Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011
Tại sao chưa đến Việt Nam?
Đoàn Viết Hoạt - Dân chủ hóa là một trào lưu thời đại, một xu thế tất yếu, đã xẩy ra tại các nước Đông Âu, tại các nước Trung Á, và giờ đây đang xẩy ra tại các nước thuộc khối Hồi Giáo Bắc Phi và Trung Đông. Tại sao chưa xẩy ra tại Việt Nam, một nước cộng sản đang đổi mới?
Để trả lời câu hỏi này cần phân tích những điểm tương đồng và dị biệt giữa Việt Nam và các nước Hồi giáo Bắc Phi, để từ đó nhận ra được những yếu tố nào cần có để cách mạng dân chủ có thể xẩy ra tại Việt Nam.
Tương đồng
Chúng ta hãy tập trung vào hai nước Bắc Phi đã thành công bước đầu, đó là Tunisia và Ai Cập. Chúng ta thấy giữa Việt Nam và hai nước Bắc Phi này có 2 điểm tương đồng về kinh tế và xã hội. Trước hết, về kinh tế, cả ba nước đều đã trải qua một thời kỳ cải cách kinh tế trong hơn 20 năm qua, chuyển đổi từ kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường, và đã đạt được mức phát triển tương đối cao, từ 5 đến 7% mỗi năm. Lợi tức đầu người tăng từ 3 đến 5 lần so với trước khi cải cách kinh tế; tỷ lệ dân nghèo giảm từ 25-30% dân số xuống còn trên dưới 10%. Hiện nay cả ba nước đều đã được World Bank đánh giá là đã từ mức các nước có lợi tức thấp chuyển sang mức các nước có lợi tức trung bình thấp.
Về mặt xã hội, dân số ở cả ba nước này đều rất trẻ: trên 50% ở lứa tuổi dưới 30. Thành phần trẻ, nhất là nữ thanh niên, ngày càng có học và học cao hơn, tham gia nhiều hơn vào sinh họat kinh tế, xã hội, và có khả năng truy cập thông tin, kiến thức, nhiều và nhanh hơn, qua các mạng điện tử. Đây là lý do tại sao những người tổ chức và tham gia biểu tình đều rất trẻ, và đặc biệt, xuất hiện nhiều khuôn mặt nữ trong cuộc cách mạng dân chủ ở hai nước Hồi Giáo Tunisia và Ai cập, và hiện cũng đang xuất hiện tại Việt Nam. Một điểm nữa là ở cả ba nước đều có những tệ nạn xã hội giống nhau: tham nhũng, hối lộ, cửa quyền; chênh lệch giầu-nghèo, nông thôn-thành thị ngày một tăng, trong đó tầng lớp quyền quí có lợi tức bạc tỷ đô la, từ các nguồn lợi bất chánh, sống xa hoa phung phí trên sức lao động cực khổ của đa số nhân dân. Tốc độ kỹ nghệ hoá và đô thị hóa nhanh, thiếu qui hoạch, tạo thêm các vấn đề xã hội cho các thành phố, nâng cao tỷ lệ thất nghiệp, nhất là trong thành phần trẻ, tốt nghiệp trung học và đại học. Đây là nguồn nhân lực dồi dào cho các cuộc xuống đường. Và sau cùng, ở cả ba nước, kinh tế phát triển trong bối cảnh một cơ chế chính trị độc tài, chính quyền tham nhũng, thiếu trong sáng, luật pháp thiếu công minh, các quyền tự do căn bản bị hạn chế hoặc hoàn toàn bị chà đạp. Bối cảnh chinh trị-xã hội này đã tạo nên sự bất mãn tràn lan và mạnh mẽ trong dân chúng, chỉ chờ dịp nổ bùng ra. Ở Việt Nam bất mãn cũng đã làm nổ ra nhiều cuộc xuống đường, từ dân oan đến thanh niên sinh viên, tín đồ tôn giáo, đồng bào Thượng, và cả những hình thức phản kháng khác, chính trị và phi chính trị. Nhưng tại sao Việt Nam chưa có được một cuộc tổng nổi dậy làm sụp đổ chế độ độc tài kéo dài hơn nửa thế kỷ, như tại Tunisia và Ai cập? Có những khác biệt nào giữa Việt Nam với hai nước Bắc Phi khiến cho cách mạng dân chủ chưa xẩy ra được, dù nhiều người mong muốn?
Dị Biệt
Trước hết, các cuộc cách mạng dân chủ đã xẩy ra từ đệ nhị thế chiến đến nay đều diễn biến khác nhau, không đợt nào giống đợt nào –từ đợt dân chủ hóa tại các nước cựu thuộc địa mới dành lại độc lập, đến đợt dân chủ hóa tại Liên Sô và các nước Đông Âu, sau đó là các cuộc biến động tại vùng Trung Á, và giờ đây đến đợt dân chủ hóa tại các nước độc tài Hồi giáo. So sánh Việt Nam với các nước Bắc Phi và Trung Đông, điểm khác biệt đầu tiên dễ thấy là tất cả những nước này đều là những nước Hồi giáo không cộng sản –trừ Lybia, có một thứ chủ nghĩa xã hội riêng của Gaddhafi. Các nước này đều đã áp dụng nguyên tắc tách biệt giữa chính quyền và giáo hội, giữa chính trị và tôn giáo, dù ở mỗi nước mức độ tách biệt có khác nhau.
Ngoài ra, giữa Việt Nam và hai nước Bắc Phi còn có nhiều điểm khác biệt về kinh tế, chính trị và đường lối đối ngoại. Về kinh tế, dù phát triển nhanh, lợi tức đầu người của Việt Nam còn thấp ($1.032, năm 2009, theo World Bank) so với Ai Cập ($2,270) và Tunisia ($3,792). Tỷ lệ lao động nông nghiệp tại Việt Nam còn chiếm 60% tổng số lao động, so với 20% tại Tunisia và 30% tại Ai Cập. Như vậy Việt Nam vẫn phát triển ở mức thấp hơn Tunisia và Ai cập về mặt kinh tế.
Về chính trị, ở Tunisia và Ai Cập đều đã có những họat động chính trị đối lập và những cuộc bầu cử đa đảng, ngay cả bầu cử Tổng Thống cũng có hai ba ứng cử viên, và trực tiếp do dân bầu. Dù đảng cầm quyền luôn dành được đa số ghế trong Quốc Hội qua các cuộc bầu cử gian lận, nhưng Tunisia cũng đã có 8 chính đảng đối lập được phép họat động, trong đó 6 chính đảng có ghế trong Quốc Hội; Ai cập có 7 chính đảng đối lập có ghế trong Quốc Hội dù hai chính đảng đối lập mạnh nhất cũng chỉ có được 6 và 5 ghế. Ở Tunisia và Ai cập cũng đã có báo chí tư nhân, dù vẫn bị đàn áp và kiểm duyệt. Đây là điểm mà Việt Nam, cũng như Lybia, hoàn toàn chưa có.
Điểm khác biệt thứ hai, về mặt chính trị, là ở Việt Nam đảng cầm quyền là đảng cộng sản, mà đảng CS thì chúng ta đã biết, hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới rất chặt chẽ và thống nhất, nắm tất cả, từ công an, quân đội, đến chính quyền, từ giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, truyền thông báo chí đến các hội đoàn quần chúng. Nó khác hoàn toàn với các đảng cầm quyền ở bất cứ nước nào không phải là cộng sản. Về điểm này, Lybia giống Việt Nam. Lybia cũng có một hệ thống chính trị, chặt chẽ còn hơn đảng, cũng từ trên xuống dưới, nắm toàn bộ sinh hoạt xã hội, một hệ thống chính trị song song với hệ thống nhà nước và chi phối toàn bộ xã hội. Cách mạng ở Lybia đã bùng nổ ra khác với Tunisia và Ai cập cũng vì thế.
Về mặt đối ngọai, hai nước Bắc Phi đều đã thân Tây phương, đã được Mỹ và Âu Châu viện trợ. Và quan trọng nữa là Tunisia và Ai cập đều không chịu áp lực của một cường quốc lân bang như Trung quốc đối với Việt Nam. Việt Nam chưa thân thiện hẳn được với Mỹ, dù đang muốn, trong khi đó lại bắt buộc phải thân thiện với Trung quốc dù luôn bị Trung quốc kiềm chế. Đây là một trong những trở lực đáng kể cho cuộc vận động dân chủ. Tình trạng này khiến chúng ta phải suy nghĩ xem ở Việt Nam phải thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa như thế nào để phong trào dân chủ có thể tiến ra được, và để Việt Nam có thể chuyển sang dân chủ mà không phải đối đầu với Trung quốc. Nếu không tìm cách chuyển hóa dân chủ thích hợp thì trước mắt, Việt Nam có thể bị Trung quốc can thiệp rất nhanh trước khi Tây phương kịp hành động, dù có muốn như ở Lybia hiện nay.
Những yếu tố cần có
Những khác biệt khá to lớn nói trên –về văn hóa, kinh tế, chính trị và quan hệ quốc tế– giữa Việt Nam và hai nước Bắc Phi, cho ta thấy Việt Nam còn cần thêm thời gian để có đủ những yếu tố cần thiết cho một “đột biến” dân chủ, dù đột biến đó xẩy ra như thế nào. Theo chúng tôi, những yếu tố này nằm trong 3 khu vực đóng vai trò tác nhân thúc đẩy tiến trình dân chủ để đưa đến đột biến đó.
Khối tác nhân thứ nhất bao gồm ban lãnh đạo cộng sản và đường lối, chính sách của họ. Kinh nghiệm Bắc Phi cho ta thấy nơi nào đảng cầm quyền không thuần nhất và phe tiến bộ mạnh hơn thì nơi đó cách mạng dân chủ ít đổ máu và thành công nhanh hơn: Ai cập chỉ cần 18 ngày, Tunisia, 24 ngày, còn Lybia đến nay vẫn nội chiến. Như vậy, cần có được những thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng trong nội bộ ban lãnh đạo đảng cộng sản theo chiều hướng dân chủ hơn, trong sáng hơn, tiến bộ hơn. Đồng thời, cần có những cải cách mạnh mẽ về luật pháp, hành chánh, công quyền theo hướng phù hợp hơn với các nguyên tắc văn minh của thế giới. Những cải cách này nhằm tạo thuận lợi cho tiến trình tự do hóa xã hội và dân chủ hóa cơ chế chính quyền. Các yếu tố này tại Việt Nam đã manh nha nhưng chưa đủ vững mạnh. Và sẽ không đủ nếu không có áp lực vào ban lãnh đạo cộng sản, ngày càng mạnh hơn và từ nhiều phía.
Khối tác nhân thứ hai gồm 3 yếu tố là quần chúng, thành phần trí thức trẻ tiến bộ, và lực lượng dân chủ nồng cốt. Quần chúng đã sẵn sàng, đã tự phát đấu tranh nhiều lần, nhưng không thể có “đột biến” toàn diện, rộng lớn nếu thành phần trí thức trẻ thành thị chưa tích cực tham gia, hoặc muốn nhưng chưa tham gia được, và nhất là nếu không có lực lượng dân chủ nồng cốt có khả năng tổ chức và hướng dẫn được quần chúng trước và trong khi cách mạng nổ ra, mà không bị phá vỡ quá sớm. Hai yếu tố sau cùng này đang xuất hiện nhưng chưa đủ mạnh cả về chất và về lượng.
Khối tác nhân thứ ba bao gồm các yếu tố tác động vào Việt Nam từ hải ngọai và từ quốc tế. Quốc tế đã tác động khá mạnh và có hiệu quả vào khối tác nhân thứ nhất, tập trung vào thay đổi kinh tế trong 20 năm qua, và hiện đang chuyển sang các lãnh vực ngoài kinh tế như hành chánh, luật pháp, giáo dục, thông tin… Vận động của cộng đồng hải ngọai cần được điều chỉnh để hỗ trợ hữu hiệu hơn khối tác nhân thứ hai, giúp khối này có được thực lực để vừa tiếp tục áp lực vào khối tác nhân thứ nhất vừa chuẩn bị cho đột biến chính trị khi có cơ hội.
Cả ba khối tác nhân này đều cần thiết, đều tác động vào tiến trình chuyển hóa dẫn đến đột biến dân chủ; tuy nhiên, đột biến xẩy ra nhanh hay chậm, bạo động nhiều hay ít, tùy thuộc nhiều vào biến đổi chất và lượng của hai khối tác nhân một và hai. Trong bài sau chúng tôi sẽ đề xuất các phương thức để giúp tăng cường chất và lượng cần thiết và thích hợp trong hai khối tác nhân này.
© Đoàn Viết Hoạt
© Đàn Chim Việt
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét