Pages

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

'Chỉ trông đợi Đại hội Đảng bừng tỉnh'

Image copyrightAFP
Image caption"Đảng Cộng sản VN cũng chưa thoát khỏi vai trò nạn nhân của các ý đồ giữa các nước Trung Quốc và Hoa Kỳ."
BBC Tiếng Việt giới thiệu một số ý kiến đã gửi về Diễn đàn của chúng tôi những ngày qua về nhân sự và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam nhân kỳ Đại hội 12 của Đảng này:

Người Hà Nội:

Cách mạng Việt Nam là cách mạng của những người nghèo. Đã là người nghèo thì chủ yếu có lòng căm thù quyết chí chết thôi đấu tranh đòi quyền sống và hạnh phúc cho giới mình, cho gia đình mình. Lấy đâu ra học vấn, tư duy sâu rộng và minh triết như các nhân sĩ trí thức yêu nước, kể cả những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản của các tầng lớp người nghèo công nông (thực trạng đó không chỉ ở Việt Nam).

Do đó khi chiến đấu “cơ bắp” (mà có sự giúp đỡ mạnh mẽ của bên ngoài) thì dễ thành công. Nhưng khi đã thành công rồi, thì đảng của người nghèo ít học đương nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn và vấp váp, thậm chí thất bại, nếu họ vẫn theo đường lối cộng sản độc quyền toàn trị sai lầm, lại thiếu khiêm tôn, thậm chí ngạo mạn với chiến công của mình.
Đảng CSVN cũng không ngoài quy luật đó. Hiện nay, thực tế nhân dân và ngay Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chưa thoát khỏi là nạn nhân của các ý đồ thâm sâu, thậm chí độc ác, giữa các nước lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhiều nhà lãnh đạo VN và đa số nhân dân chỉ thấy những câu chuyện hệ quả bề ngoài như tham nhũng, tiêu cực, phe nhóm, đối đầu tại Biển Đông, sự chống phá của thế lực "VNCH"...và đã bị lẫn lộn, u mê, sa lầy trong những câu chuyện cụ thể bề mặt đó, mặc dù trong thâm tâm họ đều là những người thực sự yêu nước thương nòi.
Ông Trọng không phải là một nhà lý luận sâu sắc, tài giỏi, nên cũng bị hoang mang, lẫn lộn, giao động; các ông Sang, ông Hùng lại càng như vậy. Ông Dũng, do đã tôi luyện thực tế kháng chiến nhiều hơn cả, lại thường xuyên làm việc với các chuyên gia nước ngoài nên dần dần đã trưởng thành hơn trong thực tiến công việc và tư duy sâu hơn hẳn ba ông còn lại.
Trong chế độ độc quyền chính trị như ở Việt Nam, thì ai ký tá nhiều hơn là bị "mua chuộc" đút lót nhiều hơn. Đó là quy luật chỉ mang tính hệ quả của chế độ độc quyền mất dân chủ.
Image copyrightReuters
Image captionHai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Sinh Hùng
Từ ông Trọng đến ông Sang, ông Hùng và tất cả các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều lầm lẫn hết về bản chất, quá lo lắng sẽ mất ổn định và “mất” "chế độ" , lại bị Trung Quốc sát nách đầy mưu cao kế sâu kìm kẹp (vì ý đồ chiến lược đại cục của họ), lại vì cái dư âm là bạn đồng minh trong cách mạng dân tộc thủa trước làm lẫn lộn lớn. Đã thế, các ông lãnh đạo của ta lại tự bưng bít thông tin, nên đã quá u mê, nên ngày càng lao vào con đường mâu thuẫn sai lầm.
Nay chỉ còn hy vọng: ra Đại hội, nếu các ông ấy chịu để cho các Đại biểu được dân chủ trao đổi cho vỡ nhẽ ra, làm “bừng tỉnh” ngay cả giới lãnh đạo - trong đó có người vừa yêu nước thực sự, nhưng vừa U Mê đến phát khóc vì ngạc nhiên không hiểu nổi: Tại sao lòng dân lại trái ý Đảng? - khi đó chắc chắn đại cục của Việt Nam sẽ thay đổi, và các bên sẽ cùng thắng.
Xu thế tiến hóa văn minh của thời đại cuối cùng nhất định sẽ chiến thắng!

Thuận An:

Ngày 4/1/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa 14.
Trong chỉ thị có nêu “không đưa vào danh sách ứng cử những người có tham vọng quyền lực”.
Nếu chỉ đọc lướt qua thì thấy câu này rất chặt chẽ trong việc lựa chọn nhân sự nhưng suy nghĩ kỹ thì thấy câu này là không đúng, thậm chí là một sai lầm rất nghiêm trọng.
Trọn cuộc đời của một con người ai cũng có một mong ước, khát vọng đạt được một vấn đề gì đó cũng có thể coi đó là một tham vọng. Có người tham vọng trở thành triệu phú, trở thành bác sĩ, luật sư, bác học,... có người làm việc trong cơ quan công quyền có tham vọng giữ một cương vị gì đó theo khả năng của mình...
Điều này chứng minh ở các nước tiên tiến, quyền lực là mục tiêu của chạy đua chính trị, chúng ta chứng kiến những cuộc tranh cử tổng thống, thủ tướng của các nước rất quyết liệt. Trước hết những nhân vật đó phải là người có tham vọng quyền lực, thậm chí là đỉnh cao tham vọng của họ. Mục tiêu để giành được chức tổng thống hoặc thủ tướng không chỉ là vinh quang bản thân mà hơn thế, họ đều là những người muốn cống hiến, muốn thay đổi để phát triển đất nước họ.
Tôi rất tâm đắc với câu nói bất hủ của Napoleon - nhà quân sự và chính trị kiệt xuất của nước Pháp: “Người lính mà không ước mơ trở thành tướng là một người lính tồi”.
Có thể kết luận, dưới sự lãnh đạo của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sắp tới đây đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nước ta chỉ gồm hai loại người:
- Loại người thứ nhất toàn là người nói dối.
- Loại người thứ hai là thờ ơ, không thiết tha gì với chức vụ mà họ được đề cử.
Nhìn vào đội ngũ của một quốc gia toàn những người như vậy thì làm sao đất nước phát triển được?
Cuối cùng, tạm nêu một câu hỏi: ông Nguyễn Phú Trọng là loại người nào?

Công dân:

Image copyrightGetty
Image captionCuối cùng, tạm nêu một câu hỏi: Ông Nguyễn Phú Trọng là loại người nào?
Kỳ đại hội 12 diễn ra trong tháng 1 là một kỳ đại hội thể hiện sự lúng túng và mất tập trung trong cơ cấu nhân sự, thể hiện sự mâu thuẫn rõ nét về đường lối quan điểm, về luận cứ chính trị của một đảng cộng sản, về sự mất niềm tin của những đảng viên trung thành với lý tưởng cộng sản, nó thể hiện sự thắng thế của số đông là đảng viên vào đảng để cơ hội kiếm trác mưu sinh, để trú ẩn tồn tại sinh tồn trên đất nước Việt nam.
Với tất cả đảng viên thuộc nhóm mưu sinh cơ hội, họ đâu cần một tổng bí thư mạnh mẽ, đâu cần một tổng bí thư xuất chúng. Họ chỉ cần một tổng bí thư là người cầm trịch đảng hoạt động một cách bình thường như ông Nông Đức Mạnh, như ông Nguyễn phú Trọng, để làm sao Đảng CSVN vẫn luôn cầm quyền, luôn ổn định nội bộ như hiện tại, được như vậy tức là nhóm đảng viên này có một môi trường béo bở kiếm chác thuận lợi.
Với cấu trúc tổ chức đảng như hiện nay, tất cả những đảng viên trung kiên theo đường lối Marxist thuần khiết đều thuộc diện lép vế không có tiếng nói trong đảng. Những đảng viên này đều hạn chế về mặt tư duy hiện đại hôm nay.
Với những đối tượng là đảng viên thuộc nhóm mưu sinh cơ hội, họ đều là những đối tượng mưu lược, thiên biến vạn hóa pha nhiều phần lưu manh hiện đại. Những đối tượng này kết dính với nhau nhanh chóng để lấn át các nhóm đối tượng đảng viên khác trong đảng.
Như vậy với kỳ đại hội 12 này, sẽ không thể có sự thay đổi tiến bộ hơn các kỳ đại hội trước là mấy, nghị quyết đại hội vẫn sẽ đưa ra như sau: Giữ vững thể chế , giữ vững đảng, giữ vững chủ quyền đất nước, giữ vững an ninh chính trị xã hội, thu nhập đầu người trung bình từ ba ngàn tới bốn ngàn USD đầu người một năm.
Kỳ đại hội này, là một kỳ đại hội sắp đặt, mua bán, mặc cả và đánh nhau về vị trí, về nhân sự, có nhiều sự mâu thuẫn nội bộ mà hiện nay chưa thể dàn xếp được.
Đối với dân chúng thì ai thay nhau làm tổng bí thư, hay thủ tướng thì mọi vấn đề vẫn vậy, thuế vẫn tăng, phí vẫn cao và nhiều, đóng góp xã hội hóa vẫn nhiều lên và bộ máy đảng chính quyền vẫn phình to và đảng cũng chỉ là một cái gì đó thường thôi.

Nguyễn Trung Chính:

Để chuẩn bị Đại hội 12, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng huy động 5.200 quân nhân nhằm đối phó với mọi khả năng.
Việc này chưa có tiền lệ trong bất cứ đại hội đảng từ trước đến nay.
Đồng thời ông Trọng 'kéo' các ông Nguyễn Sinh Hùng, Trương Tấn Sang vào 'phe bảo thủ' của mình với mục đích duy nhất là 'gạt phăng' Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 'cho bằng được', bất chấp những xáo trộn nguy hiểm có thể xảy ra cho đất nước.
Sau Hội nghị Trung ương 13, ngày 23/12/2015, ông Nguyễn Sinh Hùng đã đi Trung Quốc gặp Tập Cận Bình để 'hứa':
"Luôn coi trọng việc gìn giữ, kế thừa và phát huy tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt - Trung do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp."
Ông Tập 'chấp nhận' lời hứa của ông Nguyễn Sinh Hùng và vì ông Nguyễn Sinh Hùng chỉ đề cập chung chung, cho có lệ, vấn đề trên Biển Đông, nên ông Tập không hé răng về hành động xâm lược của họ.
Trung Quốc vẫn tăng cường nhiều đợt diễn tập quân sự trên biển, im lìm xây dựng Hoàng Sa, bồi đắp các đảo, bãi đá với những đường băng quân sự ở Trường Sa, đồng thời duy trì lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam.
Image copyrightGetty
Image captionThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị chống đối trên hai vấn đề: kinh tế và quan hệ với TQ
Theo thống kê của Cục Kiểm ngư Việt Nam, tính đến tháng 11/2015, gần 3.720 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam, tăng 50% so với năm trước và số tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung Quốc kiểm soát, xua đuổi, đập phá, tịch thu tài sản và đâm chìm vẫn tăng.
Rõ ràng "tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt – Trung" mà phe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng để 'tấn công' Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ 'làm lợi' cho âm mưu xâm lược của Trung Quốc, mặc nhiên 'nhắm mắt' để Trung Quốc được đằng chân lân đằng đầu trong chiến lược gậm nhắm từ từ, im lìm mà chưa cần đe dọa vũ lực ở Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị chống đối trên hai vấn đề: thứ nhất là đổi mới thể chế cho phù hợp với nền kinh tế mà nhà nước VN luôn luôn công khai xin các nước phát triển công nhận đó là nền kinh tế thị trường đích thực; thứ hai là không đổi độc lập chủ quyền biển đảo lấy "hữu nghị viển vông" với Trung Quốc...
...Với sự 'hà hơi tiếp sức' của Trung Quốc, 'phe' các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Trương Tấn Sang có thể đoạt được 'tính mạng chính trị' của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Đại hội 12. Cũng có thể lắm.
Nhưng khi đó người dân phải chịu trách nhiệm phần nào vì đã thờ ơ, không chịu dồn sức giúp cái hy vọng mong manh 'dìm cái xấu xa' của những người 'bảo thủ giáo điều', 'rập đầu theo Tàu' đang làm 'điêu đứng' đất nước chúng ta. Giới trí thức, sĩ phu đất nước khi đó phải chịu búa rìu dư luận.
Các ý kiến trên thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, hưởng ứng chuyên mục 'Viết về Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12' của BBC Việt ngữ. Mời quý vị gửi bài vở, ý kiến đóng góp tại địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.

Không có nhận xét nào: