trị cho Đảng Cộng sản.
Quốc hội được coi là cơ quan quyền lực cao nhất, như ghi trong Hiến pháp, với 500 đại biểu thì đã có 458 đảng viên cộng sản, số 42 đại biểu còn lại được cho là độc lập, nhưng nếu muốn ứng cử vẫn phải qua hiệp thương và phải được sự chấp thuận của Mặt trận Tổ quốc, một cơ sở ngoại vi của Đảng Cộng sản.
Gần đây, trong kỳ bầu cử Quốc hội đã có vài người tự ra tranh cử nhưng đã bị trù dập.
Các ứng cử viên sau khi được đề cử cũng không được phép tự do vận động hay đưa ra đường hướng, chủ trương sinh hoạt của mình mà phải theo đúng cương lĩnh, nội quy của Đảng Cộng sản.
Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image caption"Người dân Việt chỉ đứng ngoài... vì Điều 4 Hiến pháp dành độc quyền cai trị cho Đảng Cộng sản"
Mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn ký một quyết định không đề cử những ai có tham vọng quyền lực để được ứng cử vào Quốc hội.
Đảng Cộng sản có hơn ba triệu đảng viên trong số 90 triệu dân Việt. Nội bộ đảng có 1500 đại biểu được quyền tham gia bầu chọn lãnh đạo quốc gia tại các Đại hội Đảng tổ chức 5 năm một lần.

Làn sóng thông tin trên truyền thông xã hội

Với sự phổ cập của thông tin điện tử và các mạng xã hội, đặc biệt là qua Facebook và các blog, Đại hội XII sắp tới được nhiều người chú ý hơn, vì đất nước đang có những chuyển biến cấp thiết như Trung Quốc xâm lấn biển Đông, kinh tế trì trệ, và thách thức cải cách khi gia nhập TPP để hội nhập.
Nội bộ đảng đang có tranh giành quyền lực giữa hai phe, giáo điều và cải cách, giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phe bảo thủ, và Nguyễn Tấn Dũng, phe cải cách. Nhiều thông tin, bàn luận và tài liệu được loan truyền nhanh như chớp trên các mạng xã hội với những quan điểm bênh chống cũng như cảm xúc yêu ghét.
Với số người Việt sử dụng Internet ngày một nhiều và số người có tài khoản Facebook ước chừng 30 triệu, tức một phần ba dân số, nên dân Việt nay đã có thể tiếp cận được luồng thông tin lề dân nhiều hơn.
Ngay cả một số cơ quan nhà nước cũng đã dùng Facebook và mạng thông tin toàn cầu để chuyển tải tin tức đến với dân.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao Hà Nội đã có quyết định không ngăn cấm Facebook như Bắc Kinh?
Với sự bùng nổ của thông tin đại chúng qua Facbook, để mạng này hoạt động tại Việt Nam có lợi hay bất lợi cho đảng?
Xem ra Hà Nội đã cởi mở hơn so với Bắc Kinh khi cho phép Facebook hoạt động ở Việt Nam để người dân có thể tìm kiếm thông tin ngoài luồng chính thống.
Image copyrightZing.vn
Image caption"Đầu thập niên 1990 với Đại hội VII râm ran tin đồn đảo chánh. Đầu năm 2016 không khí chính trị Việt Nam cũng bất an khi quân đội, công an diễn tập dẹp dân tụ họp, chống dân biểu tình."

Đồn đoán giờ chót

Trở lại việc bầu chọn lãnh đạo đang được sôi nổi bàn tán, tiến trình bầu chọn tứ trụ triều đình kỳ này có thể tóm gọn như sau: 16 ủy viên Bộ Chính trị đề cử ứng viên vào các chức vụ. Ủy ban Trung ương Đảng, có 175 thành viên, bỏ phiếu bầu chọn người cho các chức vụ trên theo cách bỏ phiếu kín. Danh sách bốn lãnh đạo được chọn sẽ được đưa ra trước Đại hội Đảng để 1500 đại biểu bỏ phiếu chấp thuận hay không.
Theo những thông tin mới nhất được loan truyền qua mạng lề dân, sau khoá họp 14 để chốt nhân sự lãnh đạo thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng coi như đã bị loại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục làm Tổng Bí thư một đôi năm nữa.
Tuy nhiên những người ủng hộ ông Dũng dường như vẫn nuôi hy vọng có thể lật ngược được thế cờ.
Chuyện gì sẽ xảy ra tại Đại hội XII nếu những những lãnh đạo được Trung ương đề cử không đạt được đa số phiếu ủng hộ của 1500 đại biểu?
Đây là điều khó xảy ra, căn cứ vào những đại hội đảng trước đây, nhưng không thể tiên đoán là sẽ không xảy ra khi mức độ tranh giành chức tổng bí thư đã lên cao như chưa bao giờ thấy.
Nếu như những thông tin mới nhất được loan truyền là đúng, Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư, Trần Đại Quang là Chủ tịch Nước, Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng và Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội thì là một bước cản cho chính sách cải cách tại Việt Nam.
Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng là người giáo điều bảo thủ.
Trong chuyến công du Cuba năm 2012 người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại trường đảng cao cấp Nico Lopez đã mạnh mẽ chỉ trích chế độ tư bản.
Image copyrightGetty
Ông nhấn mạnh đến Trung Quốc, Lào và Việt Nam là những quốc gia đang phát triển nhanh theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Cuba nên theo.
Sau Havana, ông Trọng dự định đến Brazil nhưng bất ngờ là giờ chót phái đoàn của ông Trọng đã không được Tổng thống Dilma Rousseff đón tiếp nên đã phải hủy chuyến viếng thăm. Theo nguồn tin ngoại giao và từ trong nước, vì những phát biểu nặng tính giáo điều xã hội chủ nghĩa ở Cuba nên lãnh đạo Brazil không mặn mà với việc đón tiếp ông Trọng.
Còn Thủ tướng Dũng được cho là lãnh đạo không giáo điều, có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với phương Tây vì thế nếu được nắm chức tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, ông sẽ có thể dễ dàng đưa Việt Nam vào con đường cải cách kinh tế và chính trị nhanh hơn.
Những người chống ông Dũng cho là ông chỉ có những phát biểu mị dân.
Chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo, ông Dũng chỉ hù dọa đưa Bắc Kinh ra trước toà án quốc tế vào một thời điểm thuận tiện mà đến nay Việt Nam vẫn chưa đứng đơn kiện.
Ông còn để Trung Quốc đầu tư ào ạt vào Việt Nam, từ Tây Nguyên, Vũng Áng đến Đà Nẵng.
Ông hô hào chống tham nhũng, không dẹp được tham nhũng ông sẽ từ chức, nhưng qua những vụ tham nhũng lớn như Vinalines, Vinashin xảy ra khi ông đang nắm quyền và đến nay ông vẫn còn tại chức.
Ông Dũng còn nói ông ở lại vì đảng muốn thế.
Thật ra dù có tranh giành chức danh, trong nội bộ các lãnh đạo vẫn phải đặt mục đích bảo vệ đảng là chính để tiếp tục độc quyền cai trị trên đất nước Việt Nam.
Ngoài biển Đông “Tàu lạ, tàu quen đều là Tàu cả”. Còn lãnh đạo Hà Nội hiện nay “Hùng Dũng Sang Trọng đều là cộng sản cả”.
Mai này “Trọng Phúc Quang Ngân” hay “Dũng Nhân Ngân Nghị” hay ai khác nữa lên làm lãnh đạo thì nhân dân cũng chẳng được gì.
Người dân Việt chỉ thực sự làm chủ đất nước khi Đảng Cộng sản từ bỏ độc quyền cai trị, trả lại cho dân quyền tự do bầu cử, ứng cử và chọn người lãnh đạo.
Tác giả dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco.

Không có nhận xét nào: